Cập nhật: Thứ 6, 26/06/2009 | 10:09 GMT+7

Những thành tựu đạt được tạo tiền đề để Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững

* T.S Lê Hữu Phúc, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng TrịNăm 1989, Quảng Trị được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên. Trở về với tên gọi thân thương của mình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Quảng Trị vui mừng, hồ hởi bắt tay vào xây dựng quê hương. Buổi ban đầu đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức: đó là một nền kinh tế thuần nông, phương thức canh tác lạc hậu; công nghiệp hầu như chưa có gì; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, thiếu thốn; thu nhập đời sống của các tầng lớp dân cư hết sức thấp kém, lại thêm thiên tai khắc nghiệt cũng như muốn thử thách lòng người Quảng Trị với liên tiếp hạn hán, bão lụt xảy ra.

Nhưng với tinh thần quật cường, cần cù vượt khó, sau 20 năm cùng cả nước trên con đường đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã phấn đấu tích cực, giành được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. So với ngày lập lại tỉnh, nền kinh tế - xã hội Quảng Trị đã có nhiều phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá và liên tục, bình quân thời kỳ 1996- 2000 đạt 8,5%, thời kỳ 2001- 2005 đạt 8,7%, đặc biệt giai đoạn 2006-2008 đạt 11,1% (đạt yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra). Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, từ chỗ công nghiệp, dịch vụ chưa có gì đáng kể, đến năm 2008 tỷ trọng công nghiệp đã chiếm 35,%, dịch vụ khoảng 35-37%, và nông nghiệp chỉ còn 30,5%. Cơ chế chính sách về huy động nguồn lực và thu hút đầu tư bước đầu được tạo lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tổng thu ngân sách trên địa bàn khi chia tỉnh chỉ vẻn vẹn chưa được 10 tỷ đồng, đến năm 2006 là 515 tỷ; năm 2007 là 618 tỷ đồng và năm 2008 đạt 724,4 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch, trong đó thu nội địa đạt 480,7 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. Phân tích một số lĩnh vực cụ thể chúng ta thấy được sự chuyển mình đi lên của quê hương như sau: Về nông nghiệp đã phát triển khá toàn diện: Diện tích các loại cây trồng liên tục được mở rộng, năng suất, sản lượng không ngừng được nâng cao, riêng trồng lúa hàng năm ổn định trong khoảng 45-46 nghìn ha. Từ chỗ Trung ương phải trợ cấp lương thực, đến nay không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn có sản phẩm hàng hóa bán ra ngoài địa bàn, sản lượng lương thực có hạt đạt bình quân 22 vạn tấn/năm (tăng hơn 10 vạn tấn so với ngày lập lại tỉnh, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra cho cả nhiệm kỳ).

