Nghệ nhân tượng gỗ vùng biên
(QT) - 16 tuổi chàng trai Lê Anh Tuấn đã bôn ba khắp nơi để học nghề điêu khắc gỗ. Lập nghiệp với đôi bàn tay trắng và khát khao mãnh liệt, giờ đây anh đã trở thành ông chủ của một xưởng mộc mỹ nghệ có tiếng trên vùng đất giáp biên Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị). Và khi đã trở nên khấm khá, anh đã không quên những người cùng cảnh ngộ như mình... Bôn ba học nghề Lê Anh Tuấn sinh năm 1976, trong một gia đình nông dân nghèo, lại đông con ở Phong Hoà, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Thuở nhỏ Anh Tuấn là một cậu bé siêng năng, chăm chỉ. Ngoài các buổi học ở trường anh còn chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc để phụ giúp gia đình. Những buổi đưa trâu ra đồng, Lê Anh Tuấn thường say mê vẽ hình những pho tượng của lăng mộ, bia đá, đền đài. “Nhiều lúc mải mê vẽ để trâu ăn lúa, rứa là tối về bị ba mẹ la hoài”, Anh Tuấn nhớ lại . Gia đình Anh Tuấn lúc bấy giờ chỉ hướng anh vào việc học, bởi Tuấn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, lại thông minh. Nhiều lúc thấy con quá đam mê vẽ, bố mẹ anh lại sợ con bỏ bê việc học nên cứ khuyên ngăn. Tuổi thơ Lê Anh Tuấn cứ thế trôi qua, niềm đam mê tiếp tục lớn dần lên theo ngày tháng trong con người anh.
 |
Lê Anh Tuấn đang chế tác sản phẩm. |
Học hết cấp II trường huyện, Anh Tuấn đã thi đỗ vào trường cấp III, thế nhưng anh lại quyết định nghỉ học để theo nghề điêu khắc vì anh nghĩ gia đình có tới 8 anh em, lấy tiền đâu cho đủ để theo đuổi nghiệp học. “Lúc đó, trong đầu tôi chỉ muốn đi học nghề để sớm phụ giúp thêm cho ba mẹ lo cho các em tiếp tục ăn học”, Anh Tuấn nói trong xúc động. Vậy là, Anh Tuấn quyết định nghỉ học khăn gói vào thành phố Huế kiếm việc làm để theo đuổi giấc mơ. Sống giữa thành phố phồn hoa, chàng trai 16 tuổi - Lê Anh Tuấn ngày đêm miệt mài dành dụm, tích cóp tiền để đóng học phí nhưng vẫn không đủ nên anh đành phải lủi thủi ra về. “Hồi đó, học phí quá cao so với những gì mà mình tích cóp được, với lại vì nhà quá nghèo kiếm đâu ra tiền để phụ vào cho tôi theo học”, Anh Tuấn kể lại. Gần 1 năm trời ở nhà, Anh Tuấn xin vào làm ở nhà máy gạch ngói với quyết tâm kiếm tiền để tiếp tục theo đuổi giấc mơ điêu khắc. Sau 1 năm nhọc nhằn tích cóp được hơn 5 triệu đồng, Lê Anh Tuấn quyết định vào TP. Hồ Chí Minh học nghề, đó là vào một ngày mùa đông năm 1992. Tuy nhiên trước lúc lên xe, nghĩ tới cảnh ăn học của mấy đứa em quá chông chênh nên Anh Tuấn đã để lại 5 triệu đồng và chỉ giữ lại cho mình vỏn vẹn hơn 200 trăm nghìn, với ý nghĩ mình sẽ vào Nam làm thuê rồi kiếm tiền học nghề sau. “Lúc đó, vì sợ ba mẹ biết nên tôi lén bỏ 5 triệu đồng vào gói bánh và lá thư viết vội ở quán ven đường rồi trao cho đứa em trai kế của mình với hy vọng ba mẹ tôi sẽ cảm thông cho hành động đó ...”, Anh Tuấn nghẹn ngào kể lại. Giấu những giọt nước mắt, Anh Tuấn bước lên xe và khi xe vừa vào đến Bình Định thì quyết định xuống xe để tìm việc làm thêm vì lúc đó số tiền mang theo không đủ để vào TP Hồ Chí Minh. Một mình trên mảnh đất Bình Định không người thân quen và số tiền dắt lưng chưa tới 100 nghìn, nhưng với bản tính hiền lành, thông minh, nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát nên Lê Anh Tuấn đã được nhận vào làm trong một trang trại trồng dưa hấu. Ở Bình Định gần 1 năm trời, Anh Tuấn chỉ liên lạc được với gia đình có một lần qua điện thoại. “Hồi nớ, cả làng tôi cũng chưa có điện thoại, ai muốn gọi điện cũng lên bưu điện xã hết. Năm lần, bảy lượt điện về tôi mới gặp ba mẹ tôi có một lần. Cuộc trò chuyện hai bên đều khóc thay cho lời nói ... “, Lê Anh Tuấn bồi hồi nhớ lại.
