Những vùng quê ươm mầm “hạt giống đỏ”
(QT Xuân) - Những ngày giáp tết Ất Mùi, chúng tôi trở lại một số vùng quê được mệnh danh là vùng “đỏ” của cách mạng để tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của quê hương đã làm nên trang sử “đỏ” đầu tiên của lịch sử Đảng bộ Quảng Trị. Chi bộ “đỏ” An Tiêm Nằm bên dòng Vĩnh Định trong xanh hiền hòa, nhiều người biết đến thôn An Tiêm, xã Triệu Thành (Triệu Phong) không chỉ quanh năm cây cối tốt tươi, mùa màng phong nẫm mà đây còn là cái nôi cách mạng của quê hương Quảng Trị. Trong niềm xúc động của những ngày đầu xuân mới, cũng là mùa xuân Đảng ta tròn 85 tuổi, đồng chí Đặng Thông, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành cho biết, Chi bộ An Tiêm là đứa con đầu lòng của Đảng bộ địa phương. Trải qua 85 năm thành lập và phát triển, Chi bộ An Tiêm không ngừng lớn mạnh về mọi mặt mặc dù trong những năm chiến tranh ác liệt phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, có lúc như ngàn cân treo sợi tóc nhưng người trước ngã xuống, người sau tiến lên, bền gan cùng dân tộc đi đến ngày toàn thắng.
|
Lễ chào cờ đầu năm tại Đình làng Lập Thạch, nơi thành lập Chi bộ Lập Thạch -Ảnh: THẾ CHUNG |
Theo đồng chí Đặng Thông và nhiều đồng chí trong Ban liên lạc đồng hương An Tiêm tại Hà Nội, ngay từ những năm 1924- 1925, khi chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo, một nhóm thanh niên ưu tú của thôn An Tiêm như Trần Trọng Ngung, Đoàn Lân, Lê Ngọc Uynh thường xuyên nhóm họp ở Mô Súng trong thôn để đọc sách, báo tìm hiểu phong trào cách mạng trong nước và thế giới. Đến khi có tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng (VNTNCM) đồng chí Hội ra đời, những thanh niên ưu tú này đã nhanh chóng gia nhập, trong đó có người thanh niên Trần Trọng Ngung (sinh năm 1902) tham gia vào Ban Chấp hành Tỉnh Hội VNTNCM đồng chí Hội. Năm 1927, Chi hội VNTNCM đồng chí Hội An Tiêm được thành lập, ngoài 3 đồng chí kể trên, năm 1928- 1929 còn kết nạp thêm 4 đồng chí nữa là Đoàn Thừa, Nguyễn Kháng, Nguyễn Bệc, Đặng Oanh. Như vậy, vào thời điểm này, một thôn nhỏ như An Tiêm đã có đến 7 đồng chí tham gia Chi hội VNTNCM đồng chí Hội- tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản sau này. Từ đó, các hội viên đi về vùng nông thôn vận động nhân dân giác ngộ tinh thần yêu nước và ý chí chống giặc ngoại xâm, qua đó phát triển hội viên và thành lập các tổ chức quần chúng yêu nước. Cũng trong thời gian này, phong trào đấu tranh trong nhân dân dâng cao, nhất là sau khi họ được tiếp cận với các bài nói, bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các loại sách báo tiến bộ. Tháng 10/1929, từ trong nhà tù Lao Bảo, đồng chí Đoàn Lân, người con của An Tiêm, một chiến sĩ cách mạng đầu tiên của nhóm Cộng sản Đảng Quảng Trị đã gửi bức thư về động viên anh chị em hãy tiến lên với nội dung: “Phải tổ chức lại chi bộ đỏ, tiếp tục sự nghiệp cách mạng; xiềng xích gông cùm là đồ luyện côn, cơm vắt áo tù là thuốc bổ não. Anh chị em hãy tiến lên! tiến lên! Giữ vững tinh thần, tiếp tục sự nghiệp cách mạng; không sợ chết, không sợ tù, không sợ tra tấn…, cứ tiếp tục hoạt động theo mục tiêu, phương hướng đấu tranh của Đông Dương Cộng sản Đảng”. Sau khi nhận được bức thư của đồng chí Đoàn Lân, phong trào cách mạng ở An Tiêm diễn ra sôi nổi, đặc biệt là hoạt động của các đồng chí trong tổ chức VNTNCM đồng chí Hội. Được sự chỉ đạo của các chiến sĩ Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị, ngày 17/11/1929, nhân dịp kỷ niệm 12 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, tại đình làng An Tiêm, đồng chí Đoàn Bá Thừa đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản An Tiêm gồm 3 đồng chí là Đoàn Bá Thừa, Nguyễn Kháng, Nguyễn Bệc (Đạo) do đồng chí Đoàn Bá Thừa làm bí thư; đến tháng 3/1930 kết nạp thêm 2 đồng chí là Lê Thị Trúc và Lê Dỏ. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên trên địa bàn Quảng Trị. Cũng trong thời gian này, ngày 6/1/1930, Chi bộ Tường Vân được thành lập với 6 đảng viên do đồng chí Lê Thị Quế làm bí thư.
