Cập nhật: Chủ nhật, 24/02/2019 | 09:54 GMT+7

Những người “bố nuôi” ở Đồn Biên phòng Ba Lin

(QT) - Đồn Biên phòng Ba Lin đóng chân tại xã A Vao, huyện Đakrông, quản lí 10 cột mốc quốc giới (từ mốc 624-633) trải dài 22,807 km đường biên giới. Từ năm 2015 đến nay, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin được đồng bào Pa Kô nơi đây gọi với cái tên thân mật, gần gũi là những ông “bố nuôi” của các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

“Nâng bước em tới trường”

Một ngày đầu năm 2019, tôi gặp em Hồ Văn Rùy (sinh năm 2006) ở thôn A Vao, xã A Vao cặm cụi chuẩn bị sách vở để đến trường. Rùy hiện là học sinh lớp 4, Trường TH & THCS A Vao. Em mồ côi bố từ nhỏ, phải sống với mẹ và gia cảnh thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương. Mặc dù còn nhỏ những Rùy rất thương mẹ, đã biết rơi nước mắt khi thấy mẹ ngày đêm lao lực làm việc quần quật trên ruộng nương để nuôi anh em Rùy ăn học. Lắm lúc em có ý định thôi không học nữa để giúp đỡ thêm việc nương rẫy cho mẹ vơi bớt nhọc nhằn. Rồi một ngày, Rùy thấy các chú bộ đội Biên phòng với quân phục xanh thắm bước vào nhà trò chuyện cùng mẹ. Rùy lắng nghe và vui mừng khôn tả khi biết rằng, từ nay mình sẽ không còn lo sợ phải nghỉ học để giúp mẹ nữa. Bởi vì, Rùy sẽ được các chú bộ đội Đồn Biên phòng Ba Lin nhận nuôi, đỡ đầu hằng tháng tiền ăn học. Ánh mắt Rùy tràn ngập niềm vui sướng và tung tăng như thuở ban đầu được mẹ mua áo quần mới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin chăm sóc các cháu nhỏ được nhận đỡ đầu​

Phía bên kia biên giới, nơi góc nhỏ thôn Ro Ró, Cụm 2, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, Lào là ngôi nhà xập xệ của em Hồ Thị Rứa (11 tuổi). Rứa mồ côi cả bố lẫn mẹ nên được gia đình người chú ruột nhận nuôi. Sống trong sự thiếu thốn tình yêu của bố mẹ, gia cảnh của chú ruột cũng nghèo nên Rứa thường tủi thân và đoạn đường đến với con chữ của em lắm gập ghềnh chông gai. Nắm bắt được hoàn cảnh của Rứa, giữa năm 2015, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin đã băng rừng, lội suối tìm đến tận nhà và thông qua chính quyền sở tại để làm thủ tục nhận đỡ đầu Rứa. Hằng tháng, đồn hỗ trợ cho Rứa 500 ngàn đồng để ăn học. Từ ấy, Rứa có thêm niềm tin vào cuộc sống, cố gắng hơn trong học tập để không phụ lòng mong mỏi của các “bố” bộ đội người Việt ở bên kia biên giới. Nay, Rứa đang yên tâm học lớp 3, Trường Tiểu học bản Ro Ró, Cụm 2, Sa Muồi, Lào.

Hồ Văn Rùy và Hồ Thị Rứa chỉ là 2 trong 5 em nhỏ được Đồn Biên phòng Ba Lin nhận đỡ đầu từ năm 2015 đến nay theo chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động. Trung tá Đinh Quang Duyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Lin nói với tôi rằng, hiện nay, đồn đang nhận đỡ đầu 5 em nhỏ người đồng bào Pa Kô có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có em Hồ Thị Rứa là đang sinh sống trên đất bạn Lào. Mỗi tháng, các em sẽ được đồn hỗ trợ 500 ngàn đồng/em để có kinh phí trang trải cuộc sống, mua sách vở học tập. Nhờ vậy, các em không còn lo đến chuyện nhịn đói tới trường. Bên cạnh hỗ trợ tiền mặt, các cán bộ, chiến sĩ của đồn còn thường xuyên thay phiên nhau đến tận từng gia đình để thăm hỏi tình hình sức khỏe, học tập, chia sẻ với các em những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và động viên các em yên tâm học hành. Cũng từ khi được nhận đỡ đầu, các em nhỏ thấy ấm áp hơn, được tiếp thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục tiến bước trên con đường vươn tới chân trời tri thức.

“Bố nuôi” của những đứa trẻ Pa Kô

Ở gần chân cột mốc 625, thuộc địa phận thôn Kỳ nơi, xã A Vao do Đồn Biên phòng Ba Lin quản lí, có gia đình của người đàn ông người Pa Kô tên là Côn Nô (sinh năm 1974). Côn Nô có 8 người con độ tuổi từ 1-14 không được đến trường, không có giấy khai sinh. “Tháng 10/2018 vừa qua, đơn vị đã vận động gia đình và đưa các cháu về gần đơn vị để có điều kiện đến trường. Tiếp đó, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương làm giấy khai sinh cho các cháu và liên hệ với người quen gần trường cho các cháu ở tạm. Sau khi điểm trường Mầm non Thôn Kỳ nơi xã A Vao khánh thành đưa vào sử dụng, đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương, nhà trường mượn lại phòng học ở điểm trường cũ để cho các cháu ở…”, Trung tá Đinh Quang Duyên kể.

