Những người chuyên "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"
(QT) - Mỗi người một địa bàn hoạt động, công việc của cộng tác viên (CTV) DS- KHHGĐ ở cơ sở khá vất vả song hầu như ai cũng luôn nỗ lực, nhiệt tình, yêu thích và gắn bó lâu dài. Những cống hiến của họ góp phần tích cực vào sự thành công các chương trình, mục tiêu về DS- KHHGĐ nói riêng, sự nghiệp phát triển KT- XH của địa phương nói chung. Đi từng ngõ...
 |
Tập huấn DSKHHGĐ ở Chi đoàn thanh niên xã Vĩnh Kim, (Vĩnh Linh). Ảnh: ĐB |
Năm 1996, chị Nguyễn Thị Lượng, có quyết định làm cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ xã Vĩnh Kim (Vĩnh Linh, Quảng Trị), chị hết sức lo lắng bởi trước đó các chỉ tiêu thực hiện KHHGĐ như đặt vòng, uống thuốc tránh thai, dùng bao cao su, đặc biệt đình sản ít được các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận. Bên cạnh đó không ít khó khăn, thách thức do địa bàn phân bổ dân cư rải rác, đời sống kinh tế của người dân chưa cao, trình độ dân trí không đồng đều... ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có công tác DS- KHHGĐ, do đó các chỉ tiêu dân số hàng năm không đạt. Trước thực trạng đó, chị Lượng đã chịu khó nghiên cứu tài liệu, sách báo, tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn, học hỏi những người có kinh nghiệm để bổ sung thêm kiến thức. Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể nên bộ máy của Ban DS- KHHGĐ xã Vĩnh Kim được kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả. Năm tháng trôi qua, công việc DS- KHHGĐ đã đem lại cho chị Lượng không ít vất vả song cũng nhiều niềm vui. Chị vẫn không quên một thời ngày nào chị cũng phải “đi từng ngõ...” trực tiếp vận động các cặp vợ chồng đã có 4- 5 người con nhưng vẫn muốn sinh con. Chị đã kiên trì và thường xuyên gặp gỡ tâm sự, phân tích để họ nhận biết nếu sinh đông con sẽ dẫn đến nghèo khó, thất học và nhiều hệ luỵ khác. Đã có trường hợp đối tượng sinh nhiều con và đứa bé nhất mới gần 8 tháng tuổi, chị đã vận động và trực tiếp đưa đến Trung tâm Y tế Vĩnh Linh để đình sản, chị cũng là người chăm sóc người mẹ và cháu bé trong những ngày nằm tại khoa sản. Đây không phải là trường hợp duy nhất đối với chị Lượng. Đến nay, xã Vĩnh Kim là đơn vị đầu tiên của huyện Vĩnh Linh đã tổ chức phát động xây dựng làng không có người sinh con thứ 3 trở lên và đang phấn đấu đến năm 2010 sẽ tổ chức phát động mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên. Hiện tại qua khảo sát xã Vĩnh Kim luôn giữ vững tỷ lệ sinh dưới 1%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giao động từ 0,3% đến 0,6%, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng cao, đời sống KT- XH, an ninh quốc phòng được giữ vững, trẻ em đến trường đạt 100%, trẻ em suy dinh dưỡng chỉ còn 12,4%. Gõ từng nhà...
