Những trái tim nhân hậu
(QT Xuân) - Họ là những người bình thường, là hội viên phụ nữ, người tu hành, cán bộ Hội CCB... Cuộc sống đời thường của mỗi người còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ luôn sẵn sàng sẻ chia, mang hơi ấm tình người đến với những cảnh đời còn gặp bất hạnh. Tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức vào giữa tháng 12/2010 vừa qua, họ được biểu dương khen thưởng, với sự trân trọng, biết ơn về những việc làm tốt đẹp cho xã hội... Yêu thương, chăm sóc “người dưng” như người thân Chị Phan Thị Lợi rất xúc động, cố ghìm những giọt nước mắt khi nghe Ban tổ chức buổi lễ tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh xướng tên chị, lên nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng. Suốt một đời lam lũ với bao điều không may mắn xảy ra trong cuộc sống, chị chưa bao giờ nghĩ tới việc được xã khen, huyện khen chứ làm sao mơ tới được Thủ tướng khen. Vậy mà đây là sự thực, bởi những việc làm của chị đã được nhiều người biết tới, với tấm lòng ngưỡng mộ sâu sắc.
 |
Chị Phan Thị Lợi. |
Chị Lợi quê ở xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh. Do hoàn cảnh gia đình nông dân nhiều khó khăn, vất vả, từ hồi còn nhỏ chị không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 18 tuổi, đang tuổi ăn tuổi ngủ, đã phải lên xe hoa về nhà chồng. Sống hết lòng với chồng, vậy mà chỉ 2 năm sau, người ấy đã bỏ đi theo một cô gái khác, để lại chị côi cút với bao nỗi niềm, trống vắng. Mới hơn 20 tuổi rạo rực bao ước mơ và khát vọng, sức sống cứ trào dâng mãnh liêt, chị không thể ở mãi để đợi chờ. Ba năm sau ngày chồng bỏ đi, chị nhận lời ông Thái Văn Lựu, lúc đó là công nhân xây dựng đã có 3 người con nhưng góa vợ . Chị về nhà ông Lựu, chăm chỉ, tần tảo, dành rất nhiều tình thương để nuôi con chồng ăn học, ngày càng khôn lớn, đến nay ai cũng đã có gia đình riêng. Hàng ngày công việc của chị làm 6 sào ruộng, chăn nuôi heo, gà và chăm sóc 4 sào cao su (năm vừa rồi mưa bão lớn đã làm cây cao su gãy đổ hết, gia đình mất đi nguồn thu đáng kể). Cách đây 2 năm thấy bà Thái Thị Sạ, 90 tuổi, người hàng xóm, hoàn cảnh éo le, không chồng, không con, không nơi nương tựa, vậy mà còn bị ngã gãy chân, cuộc sống của bà Sạ thêm bội phần khó khăn. Sau bao lần suy nghĩ, chị Lợi về nhà bàn bạc với chồng, con về việc đón bà Sạ về nuôi. Chị nói “Nhà mình chật nhưng tấm lòng thì không chật, tôi thấy hoàn cảnh của bà Sạ rất khó khăn, muốn đón bà về để chăm sóc”. Đứa con trai, đang ở với gia đình chị, trả lời “ tùy mẹ”, còn anh Lựu thì không khỏi đắn đo. Anh đặt ra nhiều vấn đề: Nhà mình đang khó, chỗ ngủ cũng thiếu, đưa bà về ở đâu? Ai chăm lo thuốc men và bữa ăn hàng ngày cho bà?... Những vấn đề mà chồng chị đặt ra rất đáng suy nghĩ nhưng không phải vì thế mà bỏ rơi người già bất hạnh kia. Chị Lợi tìm mọi cách để thuyết phục chồng, cuối cùng anh cũng đồng ý cho chị tự quyết định. Thế là chị đón bà Sạ về ở với gia đình mình. Chị cũng không nghĩ việc chăm sóc một người già bị gãy chân lại khó khăn như vậy. Bà chỉ nằm một chỗ, việc tắm rửa, vệ sinh đều diễn ra trên giường. Những lần đau ốm cũng cần phải bỏ tiền ra mua thuốc men. Những đêm đông giá lạnh, bà Sạ trằn trọc không ngủ được, vậy là chị phải thức để quạt than, dọn vệ sinh cho bà. Để giúp bà có nơi yên tĩnh, chị mang tiền dành dụm của gia đình xây thêm một căn phòng hết 10 triệu đồng. Không những thế chị còn lấy số tiền bán heo, gà để dành bấy lâu mua thêm áo quần, chăn bông cho bà ngủ đủ ấm. Từ ngày đón bà Sạ về nuôi, công việc hàng ngày của gia đình hầu như hai cha con anh Lựu đảm nhận, còn chị Lợi phải dành toàn bộ thời gian để chăm sóc cho bà. Bà con trong thôn, xóm cũng có người nói ra, nói vào, rằng chị không bình thường hay sao mà gánh nợ vào thân, rằng... Mặc cho có người không hiểu, chị vẫn tận tình chăm sóc bà Sạ, sức khỏe của bà ngày càng tiến triển tốt hơn, đỏ da thắm thịt trở lại. Có lần bà cảm động nói với chị: Con là ân nhân cứu mạng của mẹ. Không những chăm sóc người hàng xóm trên 90 tuổi, chị Lợi còn mang tiền dành dụm của gia đình cho những hội viên phụ nữ khác trong thôn mượn để lo cho con ăn học, làm nhà hoặc chữa bệnh. Đến mùa thu hoạch lúa, bắp, đậu, khoai sắn, ai cần hỗ trợ chị cũng luôn sẵn sàng mà không hề toan tính. Những phẩm chất tốt đẹp của chị luôn được gia đình bên chồng, bà con trong làng, trong xóm trân trọng, quý mến. Người nữ tu có tấm lòng Bồ Tát Những ngày cuối tháng 12/2010 có hai niềm vui ập đến với sư cô Thích nữ Nguyệt Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Lộ. Một là tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức ngày 17/12, cô được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Niềm vinh dự của cô càng được nhân lên khi được lãnh đạo tỉnh chọn là 1 trong 6 tấm gương điển hình của Quảng Trị đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8, tổ chức ở Hà Nội từ ngày 27-28/12/2010.
