Ngày về và những ước mơ, chia sẻ
Đối với những sinh viên nghèo từng được nhận học bổng của chương trình "Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường" nay đã ra trường, ngày về của họ luôn có chung một tâm nguyện, đó là được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho chương trình để ngày càng có nhiều sinh viên nghèo được tiếp sức, nhiều niềm hy vọng được thắp lên dù cho rất nhiều trong số họ vẫn đang loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền hay tìm kiếm việc làm. Tiến sĩ Trần Hành, Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), một trong những nhà tài trợ, đã có lý khi ông luôn kỳ vọng rằng sau này, ghi nhớ tình cảm của những người đi trước đã giúp đỡ mình, bản thân những sinh viên được tiếp sức cũng sẽ có suy nghĩ nối tiếp những công việc giúp đỡ, tiếp sức, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà. 1. Trần Thành Được (Nại Cửu, Triệu Đông, Triệu Phong) có lẽ là một trong số những người may mắn nhất khi vừa ra trường (năm 2006) đã trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển công chức của Sở GD - ĐT tỉnh, trở thành giáo viên của trường THPT thị xã Quảng Trị. Tôi biết Được và có khá nhiều duyên nợ với ông giáo trẻ này bởi trước đó không lâu, chính mái tranh nghèo và niềm hy vọng của hai mẹ con em đã hơn một lần day dứt trong những bài viết của tôi về ngôi làng hiếu học mà em đã lớn lên.
 |
Trần Thành Được |
Hôm chúng tôi về Nại Cửu gặp lại bà Thôi- mẹ của Được, trông bà như trẻ lại, trên môi mẹ luôn nở nụ cười mãn nguyện. Cả một đời nghèo khổ, thiếu thốn mẹ nuôi con ăn học với một ước mơ duy nhất là một ngày nào đó, Được sẽ trở thành ông giáo cho bằng chị bằng em. Được cười hiền lành: "Thật sự em cũng không dám tin là mình có thể theo học hết chương trình đại học, ra trường và có ngay một công việc ở gần nhà. Đối với em và cả mẹ nữa, đó là một hạnh phúc quá lớn". Năm 2003, khi bước vào năm thứ 2 đại học với bao nỗi âu lo, Trần Thành Được đã may mắn là một trong số những sinh viên nghèo được nhận học bổng của chương trình "Tấm lòng quê hương- Tiếp sức đến trường", đồng thời được chương trình nhận đỡ đầu đài hạn cho đến hết đại học. Được đã đi hết con đường đại học bằng ước mơ của mẹ, ý chí của mình và tình yêu thương của xã hội. Giờ đây, dẫu còn bận bịu với bao nỗi âu lo nhưng trái tim em vẫn luôn đau đáu rằng một ngày nào đó sẽ có thể giúp đỡ cho những sinh viên nghèo khác bằng chính những đồng tiền mà mình kiếm được. 2. Năm 2003, cả thôn Tiên Mỹ (Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh) xôn xao khi nghe tin cậu học trò nghèo Trần Văn Việt thi đỗ đại học. Bố mẹ Việt nghèo. Nhà có 3 chị em thì cả chị và em gái Việt đều nghỉ học khi vừa xong cấp 3, nhường phần đi học cho Việt. Việt cũng là người sáng dạ, suốt những năm cấp 1, 2 em luôn là một trong những học sinh xuất sắc của trường. Nhưng, một "tai nạn" học tài thi phận đã xảy ra khi Việt không may bị trượt trong kỳ thi vào lớp 10. Chán nản, Việt bỏ học, ở nhà đi làm rừng suốt 1 năm. 1 năm làm rừng nhọc nhằn đã giúp Việt nhận ra rằng, nếu không học, gia đình em, cuộc đời em sẽ còn vất vả mãi. Vậy là Việt về nhà, xin đi học bổ túc với quyết tâm làm lại từ đầu... Cho đến năm 2003 thì Việt thi đỗ đại học. Ngày Việt vác ba lô lên đường với số tiền ít ỏi ba mẹ đưa cho, cả thôn Tiên Mỹ đều thấp thỏm không biết liệu em có vượt qua được chặng đường trước mắt hay không. Bố mẹ Việt cũng thấp thỏm. Nhưng Việt đã hứa với lòng mình là dù có khó khăn đến mấy cũng quyết không bỏ cuộc lần nữa.