 |
Thôn Ba Du, Hải Ba (Hâỉ Lăng) đón nhận danh hiệu "Thôn không có người sinh con thứ ba trở lên" giai đoạn 2005-2008- Ảnh: CTV |
Thôn Ba Du, xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) có 100 hộ với 520 nhân khẩu, trong đó có 75 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cá thể. Những năm trước đây, Ba Du cũng như bao làng quê khác vẫn mang nặng những tập tục lạc hậu “trời sinh voi trời sinh cỏ”, tâm lý thích sinh con trai hơn con gái nên nhiều hộ vẫn không thoát khỏi nghèo khó do sinh nhiều con. Năm 1993, anh Nguyễn Khanh được phân công làm CTV DS- KHHGĐ của thôn, với bao khó khăn vì chưa quen với công việc, hơn nữa đây là lĩnh vực khá tế nhị trong việc tuyên truyền vận động nên đã có lúc anh chán nản không muốn tiếp tục tham gia công việc này. Tuy nhiên mỗi khi nhìn thấy tận mắt hoàn cảnh của một số gia đình đông con và nghĩ đến tương lai của những đứa trẻ không được chăm sóc chu đáo, đầy đủ, anh không thể làm ngơ, tiếp tục làm nhiệm vụ “gõ từng nhà”. Anh Nguyễn Khanh đã xác định cho mình vai trò, trách nhiệm để có kế hoạch hoạt động, đặc biệt sau khi đề án “Xây dựng làng không có người sinh con thứ 3 trở lên” của huyện Hải Lăng ban hành, anh đã tham mưu cho chi bộ và Ban điều hành làng văn hoá tổ chức phát động tại Ba Du. Sau 3 năm thực hiện, từ tháng 10/2005 đến tháng 10/2008, thôn Ba Du vinh dự được đón nhận bằng công nhận “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên” của UBND huyện Hải Lăng và được thưởng một công trình phúc lợi là đường bê tông nội đồng, trị giá 100 triệu đồng. Đây là kết quả của sự đồng lòng, đồng sức của tập thể nhân dân trên địa bàn, trong đó có một phần công lao của anh. Thôn Ba Du đã và đang phấn đấu tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được về danh hiệu “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên” trong những năm tiếp theo. Rà từng đối tượng
 |
Cán bộ dân số huyện Hướng Hoá chuẩn bị chuyến công tác về vùng sâu. Ảnh: ĐB |
11 năm làm cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ của xã Hướng Hiệp (Đakrông, Quảng Trị), chị Hồ Thị Lý, 54 tuổi, dân tộc Vân Kiều đã được tặng thưởng 14 bằng khen và giấy khen của các cấp, chị vinh dự được tham gia hội nghị biểu dương cán bộ dân số tiêu biểu năm 2009. Trên cương vị là cán bộ DS- KHHGĐ của xã Hướng Hiệp đã có nhiều năm làm CTV của thôn Phú An, chị Lý đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm phục vụ cho công việc của mình. Là người dân tộc thiểu số, chị Lý hiểu rất rõ về hoàn cảnh của các gia đình ở vùng miền núi đông con, kinh tế hết sức khó khăn, luôn thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em không có điều kiện đến trường, nguyên nhân một phần do chưa thực hiện tốt công tác DS- KHHGĐ. Để giúp các gia đình nói chung, phụ nữ dân tộc trên địa bàn nói riêng vượt qua nghèo khó, vươn lên làm chủ cuộc sống, không có con đường nào khác là “rà từng đối tượng”, vận động chị em với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Chị Lý cùng với CTV thôn, bản trực tiếp đến từng gia đình tư vấn để họ làm quen và tiếp cận với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và thực hiện tốt các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện Hướng Hiệp có 745 hộ/4.185 nhân khẩu, sống rải rác ở 10 thôn, trong đó có 3 thôn cách xa trung tâm xã từ 12- 15 km. Mặc dù khó khăn cách trở về giao thông đi lại, chị Lý vẫn nhẫn nại với công việc của mình, góp phần đưa công tác DS- KHHGĐ của xã Hướng Hiệp đi vào nền nếp và thực sự có chuyển biến đáng kể. Tỷ suất sinh giảm bình quân mỗi năm từ 0,6- 0,7%0, tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 3- 4%, riêng 6 tháng đầu năm 2009 đến nay đạt 80,3%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng giảm qua hàng năm từ 2- 3%, năm 1997 ở mức từ 37- 38%, năm 2004 xuống còn 34,4% và năm 2008 là 22,9%. 16 năm tận tụy gắn bó với công tác dân số