Tạo được một số vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su với 13.240 ha, hồ tiêu 2.135 ha, cà phê 4.161 ha. Toàn tỉnh đã có trên 1.000 trang trại sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng và cây ăn quả. Những cố gắng đó đã nâng giá trị trên một ha canh tác lên 25,5 triệu đồng, trong đó điển hình như lúa đạt 35 triệu đồng/ha, cao su đạt 55,6 triệu đồng/ha, cà phê đạt 71 triệu đồng/ha... Nuôi trồng thủy sản, hải sản phát triển khá với diện tích nuôi trồng là 2.512 ha và giá trị trên một ha nuôi trồng là 64,6 triệu đồng. Sản xuất công nghiệp và xây dựng: Khi mới lập lại tỉnh chỉ có 1 nhà máy điện với 4 máy F66 cũ kỹ, 1 xí nghiệp gạch và 1 xí nghiệp gốm thì hiện nay đã có mức tăng trưởng vượt bậc; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trong những năm gần đây tăng bình quân: 21,6%/năm. Tổng sản phẩm theo giá hiện hành năm 2008 đạt 2.263 tỷ đồng. Một số dự án đã và đang được đầu tư, góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP, như: Công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị (khởi công năm 2003) đã hoàn thành đúng tiến độ, phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia; Nhà máy gỗ MDF hoạt động có hiệu quả; Nhà máy may của Tổng công ty dệt may Hòa Thọ đã tổ chức khánh thành và đưa vào sản xuất; Trạm nghiền xi măng đã lắp đặt xong thiết bị chuẩn bị cho ra sản phẩm trong nay mai. Trong năm 2009 sẽ khởi công Nhà máy xi măng 60 vạn tấn/ năm và Nhà máy bia 15 triệu lít/năm. Kết cấu hạ tầng được đầu tư toàn diện, đặc biệt tại các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang và Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đang được tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả. Khu vực dịch vụ: Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo cụ thể, tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ bình quân thời kỳ 2006- 2008 là 8,5%/năm (đạt mức Nghị quyết đề ra). Hoạt động thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư, nhất là trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Du lịch có những chuyển biến tích cực, tổng lượng du khách đến tỉnh trong 2 năm 2006- 2007 tăng bình quân 21,9%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 21,6%. Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, Du lịch Đông Tây, DMZ... đã khẳng định được thương hiệu và từng bước phát triển. Huy động vốn đầu tư xã hội: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006- 2008 ước đạt trên 8.400 tỷ đồng, đạt 67,2% mục tiêu huy động của cả thời kỳ 2006- 2010 (chưa tính trượt giá); tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bình quân hàng năm đạt 24,6%. Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên tổng GDP (theo giá hiện hành) năm 2006 là 50,5% đến năm 2008 tăng lên 55,5%. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ chỗ thấp kém, thiếu thốn (năm 1989 toàn tỉnh chỉ có 3,5 km đường nhựa) đến nay đã có tiến độ vượt bậc, tạo tiền đề cơ bản cho phát triển của thời kỳ trước mắt, chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển những năm tiếp theo, nhất là góp phần thu hút các nhà đầu tư.

