Nghĩa tình người chị Phôn Ngam
(QT) - Tôi nhập ngũ ngày 2/8/1980. Thật may mắn cho tôi, sau khi hoàn thành xong 3 tháng quân trường, tôi trở thành một chiến sĩ tình nguyện, làm nhiệm vụ quốc tế tại đất nước Triệu Voi. Cuối năm 1986, Đội cơ sở 1 chúng tôi đóng quân ở bản Cà Long, thuộc huyện Phà Lan Xay lên làm nhiệm vụ vận động quần chúng tại bản Phôn Ngam (nay thuộc huyện Át Xăm Thon). Đội có quân số biên chế tương đương một đại đội, do đồng chí Đạo, quê ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An làm đội trưởng, tôi lúc này giữ cương vị trung đội trưởng. Phôn Ngam là một bản vùng sâu, cách đường 9 về phía bắc khoảng 35 cây số đường rừng. Dân bản ở đây chủ yếu là người Lào Thơng, dân trí còn rất thấp, cuộc sống còn nhiều khốn khó, nhưng bà con ở đây rất tốt bụng và mến khách. Ngày trước, khi giặc Pháp đô hộ, chúng tuyên truyền với nhân dân, rằng bộ đội Việt Nam là “keo” (nghĩa là sâu bọ). Vì thế khi nhận nhiệm vụ ở Phôn Ngam, mọi người rất ái ngại, nhưng bằng tấm lòng, trách nhiệm của người lính, chúng tôi hăng hái lên đường. Mặc dù không ai bảo ai nhưng mọi người đều có chung một ý nghĩ, hãy làm thật tốt nhiệm vụ mà tổ chức giao cho, luôn xứng đáng là những chiến sĩ tình nguyện.
 |
Tác giả (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến công tác tại tỉnh Savannakhet (Lào) - Ảnh: XUÂN DIỆN |
Một ngày trung tuần tháng 9/1986, chúng tôi hành quân từ bản Cà Long, huyện Phà Lan Xay lên bản Phôn Ngam. Thật bất ngờ, khi anh em đơn vị hành quân vào đến đầu bản đã thấy bà con ra đón rất đông. Bên cạnh những ông bố, bà mẹ chân chất quê mùa là những cô gái Lào Thơng duyên dáng, cởi mở trong những chiếc váy áo màu sắc sặc sỡ, đẹp đến mê hồn. Vừa nhìn thấy bộ đội Việt Nam, họ chắp hai tay trước ngực nói: “Việt- Lào xá mặc khi măn nhưn” (Việt- Lào đoàn kết muôn năm). Cán bộ, chiến sĩ của đội ai cũng bất ngờ về những cử chỉ thân thiện đó, nên mọi người cũng chào lại và trả lời bằng tiếng Lào: “Khọp chay phì nọng” (Cảm ơn bà con). Vào đến bản, theo sự phân công của Phò bản, mọi người đi theo các cô gái, chàng trai về từng gia đình sắp xếp nơi ăn nghỉ. Tôi hạnh phúc được sống trong một gia đình mà chị là người Lào Lùm nhưng lấy chồng người Lào Thơng. Anh, chị hơn tôi độ 15 tuổi và đã có 3 người con (hai gái, một trai), cô gái lớn đã lấy chồng, ra ở riêng . Tối hôm đó, bà con dân bản tổ chức đêm lăm vông chào mừng thạ hán Việt (bộ đội Việt). Bên ánh lửa cà bong bập bùng cùng với tiếng khèn, tiếng trống rộn rã, các cô gái Lào Thơng với những bộ áo váy đầy màu sắc mềm mại uyển chuyển bên cạnh sự thô cứng ngại ngùng của các anh bộ đội Việt Nam. Điệu “Lăm Phù Thay”, “Lăm Tồng Vai”, “Khon Xa Vẳn”... đã làm cho mọi người gần gũi nhau hơn, thân thiện với nhau hơn như tình nghĩa Việt – Lào keo sơn gắn bó, thủy chung, son sắt. Những ngày tiếp theo, để hoàn thành nhiệm vụ vận