Nghề thời vụ khi cận tết
(QT) - Có những nghề mà mỗi năm xuất hiện chỉ một lần, đem lại thu nhập khá cao cho người dân vào những ngày giáp tết. Bắt đầu từ trước tết khoảng 10 ngày, những người theo nghề này đã sẵn sàng đồ nghề, đổ ra các chợ để mưu sinh. Là những nghề theo tính chất “có cầu thì có cung” nhưng những người bán hàng, những người thợ mà tôi gặp còn mang lại nhiều nét tết xưa, tết quê thật ấm áp. “Thay áo mới” cho lư đồng Nhận lại bộ lư đồng cổ quí giá đã được đánh bóng sáng loáng từ tay chủ cửa hàng Nguyễn Ngọc Minh (50 tuổi) trú tại 45- Lê Duẩn, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), một người khách tươi cười: “Bộ lư đã xỉn màu, hoen ánh đồng xanh vậy mà qua tay anh, nó cứ như mới”. Nói rồi ông móc ví trả tiền và rối rít cảm ơn. Nghề đánh bóng lư đồng là một nghề không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, tuy vậy, nghề này cần nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và bản tính trung thực nên hiện trên địa bàn Đông Hà rất hiếm người theo. “Một bộ tam sự cổ bằng đồng, có giá đến chục triệu đồng. Nếu người không rành nghề, khi chà bóng có thể làm hỏng và làm mất giá trị ngay. Ngoài ra, để các dịp tết, khách hàng lại ghé quán mình thì cũng cần chữ tín. Bởi nếu tay thợ không trung thực có thể đánh tráo hàng “dỏm” bất cứ khi nào”, ông Minh cho biết.
 |
Bán lá dong ở chợ Đông Hà. |
Cận tết hàng năm, vào ngày 20 tháng chạp, ông Minh bắt đầu mở hàng. Đồ nghề chỉ đơn giản là một chiếc bàn nhỏ kê tạm bên vỉa hè, một máy mô-tơ điện, ít sáp đánh bóng và tấm biển “nhận đánh bóng lư đồng”. Và chỉ cần có thế, tết nào, ông Minh cũng thu nhập vài triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình. Theo ông Minh, khoảng từ 23 tháng chạp, khách hàng kéo đến quán ông rất đông, chỉ lo không có thời gian để làm. Tùy vào kích thước từng loại đồ đồng mà theo đó giá cả có phần chênh lệch, trung bình bộ tam sự với đèn, lư hương, lọ hoa có giá khoảng 100 ngàn đồng/bộ, bộ ngũ sự có giá 150 ngàn đồng/bộ. Mỗi ngày, ông Minh có thể đánh bóng được 4 bộ, thu nhập trên dưới 500 ngàn đồng/ngày. Đã hơn 30 cái tết qua, năm nào ông Minh cũng kiếm thêm được vài triệu đồng ngoài nghề chính là làm bảo vệ cho một công ty. “Mỗi năm chỉ có thể kiếm sống vài ngày, nếu bám nghề mà sống thì mấy ai sống nổi. Nhưng phụ thuộc vào đồng lương thì cái tết trong nhà đạm bạc lắm, nên mấy chục năm qua, năm nào tôi cũng làm, làm mãi thành cái nghề”, ông Minh nói. Cũng theo nghề này, ngay sau khi tiệm sửa chữa bình điện của mình thưa khách, ông Trương Văn Thủ (60 tuổi), trú tại số 1- Nguyễn Chí Thanh, Đông Hà cũng mang mô-tơ điện ra ngồi vỉa hè. Bật công tắc điện, bàn tay ông thoăn thoắt nhịp nhàng đưa lên đưa xuống theo từng vòng quay của mô-tơ, trong vòng chưa đầy một phút một lọ hoa bằng đồng đã sáng bóng, “lột xác” hoàn toàn. “Nhiều khách nói với tôi rằng, ba ngày tết, nhìn lên bàn thờ thấy bộ lư, đèn đồng sáng loáng cũng sướng mắt, tốn mấy tiền họ cũng chịu. Khách nói như vậy nhưng đã là nghề thì mình không thể lấy giá cao hơn được”, ông Thủ tâm sự. Vào nghề từ 10 năm qua, ông Thủ chỉ chuyên đánh đồ đồng cho hàng xóm, bạn bè. Tuổi cao sức yếu, nên thu nhập từ nghề này cũng không đáng bao nhiêu, nhưng ông vẫn theo nghề để có thêm tiền mừng tuổi các cháu, để tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn. Lên phố bán cát trắng Chợ Đông Hà nhộn nhịp người mua kẻ bán, chỉ riêng một góc chợ những người phụ nữ chân quê tụ tập nhau lại để bán cát. Họ là những người dân miền biển