 |
Chị Hoàng Thị Dung tuyên trền vận động người dân xã Cam Thuỷ (Cam Lộ) sử dụng biện pháp tránh thaihiện đại. Ảnh: TP |
Liên tục 15 năm liền từ 1993 đến nay, xã Cam Thuỷ (Cam Lộ, Quảng Trị) luôn vượt chỉ tiêu và hoàn thành xuất sắc về công tác DS- KHHGĐ, chứng minh cho những thành tích đã đạt được là những phần thưởng cao quý gồm 18 bằng khen, giấy khen các cấp tặng thưởng cho tập thể xã. 16 bằng khen, giấy khen các cấp cùng 2 huy chương “Vì sự nghiệp Dân số”; “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” cùng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân” cho cá nhân chị Hoàng Thị Dung, cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ xã Cam Thuỷ. Chị Hoàng Thị Dung bắt đầu nhận nhiệm vụ của một cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ từ năm 1993, với tình trạng lúc bấy giờ nhận thức của người dân về công tác DS- KHHGĐ còn nhiều hạn chế, trong lúc điều kiện của Cam Thuỷ là địa bàn thuần nông, kinh tế của các gia đình còn thiếu thốn về mọi mặt. Bên cạnh đó đầu tư ngân sách chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác DS- KHHGĐ cùng một số tác động khác nên tỷ suất sinh trên địa bàn khá cao, ở khoảng 30- 35%0, trong đó sinh con thứ 3 trở lên chiếm 40%, không ít cặp vợ chồng sinh con thứ 5, thứ 6. Là cán bộ chuyên trách DS- KHHGĐ, chị Hoàng Thị Dung suy nghĩ nếu để tiếp tục kéo dài tình trạng này nguy cơ bùng nổ dân số của địa phương là điều không tránh khỏi. Trước hết chị Dung đã tìm ra nguyên nhân nhiều năm liền thực hiện công tác DS- KHHGĐ của xã Cam Thuỷ không đạt chỉ tiêu một phần do công tác tổ chức bộ máy, mạng lưới hoạt động của CTV DS- KHHGĐ ở các khu dân cư còn thiếu và yếu. Từ đó căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, chị Dung đã xây dựng kế hoạch và tham mưu với Đảng uỷ, chính quyền và các ngành liên quan củng cố ngay tổ chức mạng lưới hoạt động của Ban DS- KHHGĐ xã và CTV ở các thôn trên địa bàn. Đồng thời chị xây dựng riêng cho mình lịch hoạt động theo tuần, tháng, quý và dành thời gian về cơ sở giúp CTV theo dõi, cập nhật sổ quản lý, bổ sung hộ, khẩu thuộc đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Triển khai các hoạt động tư vấn như sinh hoạt nhóm, lồng ghép các buổi họp dân để tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về công tác DS- KHHGĐ. Trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình và kế hoạch hành động về công tác DS- KHHGĐ giai đoạn 2006- 2010. Phối hợp triển khai thành công các đợt chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Với sự nỗ lực, nhiệt tình, chị Dung đã góp phần đưa công tác DS- KHHGGD của xã Cam Thuỷ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 1993, tỷ suất sinh ở Cam Thuỷ là 34- 35%0, năm 2008 giảm xuống còn 12,87%0, sinh con thứ 3 từ 40% giảm xuống còn 12,3%. Tỷ lệ cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai từ 34,8% năm 1993 tăng lên 82,3% năm 2008. Bên cạnh các giải pháp thực hiện tốt công tác DS- KHHGĐ, xã Cam Thuỷ đã phát động xây dựng được 3 làng không có người sinh con thứ 3 trở lên, 20 câu lạc bộ về DS- KHHGĐ. Đặc biệt những năm gần đây, từ 2004- 2008 xã Cam Thuỷ luôn đạt và vượt chỉ tiêu về công tác DS- KHHGĐ đề ra. Thảo Ly