 |
Sư cô Nguyệt Liên chăm sóc trẻ khuyết tật. Ảnh: QUANG HIỆP |
Sư cô Thích nữ Nguyệt Liên là người tu hành nhưng không giam mình vào bốn bức tường hay kinh kệ của nhà chùa, cô luôn mở rộng tấm lòng của mình, trái tim hòa cùng nhịp đập với cuộc sống nhân thế. Những công việc mà cô đang làm là biểu hiện sinh động nhất lời dạy của Đức Phật “gắn đạo với đời”. Từ ngày vận động được bà con Phật tử và những người có lòng hảo tâm hơn 2,2 tỉ đồng để xây dựng, mua sắm các trang thiết bị của cơ sở từ thiện hỗ trợ chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật và chất độc da cam ở thị trấn Cam Lộ, công việc thường ngày của cô càng bận rộn hơn. Không chỉ lo phần phục hồi chức năng cho các em khuyết tật mà còn phải lo thêm phần ăn, ở cho các đối tượng khó khăn hoặc gia đình ở xa trung tâm huyện. Sư cô Nguyệt Liên sinh ra trong một gia đình cách mạng ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cha cô tập kết ra miền Bắc để lại người vợ và đứa con gái nhỏ tuổi. Mẹ cô ở lại quê nhà tiếp tục hoạt động cách mạng và gánh chịu bao nhiêu đòn roi của quân thù. Năm cô lên 12 tuổi thì mẹ qua đời. Không có nơi ở ổn định, cô tìm cách nương náu cửa Phật với nguyện ước được báo hiếu cho cha mẹ. Nhà chùa cũng đã tạo mọi thuận lợi để cô được học tập từ lớp vỡ lòng cho đến bậc Đại học. Năm 1974 cô là sinh viên Trường Đại học Văn khoa- Huế, chưa được một năm thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Gặp lại người cha sau bao năm xa cách, ông khuyên cô trở lại với đời. Nghe lời cha, cô tiếp tục đi học trường sư phạm và làm cô giáo trường cấp II nhưng cũng chỉ được vài năm, cô xin nghỉ dạy để tiếp tục con đường tu hành. Năm 1993 cô được hệ phái Khất sĩ cử ra Cam Lộ cùng với một sư cô khác khôi phục lại Tịnh xá Ngọc Lộ vốn bị đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh. Từ ấy đến nay cũng đã tròn 17 năm cô gắn bó với vùng đất và những người nghèo khó của huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị nói chung. Cách đây 15 năm khi mà cuộc sống của các cô trong chùa và những người dân địa phương còn nhiều khó khăn, sư cô Nguyệt Liên đã bắt đầu tham gia hoạt động cứu trợ xã hội, giúp đỡ các gia đình bị thiên tai, lũ lụt tàn phá ở các miền quê Quảng Trị; xông xáo đi kêu gọi, quyên góp các gia đình Phật tử ở trong và ngoài nước giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Sư cô Nguyệt Liên tâm sự: “Nhìn những đứa trẻ thân hình dị dạng, tâm thần bất ổn, không khóc, không cười, cứ thấy lòng mình đau xót, muốn làm một điều gì đó cho gia đình và bản thân các em vơi đi nỗi đau”. Nhờ tài vận động, thuyết phục của mình, cô đã quyên góp được hàng ngàn USD và hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ Hội Người mù ở Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh và Trung tâm Mái ấm tình hồng (Đông Hà) trao tặng hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hưởng ứng chủ trương của Ủy ban Trung ương MTTQVN về xóa nhà ở tạm bợ, dột nát cho người nghèo, cô tích cực đi vận động và hỗ trợ xây dựng hàng chục căn nhà cho hộ nghèo . Điều đặc biệt là cô Nguyệt Liên hăng say làm từ thiện, giúp đỡ những con người bất hạnh nhưng cuộc sống của cô và những nữ tu ở Tịnh xá Ngọc Lộ lại rất khó khăn, thiếu thốn; hàng ngày các cô phải làm nhang để sinh sống. Số nữ tu ở Tịnh xá từ vài ba người nay đã tăng lên 12 người. Với những việc làm tích cực của mình, cô Nguyệt Liên luôn được chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đánh giá cao. Nhiều năm cô tham gia Ủy viên Hội LHPN tỉnh, được bầu vào HĐND thị trấn Cam Lộ và tham gia công tác mặt trận từ thị trấn cho đến huyện, tỉnh. Do có nhiều đóng góp