Cập nhật: Thứ 6, 02/02/2018 | 06:42 GMT+7

Nơi ấy, những “hạt giống đỏ” đã nảy mầm

(QT) - Năm 1931, ba chi bộ đảng ở Thượng Lập, Quảng Xá, Huỳnh Công lần lượt ra đời, đánh dấu một mốc son rất quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân huyện Vĩnh Linh. 88 mùa xuân đi qua, trên vùng đất anh hùng giàu truyền thống cách mạng ấy, những “hạt giống đỏ” đã nảy mầm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đã chung sức, đồng lòng, từng bước tháo gỡ khó khăn, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất để xây dựng vùng quê cách mạng ngày thêm đổi mới.

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Với người dân xã Vĩnh Lâm, ký ức, niềm tự hào về quê hương cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Vĩnh Linh luôn sống mãi. Từ mảnh đất đói nghèo, tăm tối, đồng chua ngập nước, chi bộ đảng ra đời đã đem ánh sáng của Chủ nghĩa Mác- Lênin, mang theo niềm tin tất thắng sưởi ấm trái tim mỗi người dân, hâm nóng nhiệt huyết, ý chí và quyết tâm bảo vệ, xây dựng cuộc sống hòa bình, no ấm.

Đêm 6/3/1931, tại miếu Thành hoàng thôn Quảng Xá, chi bộ Quảng Xá được thành lập với 5 đồng chí, đồng chí Trương Đình Đương được cử làm Bí thư chi bộ. Chi bộ Quảng Xá ra đời trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Vừa thành lập, chi bộ đã phân công đảng viên đi sâu vào quần chúng để tuyên truyền, vận động, giải thích mục tiêu đấu tranh của Đảng. Để tập hợp lực lượng, chi bộ tổ chức vận động thành lập các hội, đoàn thể quần chúng như: Thanh niên cộng sản đoàn, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc và phát triển đảng viên mới. Qua các tổ chức đoàn thể, nhiều chủ trương, sách lược của Đảng nhanh chóng đến được với quần chúng nhân dân, giúp quần chúng giác ngộ, các cuộc đấu tranh giai cấp nhờ đó ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Tiêu biểu như phong trào nông dân đoàn kết chống lại sự áp bức, bóc lột của địa chủ cường hào. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người dân ở một vùng quê nghèo, hẻo lánh đã nhất tề đứng dậy đối đầu với bọn địa chủ phong kiến và đế quốc thực dân, gây tiếng vang rất lớn trong phủ và lan ra toàn tỉnh.

Xã Vĩnh Lâm tổ chức kỷ niệm ngày thành lập chi bộ đảng ở Quảng Xá, Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh

Trở về Vĩnh Lâm hôm nay, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự đổi thay trên vùng quê cách mạng này. Trải qua 88 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã Vĩnh Lâm luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, giành lại độc lập, xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội. Từ 5 đảng viên của chi bộ Quảng Xá, đến nay Đảng bộ Vĩnh Lâm có 400 đảng viên sinh hoạt ở một Đảng bộ bộ phận và 16 chi bộ. Những năm qua, bên cạnh việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, Đảng bộ xã Vĩnh Lâm chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hàng năm, Đảng bộ xã chủ động bám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, từ đó xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng thời điểm, giai đoạn phát triển. Từ một xã còn nhiều khó khăn, đến nay Vĩnh Lâm đã thực sự thay da đổi thịt, với những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, những con đường bê tông được trải dài đến từng ngõ xóm đáp ứng nhu cầu đi lại và trao đổi hàng hóa của người dân. Kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển; cơ sở hạ tầng được chú trọng, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế đã có nhiều tiến bộ... Đi lên từ sản xuất nông nghiệp nên bài toán khó nhất của Vĩnh Lâm là xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã giải đáp bài toán ấy bằng nhiều quyết sách đúng đắn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế như thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đầu tư áp dụng KH-KT vào canh tác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn... Đồng thời vận động, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển thêm ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải và dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, tổng thu nhập của xã từ 88 tỷ đồng (năm 2011) tăng lên trên 202 tỷ đồng (năm 2017); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2016.