Niềm vui trong bữa cơm có thịt của các em nhỏ người Pa Kô ở xã A Vao​

8 người con của Côn Nô được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin nhận nuôi là Hồ Thị Niêu (15 tuổi), Hồ Văn Nức (14 tuổi), Hồ văn Noan (12 tuổi), Hồ Thị Nọc (11 tuổi), Hồ Thị Nét (9 tuổi), Hồ Thị Né (8 tuổi), Hồ Thị nứt (7 tuổi), Hồ Cu Lương (6 tuổi). Sau khi các cháu về ở điểm trường mầm non cũ, đồn trang bị bàn ghế, giường, chiếu, chăn màn và các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày cho các cháu. Khi đã ổn định chỗ ở, đồn phối hợp với Trường TH & THCS A Vao trợ cấp bước đầu cho các cháu 100 kg gạo/tháng. Chưa hết, đồn còn hỗ trợ các cháu 500 ngàn đồng/tháng để mua thức ăn và các vật dụng khác. Hiện, đồn cử 1 cán bộ Đội Vận động quần chúng trực tiếp xuống chăm sóc và kêu gọi các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ đảm bảo đời sống lâu dài cho các cháu.

Thượng úy Hồ Văn Hùng, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Lin là người trực tiếp nhận nuôi dạy 8 người con của Côn Nô. Để tiện chăm sóc các cháu, anh xin nhờ ở nhà già làng. Hằng ngày, từ sáng sớm, anh Hùng đánh thức các cháu dậy rồi cho các cháu ăn sáng, nhắc nhở các cháu việc học hành, ăn ngủ đúng giờ, tự giác làm vệ sinh cá nhân. Sau giờ học, anh còn dạy các cháu cách trồng rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày. “Lúc trước mới về đây, các cháu lạ chốn nhớ nhà nên thay nhau khóc đòi về. Tôi vừa đảm nhận vai trò làm mẹ, vừa làm bố để an ủi, dỗ dành các cháu đến trường học chữ. Nay thì khác rồi! Các cháu ngoan ngoãn, tự giác đến lớp. Về nhà thì chủ động học bài và tích cực cuốc đất trồng rau nữa. Tôi và các cháu gắn kết tự bao giờ chẳng hay. Nay, các cháu thi thoảng gọi tôi là bố nuôi. Tôi cười rồi bảo, các cháu phải học thật giỏi để không phụ lòng của bố nuôi và các chú bộ đội. Mấy đứa răm rắp dạ rồi ngoan ngoãn học bài. Đó là điều làm chúng tôi thấy hạnh phúc.”, anh Hùng kể.

Trò chuyện cùng tôi, Chủ tịch xã A Vao Hồ Văn Hùng nói, toàn xã có 9 thôn, 600 hộ gia đình và trên 3.000 nhân khẩu, trong đó tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. “Thời gian qua, Đồn Biên phòng Ba Lin thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có nhiều hoạt động, chương trình hướng đến cộng đồng, góp phần giúp nhân dân dần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ nhận thức. Đặc biệt, nhờ có đồn mà các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn được nhận nuôi, đỡ đầu để có điều kiện đi học, có cuộc sống ổn định hơn. Chính quyền và người dân địa phương rất cảm kích và biết ơn các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin”, ông Hùng nói thêm.

Trần Tuyền



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mùa đông ấm áp ở bản Pa Lin
23:05 29/12/2023

Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của trẻ em vùng cao, đặc biệt là mỗi khi mùa đông đến, mới đây nhóm Diễn đàn Tuổi trẻ Quảng Trị và các tấm lòng hảo tâm đã ...

“Dân vận khéo” ở Đồn Biên phòng Thuận
22:40 31/01/2024

Rất nhiều năm qua, với người dân các xã Thuận, Tân Long, huyện Hướng Hóa, những người lính mang quân hàm xanh luôn gần gũi, thân thương và gắn với những việc ...

Đồng hành, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn

Đồng hành, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn
23:50 19/02/2019

(QT) - Với việc thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh Quảng Trị đã thể hiện được vai trò là...

Đưa dịch vụ công đến gần người dân

Đưa dịch vụ công đến gần người dân
23:47 19/02/2019

(QT) - Thay vì phải đến cơ quan nhà nước, người dân có thể thực hiện và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngay tại nhà thông qua bưu điện. Đó là những tiện ích...

Vươn lên nhờ nuôi lợn xoay vòng

Vươn lên nhờ nuôi lợn xoay vòng
23:45 18/02/2019

(QT) - Mặc dù siêng năng lao động nhưng hành trình vươn lên thoát nghèo của nhiều phụ nữ ở xã Mò Ó, huyện Đakrông vẫn gặp không ít khó khăn. Nỗi âu lo trong lòng họ vơi bớt từ...

Thời tiết

27°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 26°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long