Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Quảng Trị vững bước trên con đường phát triển
* TS LÊ HỮU PHÚC, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Mùa xuân mới lại về trên quê hương Quảng Trị anh hùng. Nhớ lại cách đây gần 40 năm (1/5/1972), Quảng Trị tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Đế quốc Mỹ lúc bấy giờ phản ứng quyết liệt, đặc biệt là trong chiến dịch phản kích tại mặt trận Quảng Trị và sau đó điên cuồng đánh phá miền Bắc. Song, hành động phiêu lưu quân sự của chúng đã bị trừng trị đích đáng, buộc đế quốc Mỹ không còn con đường nào khác là phải ký hiệp định Pari và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Mặc dù, Mỹ đã cút nhưng ngụy vẫn chưa nhào, Đảng bộ Quảng Trị tiếp tục lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà vừa phục vụ chiến đấu, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương mới giải phóng, tổ chức ổn định đời sống cho nhân dân, củng cố và phát triển lực lượng, góp sức cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước tiếp tục chiến đấu, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo tỉnh thăm di tích Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Mùa xuân năm 1975, đỉnh cao của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước được thống nhất, Quảng Trị hòa chung trong không khí phấn khởi mừng chiến thắng, ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương cùng với cả nước thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ 1976 – 1988, hơn mười năm phấn đấu khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh và xây dựng quê hương trong điều kiện hợp nhất ba tỉnh Bình - Trị - Thiên. Từ trong hoang tàn đổ nát, Quảng Trị từng bước hồi sinh, nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng quê hương và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ này có nhiều khó khăn và thách thức, sản xuất không đủ tiêu dùng, tình trạng thiếu việc làm phổ biến, năng suất lao động xã hội rất thấp. Bên cạnh đó cần phải tập trung sức người, sức của chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở tuyến biên giới Tây Nam, phía Bắc…Quảng Trị cũng nằm trong bối cảnh chung của cả nước, đời sống của cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang gặp rất nhiều khó khăn. Thời kỳ 1989 -2010, kể từ tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập, toàn tỉnh tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, trong điều kiện vô vàn khó khăn. Từ nền kinh tế thuần nông, kết cấu hạ tầng hết sức thấp kém; công nghiệp chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp còn sơ khai, nhỏ lẻ; thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lụt và hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại… Bên cạnh đó, bước vào kiến thiết xây dựng quê hương trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước với bao ngỡ ngàng, khó khăn do yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường, sự cản trở của lối tư duy cũ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng quê hương. Các thế hệ lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ đã luôn trăn trở, tìm tòi để vận dụng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương .
 |
Giữ yên biển đảo Tổ quốc - Ảnh: VŨ PHƯƠNG |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 1990 – 1995 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 1995 – 2000 đã định hướng: Tập trung năng lực sản xuất, ổn định tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Khôi phục và nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, coi nông nghiệp là mặt trận đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp- thương mại dịch vụ; phát triển sản xuất kết hợp với đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, phát triển dịch vụ và du lịch, tích cực giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2000 -2005 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010 với quyết tâm đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH trong toàn tỉnh, phấn đấu đưa tỉnh thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn phát triển kinh tế với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, môi trường, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; phấn đấu đưa Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững. Với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương, bốn mươi năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn những khâu đột phá với những giải pháp, bước đi phù hợp tình hình, đặc điểm của tỉnh. Phát huy được sức mạnh tổng hợp, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, thực hiện các giải pháp đồng bộ nên đã khơi dậy được sức sản xuất trong nhân dân, huy động nhiều nguồn lực xã hội cho đầu tư tạo sự phát triển mới, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng nhanh, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Sức mạnh tổng hợp của tỉnh tăng lên, tạo thế và lực mới cho tỉnh tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp trong thế và lực mới.
 |
Thóc vàng - Ảnh: PHƯƠNG HOAN |
Năm 2011, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 –2015. Mặc dù, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp; lạm phát, giá cả và mặt bằng lãi suất tăng cao. Trên địa bàn tỉnh rét đậm, rét hại, bão lụt, lốc xoáy và dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Với quyết tâm phấn đấu, vượt qua khó khăn của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 9,6%, tuy chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhưng trong điều kiện khó khăn chung của cả nước thì kết quả này là một sự cố gắng lớn của tỉnh. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 21,6 triệu đồng, tăng 30,9% so với năm 2010. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai và dịch bệnh, nhưng vẫn phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng giá trị sản phẩm của ngành ở mức 2,9%; năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng chủ yếu đều tăng cao hơn năm trước. Công nghiệp - Xây dựng, Thương mại và Dịch vụ duy trì được sự phát triển. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản phẩm của ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tương ứng là 14,7% và 9%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.404 tỷ đồng, vượt trên 40% kế hoạch năm, tăng 23,6% so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 6.466,5 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ năm 2010 và vượt 14,5% so với kế hoạch. Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách do địa phương quản lý tăng gấp 2 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đầu năm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn tiếp tục được coi trọng. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giảm từ 19,7% năm 2010 xuống 17% năm 2011. Công tác chỉ đạo, điều hành được đổi mới và có hiệu quả. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Các tổ chức đảng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Hệ thống chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân không ngừng chủ động phối hợp, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc phòng - an ninh và đối ngoại đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và tăng cường. Dù còn nhiều hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển như: tốc độ tăng trưởng của một số ngành không đạt mục tiêu đề ra; tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư chậm; một số công trình, dự án khởi công mới phải tạm ngừng để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ; hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất, hậu quả khá nghiêm trọng... đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh phải cố gắng nhiều hơn, phấn đấu quyết liệt hơn. Bước vào năm 2012, năm thứ hai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Vì vậy, việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 là bản lề để các năm tới tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao hơn. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, để Quảng Trị vững bước trên con đường phát triển, các cấp, các ngành, mặt trận và đoàn thể nhân dân trong tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các vấn đề chính sau: Thứ nhất , tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là vấn đề trọng tâm và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác xây dựng đảng, chú trọng công tác chính trị tư tưởng; đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, công tác phát triển đảng; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Tiếp tục củng cố về tổ chức, mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và giữ gìn đoàn kết trong đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cấp ủy và đảng viên gương mẫu trong học tập và rèn luyện. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác xây dựng đảng phải gắn liền với xây dựng các cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao, xây dựng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ; tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với dân, lòng tin của nhân dân với Đảng. Thứ hai , làm tốt công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nhất là trong năm 2012 cần thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng, ngân hàng; bảo đảm vốn cho sản xuất và an toàn hệ thống; tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát hiệu quả đầu tư công. Thứ ba , cần tập trung tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp; tạo chuyển biến trong phát triển các ngành kinh tế nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, trong đó, năm 2012 cần nghiên cứu ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; ban hành một số chính sách địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và lâu dài. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, tăng cường công tác quản lý đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước . Thứ tư , phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh, đảm bảo an sinh xã hội. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng khó, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng bị thiên tai nhằm đưa đời sống của người dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, diện mạo các vùng từ nông thôn đến thành thị ngày càng khởi sắc. Thứ năm , tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua, huy động sức mạnh tổng hợp cho quá trình phát triển. Nhân rộng các điển hình tiên tiến góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đón chào xuân 2012, cũng là dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, Đảng bộ, quân và nhân dân toàn tỉnh phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đẩy mạnh thi đua yêu nước, lao động sản xuất phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2012 và các năm tiếp theo, để Quảng Trị ngày càng vững bước trên con đường phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.