Tự hào là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên

Vào một đêm cuối tháng 5/1931, Chi bộ Đảng Cộng sản thôn Thượng Lập, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh được thành lập tại rú Lòi Đình (thuộc làng Thượng Hòa ngày nay). Chi bộ đảng ra đời đã thúc đẩy phong trào cách mạng, tăng thêm niềm tin tưởng của quần chúng nhân dân trong quá trình đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, đem lại hòa bình, cơm no áo ấm cho dân nghèo. Từ đây, đến vụ cày cấy, nông dân xã Vĩnh Long kéo về sân nhà tổng Chua đòi địa chủ trong xã phải tăng tiền thuê cày, cấy, gặt. Nếu không tăng, người dân sẽ bỏ làng đi làm thuê nơi khác, do vậy bọn địa chủ đã phải nhượng bộ, trả thêm tiền công. Cũng tại đây, có kho lúa dự trữ của làng rất lớn, hàng năm bọn hương lý lợi dụng cúng tế để chia chác, trục lợi. Dân có hỏi thì chúng bảo “vay” nhưng thực chất đó là một cách tham nhũng trắng trợn. Trước tình hình đó, chi bộ đảng lãnh đạo nông dân đấu tranh đòi mở kho lúa cho dân vay cứu đói, vận động, thuyết phục số nhà giàu phải bớt lúa cho dân vay. Kết quả là số lúa dân nghèo thôn Thượng Lập vay trong vụ giáp hạt năm 1931 lên tới 600 thúng. Từ những thắng lợi ban đầu ấy, quần chúng lao khổ ở Thượng Lập nói riêng và xã Vĩnh Long nói chung ngày càng tin tưởng vào cách mạng, vào những người cộng sản. Trước phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi và mãnh liệt của quần chúng, chính quyền cơ sở địch gần như bị tê liệt, vô hiệu hóa, bọn hào lý không còn quyền lực thực chất, lý trưởng bị các tổ chức quần chúng cách mạng khống chế. Ở Thượng Lập nói riêng và xã Vĩnh Long nói chung, nhân dân thực sự làm chủ thôn, xóm được hơn 1 năm.

Vinh dự là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên, cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Vĩnh Long hôm nay luôn tự hào, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để nỗ lực, vươn lên trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thi đua trong xây dựng nông thôn mới. Tuy không có nhiều lợi thế như các địa phương khác nhưng xã Vĩnh Long đã tập trung phát huy nội lực, năng động tìm hướng đi phù hợp, mạnh dạn tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào đời sống, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng theo đó ngày càng tăng lên. Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Cùng với phát triển nông nghiệp, các ngành nghề thương mại, dịch vụ cũng được địa phương quan tâm thực hiện, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, đem lại nguồn thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 34,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,8%. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao. Đường làng, ngõ xóm được trải bê tông sạch đẹp, màu ngói đỏ thấp thoáng sau những khu vườn xanh tươi, niềm vui hiển hiện trên từng khuôn mặt người dân. Năm 2000, xã Vĩnh Long vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đến cuối năm 2017, Vĩnh Long cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, từ tháng 3- 5/1931, các chi bộ đảng ở Thượng Lập (xã Vĩnh Long), Quảng Xá (xã Vĩnh Lâm), Huỳnh Công (thuộc các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái) lần lượt thành lập. Để phù hợp với quy mô, địa bàn hoạt động, chi bộ Huỳnh Công được chia thành 3 chi bộ gồm: Huỳnh Công Tây do đồng chí Trần Công Khanh làm Bí thư; Huỳnh Công Nam do đồng chí Tạ Cầu làm Bí thư và Huỳnh Công Đông do đồng chí Trần Duyến làm Bí thư. Để giác ngộ quần chúng, các đảng viên đã đến từng gia đình, nhất là những gia đình nghèo khổ, phân tích cho mọi người thấy nguyên nhân làm cho đời sống người dân trở lên khổ cực, đói rách chính là bọn đế quốc thực dân cấu kết với địa chủ, phong kiến. Vì vậy, muốn thoát khỏi đói khổ trước hết phải chống lại những lễ nghi cúng bái do chúng đặt ra nhằm trục lợi và “ru ngủ” dân ta đắm chìm trong mê tín dị đoan. Kết quả đã có nhiều nơi nông dân kiên quyết chống lại những khoản đóng góp cho các hủ tục lễ bái. Ở Huỳnh Công, người dân các làng đã đồng loạt kéo đến nhà hào phú đòi chúng phải ký giấy cho dân vay thóc, tiền chống đói. Trước sức áp đảo của quần chúng, bọn hào lý buộc phải bỏ ra hàng vạn quan tiền, hàng ngàn thúng lúa cho dân vay. Bên cạnh đó, Chi bộ Huỳnh Công còn lãnh đạo nhân dân đòi lại 14 mẫu ruộng, 120 mẫu đất công bị bọn cường hào địa chủ chiếm đoạt để chia cho những gia đình không đất, không ruộng. Nhờ vậy, sau cuộc đấu tranh, bình quân ruộng đất của mỗi người dân ở đây được nâng lên từ 3-5 thước. Trên cơ sở những thắng lợi ban đầu đạt được, nhiều cuộc mít tinh diễn thuyết do Phủ ủy tổ chức đã diễn ra tại Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam... nhằm kêu gọi nhân dân tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, chống ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc. Cũng tại đây, hầu hết quần chúng nhân dân đều tham gia các tổ chức cách mạng, kể cả những hương lý có tư tưởng tiến bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Vĩnh Linh nói chung và Huỳnh Công nói riêng đã ngẩng cao đầu đối mặt với bọn đế quốc, phong kiến mà trực tiếp là địa chủ, cường hào ngay tại địa phương mình. Đây là cuộc đấu tranh mang tính chất giai cấp rõ rệt, có tổ chức, có định hướng, dựa trên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, được Đảng lãnh đạo, khích lệ và tập hợp.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng Huỳnh Công, trong công cuộc đổi mới hôm nay, các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái đều có bước phát triển vượt bậc. Mùa xuân này, trở về xã Vĩnh Tú, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của mảnh đất này. Để có những thành tựu trong công cuộc đổi mới, Đảng ủy xã Vĩnh Tú đã có những nghị quyết sát với tình hình thực tế, tạo động lực thúc đẩy địa phương phát triển. Từ một vùng quê thuần nông, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, đến nay, nông nghiệp Vĩnh Tú đã có nhiều khởi sắc, mang tính đột phá, làm tiền đề vững chắc cho phát triển bền vững. Cùng với phát triển nông nghiệp, nông dân Vĩnh Tú đã chọn tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ để đầu tư, phát triển, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chỉnh trang thôn xóm trong xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Cũng như xã Vĩnh Tú, trong quá trình đổi mới, xã Vĩnh Nam đã chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp- thương mạidịch vụ, nhất là những dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…Địa phương khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường, đưa các giống lúa có phẩm cấp cao vào sản xuất. Bộ mặt nông thôn xã Vĩnh Nam hôm nay thực sự khởi sắc, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang, đường nhựa, bê tông đã vào đến ngõ xóm, đường làng.

