Phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong phát triển kinh tế ở các xã ven biển
(QT) - Xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo của Đảng, với chức năng và nhiệm vụ được giao, thời gian qua, cấp ủy đảng ở các xã ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thể hiện được vai trò của mình trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Do đó, công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở các xã, thị trấn ven biển đến nay đạt được kết quả đáng ghi nhận, số đảng bộ được xếp loại trong sạch, vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu chiếm tỷ lệ cao, không có đơn vị xếp loại yếu kém.
 |
Người dân vùng biển phơi cá |
Quảng Trị hiện có 141 xã, phường, thị trấn, trong đó có 12 xã và 2 thị trấn thuộc vùng ven biển ở 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Tại 14 xã, thị trấn này đã thành lập đảng bộ cơ sở với 146 chi bộ trực thuộc có số lượng đảng viên 2.499 đồng chí. Trong đó, đảng bộ xã có số lượng đảng viên đông nhất là Vĩnh Giang với 321 đảng viên, đảng bộ có ít đảng viên nhất là Hải Khê với 80 đảng viên. Những năm qua, công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở các xã, thị trấn ven biển đặc biệt được các cấp ủy ở các địa phương ven biển chú trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài việc tổ chức học tập, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các huyện đã quán triệt đầy đủ cho cấp ủy cơ sở nội dung Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở phường, thị trấn; Quy định số 95-QĐ/TW, ngày 3/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở xã. 2 quy định này được xem là “cẩm nang”, là “cơ sở pháp lý” để đảng bộ cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ở địa phương. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện việc phân công các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành, kể cả các đồng chí là lãnh đạo, chuyên viên các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện phụ trách, theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ cho cơ sở và gắn trách nhiệm đối với các tổ chức cơ sở đảng, lấy kết quả hoạt động của đảng bộ làm cơ sở để xếp loại cuối năm đối với cán bộ, đảng viên; đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Với quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, ban thường vụ các huyện đã chú trọng, tập trung lãnh đạo cấp ủy các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ. Ngày 21/7/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 quy định: Quy định số 03-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trực thuộc đảng ủy phường, thị trấn; Quy định số 04-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trực thuộc đảng ủy xã . Việc ban hành 2 quy định này đã giúp cho các chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh. Bằng việc huy động các nguồn lực khác nhau, các xã, thị trấn vùng ven biển được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư rất lớn về nguồn vốn và cơ sở hạ tầng như: Xây dựng tuyến đường kết nối các xã, thị trấn ven biển; cơ sở hậu cần nghề cá; các điểm du lịch dịch vụ ở Cửa Việt, Cửa Tùng; quy hoạch xây dựng các cảng biển Cửa Việt, Mỹ Thủy; đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử; tập trung các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề, tổ chức xuất khẩu lao động... Dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương và bám sát các chỉ tiêu của nghị quyết đại hội đảng bộ xã, thị trấn, của cấp trên, các cấp ủy đảng ở các xã ven biển đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành, các lĩnh vực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đầu tư trang bị tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt hải sản xa bờ,… Đồng thời, lãnh đạo chính quyền cùng cấp cụ thể hóa các chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội, tạo thêm việc làm mới cho người lao động, quản lý và sử dụng tốt các nguồn vốn vay, vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác; phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách xã hội, xoá đói, giảm nghèo; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”, động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, đô thị văn minh. Kinh tế phát triển kéo theo các hoạt động văn hoá, xã hội được quan tâm và triển khai tích cực từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào xây dựng làng, xã văn hoá; cơ quan, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá được phát huy rộng rãi và có chiều sâu. Quốc phòng - an ninh vùng biển được giữ vững, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng. Nhờ vậy, diện mạo của các xã, thị trấn ven biển ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đổi thay, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể. Đến nay, trong 12 xã ven biển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim), các xã còn lại đạt từ 10 đến 15/19 tiêu chí. Sau sự cố cá chết trên biển thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân ven biển Quảng Trị. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện trên quan điểm ưu tiên mọi cơ chế, chính sách, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ cho 16 xã ven biển khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế- xã hội một cách đồng bộ, bền vững và toàn diện. Trước mắt, hỗ trợ ổn định cuộc sống bằng cách phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nghề khác. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân kết hợp với ổn định và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện, xã ven biển, tình hình đánh bắt hải sản của ngư dân đã dần ổn định trở lại, nhiều người dân tiếp tục đầu tư phát triển các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong định hướng phát triển kinh tế, các xã ven biển tiếp tục đầu tư phát triển mạnh các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản có quy mô lớn, xây dựng thương hiệu gắn liền với xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý nước thải sau chế biến… nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của địa phương. Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong phát triển kinh tế ở các xã ven biển cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống trong toàn cán bộ, đảng viên và toàn dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần xây dựng các nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển kinh tế biển trong giai đoạn hiện nay. Cán bộ, đảng viên phải phát huy tính tiên phong, gương mẫu vận động nhân dân thực hiện tốt những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế vùng biển. Thực hiện tốt các nhóm giải pháp phát triển kinh tế biển một cách tích cực, trong đó ưu tiên nhóm giải pháp về chính sách. Phát triển kinh tế biển đúng hướng, bền vững sẽ góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng biển. Bài, ảnh: NGỌC TRANG