Cập nhật: Thứ 5, 15/06/2017 | 03:23 GMT+7

Nhân giống cây lâm nghiệp chất lượng cao

(QT) - Trong sản xuất lâm nghiệp, giống là một yếu tố quyết định hàng đầu đến năng suất và chất lượng sản phẩm của rừng trồng. Để có cây giống chất lượng tốt phục vụ trồng rừng, một số đơn vị trồng rừng đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất cây giống, đó là sản xuất cây con theo phương pháp giâm hom. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã triển khai đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Quảng Trị”.

Vườn ươm cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp giâm hom

Toàn tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích đất lâm nghiệp (kể cả diện tích có rừng) hơn 345.000 ha. Trước đây, ngành lâm nghiệp chỉ có khối lượng sản phẩm gỗ thô từ khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp cũng cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh tập trung vào ba nội dung chính: Một là thị trường đầu ra với giá cả hợp lý; hai là phải quyết liệt hơn nữa việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, trong đó KH&CN cần tạo ra tập đoàn giống cây trồng có chất lượng cao phục vụ trồng rừng gỗ lớn, năng suất hơn 200 m3 gỗ/ha; ba là phải thay đổi về tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết.

Điểm nhấn tạo đột phá trong tái cơ cấu lâm nghiệp ở tỉnh là ưu tiên phát triển rừng được cấp chứng chỉ bền vững FSC để xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhóm hộ gia đình tham gia trồng rừng theo chứng nhận FSC và đã đạt được những kết quả tích cực. Đối với tỉnh Quảng Trị, keo lai là loài cây được trồng rất phổ biến từ năm 2000 để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy và dăm gỗ. Các dòng keo lai chủ yếu được trồng là giống quốc gia BV10, BV16, BV32.

Gần đây, từ kết quả của các chương trình chọn giống cho các loài keo của Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã tiếp tục chọn lọc được thêm nhiều dòng keo lai có tiềm năng sinh trưởng và sức chống chịu tốt như: Keo lai BV33, BV73, BV75 là dòng đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận là giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật có khả năng chống chịu bệnh tốt. Giống keo lai này sinh trưởng nhanh trên cả lập địa có tầng đất mỏng, nghèo chất dinh dưỡng và cho năng suất gỗ cao. Ở điều kiện lập địa trung bình năng suất đạt 20 - 25m3/ha/năm.

Do đó, việc phát triển nhanh các giống này vào trong sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là một việc làm có ý nghĩa, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng còn làm tăng tính an toàn sinh học trong trồng rừng vô tính. Xuất phát từ thực tế trên, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Quảng Trị” là cần thiết, nhằm hoàn thiện, hướng dẫn công nghệ giâm hom cải tiến, công nghệ nuôi cấy mô cây keo lai.

Thông qua việc thực hiện đề tài này sẽ phát triển nhanh các giống keo lai có năng suất, chất lượng cao vào thực tế sản xuất, làm tăng tính an toàn sinh học trong trồng rừng dòng vô tính trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu hướng đến của đề tài là xây dựng được quy trình nhân giống keo lai bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để nhân nhanh các giống keo lai phục vụ trồng rừng và vườn vật liệu cây đầu dòng; hoàn thiện được quy trình công nghệ giâm hom cải tiến cây keo lai tại Quảng Trị. Xây dựng được 3 mô hình vườn ươm công suất 500.000 cây/ vườn/năm.

Tổ chức 2 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về công nghệ giâm hom cải tiến keo lai và 1 lớp chuyển giao các quy trình về công nghệ nuôi cấy mô keo lai các dòng BV33, BV73, BV75. Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và giâm hom cho các loài cây nông, lâm nghiệp hiện nay đang được áp dụng phổ biến trên quy mô lớn ở nhiều nước trên thế giới. Đối với ngành lâm nghiệp nước ta, đây là phương pháp tối ưu để đưa nhanh các giống mới chọn lọc vào trồng rừng sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng Nuôi cấy mô, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cho biết: “Kết quả điều tra đánh giá thực trạng hệ thống vườn ươm và năng lực cung cấp cây giống hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy hiệu quả hoạt động của các vườn ươm giống cây lâm nghiệp còn rất hạn chế.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 25 vườn ươm cung cấp cây giống lâm nghiệp cho nhu cầu trồng rừng của tỉnh, trong đó có nhiều vườn ươm có quy mô hộ gia đình. Tại các vườn ươm này, sản xuất giống cây lâm nghiệp dựa trên kinh nghiệm là chính, chủ yếu là sử dụng kỹ thuật cũ để sản xuất cây giống dẫn đến chất lượng cây giống chưa cao. Các hộ gia đình không có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, hạn chế tiếp cận tiến bộ khoa học về kỹ thuật và nguồn giống.

Do đó, để cung cấp cây giống có chất lượng, giá thành thấp cho trồng rừng vô tính tại Quảng Trị cần có các giải pháp kỹ thuật phù hợp, thiết bị sử dụng cần đơn giản, dễ sử dụng, giá thành thấp mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất”. Với những ưu điểm của việc nhân giống keo lai bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào so với phương pháp truyền thống giâm hạt như giống đảm bảo chất lượng, thời gian nhanh, số lượng lớn, chất lượng đồng đều và kiểm soát được dịch bệnh.

Quy trình khép kín từ phòng thí nghiệm đến vườn ươm để làm giống cho vườn cây đầu dòng hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống. Từ đó đáp ứng nhu cầu về giống cây lâm nghiệp có chất lượng phục vụ trồng rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Trị là địa phương luôn chú trọng đầu tư phát triển lâm nghiệp, từ khi mới tái lập tỉnh vào năm 1989, độ che phủ của rừng chỉ đạt 19%, đến năm 2016 đã xấp xỉ 50%, bình quân mỗi năm tăng lên 1- 2%, cao hơn trung bình của cả nước.

Trong thời gian tới, với việc triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Quảng Trị” sẽ góp phần đẩy mạnh công tác sản xuất giống có chất lượng, tạo liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông, hướng đến mục tiêu tạo ra sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn, được thị trường chấp nhận, nâng cao năng suất, giá trị sản xuất lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển KT- XH địa phương.

Trần Cát Linh



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp
22:25 26/10/2022

Nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn trong phát triển rừng bền vững, những năm gần đây ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tăng cường ...

Nhân lên những tấm lòng vàng

Nhân lên những tấm lòng vàng
14:13 13/06/2017

(QT) - Năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới đã thống nhất lấy...

Hàng chục hộ dân khốn khổ vì nước thải

Hàng chục hộ dân khốn khổ vì nước thải
14:10 13/06/2017

(QT) - Không có lối thoát, nước thải chảy lênh láng khắp đường, tràn vào nhà dân, bốc mùi nồng nặc. Đó là thực trạng mà hàng chục hộ dân ở tổ 1 và tổ 2, phường 5, thành phố...

POWERED BY
Việt Long