Một số cơ sở hạ tầng quan trọng như Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, cầu Cửa Tùng, Cửa Việt, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, các tuyến đường giao thông về trung tâm xã và cụm dân cư miền núi, hệ thống các công trình thủy lợi, đê kè được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, cải tạo môi trường sinh thái. Hệ thống chợ được đẩy mạnh xây dựng. Điện lưới quốc gia, bưu chính viễn thông, trường học, cơ sở y tế khám chữa bệnh, các di tích lịch sử và các kết cấu hạ tầng khác được tăng cường đáng kể, góp phần quan trọng nâng cao năng lực phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Về văn hóa- xã hội: Sự nghiệp giáo dục- đào tạo đạt được những tiến bộ đáng trân trọng, mặt bằng dân trí được nâng cao, tạo tiền đề cho phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Giai đoạn 2006-2008 tỉnh đã chi 21,3% trong tổng chi ngân sách địa phương để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập THCS năm 2006. Công tác dạy nghề có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2006 là 25,13% đã tăng lên 28,5% vào năm 2008, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 15,4% tăng lên 19,7%. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Các dịch bệnh nguy hiểm được phát hiện và dập tắt kịp thời góp phần đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Tỉnh đã dành 4,9% tổng chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn 2006-2008. Dự kiến đến cuối năm 2009 toàn tỉnh có 20 giường bệnh/vạn dân, tăng 3,6 giường so với năm 2006; có 6 bác sĩ/vạn dân; 60% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh và 48 xã, phường thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (chiếm 34,5%). Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở" tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; toàn tỉnh hiện có 97.395 gia đình (74,28%) và 1.551 làng, bản, đơn vị (81%) được công nhận văn hóa. Các thiết chế văn hóa đang được đầu tư xây dựng và trùng tu, tôn tạo; tỷ lệ hộ được xem truyền hình tăng từ 75% năm 2006 lên 89% vào năm 2008 và tỷ lệ hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam tăng từ 80% năm 2006 lên 90% vào năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 28,4% đến nay còn 16,8%. Tất cả hộ nghèo được hưởng giáo dục cơ bản miễn phí. Tình hình tái nghèo do thiên tai và các rủi ro khác có xu hướng giảm. Các chính sách xã hội, công tác chăm sóc, giúp đỡ gia đình và thân nhân các liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều tiến bộ. Đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện đáng kể, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi thay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc phòng được củng cố tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoạt động của Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng được đẩy mạnh. Đoàn kết nội bộ có chuyển biến tích cực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và vai trò của Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, biến thành sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương. Mặc dù đến nay Quảng Trị vẫn còn là tỉnh nghèo, nhưng nhìn toàn cảnh so với trước thời điểm thực hiện công cuộc đổi mới và ngày đầu mới lập lại tỉnh, đã có những đổi thay to lớn và toàn diện. Những thành tựu đạt được trên đây có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài và đang tạo đà, tạo thế để Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững, mở ra triển vọng và khả năng hội nhập kinh tế trong và ngoài nước. Với sự phấn đấu trên nhiều lĩnh vực trong năm 2008, theo đánh giá của VCCI, chỉ số cạnh tranh PCI của tỉnh đứng thứ 40 trên 64 tỉnh, thành cả nước (năm 2007 đứng thứ 47). Bước vào thời kỳ phát triển mới, với truyền thống cách mạng và niềm tự hào sau 37 năm giải phóng, cùng hành trang quý báu của 20 năm lập lại tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị nỗ lực phấn đấu, sáng tạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra cho thời kỳ 2006-2010: Tăng trưởng kinh tế liên tục, bình quân từ 11% đến 12%/năm; giải quyết việc làm cho 7.500-8.000 lao động/năm để đến 2010, có cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm 33-35%; thương mại- du lịch- dịch vụ 38-40%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 25-27%; thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ đói nghèo đến năm 2010 giảm còn dưới 15%. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ 14, phấn đấu đưa tỉnh thoát khỏi nhóm nghèo của cả nước thì các nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế- xã hội trong 2 năm 2009-2010 được xác định là: 1. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Công trình thủy lợi Sa Lung. - Ảnh: Hồ Cầu
Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về "Nông nghiệp, nông thôn, nông dân" và triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy để tập trung xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, đưa giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, tập trung phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc theo phương pháp công nghiệp và phương thức trang trại, coi đây là giải pháp đột phá trong nông nghiệp. Tiếp tục khai thác tiềm năng vùng gò đồi, khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc tái sinh rừng; khai thác tiềm năng kinh tế biển, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản xuất khẩu. 2. Phát triển công nghiệp là hướng trọng tâm, trong đó công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản là quan trọng hàng đầu. Huy động tiềm lực của tất cả các thành phần kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu và quy mô để tập trung phát triển công nghiệp trên cơ sở lợi thế về nguyên liệu, thị trường và khả năng cạnh tranh như sản xuất xi măng, gạch tuy nen, chế biến cao lanh, gỗ, cao su, công nghiệp chế biến súc sản, đóng và sửa chữa tàu thuyền, xà lan. Phát huy hết công suất, khai thác có hiệu quả các cơ sở công nghiệp hiện có. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện các nhà máy đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2006-2010 của tỉnh. Đẩy nhanh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư theo hình thức cuốn chiếu. 3. Phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch
Thông xe theo Hiệp định GMS tại cửa khẩu Lao Bảo. - Ảnh: H.C