lên thành phố bán cát trắng, một thứ cát thường nằm trên các đồi cát nhỏ mà dân quê hay gọi là động cát. Cát trắng là loại cát thường dùng để đặt trong lư cắm nhang trên bàn thờ tổ tiên. Thông thường, mỗi năm vào dịp cúng tất niên, tiễn năm cũ người ta thay mới số cát trắng trong các lư hương. Theo các cụ già tại làng Nại Hiệp (Triệu Ái, Triệu Phong), cát trắng thể hiện cho sự trong sạch, tinh khôi. Cát để thờ phụng chất lượng là loại cát mịn màng, chỉ cần nắm chặt thì cát sẽ tuôn chảy qua kẽ bàn tay, đó là thứ cát bao đời cha ông ta vẫn thường đặt trong lư vừa thẩm mỹ lại vừa sạch sẽ. Nắm bắt được nhu cầu của người đi chợ, cứ mỗi dịp tết đến, người làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh) lại rủ nhau lên các động cát gần biển để lấy cát đi bán. Nguồn cát trắng dồi dào như nguồn “lộc trời” giúp họ có thêm ít thu nhập vào những ngày cuối năm, để cái tết nơi miền quê nghèo thêm vui hơn. Chị Nguyễn Thị Trà My (19 tuổi) cho biết: “Cứ bắt đầu tháng chạp, không ai bảo ai, người làng tôi thường kéo nhau đi lấy cát trắng để bán. Có những nơi cát sạch, xúc về là có thể bán ngay nhưng phải đi xa cả chục cây số. Còn nếu xúc cát lẫn nhiều tạp chất thì phải lọc sạch mới đem ra chợ được”. Từ khi 10 tuổi, vì muốn có thêm tấm áo mới, chị My đã theo chân người lớn đi lấy cát, đem ra chợ bán. Và không biết từ khi nào, nghề bán cát trắng trở thành cái nghề của cả làng. Nhiều người đi bán cát trắng nhưng họ luôn thống nhất một mức giá 500 đồng/lon. Mức giá đó ổn định suốt cả chục năm qua, dù giá cả thị trường biến động thế nào họ vẫn không nâng giá bán lên. Cách buôn bán cũng thuần quê đến cả việc ấn định giá bán, có ai đó mặc cả là người bán gom luôn 3 lon, bán 1000 đồng. “Chỉ bỏ công đi lấy cát mà không cần đồng vốn nào nên mỗi lon 500 đồng là được rồi, chứ bán hàng cát để thờ phụng mà bán đắt thì thấy không an lòng”, chị Bùi Thị Loan (26 tuổi) cho biết. Chính suy nghĩ đó nên dù đã bán cát trắng suốt cả chục năm qua, giá một lon cát không đổi với 500 đồng nhưng chị vẫn vui. Với chị Loan, quan trọng là lấy số lượng nên dịp tết nào, trong vòng 10 ngày, chị cũng bán ra khoảng 5.000 lon cát. Mỗi người ghé quán chị đều mua vài lon cát, có nhà nhiều thì mua trên cả chục lon. Mỗi ngày chị Loan bán đến 500 lon cát, ngày nhiều có khi bán đến 700 – 800 lon, thu về trên dưới 250 ngàn đồng. Chị Loan nói: “Có thể chắc chắn rằng, trong số 10 người đi chợ thì có đến 7 người sẽ mua cát trắng. Dịp tết năm nào, tôi cũng trữ sẵn khoảng 2 xe cát trắng, đề phòng thiếu “hàng”. Nhờ có thêm tiền từ bán cát mà năm nào tôi cũng mua được bộ áo quần mới cho hai con”. Mang tính chất là một nghề thời vụ nên cứ sau khi nhà nhà đều cúng tất niên xong, người bán cát trắng cũng nghỉ ngơi, chuẩn bị tết cho gia đình mình. Nghề bán cát trắng lâu dần như thành một nghề truyền thống mà chợ tết có thể thêm vài thứ, thiếu ít món hàng nhưng tuyệt nhiên không thể thiếu “mặt hàng” cát trắng. Là một nghề nhưng nó cũng là nét văn hóa của con người mảnh đất “gió Lào cát trắng” vậy. Nghề chẻ lạt, bán lá dong Cũng tại chợ Đông Hà những ngày giáp tết, khi tìm mua một vài món quà tặng người thân, tình cờ tôi biết thêm một nghề thời vụ tết, đó là nghề chẻ lạt bán cho những người có nhu cầu gói bánh. Cách đó không xa, những phụ nữ bán lá dong, lá chuối xanh cũng bày biện sạp hàng đơn giản chỉ toàn… lá. Tết không thể thiếu bánh chưng xanh với dưa hành, không chỉ ăn miếng bánh với vị nếp ngon bùi, người ta còn chú tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của