Phát huy truyền thống, ngành Kiểm tra Đảng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao
(QT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định công tác kiểm tra, giám sát là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đảng lãnh đạo không chỉ bằng việc xây dựng đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện, bố trí cán bộ mà còn phải kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đúng đường lối, chính sách được thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng. Xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác kiểm tra Đảng, ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I) ra Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng, từ đó ngày này được lấy làm ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng. 66 năm qua, ngành Kiểm tra của Đảng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy đảng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng được xây dựng, củng cố và trưởng thành. Các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 |
Trong ngày hội lớn của quê hương - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Đối với tỉnh Quảng Trị, Đảng bộ tỉnh luôn đặt công tác kiểm tra vào vị trí trọng tâm, gắn kết công tác kiểm tra với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Ngay sau khi thành lập (tháng 4/1930), Tỉnh ủy đã sớm ra nghị quyết, trong đó có nội dung về công tác kiểm tra của Đảng. Tháng 6/1947, Ban Thường vụ (BTV)Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Hà Xuân Mỹ phụ trách công tác kiểm tra và thành lập Tổ Cán bộ kiểm tra của Tỉnh ủy. Tổ Kiểm tra đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra ở các huyện trong tỉnh, giúp Tỉnh ủy xem xét tình hình đoàn kết nội bộ, chuẩn bị và lãnh đạo kháng chiến. Đến năm 1949, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị được thành lập và hoạt động chuyên trách; vừa bám trụ trong lòng dân tham gia kháng chiến, vừa bám cơ sở đảng để kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển chiến tranh nhân dân; nêu cao tinh thần chiến đấu, bám đất, bám dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoà bình lập lại, tỉnh Bình Trị Thiên được hợp nhất, ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là trong các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của Đảng, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Riêng huyện Vĩnh Linh, từ năm 1954- 1975 là Đặc khu trực thuộc Trung ương nên đã thành lập Ủy ban Kiểm tra (UBKT) và hoạt động liên tục đến khi sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên. Từ khi tỉnh Quảng Trị được tái lập tháng 7/1989 đến nay, hệ thống tổ chức UBKT các cấp trong tỉnh ngày càng được kiện toàn, củng cố về tổ chức bộ máy, tăng cường cán bộ, hoạt động ổn định đi vào nền nếp, chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị và BCH Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và UBKT các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 có nhiều chuyển biến tích cực, đồng bộ và có hiệu quả hơn. Năm 2012, UBKT Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng Đảng tham mưu cho BTV Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm đối với 24 tập thể Ban Thường vụ trực thuộc Tỉnh ủy và một số lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); đồng thời, kiểm tra dấu hiệu vi phạm 2 tập thể và 10 cá nhân qua kiểm điểm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). UBKT các cấp đã chủ động phối hợp tham mưu giúp cấp ủy triển khai gợi ý kiểm điểm và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch kiểm điểm đối với một số cấp ủy, BTV cấp ủy trực thuộc và một số cán bộ lãnh đạo của các cơ quan tham mưu của Đảng, chính quyền, đoàn thể theo tinh thần nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBKT các cấp đã kiểm tra 173 đảng viên và 32 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết 67 đơn thư tố cáo đảng viên và tổ chức đảng, 7 trường hợp khiếu nại kỷ luật đảng; kiểm tra 426 tổ chức đảng về thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí; tham mưu cấp ủy và trực tiếp xử lý kỷ luật 8 tổ chức đảng và 449 đảng viên; giám sát 598 tổ chức đảng, 868 đảng viên. UBKT Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Công tác thông tin về kết quả các kỳ họp của UBKT Tỉnh ủy trên Báo Quảng Trị và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát huy tác dụng tích cực, được sự quan tâm ngày càng nhiều của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh. Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng 16/10 (1948 - 2014), ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh tiếp tục chủ động rà soát chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2010 -2015 và năm 2014, năm 2015 của BTV cấp ủy cấp mình và chương trình kiểm tra, giám sát của UBKT để tham mưu và tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra một cách có hiệu quả; thực hiện tốt các nhiệm vụ do BTV và cấp ủy giao về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tích cực tham mưu giúp cấp ủy tăng cường việc giám sát, phúc tra thực hiện kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát của BTV và cấp ủy, nhất là về công tác tổ chức cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công; về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về thực hiện kê khai và kiểm soát thu nhập tài sản của cán bộ, đảng viên… nhằm làm tốt công tác phòng chống, ngăn ngừa có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phối hợp làm tốt nhiệm vụ tham mưu cấp ủy về công tác nhân sự phục vụ đại hội, chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chủ động tham mưu cho BTV và cấp ủy các cấp tập trung giải quyết kịp thời, triệt để những tồn đọng, bức xúc mà dư luận quan tâm, nhất là những vụ việc, đơn thư phản ánh liên quan đến tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt, quy hoạch nguồn cấp ủy, cán bộ là đại biểu dự đại hội cấp trên. Tham mưu cấp ủy kịp thời kiện toàn UBKT các cấp và bộ máy cơ quan UBKT, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp ở địa phương, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng; quy hoạch cán bộ theo kế hoạch của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Phối hợp văn phòng cấp ủy tham mưu giúp BTV và cấp ủy tổ chức tốt việc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2014 và cả nhiệm kỳ 2010 -2015; đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong nhiệm kỳ đến. Ghi nhận những thành tích đạt được trong những năm qua, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và Cờ thi đua của Chính phủ, UBKT Trung ương, UBND tỉnh; nhiều tập thể và cá nhân được tặng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các cấp. Phát huy truyền thống của ngành và trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, cán bộ, công chức ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát và giữ nghiêm kỷ luật đảng; xây dựng ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. THANH HẢI