Cập nhật:  GMT+7

Quyết tâm không để ai ở lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số diễn ra sáng nay 19/1. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Võ Văn Hưng cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

Quyết tâm không để ai ở lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cùng lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Lê Minh

Doanh thu thương mại điện tử đạt 20,5 tỉ USD

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Công tác chuyển đổi số thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật. Giai đoạn 2021 - 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành 43 quyết định, 14 chỉ thị, 4 công điện và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính đã tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Giai đoạn 2021 - 2024, Quốc hội đã ban hành 3 luật liên quan (Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước); Chính phủ đã ban hành 19 nghị định; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 45 thông tư.

Về chính quyền số, hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh, có 16,4 triệu tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp 4.543/6.325 thủ tục hành chính, 43/53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06.

Kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong đó sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỉ USD năm 2021 lên 117,3 tỉ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024 đạt 64,9 tỉ USD, tăng 23%.

Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá (năm 2023: 13 tỉ USD; 6 tháng 2024: 6 tỉ USD); xuất khẩu năm 2023 đạt 7,5 tỉ USD; 6 tháng 2024 đạt gần 3 tỉ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo...

Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỉ USD năm 2021 lên 20,5 tỉ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%.

Hiện có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó 72% khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hệ thống thuế điện tử được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và triển khai Hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc (xử lý 8,8 tỉ hóa đơn).

Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, như đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trực tuyến trong giáo dục; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử...; 63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 1,96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỉ đồng.

Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển với 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả chuyển đổi số của Việt Nam. Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132. Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.

Quyết tâm không để ai ở lại phía sau trong tiến trình chuyển số

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian qua, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những động lực lớn trong phát triển KT - XH trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo. Chính vì vậy, chuyển đổi số là xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung vào 5 trọng tâm, gồm: Phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; quản lý, điều hành số hóa, thông minh; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền...

Bên cạnh đó, cần mạnh dạn “tăng tốc”, “bứt phá” trong chuyển đổi số với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần 5 “đẩy mạnh”, 5 “bảo đảm” gắn với 5 “không”.

“5 đẩy mạnh” gồm đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.

“5 bảo đảm” gồm bảo đảm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số; bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; bảo đảm nhân lực cho chuyển đổi số và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thị trường; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

“5 không” gồm không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06; không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử, phòng chống tham nhũng; không giấy tờ, hướng tới số hóa toàn diện; không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí tuân thủ.

Từ mục tiêu đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nhằm triển khai có hiệu quả tiến trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần đưa Việt Nam phát triển vững mạnh.

Lê Minh

Tin liên quan:
  • Quyết tâm không để ai ở lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia
    Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để mang lại thành công chuyển đổi số

    Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Nắm bắt cơ hội này, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành điện trực tiếp ứng dụng AI vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Qua đó, không chỉ giúp đổi mới công tác quản lý, vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh mà còn giúp công ty chuyển đổi số thành công.

  • Quyết tâm không để ai ở lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia
    Chuyển đổi số để phát triển ngành du lịch

    Hiện nay, tại Quảng Trị, ngành chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch đã và đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm khai thác hiệu quả các giá trị từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch.

  • Quyết tâm không để ai ở lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia
    Chuyển đổi số phải là chuyển đổi, rồi mới đến số

    Khi nói về khái niệm “chuyển đổi số”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “công nghệ”. Nhưng thực ra, chuyển đổi số phải xoay quanh một vấn đề cốt lõi là “con người”: Chuyển đổi số là bởi con người, cho con người và vì con người.

  • Quyết tâm không để ai ở lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia
    Ứng dụng chuyển đổi số để phát triển kinh tế

    Nhờ ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển kinh tế, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội thay đổi cuộc sống. Chuyển đổi số không chỉ giúp chị em thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần nâng cao quyền năng kinh tế, vị thế của bản thân trong gia đình và xã hội.


Lê Minh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long