{title}
{publish}
{head}
QTO - Dù ngày hay đêm, thời tiết thuận lợi hay khắc nghiệt, chỉ cần nghe thông tin có sản phụ cần giúp đỡ, những nữ hộ sinh luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Công việc của những nữ hộ sinh ở vùng miền núi luôn phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn, vất vả nhưng với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, họ đã vượt qua khó khăn để giúp đỡ nhiều sản phụ “vượt cạn” thành công và thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân…
Nhân viên hộ sinh Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa chăm sóc trẻ sơ sinh -Ảnh: M.Đ |
Không ngại khó khăn
Chị Hồ Thị Thanh Lan (sinh năm 1976), nhân viên hộ sinh Trạm Y tế xã Húc (huyện Hướng Hóa) chia sẻ, từ nhỏ, chị đã từng chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của cả người mẹ lẫn trẻ sơ sinh do không có bác sĩ, nữ hộ sinh hỗ trợ kịp thời khi chuyển dạ. Đến khi trở thành nữ hộ sinh, chị luôn xông xáo đi đến những địa bàn xa xôi. Thuận lợi với chị khi vào nghề đó là thấu hiểu cuộc sống, tập quán của người Vân Kiều, từ đó dễ đồng cảm và có cách vận động giúp người dân thay đổi nhiều hủ tục lạc hậu; ưu tiên quan tâm đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ em.
Hơn 23 năm làm nghề hộ sinh, chị Lan không nhớ mình đã từng đỡ đẻ, chăm sóc sức khỏe cho biết bao phụ nữ vùng cao được “mẹ tròn, con vuông”. Đến giờ, chị Lan vẫn không thể nào quên đợt mưa bão lịch sử kéo dài vào tháng 10/2020 xảy ra ở xã Húc làm nhiều thôn bị cô lập, chia cắt. “Đang trực ở Trạm Y tế xã Húc, tôi thấy một người đàn ông hốt hoảng đến trạm nhờ tôi về nhà ở thôn Ván Ri để cứu vợ anh ta đang chuyển dạ nguy kịch. Nhìn bầu trời tối đen, mưa như trút nước, tôi bàn nhanh với một nhân viên y tế xã rồi vội lên đường ngay lập tức để cứu người. Trên đường đi, tôi trượt chân, té ngã liên tục, người ướt hết khi vượt qua dòng suối hung dữ. Sau tầm vài tiếng đồng hồ thì tôi đến được nhà và đỡ đẻ thành công cho sản phụ. Dặn dò người nhà kỹ lưỡng, chúng tôi ra về dù tiếp tục đối mặt với thời tiết nguy hiểm nhưng trong lòng rộn ràng niềm vui”, chị Lan chia sẻ một kỷ niệm trong nghề.
Nữ hộ sinh Hồ Thị Thanh Lan, Trạm Y tế xã Húc (huyện Hướng Hóa) tận tình hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ nhỏ -Ảnh: M.Đ |
Trên địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa hiện có 55 nữ nhân viên hộ sinh, với nhiệm vụ chăm sóc cho phụ nữ đang mang thai, hỗ trợ khi sinh nở và chăm sóc sau sinh; tư vấn, cung cấp kiến thức sinh sản để người phụ nữ có thể tự chăm sóc cho cả mẹ lẫn con; hướng dẫn, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho gia đình, cộng đồng về kế hoạch hóa gia đình, chống bạo lực gia đình, phòng chống bệnh tật… Mỗi nhân viên hộ sinh luôn cố gắng không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, y đức và sự thân thiện, gần gũi, hỗ trợ hết mình cho người dân. Họ sẵn sàng lên đường hỗ trợ, giúp đỡ cho người phụ nữ mang thai mọi lúc, mọi nơi, không ngại gian khó...
Đa phần ở miền núi, từ tuyến huyện cho đến cơ sở, nữ hộ sinh làm việc không theo giờ giấc cố định. Có những lần, nữ hộ sinh phải thực hiện đỡ đẻ từ 5-7 ca/ngày ở cơ sở y tế và đi đến từng nhà. Vất vả, khó khăn là thế nhưng những nữ hộ sinh vẫn luôn tận tâm, tận tình với công việc. Chị Lê Thị Kim Liên (sinh năm 1978), nhân viên hộ sinh Trạm Y tế xã Mò Ó (Đakrông) có 24 năm trong nghề.