Phát triển mạnh và hiện đại hóa các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, khoa học và công nghệ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khám chữa bệnh. Đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại - dịch vụ ở Đông Hà và Lao Bảo. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch thương mại như: Hội chợ, triển lãm, hội nghị, lễ hội văn hóa; hình thành mạng lưới chợ nông thôn; nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình dịch vụ; phát triển các tuyến du lịch, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa lịch sử, du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội. 4. Đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng Tập trung đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng chương trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, kết cấu hạ tầng. Xây dựng thị xã Đông Hà trở thành đô thị trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh và khu vực. Xúc tiến vận động sự ủng hộ của Trung ương và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng cảng Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đồng bộ với các dự án giao thông liên kết như đường sắt Lao Bảo - Đông Hà - Mỹ Thủy, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Đông Hà - Lao Bảo. Đồng thời xúc tiến để xây dựng bệnh viện đa khoa mới, hiện đại phục vụ nhu cầu khám và chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. 5. Tăng cường công tác tài chính - tín dụng Khai thác các nguồn thu, củng cố và phát triển nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra nộp thuế, hoàn thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Điều hành, sử dụng ngân sách một cách chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho cơ sở hạ tầng, các chương trình mục tiêu trọng điểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân. Vận dụng đúng đắn những chính sách, quy định của Nhà nước, của ngành ngân hàng vào thực tiễn địa phương, nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn, thị trường vốn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ở địa phương. Tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký hoạt động doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa các thủ tục, giảm thời gian và số lần đi lại của nhân dân. Thực hiện các chính sách thiết thực để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hợp tác. Mở rộng cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 7. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế Tạo môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch, phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp. Có cơ chế tạo động lực nâng cao khát vọng của người dân vươn lên làm giàu chính đáng cho mình và quê hương, đất nước. Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác đa dạng, tự nguyện, tương trợ lẫn nhau... khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân. 8. Tích cực thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tập trung xây dựng, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đặc biệt, tạo lập môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn và minh bạch nhằm huy động mạnh mẽ nội lực trong nhân dân, các thành phần kinh tế, các nhà doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà đầu tư nước ngoài. Rà soát, thu hồi quỹ đất đã giao, đã cho thuê để thực hiện các dự án nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ so với tiến độ đã cam kết. Đẩy nhanh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư theo hình thức cuốn chiếu. 9. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên - môi trường Quản lý chặt chẽ đất đai, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, giao rừng. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên khác, tăng cường công tác giám sát môi trường, chủ động ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các nhà máy và các cơ sở sản xuất, dịch vụ. 10. Nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục ở các cấp học, ngành học theo chủ trương của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, gắn phát triển giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo. Quan tâm phát triển giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phát triển mạnh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống trường dạy nghề. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 07/2008/NQ-HĐND tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực (trọng tâm là đào tạo nghề cho người lao động) giai đoạn 2007-2015. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Phân viện Đại học Huế tại Quảng Trị, mở thêm các ngành nghề mới để phát triển thành trường Đại học Kỹ thuật trực thuộc Đại học Huế vào năm 2015. 11. Đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ Nắm bắt và vận dụng sáng tạo thành tựu khoa học - công nghệ mới, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản xuất, kinh doanh. Hoạt động nghiên cứu khoa học phải thực sự phát huy tốt vai trò cung cấp luận cứ cho việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ về khoa học - công nghệ, từng bước tạo đột phá về năng suất, chất lượng trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế. Chú trọng đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, các công nghệ mới vào sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông- lâm - thủy sản. 12. Phát triển văn hóa- nền tảng tinh thần của xã hội Tiếp tục "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Chú trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Quan tâm công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục truyền thống. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa, góp phần xây dựng sự nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. 13. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân Tiếp tục củng cố, phát triển và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường cơ sở vật chất và nâng cấp các trạm y tế cơ sở, bệnh viện tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng, các phòng khám khu vực và các bệnh viện tuyến huyện. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, y đức của cán bộ, nhân viên ngành y tế. Thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh công tác dân số - gia đình và chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao quần chúng, thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ công tác thể dục- thể thao. 14. Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách xã hội. Lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn tạo thế phát triển lâu dài và bền vững cho đồng bào vùng đồi, núi, dân tộc thiểu số, các xã vùng khó khăn. Tập trung tạo sự chuyển biến cơ bản cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững. Phát triển thị trường lao động, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm. Tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ và lao động đa ngành nghề. Đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách. Nhìn lại 20 năm qua, những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân trong toàn tỉnh đã tạo ra tiền đề hết sức quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Năm 2009 là năm thứ tư của Kế hoạch 5 năm 2006-2010, năm có vị trí quan trọng, quyết định bước phát triển cho cả nhiệm kỳ 5 năm, cũng là năm kỷ niệm 20 năm ngày lập lại tỉnh. Nhiệm vụ đang đặt ra cho toàn Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị hết sức nặng nề, chặng đường phía trước có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đầy khó khăn, thách thức.

Tin tưởng rằng, Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới, tăng cường đoàn kết, đổi mới toàn diện và sâu sắc, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, phấn đấu ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, cơ bản đạt trình độ phát triển ngang mức trung bình của cả nước vào năm 2010.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Để sức sáng tạo thực sự tạo điểm sáng
22:33 17/01/2023

Sau hơn 30 năm kể từ ngày lập lại tỉnh, từ một vùng đất còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, Quảng Trị đã tạo được những bước chuyển biến vượt bậc, đưa nền kinh ...

POWERED BY
Việt Long