|
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập làng Tân Tường tại khu di tích Nhà Tằm, Cam Lộ - Ảnh: P.V |
Triệu Thành nói chung và thôn An Tiêm nói riêng không chỉ là mảnh đất có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất mà còn là nơi nuôi dưỡng và trưởng thành của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước như Đặng Thí, Đoàn Thị, Đặng Soa, Bùi Lan, Trần Hữu Dực. Và chính nơi này, đồng chí Lê Duẩn lớn lên và thoát ly hoạt động cách mạng, trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn An Tiêm dưới sự lãnh đạo của chi bộ đã khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế, đoàn kết, sáng tạo, cần cù, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước xây dựng quê hương giàu đẹp. Từ đây đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp cho hiệu quả cao. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. An ninh trật tự được đảm bảo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn chỉ còn 5%. Làng địa linh nhân kiệt Đầu năm 1930, sau khi Chi bộ An Tiêm, Tường Vân (Triệu Phong), Tân Tường (Cam Lộ) được thành lập, đồng chí Trần Hữu Dực đến Đông Hà để xúc tiến việc thành lập các chi bộ đảng ở đây. Các đồng chí: Nguyễn Thế Thuấn, Nguyễn Văn Hiệu và Nguyễn Văn Tố đã bí mật đi thuyền sang làng Dương Lệ gặp đồng chí Trần Hữu Dực. Sau khi được đồng chí Trần Hữu Dực chỉ đạo, các đồng chí đã nhất trí quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản ở Lập Thạch, lấy tên là chi bộ 4 do đồng chí Nguyễn Thế Thuấn làm bí thư. Địa bàn phụ trách của Chi bộ Lập Thạch khá rộng, từ Lai Phước cho đến Điếu Ngao. Nhiều cuộc nhóm họp của chi bộ được tiến hành tại đình làng Lập Thạch. Những tài liệu, thông tin, liên lạc được đặt ở hòm thư bí mật tại cổng tam quan đình làng Lập Thạch. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc gặp gỡ trao đổi công việc giữa các đồng chí lãnh đạo cấp trên với các đồng chí ở Chi bộ Lập Thạch. Năm 1930, Tỉnh ủy chọn nơi đây làm điểm tổ chức nhiều cuộc hội nghị mặc cho bọn địch rình rập, nhòm ngó nhưng không tài nào phát hiện được địa chỉ tuyệt đối bí mật này.
|
Thắp hương tưởng niệm công đức cử nhân Lê Thế Vỹ, sĩ phu yêu nước tại đền thờ trong khuôn viên Khu di tích Nhà Tằm - Tân Tường, Cam Lộ -Ảnh: P.V |
Từ một chi bộ đảng với 3 đảng viên ra đời từ đầu năm 1930 đã làm nên những trang sử hào hùng cho quê hương. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các đồng chí đảng viên tiền bối cùng các đảng viên sau này vẫn giữ vững khí tiết của người Cộng sản sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, quê hương. Ông Nguyễn Việt Tiến, 86 tuổi đời, 65 tuổi Đảng vẫn luôn nhắc nhở các thế hệ cháu con về một thời cha ông đi giữ nước để có được ngày hôm nay. Ông được kết nạp Đảng từ tuổi 20 và sớm đi theo lý tưởng của cha mình- ông Nguyễn Thế Thuấn- người bí thư đầu tiên của Chi bộ Lập Thạch, một trong bốn chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và là tiền thân của Đảng bộ phường Đông Lễ ngày nay. Ông nói: “Ngày xưa, dưới chế độ thực dân, phong kiến, dân làng Lập Thạch khổ lắm, đói cơm rách áo. Mùa hè nước dưới sông khô cạn đến mức không có để uống, sống đời cơ cực. Vậy mà hôm nay, nước sạch, điện sinh hoạt đã về đến mọi nhà, mùa màng bội thu. Đó là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ và xương máu của bao người, trong đó có con em Lập Thạch trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”. Cùng chung niềm vui trước sự đổi thay của quê hương, đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Bí thư Chi bộ 5 (Lập Thạch) cho biết thêm: “Mảnh đất Lập Thạch có đến 5 điểm di tích văn hóa cấp tỉnh gồm Miếu Bà Đặng, Chợ Hôm, Nhà thờ họ Nguyễn Khắc, Tam quan đình Lập Thạch và Đình làng Lập Thạch. Qua các thời kỳ, nhiều con em Lập Thạch đã lập nhiều chiến công và được Nhà nước tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng 3 (trong kháng chiến chống Pháp) làng có 11/tổng số 17 Huân chương toàn phường; Huân chương Kháng chiến hạng 1, 2 có 100/140 và có đến 25 Huân chương Độc lập và Huân chương Hồ Chí Minh… Mảnh đất linh thiêng này là nơi sinh ra, đóng góp cho đất nước hơn 10 vị giáo sư, phó giáo sư, 1 nghệ sĩ nhân dân, 1 nghệ sĩ ưu tú, 1 nhà giáo ưu tú, 2 thầy thuốc ưu tú, trên 30 tiến sĩ và hơn 400 cử nhân đại học, cao đẳng. Phường Đông Lễ là địa phương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên và nhân dân Lập Thạch. Qua 85 năm dưới ánh sáng soi đường của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân làng Lập Thạch rất tự hào có chi bộ đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn rất thấp, chỉ có 17/165 hộ. Chi bộ gần 10 năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh. Thành quả đó là tài sản tinh thần vô giá, là niềm tự hào của nhân dân Lập Thạch nói riêng, Đông Lễ nói chung”. Hào khí Tân Tường Thôn Tân Tường, xã Cam Thành (Cam Lộ) nằm ở hai bên đường 9, khoảng từ Km 14 đến Km 17, kéo dài từ chân Động Ngang đến chân Đèo Đá, tuy không rộng nhưng có vị trí quan trọng về lịch sử và kinh tế của địa phương. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Nhà Tằm Tân Tường được dùng làm nơi nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa nhưng bên trong là tổ chức chính trị hoạt động chống Pháp. Đây là nơi quy tụ những người yêu nước ở Quảng Trị, là cơ sở quyên góp tài chính ủng hộ những trí thức xuất dương tìm đường cứu nước. Trong những năm 1929-1930, Nhà Tằm Tân Tường trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi của các nhà cách mạng như các đồng chí: Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Lê Viết Lượng, Nguyễn Hữu Mão, Lê Thế Tiết... Nơi đây, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Cam Lộ ra đời, là một trong ba chi bộ ra đời sớm nhất của tỉnh Quảng Trị, do đồng chí Lê Thế Tiết làm bí thư .
|
Các đồng chí lãnh đạo chi bộ và thôn An Tiêm thắp hương tri ân trên phần mộ của đồng chí Trần Trọng Ngung, một trong những chiến sĩ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Quảng Trị - Ảnh: N.V |
Theo lịch sử Đảng bộ xã Cam Thành, tháng 11/1929, đồng chí Lê Viết Lượng được Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cử vào để xúc tiến việc thành lập Đảng ở Quảng Trị. Đồng chí Lê Viết Lượng đã liên lạc với đồng chí Lê Thế Tiết (lúc này đồng chí Lê Thế Tiết vừa mới ra tù sau vụ rải truyền đơn ngày 30/6/1929) bàn việc thành lập tổ chức Đảng Cộng sản ở Quảng Trị mà đối tượng là các cá nhân tích cực trong hai tổ chức Tân Việt và Thanh niên cũ để chuyển thành Đông Dương Cộng sản. Sau khi gặp nhau, hai đồng chí đã dùng chiếc thuyền của một cơ sở nằm trên sông Hiếu (gần Đông Hà) để họp. Cuộc họp đã thống nhất chuyển một số đảng viên Tân Việt, hội viên của VNTNCM đồng chí Hội thành đảng viên Cộng sản như Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Lê Thị Quế, Phan Thị Hồng, Hoàng Thị Ái, Trương Sỹ Đản và bàn cách tổ chức thành lập các chi bộ Tường Vân (Triệu Phong), Tân Tường (Cam Lộ). Như vậy sau cuộc họp này, ngày 20/4/1930, Chi bộ Tân Tường được thành lập. Tháng 5/1930, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ huyện Cam Lộ ra đời do đồng chí Lê Thế Tiết làm bí thư. Tháng 11/1930, đại diện Xứ ủy Trung Kỳ triệu tập hội nghị tại Nhà Tằm Tân Tường để thành lập Tỉnh ủy chính thức gồm 5 đồng chí, do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị đã đề ra chủ trương: Tích cực phát triển Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng. Ra báo Tiến Lên làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và tờ Bạn Dân Cày, sau đổi thành Mặt Trận Đỏ, lưu hành trong các hội quần chúng... Việc thành lập Chi bộ Tân Tường có ý nghĩa lịch sử to lớn không chỉ đối với phong trào cách mạng ở Cam Thành, đây còn là sự kiện có ý nghĩa lớn nhất trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng ở Cam Lộ. Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng nỗ lực chung sức xây dựng quê hương. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyển, Bí thư Chi bộ Tân Tường cho biết: “Hiện Tân Tường có 88 hộ, 350 nhân khẩu nhưng chỉ còn 7 hộ nghèo. Đường làng ngõ xóm được cứng hóa, không còn nhà tranh tre nứa lá tạm bợ. Nhiều năm qua, tận dụng tiềm năng, thế mạnh từ thổ nhưỡng, điều kiện giao lưu thuận lợi của địa phương, người dân trong thôn đã đẩy mạnh phát triển các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm... đem lại thu nhập khá cao, góp phần cải thiện đời sống. Toàn thôn hiện có gần 59 ha cao su, trong đó đã có 17 ha đưa vào khai thác, trên 40 ha rừng và trên 20 ha lạc. Tổng thu nhập xã hội năm 2014 đạt hơn 4,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 13,5 triệu đồng/năm. Chi bộ có 8 đảng viên luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chi bộ thường xuyên đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh”. NGUYỄN VINH