với xã hội, cô được tặng Bằng khen của UBND, UBMTTQVN tỉnh, Hội LHPN Việt Nam và gần đây nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cô là nữ tu để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp không chỉ đối với bà con Phật tử, những người gặp nhiều khó khăn, hoạn nạn mà còn đối với đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành của địa phương. Luôn làm tròn trách nhiệm của người lính Gần suốt cuộc đời của mình, ông Nguyễn Minh Châu luôn gắn bó với người lính. Sinh năm 1944 ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, Gio Linh, năm 1963 ông tham gia lực lượng vũ trang giới tuyến. Sau gần 30 năm trong quân ngũ ông được nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá, chức vụ Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên. Trở về quê, ông được tín nhiệm bầu vào làm việc ở Hội CCB huyện Gio Linh gần 17 năm nay. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội CCB huyện, ông luôn gần gũi với mọi người, chia sẻ tâm tư, tình cảm với anh em. Ông cùng với các thành viên trong BCH Hội đề ra nhiều giải pháp và luôn tiên phong trong việc thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện, góp phần mang lại những đổi thay cho quê hương cũng như bản thân đời sống của mỗi hội viên CCB.
 |
Ông Nguyễn Minh Châu. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Hội CCB huyện Gio Linh có gần 3.700 hội viên, anh em đã có nhiều đóng góp trong phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như nuôi cá lồng, hươu, nai, ba ba, phát triển trâu bò đàn, thành lập các trang trại, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Những năm trước có hàng trăm hội viên thuộc diện nghèo đói, đến nay toàn huyện chỉ còn 32 hộ nghèo; 44% hội viên được xếp hộ khá, giàu; 8/21 xã, thị trấn không còn hội viên nghèo. Đó là một chuyển biến tích cực trong phong trào của Hội CCB huyện Gio Linh. Không những thế, từ năm 2004, Hội CCB Gio Linh cò n huy động hội viên đóng góp hơn 50 triệu đồng để trồng cây cảnh tại các nghĩa trang trên địa bàn huyện với suy nghĩ tạo ra sự gắn bó giữa người lính với quê hương. Ông Châu tâm sự: Trước đây chúng ta chiến đấu là giành lại màu xanh, sự sống cho quê hương, nay một số anh em đã anh dũng hy sinh thì cũng cần mang màu xanh đến với liệt sĩ đã yên nghỉ, tạo ra một khung cảnh thanh bình, yên vui. Hội CCB Gio Linh cũng luôn chú trọng công tác khuyến học, từ nguồn đóng góp của hội viên, hội đã tổ chức trao quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ một cháu có hoàn cảnh khó khăn 600.000đ. Bên cạnh đó còn mua tặng nhiều sách vở, giấy bút cho học sinh, động viên các em vươn lên trong học tập, trở thành những công dân tốt. Ngoài tham gia công tác xã hội, ông Châu cũng tạo dựng một gia đình hòa thuận, đầm ấm. Tất cả con ông được học hành đến nơi đến chốn, có người tham gia lực lượng vũ trang, có người là cán bộ, giáo viên và tất cả đều được kết nạp vào Đảng. Ông Châu cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay không ít người đắn đo khi viết đơn vào Đảng nhưng vợ chồng ông lại khuyên con cái phải luôn nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên, có nhiều đóng góp cho xã hội. Nói về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Châu cho rằng: Đây là cuộc vận động vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài. Cuộc vận động này như góp phần châm lên ngọn lửa để trong xã hội có được nhiều nhân tố tích cực hơn. Đối với ông, cuộc vận động đã gắn với nhiều hoạt động của Hội CCB và cuộc sống của các thành viên trong gia đình, để mỗi người tự soi lại mình, làm nhiều việc tốt, ngày càng hoàn thiện hơn. Bài, ảnh: Hoàng Nam Bằng