Chị kể: “Nhiều lúc đang ngủ ngon giấc nhưng chỉ nghe tiếng gõ cửa là ngay lập tức tôi bật dậy như một phản xạ tự nhiên. Bởi chúng tôi biết những người gõ cửa đa phần là đàn ông nhờ giúp vợ mình chuyển dạ”. Bản thân chị Liên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi đỡ các ca khó, cho đến việc chăm sóc trẻ mới sinh nhẹ cân, ốm yếu, thậm chí có trường hợp cận kề với cái chết để giữ được mạng sống. Giờ đây, nhìn những đứa bé từng được chị bế trên tay khi vừa lọt lòng trở thành những công dân hữu ích cho xã hội, chị Liên luôn có cảm giác ấm áp, hạnh phúc.
“Vì dân bản cần chúng tôi”
Nhiều nữ nhân viên hộ sinh chia sẻ với chúng tôi, niềm vui lớn nhất trong nghề đó chính là được nhìn và cảm nhận nụ cười của người mẹ sau khi vượt qua nhiều đau đớn để sinh ra đứa con của mình. Chị Nguyễn Phúc Hải Tiên (sinh năm 1981), Điều dưỡng trưởng, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết, trong suốt 19 năm gắn bó với nghề hộ sinh từ tuyến xã cho đến tuyến huyện, chị đã giúp rất nhiều phụ nữ “vượt cạn” thành công. Chị cũng như nhiều chị em làm công việc hộ sinh đã góp phần nhân lên niềm hạnh phúc của nhiều gia đình nhỏ. Ở miền núi, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Có những bà mẹ đến trạm mà không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, tiền bạc, áo quần, tã bỉm… cho trẻ sơ sinh cũng không có. Gặp những trường hợp như vậy, chị Tiên luôn đặt tính mạng và sức khỏe của sản phụ lên hàng đầu, rồi phân công người trực tiếp làm việc với gia đình, từ đó cam kết hoàn thành các thủ tục hành chính và hỗ trợ mua thêm đồ dùng cho sản phụ. Những việc làm đó đã giúp bệnh nhân vơi bớt âu lo.
Tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông, chị Nguyễn Thị Lệ Ngân (sinh năm 1981), nhân viên hộ sinh cho hay: “Biết những khó khăn của sản phụ và người nhà, nữ hộ sinh chúng tôi vẫn luôn ân cần, cởi mở nhằm giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị và tạo mọi điều kiện tốt nhất để “mẹ tròn, con vuông”. Chúng tôi cũng luôn chia sẻ và giúp đỡ vật chất cho phụ nữ nghèo khó như góp tiền mua đồ ăn, sữa, áo quần cho mẹ và em bé hoặc thay phiên nhau nấu cháo, mì… cho sản phụ ăn để có sức khỏe chăm con tốt”.
Nữ hộ sinh Lê Thị Kim Liên, Trạm Y tế xã Mò Ó (huyện Đakrông) luôn trong tâm thế lên đường để hỗ trợ cho các sản phụ -Ảnh: M.Đ |
Với đặc thù hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa là địa hình đồi núi, sông suối nhiều; một số nơi không có sóng điện thoại ảnh hưởng đến việc liên lạc trao đổi công việc; giao thông khó khăn, nhất là mùa mưa bão… nên hoạt động của đội ngũ y tế gặp nhiều khó khăn, vất vả. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy mới thấy những nỗ lực và tấm lòng của đội ngũ nữ hộ sinh trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Bác sĩ Võ Duy Khánh, Trưởng Trạm Y tế xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) cho biết, xã Hướng Sơn có nhiều thôn cách xa trung tâm xã, đi lại khó khăn, cách trở do địa hình hiểm trở, không có sóng điện thoại… Nhân viên hộ sinh luôn bám địa bàn, sâu sát đời sống người dân, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chị Hồ Thị Phượng (sinh năm 1984), nhân viên hộ sinh Trạm Y tế xã Hướng Sơn vui vẻ nói: “Địa bàn tôi công tác khó khăn, xa xôi, cách trở và không có sóng điện thoại. Tuy nhiên, với lương tâm, trách nhiệm với nghề, với người dân, tôi vẫn luôn động viên mình cố gắng vượt qua để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho các sản phụ người đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng phấn khởi đó là công sức mình được đền đáp xứng đáng khi làm thay đổi dần nhận thức trong vấn đề sinh sản và chăm sóc sức khoẻ của người dân. Từ đó, tôi thêm yêu quý công việc này hơn”.
