Cập nhật: Thứ 2, 27/05/2019 | 06:00 GMT+7

Những người hai quê!. Bài 1: “Đô thị vàng” xây trên nền... rừng hoang!

(QT) - Họ là những người có tận...hai quê. Một nơi là xứ cù lao yên ả cùng rẻo đất bên sông Thạch Hãn, một nơi là thị trấn biên giới Việt- Lào nhộn nhịp. Chính nhờ có họ mà 2 miền đất tưởng chừng như hoàn toàn khác biệt ấy lại gắn bó không thể tách rời! Hai vùng đất đó, xin được gọi tên Triệu Phước (huyện Triệu Phong) và thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa).

Đường phố Lao Bảo nay được trồng hoa giấy và rất sạch sẽ​

Cuộc “Thiên di”... ngày 1/10/1975

Người dân thị trấn vùng biên Lao Bảo hẳn sẽ không quên cái ngày 1/10/1975, bởi đó là ngày 305 hộ dân với 1.790 nhân khẩu của xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) lên lập nghiệp tại Tân Phước (tên cũ của thị trấn Lao Bảo). Nhưng đó là với dân, còn đối với cán bộ nòng cốt thời bấy giờ, họ còn nhớ một cột mốc khác, sớm hơn 1 tháng. Theo ông Trương Văn Cần (71 tuổi), trú khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, thì vào ngày 27/8/1975, ông được bầu là Ủy viên thường trực của UBND xã Tân Phước và nằm trong số ít cán bộ tiên phong dẫn 55 lao động đầu tiên từ Triệu Phước lên đất mới để khai hoang, phát bụi rậm làm đường, đắp đá làm bến đò... “Tôi lúc ấy mới 27 tuổi, 1 vợ, 2 con, là độc đinh do 2 anh trai đã hi sinh, nhưng tổ chức gọi là lên đường”, ông Cần nhớ lại.

Cũng theo ông Cần người dân quê ông lúc đó chủ yếu là người trong Nam trở về, trong bối cảnh lịch sử, nhiều gia đình không có nhà cửa, không có đất đai, nếu có cũng là đất mặn, đồng chua, cuộc sống rất bí bách nên tình nguyện đi kinh tế mới để được cấp đất, cấp 6 tháng ăn (15 kg gạo/người/tháng), phụ cấp tiền (5 đồng/người/tháng)...

Cùng “chuyến” với ông Cần là ông Nguyễn Vũ Ái (65 tuổi), quê gốc ở làng Hà La, xã Triệu Phước, tại thời điểm đó mới 24 tuổi, chưa vợ và là Bí thư Xã đoàn Triệu Phước. Người đàn ông từng được kết nạp vào Đảng khi mới 22 tuổi và hoạt động trong vùng địch chiếm đóng với nhiệm vụ mỗi đêm rải ít nhất 30 cuốn tuyên truyền “hòa hợp dân tộc” này cho biết, ông sẽ không bao giờ quên từng khoảnh khắc của cuộc “thiên di” ấy. “Sau khi đám chúng tôi khai hoang hòm hòm thì tỉnh bố trí xe ca để chở người, nồi niêu xoong chảo, lợn gà... của dân ở dưới quê lên, riêng việc di chuyển lần lượt đã mất 15 ngày do thời gian đó mưa dầm dề, xe mắc sình lầy suốt. Trên xe già trẻ gì có cả, cứ lúc nhúc mà đi...”, ông Ái kể.

Những ngày đầu khí thế sớm qua đi, khi khó khăn dần lộ diện với cán bộ và nhân dân Triệu Phước, những người đồng bằng lên sống nơi vùng biên ải. Theo ông Cần, cái khó đầu tiên đó là thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng kinh hoàng, mùa đông rét buốt, cái rét khác rất nhiều với đồng bằng bởi có thêm hơi núi đá, lạnh mà buốt; là bệnh sốt rét hoành hành, đến nỗi chỉ cần ngồi trong nhà nhìn ra đường, cứ 30 phút lại thấy có người khiêng cáng bệnh nhân sốt rét về trạm xá. Thứ nữa là đạn bom trên đất này ngày đó nhiều vô kể, những tiếng nổ xé tai vẫn vang lên đều đặn, có đứa trẻ mới lên được 2-3 ngày thì dính bom qua đời... Việc canh tác 6 tháng đầu cũng rất trục trặc, “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô, ngô khô quắt lại. Nhiều người đã nao núng, một số bỏ về đồng bằng, một số vào Nam. Cao điểm, ở thôn Duy Tân, 48 hộ ban đầu chỉ còn 26 hộ”, ông Cần nhớ lại.