 |
Trần Văn Việt |
Vào đại học, với những cố gắng trong học tập (từ một sinh viên khá khi mới vào trường, đến năm thứ 4 Việt đã vươn lên trở thành sinh viên giỏi với điểm tổng kết là 8,14) và những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, Việt đã nhận được nhiều suất học bổng của báo Tuổi Trẻ, hãng Honda, nhất là học bổng "Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường" (2005). Đặc biệt, em đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Ra trường, Việt tiếp tục theo học chương trình cao học. Thời gian này, Việt nhận thêm một tin vui em đã trúng tuyển công chức vào cơ quan Huyện ủy Đakrông. Việt quyết định trở về. "Lúc đó em phân vân nhiều lắm, muốn đi học thêm nhưng lại thương ba mẹ quá, thôi thì...", Việt bỏ dở câu nói đầy tiếc nuối. Giờ đây, dẫu bận bịu với công việc của một cán bộ Văn phòng tổng hợp của Huyện ủy Đakrông nhưng trong trái tim Việt vẫn luôn nung nấu giấc mơ học hành, Việt nói với tôi như vậy. Và có một tâm nguyện khác mà Việt không nói ra nhưng luôn trăn trở, đó là đóng góp được một chút gì đó cho phong trào khuyến học tỉnh nhà để đền đáp những tình cảm tốt đẹp mà quê hương đã dành cho mình. 3. "Ở tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử (Triệu Phong) có một gia đình mà nếu chỉ nhìn vào ngôi nhà của họ, không ít người đã lặng lẽ giấu một tiếng thở dài. Bao nhiêu năm nay, ngôi nhà rách nát rộng chừng 50 m2, tài sản đáng giá nhất là một chiếc ti vi cũ rích, 2 chiếc xe đạp, là nơi trú ngụ cho một gia đình có đến 9 nhân khẩu, cả 6 đứa con trong gia đình vẫn còn đang đi học. Người cha, anh Đào Xuân Hòa, làm quần quật suốt ngày đêm, hết giăng câu thả lưới đến làm thuê làm mướn vẫn không thể mang về cho vợ con một mái nhà kín đáo nên mùa hè thì ngột ngạt, mùa đông nước chảy lênh láng, có đêm phải dời chỗ ngủ đến 2, 3 lần... Ây thế mà mỗi lần có ai đó hỏi đến chuyện học hành của con cái, ánh mắt anh Hòa đều sáng lên. Bao giờ anh cũng tranh thủ khoe một chút về thành tích học tập của các con như một liều thuốc tinh thần cho chính mình...". Đó là kỷ niệm còn đọng mãi trong tôi khi thực hiện bài viết về một gia đình hiếu học ở thị trấn Ái Tử, ông Đào Xuân Hòa, cách đây không lâu, khi ấy cô con gái đầu là Đào Thị Hằng vẫn đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Nông Lâm Huế. Hôm nay trở lại, mọi thứ vẫn n
 |
Đào Thị Hằng |
hư xưa, có khác chăng là mái tóc trên đầu người cha Đào Xuân Hòa đã có thêm nhiều sợi bạc hơn, nụ cười đã bắt đầu lấp lánh những niềm hy vọng. Sau bao nhiêu khó khăn, vất vả và những nỗ lực phi thường, giờ đây, Đào Thị Hằng đã xuất sắc tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm Huế, 4 năm liền là sinh viên ưu tú của trường, được kết nạp Đảng ngay tại trường. Hằng thổ lộ: "Hồi học phổ thông, em chưa bao giờ dám mơ là một ngày nào đó sẽ được đi học đại học vì nhà em nghèo quá. Năm 2004, khi thi đỗ thủ khoa đại học và được nhận một suất học bổng của chương trình "Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường", em mừng đến rơi nước mắt. Khi đó, em đã tự đặt ra cho mình 2 mục tiêu lớn cần phải đạt được là kết nạp Đảng và ra trường với tấm bằng loại giỏi để không phụ lòng mong mỏi của gia đình và xã hội dành cho mình. Thời gian này, Hằng vừa tranh thủ làm thêm vừa theo học tiếp chương trình tiếng Anh IELTS để tìm kiếm học bổng du học. Đó là cơ hội để em nâng cao kiến thức và hoàn thiện những kỹ năng mà mình đã được học suốt 4 năm qua. "Đất nước đã gia nhập WTO, quê mình đang phát triển từng ngày nên rất cần những kỹ năng mới cho quá trình hội nhập. Nếu đạt được mục tiêu của mình, em hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương giàu đẹp, để ngày càng ít đi những gia đình nghèo không đủ tiền cho con đi học", Hằng tâm sự, ánh mắt lấp lánh niềm tin và hy vọng... 4. Có một người bạn từng nói với tôi rằng, những người đồng cảnh ngộ thường dễ đồng cảm với nhau hơn. Điều này hoàn toàn đúng với Nguyễn Thị Ngọc Yến, khu phố 2, phường 5 (Đông Hà), cựu sinh viên khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Huế khi em tham gia dạy miễn phí cho những học sinh mồ côi ở xã Thủy Xuân (Huế) do Liên chi hội khoa tổ chức. Một năm trời gắn bó với những học trò nghèo nhưng giàu ước mơ, Yến đã hơn một lần bật khóc vì cảm động trước hoàn cảnh đáng thương của những học trò không may mắn...