Chị Hồ Thị Mai (sinh năm 1974), nhân viên hộ sinh Trạm Y tế xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) chia sẻ: “Để gắn bó với nghề hộ sinh đòi hỏi có chuyên môn, nghiệp vụ, cộng với lòng nhiệt huyết, trách nhiệm cao. Công việc không cố định thời gian nên chuyện ăn sáng thành ăn trưa, ăn trưa thành ăn tối là chuyện bình thường. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ phụ trách địa bàn công tác, tôi còn nhiều lần “vượt tuyến” sang một số bản của nước bạn Lào, hoặc đến địa bàn xã Ba Nang (huyện Đakrông) để đỡ đẻ. Vì bà con dân bản cần chúng tôi nên không ai tính toán thiệt hơn, nguy hiểm cho bản thân. Tâm nguyện của tôi là sau khi về hưu vẫn tiếp tục công việc này để giúp đỡ cho người dân, bởi ở vùng miền núi người dân vẫn luôn cần sự quan tâm, giúp đỡ để sinh đẻ an toàn”.
Nguyễn Minh Đức
Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát động, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã có những cách ...
Bằng những phần việc thiết thực, phù hợp với phụ nữ vùng nông thôn, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ cơ sở trên địa bàn huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều ...
Cùng với triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội và phong trào phụ nữ, hoạt động nhân đạo, từ thiện luôn được Hội LHPN huyện Gio Linh quan tâm ...
Quan tâm hỗ trợ những hội viên phụ nữ (HVPN) có hoàn cảnh khó khăn là việc làm thiết thực được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian ...
Hội LHPN xã Mò Ó, huyện Đakrông trong thời gian qua đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã với cách làm hay, ý nghĩa. ...
Trong những năm qua, ngoài việc nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác chuyên môn, hội viên Hội Phụ nữ Công an tỉnh Quảng Trị đã chủ động tổ ...
Trong nhiều năm qua, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khối 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, chị Lê Thị Miền luôn nhiệt tình, năng động, gương ...
Nhiều năm nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn dẻo dai nhưng bà Tạ Thị Hoa (sinh năm 1954) ở Khu phố 1, Phường 1, TP. Đông Hà, vẫn miệt mài trên những con ...
QTO - Giữ lời nguyện ước với đồng đội, sau 40 năm chia xa vùng chiến tuyến “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, những ngày đầu xuân chúng tôi trở...
QTO - Lê Đức Phát (sinh năm 1998) hiện là một trong những tay vợt xuất sắc hàng đầu của cầu lông Việt Nam. Anh đã giành được nhiều danh hiệu lớn tại các...
(QTO) - Là đô thị trung tâm tỉnh lỵ, những năm qua thành phố Đông Hà có bước phát triển nhanh về không gian, kiến trúc và hạ tầng đô thị. Nhìn từ trên cao, Đông Hà trẻ trung,...
QTO - Thuộc tuýp người hoạt ngôn, vui tính nhưng ca sĩ Trịnh Bách Thủy (sinh năm 1986), người con Quảng Trị sống tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn tự nhận...
(QTO) – Ngày mai 17/2, với chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, các địa phương trong tỉnh sẽ tổ chức lễ giao nhận quân năm 2022, tiễn các công dân lên đường nhập ngũ. Kế thừa truyền...
QTO - Cá thu là đặc sản nổi tiếng của biển nhưng không phải ngư dân tỉnh nào cũng có nghề khai thác loại cá này. Cách đây 25 năm, nghề khai thác cá thu...
(QT Xuân) - Hòa chung không khí đón chào năm mới Nhâm Dần – 2022, lực lượng chức năng ở các chốt trên tuyến biên giới Việt – Lào bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn thực hiện...
QTO - Có cái gì đó rất đỗi thiêng liêng cứ hằn sâu vào tâm trí tôi khi biết mình đang trở lại Quảng Trị, trở lại với mảnh đất một thời khói lửa, đạn bom,...