động quần chúng, cán bộ, chiến sĩ của đội tích cực sinh hoạt với nhân dân để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt – Lào; vạch trần âm mưu của lực lượng phản động muốn chia rẽ tình đoàn kết của hai dân tộc để cho nhân dân hiểu. Vận động những người lầm đường lạc lối về với cách mạng; phối hợp với lực lượng du kích, bộ đội Pha thét Lào tổ chức các đợt hành quân bảo vệ địa bàn. Những lúc rãnh rỗi, tôi và mọi người giúp nhân dân gặt lúa, trồng rau, vệ sinh bản làng, chăm sóc người già, cắt tóc cho trẻ con nên được bà con dân bản quý mến, coi như những đứa con trong gia đình. Nhiều chiến sĩ siêng năng, hàng ngày dậy thật sớm để giã gạo cùng với các cô gái tạo nên sự gần gũi, thân thiện. Từ khi tôi có mặt, mọi người trong gia đình anh chị Kẹo như vui hơn. Tôi được anh chị chuẩn bị cho một típ cơm riêng. Típ cơm đó, nếu trong ngày tôi không ăn thì tối đem đồ lại, chứ không ai được dùng đến. Hàng ngày đi rẫy, đi ruộng, anh chị Kẹo cố gắng kiếm con ếch, con nhái, xuống khe kiếm con cá, con tôm, vào rừng bẻ cây măng, nắm lá về cải thiện bữa ăn. Bữa cơm ăn chung với gia đình bao giờ cũng đầm ấm, vui tươi, tràn đầy hạnh phúc. Để tiện sinh hoạt công tác, sau một thời gian, đơn vị tôi làm nhà ra ở riêng. Tôi đành phải theo đơn vị về doanh trại để ở. Nói là về doanh trại, chứ thực ra cũng nằm trong bản Phôn Ngam, cách chỗ ở cũ khoảng vài trăm mét. Mặc dù chuyển về vị trí mới, nhưng ngày nào chị Kẹo cũng đến thăm tôi. Khi đến trên tay chị bao giờ cũng có quà, lúc thì mấy trái dừa, nải chuối, có lúc còn cả con gà, bó măng rừng, mấy con cá suối. Típ cơm của tôi vẫn được anh chị và các cháu giữ nguyên tại nhà. Hàng ngày, sau khi đồ cơm xong chị Kẹo vẫn để dành phần cơm trong cái típ cơm dành riêng cho tôi. Nhiều lúc tôi bận việc không ghé ăn cơm cùng gia đình, thế là con cá to kiếm được đã mấy ngày vẫn cứ nằm hoài trong chậu không làm thịt. Thấy vậy, tôi hỏi, sao chị không thịt cá làm thức ăn. Chị trả lời: “Chị chờ na bào” (Chị chờ cậu). Rồi tôi hỏi chị: “Sao anh chị đối xử tốt với em như vậy”. Chị Kẹo trả lời: “Em là em của anh chị, là cậu của các cháu, làm sao anh chị, các cháu ăn con cá to mà không có cậu được. Như vậy là không thương nhau, không đoàn kết. Bác Cayxỏn Phônvihản đã dạy: Việt – Lào phải xá mặc khi mà (Việt – Lào phải đoàn kết)...”. Nghe chị Kẹo nói tôi xúc động vô cùng. Một việc làm tưởng chừng đơn giản vậy thôi mà suốt cuộc đời làm người lính tôi không bao giờ quên. Lâu lâu tôi lại nhắc về kỷ niệm đẹp ấy cho các con tôi nghe như một lời minh chứng cho tình nghĩa keo sơn gắn bó của hai dân tộc Việt – Lào anh em. Có một dạo, khoảng tháng 2/1987, tôi vừa đi công tác về thì thấy chân tay bủn rủn, khắp mình mẩy nhức nhối, đầu đau như búa bổ, người ớn lạnh, tôi biết chắc chắn mình chuẩn bị lên cơn sốt rét. Thế là tôi lên giường lấy chăn ra đắp. Có được chăn đắp