Tên đất tên làng... dính vào nhau

Sự “liên quan” máu thịt của Triệu Phước và Lao Bảo thể hiện qua từng tên đất tên làng. Ông Nguyễn Vũ Ái, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết, khi mới lên, các cán bộ đã cố ngồi “sắp chữ” thôn làng ở quê cũ thành thôn làng mới một cách gần gũi, để mọi người dân đều không quên nguồn cội. Rằng thôn An Cư, Hà La (ở quê) thì ghép thành thôn An Hà; thôn Duy Phiên (ở quê) thành thôn Duy Tân; thôn Việt Yên, Cao Hy (ở quê) ghép thành thôn Cao Việt; thôn Lưỡng Kim (ở quê) thành thôn Tân Kim; thôn Phước Lễ, Dương Xuân (ở quê) ghép thành thôn Tân Phước; thôn Vĩnh Lại, Hoa Lá (ở quê) ghép thành thôn Vĩnh Hoa...

Với ông Ái, 1 năm sau cuộc “thiên di” đã được bầu làm Chủ tịch UBND xã Tân Phước khi mới 25 tuổi, đã phải cùng với cán bộ tìm cách động viên nhân dân cố gắng sống, làm việc rằng: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. “Cả xã thời ấy có 6 đảng viên, riêng nhà tôi đã có 3 người, gồm bố mẹ tôi và tôi. Chính vì thế, rất nhiều quyết sách thời đó đã được bàn bạc thảo luận ngay tại căn lều của nhà tôi vì chưa có trụ sở”, ông Ái kể.

Mọi thứ dần khá lên khi nhà nước quyết định hỗ trợ tiền ăn cho những người khai khẩn Lao Bảo thêm 6 tháng, trong khi 7 đội sản xuất tập thể cũng đã được thành lập. “Thời đó, chúng tôi đã chắt chiu từng hạt giống, từng giọt nước để lo cho những rẫy bắp, vườn sắn, vườn khoai... Nhặt bom đạn trên từng luống cày. No đói có nhau. Dù gian khó nhưng vẫn nuôi niềm tin son sắt rằng sẽ có một ngày mai rất khác”, ông Ái chia sẻ.

Từ rừng núi hoang thành... phố núi!

Cho đến bây giờ, tháng 5/2019, ông Cần vẫn bảo nếu quay lại ngày xưa không biết ông có đủ nghị lực sống, dựng xây để thấy Lao Bảo của ngày hôm nay. “Ngày trước lên đây thì... quét bụi mà đi, bởi chỉ có 1 con đường duy nhất từ ngã ba đường 9 lên nhà đày Lao Bảo, giờ tìm cả thị trấn 1 con đường đất đỏ cũng khó. Trước, khi lên chỉ có 2 cái thùng để gánh nước sông lên giờ có giếng, có nước máy cả rồi... Trước, lo cơm ngày 3 bữa nay mọi người làm ăn kinh tế, thương mại dịch vụ rầm rộ để có đồng ra đồng vào”, người đàn ông đã có 7 đứa con, 22 đứa cháu, 2 đứa chắt, nói như chiêm nghiệm.

Trong khi đó, với thế hệ thứ hai như ông Nguyễn Phi Bảo, đương kim Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, người từng bị “ép” mang tên Bảo khi ra đăng kí khai sinh ở UBND xã thay vì tên Đình ban đầu vì “can tội” là một trong những đứa trẻ sinh ra đầu tiên trên mảnh đất này vào năm 1975 thì Lao Bảo bây giờ cũng đã khác xa kí ức thơ ấu của ông. “Ngày trước cái chi cũng không có, chỉ có gió với bụi là thừa. Ngày nay, ai cũng gọi Lao Bảo là đô thị vàng ở phía tây Quảng Trị và tôi cũng...thấy thế thật”, ông Bảo tếu táo nói.

