Cập nhật: Thứ 7, 10/11/2012 | 10:33 GMT+7

Người “truyền chữ” Bru-Vân Kiều

(QT) - Đã hơn 6 năm nay, thầy giáo người dân tộc Vân Kiều Hồ Xuân Long, 67 tuổi (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã miệt mài truyền dạy từng con chữ Bru- Vân Kiều cho hàng trăm cán bộ, người dân trên địa bàn. Ông cũng là một trong những người hiếm hoi còn lại am tường về chữ viết Bru- Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn... Say mê với ngôn ngữ Bru-Vân Kiều Buổi sáng một ngày cuối tháng 10, chúng tôi tham dự lớp học dạy chữ Bru- Vân Kiều do thầy giáo người dân tộc Vân Kiều Hồ Xuân Long đứng lớp. Lớp học có khoảng trên 40 học viên là cán bộ, công chức, viên chức huyện Hướng Hoá đang công tác trên địa bàn. Khi lớp học đã ổn định chỗ ngồi, thầy giáo Long bắt đầu bước vào buổi dạy học như thường lệ. Buổi học diễn ra trong không khí nghiêm túc, các học viên ai cũng chăm chú theo từng lời giảng của thầy giáo Long. Khoảng gần 11 giờ, lớp học mới nghỉ trưa. Tranh thủ trò chuyện với thầy giáo Long, chúng tôi phần nào hiểu thêm về ngôn ngữ Bru-Vân Kiều.

Thầy giáo Hồ Xuân Long đang soạn giáo án

Lật giở những tập giáo án, thầy Long cho biết, ngôn ngữ Bru -Vân Kiều là ngôn ngữ chính của những người dân tộc Vân Kiều mang họ Bác Hồ ở hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông. Tuy là ngôn ngữ chính của dân tộc mình nhưng những người bản địa am hiểu loại chữ Bru-Vân Kiều chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thầy giáo Hồ Xuân Long là một trong số những người ít ỏi còn lại am tường ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông cũng là người bản địa duy nhất đã từng tham gia biên soạn và xuất bản những cuốn sách về ngôn ngữ Bru – Vân Kiều và là người trực tiếp giảng dạy chữ Bru-Vân Kiều cho hàng trăm học viên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cũng chính vì những người còn am tường về ngôn ngữ Bru-Vân Kiều ngày càng ít dần và đều đã đến tuổi xế chiều nên thầy giáo Long luôn trăn trở làm thế nào để truyền dạy ngôn ngữ này cho càng nhiều người càng tốt. “Chữ Vân Kiều rất khó học, chỉ những người chăm chỉ và thực sự nghiêm túc mới tiếp thu được. Vì đây là vốn quý của người dân tộc Vân Kiều nên từ lâu tôi luôn mong muốn được truyền dạy chữ cho các học viên, nhất là thế hệ trẻ. Tôi nay cũng đã già rồi, còn chừng nào sức lực là tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giảng dạy, mong sao chữ Bru- Vân Kiều không bị mai một dần theo thời gian”, thầy Long tâm sự. Dân tộc Vân Kiều là tộc người sinh sống chủ yếu tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá của tỉnh Quảng Trị, từ xa xưa họ chỉ có tiếng nói riêng mà không có chữ viết, nhưng tiếng nói ở đây lại rất khó nghe, đặc biệt là về tên gọi của các họ tộc, làng bản cũng như tên riêng của mỗi người. Chính vì vậy mà nhiều cán bộ ở dưới đồng bằng lên công tác thường không thể dịch, viết sang tiếng Việt được hoặc viết được thì thường sai lỗi chính tả. “Ngày xưa người Bru- Vân Kiều không có chữ viết, ngay chữ Bru viết theo cách đọc của người bản địa phải là Brũ mới đúng. Tuy nhiên cách viết này rất khó đọc và cách phát âm cũng khó nghe nên việc giao tiếp giữa người miền xuôi và người bản địa gặp nhiều khó khăn. Có một giả thuyết cho rằng: Từ đầu thế kỷ XX, có một số người ở đồng bằng lên vùng núi Quảng Trị sinh sống thấy có một địa danh tên là Xa Kiêu (có nghĩa là cây ném, kiệu) vì vậy họ gọi tộc người Bru theo tiếng Kinh là người Xa Kiêu, dần dần tên gọi này được đọc chệch thành Vân Kiều như ngày nay. Có thể tên gọi dân tộc Vân Kiều ra đời từ đó. Và dân tộc Vân Kiều nếu viết đầy đủ phải là Bru- Vân Kiều (thực ra dân tộc Bru cũng là dân tộc Vân Kiều), nhưng qua thời gian, người ta quen gọi vắn tắt nên chỉ gọi mỗi tên Vân Kiều đằng sau cho đến bây giờ”, thầy giáo Long giải thích về nguồn gốc của tên gọi dân tộc Bru - Vân Kiều.

Thầy Hồ Xuân Long dạy chữ Bru -Vân Kiều cho cán bộ, công chức huyện Hướng Hóa

Thầy Long cho biết thêm: Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Ủy ban Dân tộc Trung ương đã rà soát lại các dân tộc trong cả nước và thống nhất lấy tên tộc danh người Bru là Bru-Vân Kiều, với mục đích thuận lợi hơn trong việc mở rộng giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế giữa các vùng miền, nhất là trong việc ghi lại họ tên của người dân trong các văn bản, giấy tờ liên quan. Đến năm 1982, Ủy ban Dân tộc tỉnh Bình Trị Thiên cũ đề nghị Viện Ngôn ngữ xây dựng, phục chế chữ viết Bru – Vân Kiều do GS.TS Hoàng Tuệ- Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học làm chủ biên. Trong giai đoạn biên soạn cuốn sách chữ viết Bru – Vân Kiều từ năm 1982 đến 1986, ông Long đã tham gia làm cộng tác viên về ngôn ngữ Bru-Vân Kiều nên được học kỹ về loại ngôn ngữ này. Nhằm giúp cán bộ, công chức từ các vùng khác đến làm việc ở miền núi dễ dàng tiếp xúc với đồng bào nhằm tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền đạt khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn cho đồng bào người bản địa nên từ năm 2006, Sở Nội vụ và Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị cho biên soạn lại giáo trình ngôn ngữ Bru – Vân Kiều và đến năm 2007 thì được xuất bản, đưa vào giảng dạy. Cũng từ đó đến nay, thầy giáo Long đã góp sức lực, trí tuệ của mình để miệt mài truyền dạy từng con chữ Bru- Vân Kiều cho hàng trăm học viên... “Người Vân Kiều phải viết được chữ của dân tộc mình”

Từ năm 1966 đến năm 1978, thầy giáo Hồ Xuân Long tham gia giảng dạy tại vùng giới tuyến dọc bờ sông Bến Hải; dạy học sinh thế hệ K8 ở tỉnh Ninh Bình; Trường Dân tộc nội trú huyện Vĩnh Linh... Từ năm 1978 đến năm 1985, ông là giáo viên giảng dạy tại Trường THCS Hướng Hiệp (Đakrông). Từ năm 1985, ông chuyển về công tác tại Trường Dân tộc nội trú huyện Hướng Hoá, đến khi nghỉ hưu vào tháng 1-2006. Hiện ông đang chuyên tâm nghiên cứu và tham gia giảng dạy tiếng Bru-Vân Kiều cho cán bộ, công chức tại Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề huyện Hướng Hoá.

Là một cộng tác viên trực tiếp tham gia xây dựng và phục chế chữ viết Bru-Vân Kiều nên thầy giáo Long đã được tiếp cận, học hỏi và nghiên cứu kỹ về loại ngôn ngữ này. Đặc biệt, sau khi về hưu, thầy giáo Long đã có nhiều thời gian nghiên cứu sâu hơn về ngôn ngữ Bru-Vân Kiều nên hiện giờ có thể nói, tại Quảng Trị, ông là một trong số ít những người còn am tường nhất về loại chữ này. Cũng chính vì những người còn am tường về chữ Bru- Vân Kiều ít ỏi như vậy nên việc “phủ sóng” dạy chữ này cho cộng đồng người dân tộc Vân Kiều là điều rất khó khăn. “Hiện tại ở Quảng Trị chỉ còn khoảng 4 đến 5 người có khả năng đọc, viết thành thạo loại chữ này và hầu hết họ cũng đã già. Tôi và những người này hiện tại cũng chỉ dạy tiếng Bru – Vân Kiều cho cán bộ nhà nước đang công tác tại địa bàn miền núi để họ thuận lợi trao đổi công việc mà thôi, chứ để dạy cho đồng bào mình là rất khó vì không có đủ giáo viên cũng như kinh phí. Tôi ước mong sao đến một lúc nào đó, mọi người dân tộc Vân Kiều đều phải viết được chính con chữ của dân tộc mình vì chỉ có họ mới gìn giữ, lưu truyền tốt nhất ngôn ngữ của cha ông”, ông Long trăn trở. Là người dân tộc Vân Kiều, lại được may mắn nghiên cứu kỹ ngôn ngữ của dân tộc mình nên thầy giáo Long đem hết tâm huyết để giảng dạy cho học trò, đến nay ông đã dạy cho hàng trăm cán bộ biết đọc và viết loại ngôn ngữ trên. “Qua thời gian học chữ Bru – Vân Kiều, tôi cảm thấy thích thú và say mê. Học ngôn ngữ này không chỉ giúp chúng tôi giao tiếp tốt với đồng bào mà còn thấu hiểu sâu sắc hơn vốn quý về ngôn ngữ của người dân tộc Vân Kiều ngay chính ở mảnh đất Quảng Trị. Bản thân tôi và nhiều người khác mong muốn rằng, chữ Bru- Vân Kiều cần thiết phải được dạy rộng rãi cho đồng bào, vì chính họ mới là đối tượng hơn ai hết cần phải biết rõ về chữ của dân tộc họ”, chị Hoàng Thị Liên, một học viên lớp ngôn ngữ Bru – Vân Kiều do thầy giáo Long dạy cho biết. Có một điều mà thầy giáo Long luôn trăn trở là đến thời điểm hiện tại, hầu hết người dân tộc Vân Kiều ở các huyện Đakrông và Hướng Hoá đều “mù chữ” của dân tộc mình. “Khi tôi tìm về các bản, làng có người Vân Kiều sinh sống, họ cho biết chỉ biết nói mà không thể viết được loại chữ của dân tộc mình. Tôi chỉ ước ao một ngày nào đó tất cả mọi người dân tộc Vân Kiều đều có thể tự tay viết ra chính con chữ của họ để khỏi thất truyền”, thầy giáo Long trầm ngâm nói lúc chia tay. Bài, ảnh: HIẾU GIANG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Gương sáng thầy giáo vùng cao
02:11 31/10/2024

