Cập nhật: Thứ 5, 15/10/2015 | 05:28 GMT+7

Người tình nguyện... thoát nghèo

(QT) - “Những năm trước, khi kinh tế còn khó khăn, chính quyền địa phương và bà con dân bản đã bình xét cho gia đình tôi được hưởng chế độ hộ nghèo. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ về nhà ở, vay vốn sản xuất... nên hiện nay kinh tế gia đình tôi khá hơn trước, trong nhà đã có trâu bò, xe máy, ti vi... Vậy tôi làm đơn ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho những hộ còn nghèo như gia đình tôi trước đây”. Đó là một đoạn trong lá đơn xin thoát nghèo của ông Hồ Nguyên ở bản Chùa, xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị). Tuy nét chữ còn nguệch ngoạc, nhiều chỗ sai lỗi chính tả nhưng đây là một minh chứng cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cam Lộ đang được nâng lên đáng kể, tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước đang dần được xóa bỏ. Nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo Sau cơn mưa rừng, bản làng như bừng sáng hơn bởi ánh nắng ấm của ngày cuối thu. Trong căn nhà cấp bốn khang trang, ông Hồ Nguyên cẩn thận lục từ trong ngăn kéo bản thảo lá đơn thoát nghèo mà ông đã trình lên chính quyền cách đây hơn một năm. Với ông, đó như là một kỷ vật, một minh chứng cho sự phấn đấu vươn lên của gia đình trong những năm qua. Là cán bộ Mặt trận của bản nhưng kinh tế gia đình ông Nguyên vẫn thuộc diện hộ nghèo. Quanh năm tất bật với nương rẫy nhưng đến thời điểm giáp hạt gia đình ông cũng như nhiều hộ khác của bản Chùa vẫn phải nhờ đến gạo hỗ trợ của nhà nước để cứu đói. Mỗi ngày lên rẫy, ông luôn nghĩ cách để đưa gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn, nuôi các con ăn học. Biết là vậy nhưng thực hiện rất khó khăn vì từ trước đến nay ông vốn quen với phương pháp canh tác cũ của bản làng, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật và quan trọng nhất là thiếu vốn.

Nhờ hăng say lao động, ông Hồ Nguyên, bản Chùa, xã Cam Tuyền (Cam Lộ) đã thoát nghèo