 |
Bộ ba tượng Phúc - Lộc -Thọ bằng gỗ lũa của Lê Anh Tuấn. |
Thấm thoát đã 1 năm làm thuê lại trôi qua, Anh Tuấn cũng đã tích cóp được một ít tiền, thế là ước mơ đi đến chân trời mới để học nghề lại bắt đầu nhen nhóm lên. Lang thang giữa cái nắng Sài Gòn để tìm nơi học nghề, tình cờ trong một quán nước ven đường, khi Lê Anh Tuấn đem những “mẫu thiết kế” tuổi thơ của mình ra xem thì có một người đàn ông bước đến. Người đàn ông đó là Lê Văn Tha, chủ một cơ sở điêu khắc mỹ nghệ lớn ở quận Thủ Đức. Cuộc trò chuyện giữa hai người lạ mặt thật sôi nổi, hào hứng. “Lúc đó, ông Lê Văn Tha bảo tôi vẽ cho ông coi hình một con lân sư, sau 5 phút là tôi vẽ xong liền. Cầm tờ giấy, ông Tha bảo sẽ nhận tôi để truyền nghề mà không cần học phí. Ông nói cái quan trọng của người thợ điêu khắc là phải luôn định hình cho được hình tượng sản phẩm trong đầu mình”, Anh Tuấn kể lại. Trò tìm được thầy, thầy tìm được “truyền nhân”, Lê Anh Tuấn như vỡ oà trong hạnh phúc. Hơn 3 năm trời sống và học nghề tại xưởng điêu khắc mĩ nghệ, chàng trai Huế Lê Anh Tuấn có thêm một cái tên mới là “Tuấn Huế”. Sản phẩm do “Tuấn Huế” làm ra lúc nào cũng thật xuất sắc và mới lạ, do có sự sáng tạo trong cách kết hợp giữa điêu khắc Huế và Sài Gòn. Vừa làm nghề Lê Anh Tuấn vừa truyền đạt lại những nét mới lạ của điêu khắc Huế cho anh em trong xưởng. Khi đã thành nghề cảm phục con mắt nhìn người và tấm lòng cao cả, bao dung của thầy Tha, Anh Tuấn đã dặn lòng phải trả ơn thầy nên quyết định ở lại Sài Gòn. “Nhưng với thầy Tha, ông luôn xem tôi như là con, ông không nói gì đến chuyện ơn nghĩa mà còn vận động tôi ra lập xưởng mĩ nghệ riêng để còn phát triển sau này” - “Tuấn Huế” tâm sự. Sau nhiều lần thầy Tha thuyết phục thì Anh Tuấn đã đồng ý mở xưởng mỹ nghệ riêng. Những tháng ngày lập nghiệp ở Sài Gòn, nỗi nhớ quê hương, gia đình càng tăng theo ngày tháng, thôi thúc anh trở về quê hương lập nghiệp. Với những gì tích cóp được sau 7 năm bôn ba nơi đất khách, Lê Anh Tuấn đã chia tay thầy, đồng môn về quê lập nghiệp với bao hy vọng tràn trề. Giấc mơ thương hiệu mộc mỹ nghệ “Tuấn Huế” Về quê chưa đầy 1 tuần lễ, với số vốn hơn 80 triệu đồng tích cóp được sau 7 năm làm thợ và một số tiền nhỏ của thầy tặng, Lê Anh Tuấn đã bắt tay vào xây dựng xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ. Hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người dân quê mình nên anh đã nhận dạy nghề miễn phí cho nhiều con em trong vùng. Thời điểm ấy, vừa mới bước sang tuổi 24 nhưng Anh Tuấn đã là chủ một xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ có tiếng ở Huế với hơn 10 nhân công (trong đó có 6 người học nghề). Doanh thu hàng tháng của xưởng trung bình từ 75 - 80 triệu đồng. Với mức doanh thu ấy, đời sống của anh em trong xưởng luôn được đảm bảo, mỗi thợ lành nghề được anh trả từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, còn với những em mới vào học nghề cũng được lo cơm nước và vài trăm nghìn tiêu vặt. Người dân Huế đã bắt đầu biết đến sản phẩm gỗ lũa, tượng điêu khắc của Lê Anh Tuấn, sản phẩm của anh được nhiều người đánh giá cao. Tiếng lành đồn xa, nhiều cơ sở kinh doanh hàng mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh đã đến đặt hàng. Công việc của xưởng sản xuất phát triển khá thuận lợi, nhưng Anh Tuấn cứ băn khoăn mãi về nguồn nguyên