rồi vẫn thấy lạnh, cái lạnh từ trong ra, cái lạnh từ ngoài vào thật khó chịu. Thế là tôi phải nằm liệt giường một thời gian dài. Những ngày tôi nằm điều trị bệnh, anh chị Kẹo và các cháu ngày nào cũng đến chăm sóc. Thấy tôi ốm lâu ngày, da xanh như màu lá, tóc rụng hết phân nửa, chị Kẹo khóc suốt. Nhiều ngày chị không đi rẫy mà cứ đến ngồi bên tôi lau mồ hôi, nấu cháo cho tôi ăn. Mặc dù rất mệt, đầu óc căng thẳng, miệng cứ đắng ngắt không muốn ăn gì, nhưng thương chị tôi gắng nuốt được vài thìa cháo. Chị nói, sẽ mời thầy mo đến cúng bắt con ma đi để nó đừng làm khổ cậu. Tôi cười, nói: “Em bị sốt rét là do con muỗi nó đốt chứ không phải con ma rừng bắt đâu. Em uống thuốc nó sẽ lành mà. Em cảm ơn anh chị và các cháu nhiều!” . Các cháu, con anh chị Kẹo ngày nào cũng đến thăm tôi. Khi đến cứ tranh nhau chỗ ngồi để được gần cậu hơn. Cháu Bun Khăm, con út của chị vốn ít nói, khi tôi mới đến ở trong nhà thì hầu như cả ngày Bun Khăm chẳng nói câu nào, hỏi gì cũng cứ vung vẫy, thậm chí còn cãi lại tôi. Vậy mà, khi tôi ốm, Bun Khăm cứ đến ngồi bên giường, cứ cầm hoài tay tôi. Chị Kẹo nói với tôi: “Nó vậy thôi nhưng nó thương cậu nhiều, ngày nào cũng hỏi mẹ sao không đi thăm cậu hả mẹ”. Rồi chị đùa vui: “Sao mày lúc nào cũng cãi cậu, ở trong nhà thì chẳng nói chuyện với cậu bao giờ mà bây giờ lại đòi đi thăm”, Bun Khăm chỉ cười, rồi tìm cách lãng tránh đi chỗ khác. Thế rồi cơn sốt rét quái ác cũng qua đi, tôi lại cùng đồng đội lao vào công việc tuyên truyền, vận động nhân dân và tôi cùng những người đồng chí của mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà trên giao cho, góp phần cùng chính quyền, nhân dân xã Phôn Ngam giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. 7 năm sống trên đất bạn Lào, tôi không nhớ rõ mình đã lội qua bao nhiêu con suối, băng qua bao nhiêu cánh rừng, trèo qua bao nhiêu ngọn núi đến với bao nhiêu bản làng người Lào Lùm, Lào Thơng, nhưng có một điều tôi không thể nào quên, đó là tấm lòng của những người bạn Lào đối với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Mặc dù bây giờ trên đầu đã hai thứ tóc nhưng tôi vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm, tình yêu thương mà các bạn Lào dành cho tôi, người lính tình nguyện Việt Nam. Tôi luôn nhắc nhở những đứa con thân yêu của mình hãy học tập thật tốt, làm việc thật tốt để sau này lớn lên xây dựng quê hương giàu đẹp; giữ vững và không ngừng phát huy truyền thống lịch sử keo sơn gắn bó giữa hai nước Việt – Lào. Xin cảm ơn các bạn Lào thân thương, xin cảm ơn những người bố, người mẹ, người anh, người chị, người em thật thà, chất phác, giản dị và vô cùng tố t bụng. Những người đã kề vai sát cánh cùng với những người con trung hiếu của Việt Nam trong cuộc trường chinh chiến đấu giải phóng dân tộc và hôm nay cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. TRẦN QUỐC BẢNG