Nhưng Lao Bảo chỉ thực sự... “hóa rồng” sau năm 1998, khi Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo được Chính phủ cho phép thành lập. Qua 20 năm, Lao Bảo đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân trong khu vực, tạo hình hài cho một khu đô thị trẻ phía tây tỉnh Quảng Trị. Từ buổi đầu chỉ có 12 doanh nghiệp với 400 hộ kinh doanh cá thể thì nay có 400 doanh nghiệp (trong đó có 5 doanh nghiệp FDI) và gần 1.500 hộ kinh doanh cá thể đăng kí hoạt động, hằng năm nộp ngân sách nhà nước khoảng từ 30 - 40 tỉ đồng. Hiện có tới gần 60 dự án đăng kí đầu tư ở Lao Bảo với tổng số vốn đầu tư đăng kí là 3.670 tỉ đồng, trên diện tích đất thuê là 262 ha, trong đó có 35 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư là 2.745 tỉ đồng. Các dự án đầu tư đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động trực tiếp, chủ yếu là cư dân trên địa bàn.

Với những con số như thế, những câu chuyện như thế, dễ hiểu ngày nay khi nhìn từ trên cao xuống, nhà đày Lao Bảo chỉ còn là một chấm nhỏ, bị che lấp bởi những tòa nhà cao tầng, những trụ sở nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại… Ngục tù ngày xưa giờ chỉ còn là quá khứ, bởi từng ngày từng giờ, những thế hệ nối tiếp của những con dân Triệu Phước sẽ tiếp tục dựng xây phố núi này thành một đô thị sầm uất giữa dặm dài Trường Sơn!

(còn nữa)

Bài 2: Ai nói... 2 quê là khổ

Nguyễn Phúc



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lao Bảo - đất của những con người hào sảng
22:50 04/08/2023

Thêm một mùa xuân này là gần nửa thế kỷ người dân kinh tế mới ở huyện Hướng Hoá nói chung và thị trấn Lao Bảo nói riêng lên vùng đất “lam sơn chướng khí” miền ...

Chuyện làm ăn ở cù lao Bắc Phước
22:00 14/03/2025

Với diện tích chưa bằng 4 cây số vuông, bao quanh bốn bề sông nước, cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, nổi tiếng về sự trù phú và thịnh ...

Mười năm, nhớ về người thầy giáo anh hùng
22:45 22/11/2024

Mười năm kể từ khi thầy giáo Hà Công Văn ra đi, trong tôi vẫn chưa nguôi mơ ước về một tượng đài tri ân những thầy cô cắm bản. Sự hy sinh của các thầy cô nơi ...

Biến đồi hoang thành nơi có của ăn của để
22:10 03/09/2024

Từ vùng đất đồi dốc bỏ hoang, nông dân Hồ Xa Nát, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm cải tạo, ...

Hồi ức đẹp của những người lính K10
22:20 05/03/2025

Những ngày này, cựu chiến binh (CCB) K10 khắp mọi miền đất nước đều nôn nao chờ ngày được gặp nhau tại mảnh đất Hải Phú - nơi họ từng một thời sống, chiến đấu ...

Vĩnh Linh phát huy hiệu quả quỹ khuyến học

Vĩnh Linh phát huy hiệu quả quỹ khuyến học
10:15 tối qua

QTO - Xác định phát triển quỹ khuyến học góp phần quan trọng vào thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, vì vậy các cấp hội...

Tiếp nối nghĩa tình tháng 7

Tiếp nối nghĩa tình tháng 7
4:55 sáng qua

QTO - Nghĩa tình tháng 7 là hành trình tri ân của Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Quảng Trị để nhân lên tình cảm, sự ghi nhớ công lao của các gia đình chính...

POWERED BY
Việt Long