Đến với xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh hôm nay, ai cũng biết tới thầy giáo Hồ Văn Hoàn (sinh năm 1975), giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học xã Vĩnh Ô, bởi trong thời ...

Quảng Trị làm sao quên!

Quảng Trị làm sao quên!
8:14 sáng Thứ 2

QTO - Đã định ăn Tết Hà Nội trọn vẹn, sáng mồng Một Tết 2025, nhớ nhà quá, tôi lên xe khách về Hà Tĩnh. Vắng khách, tôi yêu cầu người lái xe mở cho nghe...

Từ gánh bún đến giảng đường âm nhạc

Từ gánh bún đến giảng đường âm nhạc
10:00 tối Thứ 6

QTO - Là một cô bé sinh ra ở miền quê nghèo, lớn lên từ gánh bún của mẹ, với giọng ca ngọt ngào, Nguyễn Thị Minh Thi (sinh năm 2000), giảng viên Học viện...

Mùa cam trên vùng đồi Hải Phú

Mùa cam trên vùng đồi Hải Phú
03:00 06/11/2012

(QT) - Lần lữa mãi, cuối cùng anh Hồ Đại Nam, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cũng sắp xếp cho tôi một chuyến lên vùng gò đồi Hải Phú vào dịp cuối tuần, khi mà mùa cam...

Chinh phục vinh quang

Chinh phục vinh quang
02:30 03/11/2012

(QT) - Bị mất cánh tay trái lúc 5 tuổi, ai cũng nghĩ rằng cuộc đời Trần Minh Nhuận (sinh năm 1982, khu phố 1A, Đông Lễ, Đông Hà, Quảng Trị) sẽ mãi chìm trong bóng tối, trong...

Chuyện những người đo mây đếm gió

Chuyện những người đo mây đếm gió
06:00 30/10/2012

(QT) - Dù ngày hay đêm, tiết trời nắng nóng hay mưa như trút nước, ngày qua ngày, 3 nữ quan trắc viên Trạm Khí tượng Đông Hà vẫn âm thầm, lặng lẽ làm việc, chuyển tải những số...

Điểm tựa miền biên ải

Điểm tựa miền biên ải
03:27 27/10/2012

(QT) - Đèo Sa Mù- con đèo hiểm trở bậc nhất miền tây Quảng Trị nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Lập của huyện Hướng Hoá cao tít giữa trùng mây, kéo dài gần 20 km. Vượt qua con...

Thắm mãi trong tôi tình bạn Việt-Lào

Thắm mãi trong tôi tình bạn Việt-Lào
04:20 21/10/2012

(QT) - 1. “Hoa đẹp Chăm-pa, đã bao tháng ngày, hoa đây người đấy. Hoa vẫn ngạt ngào, thơm ngát mùi hương tháng năm còn vương…”, mỗi lần được nghe giai điệu mượt mà của bài hát...

Lễ nhạc Bích Khê, vốn xưa còn giữ chốn này

Lễ nhạc Bích Khê, vốn xưa còn giữ chốn này
20:06 19/10/2012

(QT) - Làng Bích Khê thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được hình thành và phát triển vào khoảng cuối thế kỉ 15. Trải qua nhiều thế hệ, nơi đây được xem là mảnh...

Thời tiết

21°C - 24°C
Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 20°C - 24°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 19°C - 26°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long