Cập nhật: Thứ 6, 05/06/2009 | 11:38 GMT+7

Ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật

(QT) - Chính thức đi vào hoạt động vào năm 2008, Trung tâm phục hồi chức năng (PHCN) xã Cam Nghĩa (Cam Lộ, Quảng Trị) trở thành ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật trên địa bàn. Từ mái nhà này, nhiều trẻ khuyết tật trên địa bàn đã được phục hồi, tự tin hoà nhập với cộng đồng, xã hội... Ngày em Trần Văn Quân (xã Cam Nghĩa, Cam Lộ) chập chững những bước đi đầu tiên, dù phải vịn tay vào thành ghế là giây phút bà nội em mừng vui đến trào nước mắt. Ở tuổi lên 4 như em, với những đứa trẻ bình thường đã tung tăng chạy nhảy khắp nơi. Nhưng em thì không. Từ lúc lọt lòng mẹ, Quân chỉ nặng 1,5 kg, lại mắc căn bệnh bại não nên không đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân của em đều phải có người giúp đỡ. Từ khi Trung tâm PHCN xã Cam Nghĩa đi vào hoạt động, bà nội Quân đã ngoài 80 tuổi ngày nào cũng đem cháu đến tập luyện, rồi ở luôn với cháu cho tới chiều mới về nhà. Trong sổ theo dõi quá trình tập luyện của các đối tượng khuyết tật của Trung tâm PHCN, trường hợp của Quân được ghi nhận có tiến triển ở mức độ chậm. Tuy nhiên, với gia đình em, đó là một niềm vui lớn, bởi vì so với trước đây, Quân đã có thể đi lại bằng xe tập, nhận biết được thế giới đồ vật xung quanh và những người thân trong gia đình mình.

Các cộng tác viên đang hướng dẫn người khuyết tật tập luyện PHCN
Theo số liệu thống kê, toàn xã Cam Nghĩa hiện có 293 đối tượng khuyết tật (đa số là trẻ em), trong đó đã có 25 đối tượng được đưa vào PHCN tại trung tâm. Trung tâm được thành lập với mục đích cải thiện việc chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn xã Cam Nghĩa, đặc biệt là trẻ em và nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Số trẻ em hiện đang phục hồi tại đây chủ yếu gặp khó khăn trong vận động, bị bại não và thiểu năng trí tuệ. Do bắt đầu làm quen với việc tập luyện chậm nên quá trình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Đối với những trường hợp trẻ bị khuyết tật nặng, khả năng phục hồi chậm, các cộng tác viên ngoài việc luyện tập, theo dõi sự tiến triển của các em còn phải hướng dẫn cho các bậc phụ huynh về phương pháp luyện tập và cách làm các thiết bị PHCN đơn giản để trẻ tự tập tại nhà. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đa số trẻ khuyết tật được PHCN tại trung tâm đều có những tiến triển rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Thương, cộng tác viên PHCN tại Trung tâm cho biết: "Công việc này đòi hỏi cộng tác viên không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn phải nhiệt tình và thương yêu trẻ. Bởi vì các gia đình có con bị khuyết tật khi đến đây đều đặt trọn niềm tin vào chúng tôi. Công việc khá vất vả, phụ cấp lại ít nhưng vì được gia đình trẻ khuyết tật tin tưởng nên chúng tôi phải cố gắng hết sức để giúp các em sớm được phục hồi, hoà nhập với cộng đồng". Sự nhiệt tình của các cộng tác viên như một liều thuốc động viên, khích lệ trẻ khuyết tật cố gắng hết mình để vượt qua những khó khăn trong tập luyện. Các em đều xem Trung tâm PHCN như mái ấm gia đình mình. Đã hơn một năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, Nguyễn Thị Linh (thôn Phong An 2, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) đều có mặt tại Trung tâm PHCN xã để luyện tập. Em bị teo cơ tiến triển, tay chân bị tật nên từ nhỏ đã khó khăn trong vận động. Năm lên 11 tuổi, Linh mới bắt đầu bước vào học lớp 1 và đến lớp 6 thì phải nghỉ học vì sức khoẻ giảm sút. Từ ngày Trung tâm được thành lập, ngày nào Linh cũng có mặt đúng giờ để tập luyện. Ở đây, Linh được hướng dẫn các bài tập ghế, thuyền, đi lại trên hai thanh song song. So với trước đây, sức khoẻ của Linh khá lên rõ rệt. Cô bé có thể tự đi bộ đến Trung tâm tập luyện hay làm một số công việc lặt vặt trong gia đình để giúp đỡ ba mẹ. Gặp Linh trong khi cô bé đang miệt mài với bài tập đi trên thanh song song, cô bé vừa lau mồ hôi vừa nói: "Ở đây, em được tập từ các bài tập đơn giản đến phức tạp. Lúc đầu, sức khoẻ yếu, việc tập luyện lại vất vả nên em chỉ muốn bỏ cuộc. Về sau được các cô chú động viên nên em đã cố gắng rất nhiều...". Ngưng một lát, Linh tiếp: "Mong muốn lớn nhất của em là có đủ sức khoẻ để đi học nghề, sau đó tìm một công việc phù hợp để tự nuôi sống bản thân...". Với người bình thường, đó chỉ là một mong ước giản đơn, nhưng với Linh, để đạt được ước mơ đó, em còn phải đi một chặng đường dài với rất nhiều khó khăn đang chờ ở phía trước. Trong câu chuyện của Linh, hình ảnh những cô chú cộng tác viên PHCN tại Trung tâm hiện lên thật đỗi gần gũi, thân thương. Ngoài việc tập luyện để có một sức khoẻ tốt, các cô chú ở đây còn giúp Linh xoá đi những mặc cảm về bản thân, giúp em tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người. Công tác phục hồi chức năng của Trung tâm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để đạt được những kết quả trên, theo ông Lê Văn Quyến, Phó Ban PHCN xã Cam Nghĩa là do có sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ cộng tác viên với gia đình người khuyết tật, sự hỗ trợ về kinh phí và hướng dẫn chuyên môn của Hội Từ thiện tỉnh. Tuy nhiên, số đối tượng khuyết tật trên địa bàn xã được đưa vào diện PHCN tại Trung tâm còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Ông Lê Văn Quyến đề nghị: "Thời gian tới, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành và cá nhân có tấm lòng từ thiện để Trung tâm có thêm điều kiện phục vụ các cháu tốt hơn. Đồng thời đưa thêm các đối tượng khuyết tật trên địa bàn vào diện PHCN nhằm giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình và xã hội". Bài, ảnh: Hoài Nam


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Gìn giữ cốt cách người Quảng Trị

Gìn giữ cốt cách người Quảng Trị
8 giờ trước

QTO - Là khẳng định của ông Nguyễn Đặng Hiến và anh Nguyễn Văn Đức trong câu chuyện với tôi tại TP. Hồ Chí Minh. Hành trình rời quê nhà vào phương Nam lập...

Vùng Càng Hải Lăng thiếu nước sinh hoạt

Vùng Càng Hải Lăng thiếu nước sinh hoạt
10:31 04/06/2009

(QT) - Người dân ở 3 Càng của huyện Hải Lăng gồm: Hưng Nhơn, An Thơ (xã Hải Hoà) và Mỹ Chánh (Hải Tân), cho biết hơn bốn tháng trở lại đây, bà con cùng các giáo viên ở đây đã...

POWERED BY
Việt Long