Nằm cách trung tâm huyện chừng 5 km về phía Đông, xã Vĩnh Trung thuộc vùng gò đồi ven biển của huyện Vĩnh Linh, điều kiện phát triển kinh tế không mấy thuận lợi. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, địa phương đã đưa ra các giải pháp tích cực, tập trung giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng các loại hình sản xuất nhằm xây dựng Vĩnh Trung thành một xã có nền kinh tế toàn diện. Đến cuối năm 2016, xã Vĩnh Trung đã hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã Vĩnh Thái là địa phương trải dọc theo chân sóng, đời sống, việc làm của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào biển. Đặc biệt, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển thời gian qua, xã Vĩnh Thái gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với sự quan tâm của cấp trên, Vĩnh Thái đã chủ động thực hiện chuyển đổi sinh kế với nhiều dự án như trồng dứa, ném, sả, chăn nuôi gia súc, gia cầm được triển khai thử nghiệm. Nhằm ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người dân, địa phương đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng đa dạng. Tận dụng lợi thế về ngư trường, ngư dân đầu tư trang bị ngư lưới cụ phù hợp theo mùa vụ để khai thác hải sản gần bờ và xa bờ, phấn đấu về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

Tết đến, xuân về, trong niềm vui chung cùng quê hương đất nước, người dân trên những vùng quê cách mạng, nơi ra đời 3 chi bộ đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Linh rất đỗi tự hào với những thành quả đã đạt được, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Lệ Như



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khởi sắc trên một vùng quê cách mạng
22:20 02/02/2023

Cách đây 92 năm, chỉ sau 1 năm Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, vào đêm 6/3/1931, tại miếu Thần Hoàng, Chi bộ Quảng Xá- một trong ba chi bộ đầu tiên của huyện ...

Khởi sắc ở một vùng quê cách mạng
21:51 31/08/2022

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đặc biệt là từ cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa thu Tháng Tám năm 1945, xã Gio Mai, huyện Gio Linh ...

Về nơi một thời khói lửa

Về nơi một thời khói lửa
11:20 tối Thứ 4

QTO - Tròn 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2025), những người lính năm ấy mới có dịp quay trở lại TP. Hồ Chí Minh...

Thời tiết

25°C - 32°C
Có mây, không mưa
  • 25°C - 32°C
    Có mây, có mưa rào
  • 27°C - 34°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long