liệu sản xuất, anh muốn đi tìm một “miền đất hứa” để lập nghiệp dài lâu. Trong một lần ra Quảng Trị, đến mảnh đất Lao Bảo, Hướng Hoá, bằng sự tinh nhạy của mình, Anh Tuấn đã nhận ra đây là nơi để anh gắn bó làm ăn lâu dài. Cũng trong thời gian ra Quảng Trị nhiều lần để mua nguyên liệu, chàng trai Huế tài hoa đã đem lòng yêu cô gái Quảng Trị Phan Thị Thanh Hà. Cuối năm 2006, đám cưới của anh chị được tổ chức trong sự vui mừng của gia đình, bạn bè. Nhiều lần bàn bạc cùng vợ, anh quyết định chuyển xưởng sản xuất mỹ nghệ từ Huế ra đóng tại bản KaTăng, Hướng Hoá. Hành trang lên bản Ka Tăng ngày ấy của vợ chồng Anh Tuấn chỉ có hơn 200 triệu đồng, đồ nghề và hai cậu học trò ruột là Lê Quang Minh và Trần Tiến Dũng. Ngày ngày Anh Tuấn bắt tay vào việc mở rộng xưởng sản xuất, còn chị Hà đi thu mua các gốc cà phê, mít, bồ kết ... ở các bản về để làm nguyên liệu dự trữ. Chỉ chưa đầy 3 năm gắn bó với vùng đất giáp biên Quảng Trị nhưng sản phẩm của “Tuấn Huế” đã có một chỗ đứng vững chắc và tạo được ấn tượng tốt trong lòng khách hàng. Sản phẩm của “Tuấn Huế” chủ yếu là tượng gỗ lũa, tượng Phật Bà Quan Âm, Đạt Ma Sư Tổ, ông Địa, bộ ba tượng Phúc - Lộc - Thọ... Các mặt hàng của Lê Anh Tuấn đã đáp ứng được nhu cầu của người yêu mến sản phẩm điêu khắc gỗ. Các khách sạn lớn như Hoà Bình (thị trấn Lao Bảo), Thái Ninh (thị trấn Khe Sanh), khách sạn Morin (Huế) ... cũng đã đặt hàng các sản phẩm của anh để trưng bày. Sản phẩm của “Tuấn Huế” không chỉ đẹp, tinh tế, sắc sảo mà còn đáp ứng được thị hiếu của những khách hàng khó tính khắp nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... cho đến những thương gia từ nước bạn Lào, Thái, Campuchia. Các thương gia nước bạn thấy sản phẩm của anh có giá trị nghệ thuật cao, và dễ kinh doanh nên số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng lên. Có một số thương gia còn mua các loại gỗ tốt từ nước mình sang để đặt hàng chế tác theo yêu cầu như: thác, chùa, đền đài ... Ngày nay, dù đang làm ăn khấm khá, nhưng trong ngôi nhà khang trang và xưởng sản xuất của anh đều treo tấm gỗ điều khắc thư pháp khá cũ kĩ với dòng chữ “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Anh Tuấn tâm sự “Đó là dòng thư pháp do thầy Tha tặng như để nhắc nhở và khuyên tôi nên đùm bọc những người cùng cảnh ngộ ...”. Mới đây, Lê Anh Tuấn còn nhận thêm cậu học trò nghèo Nguyễn Phi Hoá (19 tuổi), có cùng hoàn cảnh như anh. “Thấy Hoá còn nhỏ tuổi mà có chí hướng, lại đam mê nghề nên tôi thương và nhận truyền nghề miễn phí. Tôi tìm được hình ảnh mình ngày xưa trong cậu học trò nghèo này ...”, Anh Tuấn bộc bạch. Lê Anh Tuấn không chỉ làm giàu cho mình từ nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ mà còn tạo được công việc cho nhiều học trò với thu nhập khá cao, từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. “Sắp tới tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất và nhận thêm học trò để truyền nghề miễn phí. Thấy con em trên bản đã nghèo lại thất nghiệp mà tôi thấy chạnh lòng. Họ cũng như mình ngày xưa vậy...”, “Tuấn Huế” tâm sự. Với những gì Lê Anh Tuấn đã và sẽ làm, chúng tôi hy vọng rằng sản phẩm gỗ lũa của anh ngày càng phát triển, đa dạng hơn nữa và cầu chúc cho những ước muốn mà anh ấp ủ sẽ sớm thành hiện thực. Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN