Tăng thời gian nghỉ thai sản sẽ đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ
* Bác sĩ TRẦN THỊ NGUYỆT, Chuyên khoa cấp I Sản phụ khoa, Phó Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn. -Thưa bác sĩ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) là một trong những việc làm quan trọng nhằm đảm bảo sức khoẻ cho bà mẹ và em bé. Đề nghị bác sĩ cho biết kết quả đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và quản lý thai sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?
 |
- Trong những năm qua, được sự quan tâm của Vụ bà mẹ trẻ em-Bộ Y tế, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Sở Y tế, sự phối hợp của các ban ngành trong tỉnh, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ như tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plan, Tầm nhìn thế giới...và nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ sinh sản từ tỉnh đến y tế thôn bản, công tác CSSKSS được mở rộng, từng bước nâng cao về chất lượng, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chiến lược sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2001- 2015. Công tác thông tin-giáo dục-truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh với các hình thức đa dạng để đông đảo tầng lớp nhân dân được tiếp cận với những thông tin đầy đủ, chính xác về công tác CSSKSS nói chung và chăm sóc thai nghén nói riêng. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên và các già làng, trưởng bản làm tốt công tác truyền thông, góp phần nâng cao hiệu quả thông tin-giáo dục-truyền thông, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác quản lý thai nghén có nhiều tiến bộ theo từng năm, qua đó cho thấy nhận thức, hành vi của các bà mẹ về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ khi mang thai và chuẩn bị sinh đẻ có nhiều chuyển biến tích cực. Mặt khác cũng phản ánh được những cố gắng, nỗ lực đội ngũ cán bộ y tế trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản và nhân viên y tế thôn bản tại cộng đồng, đặc biệt ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện miền núi Hướng Hoá, Đakrông và một số xã của huyện Vĩnh Linh. Giảm tử vong mẹ là mục tiêu ưu tiên của chiến lược chăm sóc sức khỏe sinh sản, là chỉ số tác động phản ánh tình hình kinh tế- xã hội và tình hình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ. Chỉ tiêu này vượt kế hoạch của chiến lược quốc gia đề ra, năm 2001 là 68%o; 9 tháng đầu năm 2011 là 27,2%o. Trước đây, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám từ 3 lần trở lên còn rất thấp bởi vì đa số các bà mẹ cho rằng mang thai 3 tháng đầu chưa cần đi khám, chỉ đi khám thai từ tháng thứ 4 trở đi. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mang thai các bà mẹ đều đến cở sở y tế để sinh và được chăm sóc thai nghén đầy đủ, do đó giảm được đáng kể tỷ lệ tai biến sản khoa. - Liên quan đến việc CSSKSS cho bà mẹ và trẻ em, được biết tại kỳ họp lần này, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đa số ý kiến các đại biểu cho rằng việc nâng mức thai sản của phụ nữ lên 6 tháng là hợp lý. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về vấn đề này? - Trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/10/2011, Chính phủ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản lên 5 tháng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chốt” mức 6 tháng, tuy nhiên người lao động có thể tùy chọn đi làm sớm hơn nhưng không trước 4 tháng.
 |
Chăm sóc định kỳ cho bà mẹ mang thai - Ảnh: K.K.S |
Chính phủ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng lên 6 tháng đối với lao động nữ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cơ quan thẩm tra đề xuất nên quy định linh hoạt, đưa ra mức sàn tối thiểu 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, tùy điều kiện cụ thể, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ 4-6 tháng. Chúng tôi rất tán thành quan điểm cho rằng cần phải tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng. Điều này rất quan trọng vì bảo đảm sức khoẻ của lao động nữ và trẻ sơ sinh, không những phù hợp với khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) mà còn phù hợp với nguyện vọng của đa số lao động nữ khi sinh con. Ai cũng biết, những năm đầu đời của trẻ sơ sinh rất quan trọng, nếu bé được chăm sóc tốt trong vòng tay yêu thương của mẹ, không bị ốm đau sẽ là cơ sở cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho bé sau này. Với quy định nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay, các lao động nữ rất khó thực hiện khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế về nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tạo thành một vòng luẩn quẩn: mẹ đi làm - trẻ thiếu sữa - hay ốm - mẹ nghỉ làm - năng suất lao động thấp… Thống kê mới nhất của Bộ Y tế năm vừa qua cho thấy, chỉ có hơn 18% trẻ em Việt Nam được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Đối với Quảng Trị, trong những năm qua tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm đáng kể. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề y tế đáng quan tâm vì trong đó có gần 1/3 trẻ bị thấp còi và 1/5 trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; 86% bà mẹ cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh nhưng chỉ có chưa đến 1/10 trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn và 1/4 số trẻ được tiếp tục bú mẹ cho đến 24 tháng tuổi. Tăng thời gian nghỉ thai sản nếu được áp dụng người mẹ sẽ được hưởng các quyền lợi như quy định hiện nay. Ngược dòng thời gian sẽ thấy quy định chính sách thai sản của nước ta đã có nhiều thay đổi. Thời kỳ từ trước năm 1985, quy định người mẹ chỉ được nghỉ sinh con hai tháng. Nhiều bà mẹ đã phải cố gắng đi làm tới tận ngày sinh để dành trọn vẹn hai tháng nghỉ chăm con. Cùng thời điểm đó, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng rất cao (50%). Thậm chí ở một số địa phương, con số này còn chạm mốc 53-56%. Quyết định số 121-HĐBT ngày 19/4/1985 đã sửa đổi chế độ nghỉ thai sản từ hai tháng lên sáu tháng, chứng tỏ chính sách bảo hiểm xã hội thời kỳ này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, thể hiện nỗ lực rất lớn trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1995, theo Bộ luật Lao động mới, Chính phủ đã quy định lại thời gian nghỉ thai sản rút gọn xuống còn 4 tháng và áp dụng tới nay. Trong điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống ngày càng được cải thiện, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách cho các bà mẹ được nghỉ một thời gian dài hơn sau sinh, tối thiểu 6 tháng là hợp lý. Điều này giúp cho trẻ nhỏ được nuôi nấng bằng sữa mẹ tốt hơn, tăng cường sức khoẻ cho cả bà mẹ và trẻ em, góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các thế hệ sau này. Nhìn chung, việc đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4-5 tháng là hợp lý. Trong thời gian nghỉ sinh, các bà mẹ có thêm thời gian chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và con mình. Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được hưởng chế độ khi sinh con. -Xin cảm ơn bác sĩ! KÔ KĂN SƯƠNG (thực hiện)