Ngày làm việc thứ 2, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Thảo luận sôi nổi các văn kiện trình Đại hội
(QT) - Như tin đã đưa, ngày 21/1/2016, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Ngày 22/1/2016, Đại hội làm việc tại hội trường để thảo luận các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Hầu hết các tham luận của các đoàn đại biểu đều nhất trí, đánh giá cao chất lượng nội dung dự thảo các văn kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội. Các văn kiện được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng công phu, đảm bảo chất lượng tốt. Nội dung đề cập trên các lĩnh vực có tầm chiến lược, tính khái quát cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp tình hình trong nước và quốc tế. Dự thảo các văn kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực sự là kết tinh tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời cũng là minh chứng thuyết phục, phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
|
Các đại biểu vào hội trường dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII |
Mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thay mặt Đảng, đoàn MTTQ Việt Nam nêu ra những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần được kế thừa, phát huy mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ và các tổ chức thành viên cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống "uống nước nhớ nguồn", nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình phát triển đất nước; tích cực tuyên truyền, tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH giai đoạn hiện nay. Tham luận của đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: Trong những năm tới, trên thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình tiếp tục có những biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, rất khó lường…Trên cơ sở quán triệt, nắm vững Nghị quyết TƯ 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng bộ Quân đội đề xuất một số vấn đề theo hướng bổ sung, nhấn mạnh, làm rõ những nội dung mới, cơ bản, cốt lõi như tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó. Tham luận cũng nêu rõ, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình, trước yêu cầu mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, việc tăng cường quốc phòng, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là yêu cầu đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước… Trình bày tham luận với chủ đề “Đổi mới toàn diện công tác Công an đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Thời gian qua, công tác phòng ngừa, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, hội nhập quốc tế của đất nước. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, lực lượng Công an nhân dân ra sức phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo vệ Đảng và chế độ. Bộ Công an sẽ quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, làm cơ sở, định hướng tiếp tục đổi mới toàn diện công tác; nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, nhận diện sớm các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
|
Đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trả lời phỏng vấn báo chí |
Với tham luận “Tiếp tục đổi mới công tác Tuyên giáo đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đồng chí Mai Văn Ninh, UVTƯ Đảng khóa XI, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong điều kiện hiện nay, tính chiến đấu trên lĩnh vực tư tưởng là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội, đấu tranh với các lực lượng phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tăng cường đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, ý kiến khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Thực tiễn cho thấy những bức xúc của nhân dân dù mức độ phức tạp đến đâu, nếu thông tin kịp thời, đúng đắn thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa và ngược lại. Công tác tuyên giáo không thể đi sau thực tiễn, mà phải đi trước để dự báo, định hướng. Do đó, trong thời gian tới hệ thống tuyên giáo các cấp phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động gắn với tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên đối với công tác chính trị, tư tưởng. Tham luận của đồng chí Hoàng Bình Quân, UVTƯ Đảng khóa XI, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng, hiện nay, các đảng chính giới các nước ngày càng hiểu chúng ta hơn. Mong muốn hợp tác, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Với sự thuận lợi này, Đảng đã chủ động tham gia có trách nhiệm các diễn đàn, nhờ đó vận động hiệu quả các vấn đề liên quan đến quốc tế, đặc biệt là vấn đề biển Đông. Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã chủ động mở rộng, tăng cường quan hệ với các chính Đảng trên thế giới gồm 228 chính Đảng ở 112 nước và theo nhóm các Đảng cầm quyền ở Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên… Việc tăng cường mở rộng kênh đảng là cơ hội để tham khảo học hỏi, nâng cao năng lực lãnh đạo, đồng thời triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã đi thăm nhiều nước mang tầm chiến lược trong việc triển khai đường lối đối ngoại. Bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại theo kênh Đảng đã chỉ ra rằng phải tích cực hơn nữa, chủ động dự báo tốt hơn nữa để không bị động trong mọi tình huống. Một khi đã nhận thức rõ ràng về lợi ích dân tộc, quốc gia, giữ môi trường hòa bình, kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền... sẽ là cơ sở để xử lý vấn đề đối ngoại. Trong phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, nhờ tăng cường công tác quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; tránh đầu tư dàn trải; thực hiện rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... nên đã tiết giảm được hơn 57.000 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án trong 5 năm qua. Đồng thời, ngành đã tạo được bước đột phá trong việc thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn năm 2011-2015, đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho kết cấu hạ tầng giao thông được trên 410.000 tỉ đồng. Kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 36 bậc (năm 2010 mới ở vị trí 103 thì năm 2015 đã đứng ở vị trí 67, theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Với nhận thức, một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại-thuận lợi-hiệu quả và an toàn, trong những năm tới, ngành Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đầu tiên là sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Đại biểu Bùi Quang Vinh, UVTƯ Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nhìn nhận lại thành tựu, kết quả của đất nước thời gian qua là rất ấn tượng nhưng chưa thể thỏa mãn. Bộ trưởng mong muốn phải có sự đổi mới, cải cách thể chế, từ chính trị, quản lý Nhà nước và đặc biệt là sự đổi mới thể chế kinh tế phải được ưu tiên. Cụ thể là thịnh vượng phải đi đôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tập trung thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, nêu cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tạo sự công bằng và hội nhập bình đẳng cho mọi người; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, các thiết chế phải có sự giám sát của người dân, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân, quyền thông tin của người dân. Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình. Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới, tự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc. Tham luận trước đại hội, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra cơ chế phát triển đô thị và liên kết vùng hiện nay không theo kịp thực tiễn. Điều đó thể hiện qua việc phát triển liên kết vùng còn hạn chế và phân tán, xử lý theo kiểu riêng lẻ từng địa phương. Các tỉnh, thành phố thúc ép tăng trưởng và thu hút đầu tư chứ không có sự lan tỏa. Vì thế, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị phải minh bạch cơ chế ủy quyền, phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quy hoạch, phát triển đô thị nhưng phải đảm bảo tính liên kết, đồng thời hoạch định chính sách, ban hành quy định, kiểm tra, giám sát, chế tài...Nhà nước không làm thay thị trường mà phải tạo môi trường thông thoáng để thị trường phát triển lành mạnh, cạnh tranh, đặc biệt phải tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong quản lý, điều hành… Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự kiện đặc biệt quan trọng này trên Báo Quảng Trị điện tử. Tin, ảnh: PV