 |
Nguyễn Thị Ngọc Yến |
Yến cũng là một học trò nghèo. Nhà nghèo nên tiền ăn, tiền học và hàng trăm khoản chi tiêu khác trong gia đình trở nên quá lớn đối với những đồng lãi ít ỏi từ hàng trái cây của mẹ. Thương mẹ mà không biết làm gì để kiếm thêm tiền, cả ba chị em Yến chỉ biết động viên mẹ bằng những bản thành tích học tập thắm đỏ. Riêng Yến, 12 năm học phổ thông là 12 năm em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, tham gia và đạt nhiều giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đặc biệt là giải ba môn Văn tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Với thành tích đó, Yến đã được tuyển thẳng vào đại học. "Khi biết mình được chọn để trao học bổng "Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường", cả em và mẹ đều mừng không tả được. Lúc đó, em tự hứa với lòng mình là phải học thật giỏi để không phụ sự kỳ vọng của mọi người và mẹ". Và cô bé đã thực hiện được lời hứa của mình khi ra trường với tấm bằng loại giỏi và một tấm thẻ đảng viên. Không những thế, em còn là một lớp trưởng, UVBCH Liên chi đoàn khoa luôn năng nổ đi đầu trong tất cả các hoạt động xã hội của trường, nhất là các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Hỏi, giờ em ước mơ gì ? Yến trầm ngâm: "Em mong sớm có một việc làm ổn định. Có việc làm, em sẽ đỡ đần được cho mẹ phần nào. Có việc làm, em sẽ có điều kiện để giúp đỡ cho thật nhiều những học trò nghèo như em". Tôi chúc và tin ước mơ của em sẽ sớm trở thành hiện thực. 5. Tuy không giành được tấm bằng loại giỏi (chỉ giỏi 2/4 năm đại học) như một số gương mặt khác nhưng Lê Thị Yến (Nam Phú, Vĩnh Nam, Vĩnh Linh) vẫn khiến tôi rất ấn tượng khi đọc bản thành t
 |
Lê Thị Yến |
ích mà em đã đạt được trong suốt 4 năm học đại học: Những thành tích, giải thưởng và những suất học bổng dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Tôi đùa: "Đảm nhận một lúc nhiều cương vị (lớp trưởng, UVBCH Đoàn khoa, Liên chi hội phó, Liên chi hội trưởng, BCN Nhóm trung kiên), tham gia tất cả các mặt hoạt động của sinh viên, từ các cuộc thi kiến thức đến các hoạt động xã hội, kể cả bóng đá và ở mặt nào cũng ẵm được rất nhiều giải thưởng, em có thấy mình "tham lam" quá không"? Yến cười hiền lành: "Thực ra tất cả những việc em làm, những hoạt động em tham gia đều vì phong trào chung của lớp, của trường, giải thưởng chỉ là một sự ghi nhận. Hơn nữa, đó cũng là một cách để rèn luyện mình". Đó cũng là một cách đóng góp cho cộng đồng mà Yến luôn tâm nguyện. Mấy ai biết rằng, có một thời cô bé Yến cũng không dám mơ rằng mình có thể tiếp tục đến trường chứ đừng nói gì đến việc trở thành một đảng viên, một sinh viên xuất sắc của trường Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh, nếu như... Nhà nghèo, mẹ bị bệnh kinh niên từ 15 năm nay nên chuyện đến trường của mấy chị em Yến luôn là một bài toán khó của gia đình. 2 chị đầu của Yến chỉ được học đến lớp 7, anh trai học đến lớp 9 thì nghỉ vì không có tiền, chỉ mình Yến và cô em gái vẫn còn may mắn được đến trường. Bởi vậy, để có được một ngày về như hôm nay của Yến là cả một sự cố gắng đáng khâm phục. Yến về, gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình đã vợi bớt đi một nửa nhưng cô em gái của Yến vẫn đang học năm thứ 2 trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh với những bản thành tích cũng không chịu kém chị. “Em vẫn chưa xin được việc làm nhưng tự trong lòng em luôn mong phong trào khuyến học của quê hương ngày càng phát triển để một ngày nào đó, mỗi một học sinh nghèo đều có thể nuôi nấng giấc mơ giảng đường đại học...”. Người ta có trăm nghìn cách để đóng góp sức mình cho xã hội. Với Yến, giờ em chưa thể thực hiện được tâm nguyện của mình là tiếp tục truyền thống tương thân tương ái của quê hương nhưng tôi nghĩ, những thành tích ấn tượng của em những năm học đại học cũng là một sự đóng góp đáng ghi nhận cho xã hội nói chung, chương trình "Tấm lòng quê hương - Tiếp sức đến trường" nói riêng, bởi nó khẳng định cho một niềm tin trong cuộc đời... Bài và ảnh: Thúy An