chiếc bánh. Người bán lá dong, chẻ lạt chân chất, mộc mạc cũng là người góp phần lưu giữ văn hóa Việt. Dạo một vòng quanh chợ để tìm cho được người có thâm niên chẻ lạt, tôi được nhiều người chỉ đến gặp bà Nguyễn Thị Dinh (71 tuổi), người đã chẻ lạt giang phục vụ tết suốt 30 năm qua. Bàn tay bà Dinh nay đã yếu, chai sần lên theo những ống lạt, sẹo ngang sẹo dọc nhưng tốc độ chẻ lạt thì không một ai trong chợ có thể sánh kịp. Bà cho biết: “Mỗi dịp tết đến, mỗi ngày tôi phải chẻ đến hàng trăm bó lạt giang mà vẫn không đủ bán. Làm nghề này mấy chục năm qua, tết năm nào, tui cũng kiếm thêm khoảng vài triệu đồng chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày”. Giá mỗi bó lạt khoảng 30 sợi được bán với giá 5 ngàn đồng, trừ chi phí công cán, mỗi bó như vậy bà Dinh lãi khoảng 1 ngàn đồng. Ống lạt giang thường được đặt mua từ các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, trong đó nổi tiếng nhất là lạt giang vùng Cùa (Cam Lộ). Lạt ở đây thường được nhiều người chọn mua vì sợi lạt dẻo, mềm. Trong chợ Đông Hà có nhiều người chẻ lạt, tuy nhiên ai cũng nể phục tay nghề bà Dinh, người mua tìm đến gian hàng của bà vì lạt bà chẻ ra vừa mảnh lại vừa chắc, đã buộc rồi thì khó tuột mà không dễ bị đứt. Chị Nguyễn Thị Thanh, một người đi chợ (trú tại phường Đông Lương, Đông Hà) nói: “Đi chợ tết năm nào tôi cũng mua ít lạt của bà Dinh. Lạt của bà chẻ vừa chặt đòn bánh, khi nấu bánh lại không bao giờ bị bung”. Những ngày giáp tết, “phiên chợ” lá chuối, lá dong tại chợ Đông Hà cũng trở nên sôi động hơn. Nói là “phiên chợ” bởi trong năm, chợ này chỉ họp vài ngày trước tết, sau đó thì chợ vẫn những khuôn mặt cũ nhưng họ lại bán thứ hàng khác, hoặc có người chỉ bán vài ngày rồi không bán nữa. Xếp lại đống lá dong vừa mới nhập về, bà Trần Thị Tằm (60 tuổi), trú tại phường 2, Đông Hà cho biết: “Suốt cả năm tôi thường chạy chợ bán đủ thứ hàng. Nhưng cứ đến khoảng 23 tháng chạp, tôi lại chuyển sang bán lá dong, lá chuối”. Lá chuối và lá dong gói bánh được bán theo hai dạng. Với lá chuối xanh, xấp nhỏ có giá 2 ngàn đồng/xấp, xấp lớn có giá 4 ngàn đồng/xấp. Lá dong được bán theo số lượng từng ngọn, thường thì với 100 ngọn lá dong được bán với giá 50 ngàn đồng. Theo bà Tằm, những ngày cận tết, “hàng” về bao nhiêu đều được bà bán hết rất sớm. “Vào khoảng giữa trưa, lá thường không đẹp, đôi khi còn không có để mua nữa. Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 1.000 xấp lá chuối, khoảng 3.000 ngọn lá dong. Tính ra, tôi lãi khoảng 500 ngàn đồng từ việc bán lá”, bà Tằm nói. Qua khảo sát được biết, tại chợ Đông Hà, vào những ngày cận tết này còn có rất nhiều nghề thời vụ như nghề bán chổi lông, nghề bán đồ trang trí, nghề bán hoa lan dạo... Có một nghề khá đặc biệt liên quan đến văn hóa tâm linh, đó là nghề bán cây trường sinh (có nơi gọi là cây phát tài). Bà Nguyễn Thị Đỉu (81 tuổi) cho biết: “Người mua cây này thường quan niệm cây sẽ mang lại may mắn cho gia đình họ. Mở hàng 3 hôm, tôi đã bán gần 200 cây, lãi 400 ngàn đồng”. Tết đến cũng là dịp nhiều nghề thời vụ ăn nên làm ra. Nhờ nhu cầu những ngày tết mà những lao động nghèo có dịp bán buôn, giúp họ cải thiện cái tết. Là nghề, tất nhiên cần phải có lời lãi nhưng những người theo các nghề thời vụ tết gần gũi mà mộc mạc đến lạ. Các chị, các bà mà tôi gặp giữa chợ Đông Hà đông đúc vẫn mang nét quê thuần phác. Giữa phố thị tấp nập, hiện đại, tôi vẫn bắt gặp những người “quẩy gánh” văn hóa làng xã lên với phố phường… Bài, ảnh: HOÀNG SƠN