Nung nấu giấc mơ thoát nghèo, ông Nguyên chợt nảy sinh ý nghĩ: “Tại sao mình không học cách thoát nghèo trước khi chờ đợi có vốn?” Từ đó, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức. Qua đó, ông học tập thêm nhiều cách làm kinh tế hay cũng như những phương pháp phòng trừ dịch bệnh trên con nuôi và cây trồng. Tích lũy được vốn kiến thức kỹ thuật, ông đăng ký với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế. Đầu tiên ông mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò; nhận đấu thầu 3 ha rừng để trồng tràm và canh tác 1 ha đất vườn nhà trồng sắn KM94, trồng lạc và trồng trên 300 gốc cao su tiểu điền. Để chủ động nguồn lương thực tại chỗ, ông Nguyên mở rộng diện tích trồng lúa nước, trồng ngô, nuôi thêm lợn, gà. Năm 2013, để giúp người dân trong bản đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch, ông Nguyên sắm thêm 1 chiếc máy cày và 1 máy tuốt lúa vừa để phục vụ bà con và cải thiện thu nhập. Từ một hộ nghèo nhưng nhờ dám làm, năng động, sáng tạo, ông Nguyên trở thành một trong số những người gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở bản Chùa. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyên luôn quan tâm đến bà con dân bản. Khi có người muốn học tập cách làm ăn, ông tận tình bày kinh nghiệm, vận động bà con tham gia các buổi tập huấn do địa phương tổ chức. Đồng thời, ông Nguyên cũng sẵn sàng giúp đỡ về cây, con giống để khuyến khích các hộ sản xuất. Hướng mắt về sườn đồi nơi có gần 3 ha rừng chuẩn bị cho khai thác, ông Nguyên cho biết: “Nếu so với trước đây thì hiện nay tôi vất vả hơn rất nhiều, cả gia đình làm từ sáng đến tối vẫn không hết việc nhưng bù lại tôi thấy vui vì thành quả lao động đạt được. Mỗi năm riêng trồng sắn tôi thu nhập từ 8-9 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ các dịch vụ máy cày, máy tuốt lúa, chăn nuôi trâu bò. Trong một vài năm tới, tôi có thêm thu nhập từ rừng tràm, từ cây cao su tiểu điền..., đời sống vật chất và tinh thần của gia đình được nâng lên trông thấy. Đến cuối năm 2014, tôi đã tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Biết khi ra khỏi hộ nghèo sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi nhưng nhiều đêm tôi suy nghĩ, nếu ai cũng không chịu làm ăn, không muốn ra khỏi hộ nghèo, cứ trông chờ vào nhà nước thì bao giờ mới thoát nghèo được. Là cán bộ Mặt trận, tôi muốn thoát nghèo trước để làm gương cho người dân trong bản”. Trở thành động lực để các hộ nghèo vươn lên Bản Chùa là bản tập trung đồng bào Vân Kiều duy nhất của huyện Cam Lộ, nằm dưới chân cao điểm 135. Chiến tranh đi qua, cùng với sự đổi thay của quê hương, bản Chùa hôm nay đã có những con đường rộng rãi hơn, 72 hộ dân trong bản đều có điện thắp sáng, có ti vi, xe gắn máy, có trường học cho các em nhỏ... Đồng bào ở đây đã từng bước từ bỏ lối canh tác cũ để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Câu chuyện tự nguyện thoát nghèo của ông Hồ Nguyên đã trở thành tấm gương sáng để nhiều hộ khác học tập và làm theo. Đến nay, toàn bản Chùa đã có nhiều hộ tình nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để đưa kinh tế gia đình mình vươn lên bằng các mô hình kinh tế tổng hợp, tiêu biểu như hộ ông Hồ Văn Miệt, Hồ Bằng, Hồ Văn Vìa, Hồ Văn Hoài, Hồ Vàn... Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lộ cho biết: “Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Cam Lộ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác giảm nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 2-3%. Đến thời điểm này, số hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn khoảng 6,1%. Bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số nơi vẫn còn hộ dân chưa nhận thức đầy đủ về việc tự giác vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đây thực sự là một cản trở lớn trong việc vận động người dân vươn lên thoát nghèo. Bản Chùa là địa phương có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn một số hạn chế. Trước tình hình đó, tôi đánh giá rất cao việc có nhiều hộ đã chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và tự giác xin ra khỏi hộ nghèo. Đây thực sự là tấm gương để những hộ nghèo khác nhìn vào học tập. Đó cũng là một tín hiệu vui về hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền trong việc giúp người dân nâng cao nhận thức trong công tác xóa đói, giảm nghèo”. Bài, ảnh: LỆ NHƯ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thoát nghèo nhờ chịu thương chịu khó
23:10 11/03/2025

Những năm qua, phong trào phụ nữ làm kinh tế được chị em hội viên trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị hưởng ứng tích cực với nhiều mô hình mang lại hiệu ...

Điển hình thoát nghèo ở thôn Kỳ Neh
22:10 27/03/2024

A Ngo là 1 trong 5 xã biên giới của huyện Đakrông với 95% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Với mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm trên 5%, ...

Thoát nghèo nhờ sản xuất đa cây, đa con
23:28 02/11/2022

Từ một hộ nghèo, anh Hoàng Văn Hoan (46 tuổi), ở thôn Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ xây dựng được mô hình sản xuất đa cây, đa con mang lại nguồn thu hàng ...

Bảo vệ thương hiệu bằng chất lượng và uy tín

Bảo vệ thương hiệu bằng chất lượng và uy tín
00:38 13/10/2015

(QT) - Hơn 5 năm chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố Đông Hà, Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Đông Hà đã có được những thành công nhất định trong công việc...

Thời tiết

29°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 37°C
    Ít mây, trời nắng nóng gay gắt
POWERED BY
Việt Long