Cập nhật: Thứ 3, 24/03/2015 | 09:23 GMT+7

Nâng cao chất lượng hoạt động đoàn ở địa bàn dân cư

(QT) - Đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đoàn ở khu vực địa bàn dân cư hiện nay là một bài toán khá hóc búa khi mà làn sóng “ly nông, ly hương” đã ảnh hưởng rất lớn đến số lượng, chất lượng đoàn viên lẫn cán bộ đoàn cơ sở trong khi nguồn kinh phí và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đoàn lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén, sáng tạo của mình, nhiều cấp bộ đoàn trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo để các cơ sở đoàn đến gần hơn với thanh niên trên địa bàn dân cư. Từ hơn 3 năm nay, trang facebook “Tây Trì Thanh niên” đã trở thành một cái tên khá quen thuộc không chỉ với các đoàn viên thanh niên khu phố Tây Trì, phường 1, thành phố Đông Hà mà còn được nhiều bạn trẻ và các cơ sở đoàn trong tỉnh biết đến là một trong những chi đoàn địa bàn dân cư đầu tiên ở Quảng Trị ứng dụng mạng xã hội trong điều hành, tổ chức các hoạt động của chi đoàn. Bước đầu là một kênh liên lạc, thông báo tiện lợi, chỉ sau một thời gian hoạt động, trang facebook “Tây Trì Thanh niên” đã trở thành một trang tin nhỏ với nội dung phong phú, cập nhật kịp thời các nội dung tuyên truyền, giáo dục và các hoạt động của chi đoàn, đoàn cấp trên...

Một buổi tập huấn sinh hoạt kỹ năng cho cán bộ đoàn cơ sở của Xã đoàn Hải Quy, Hải Lăng

Không những vậy, trang còn cung cấp nhiều câu chuyện, bài viết hay, có ý nghĩa sâu sắc trong việc định hướng giá trị sống, định hướng tư tưởng cho đoàn viên thanh niên được chuyển tải một cách khéo léo, nhạy bén theo những ngày lễ, những sự kiện đang được giới trẻ và cộng đồng quan tâm... Từ khả năng tương tác, kết nối không giới hạn của facebook, trang facebook “Tây Trì Thanh niên” không chỉ là một tài liệu sinh hoạt chi đoàn “bỏ túi” hữu ích mà còn giúp hỗ trợ quảng bá các hoạt động của chi đoàn, từ đó thu hút được ngày càng nhiều thanh thiếu nhi tự nguyện tham gia, hưởng ứng các hoạt động do Đoàn tổ chức. Mô hình của Chi đoàn khu phố Tây Trì đã nhanh chóng được các cơ sở đoàn học tập, nhân rộng trên địa bàn thành phố và hiện nay, các Đoàn phường 1, 2, 3, 4, Đông Giang, Đông Thanh cũng đã xây dựng trang facebook riêng để hỗ trợ công tác thông tin, điều hành hoạt động của đơn vị. Đây là một trong những giải pháp khá đơn giản nhưng rất hiệu quả và phù hợp với đoàn viên thanh niên địa bàn đô thị, nơi mà hầu hết thanh niên đều sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội và có điều kiện để có thể truy cập internet bất cứ lúc nào. Còn tại các cơ sở đoàn địa bàn nông thôn, sinh hoạt kỹ năng là một trong những điểm nhấn trọng tâm trong những giải pháp đổi mới hình thức sinh hoạt, hoạt động của Đoàn. Bắt đầu từ các trại huấn luyện kỹ năng đầu tiên được một số đơn vị tổ chức năm 2010, đến nay các sinh hoạt kỹ năng đã được 7/10 huyện, thị, thành đoàn triển khai sâu rộng tới các cơ sở đoàn. Hệ thống các câu lạc bộ kỹ năng bước đầu đã hình thành với 1 câu lạc bộ của Trung tâm Hoạt động Thanh niên thiếu niên tỉnh, 4 câu lạc bộ cấp huyện và hàng chục câu lạc bộ cấp xã khác. Những màn dân vũ, vũ khúc thanh niên, đồng diễn semaphore sôi động hay những trò chơi kỹ năng hấp dẫn, lý thú và bổ ích, góp phần tăng cường sự gắn bó, kỹ năng phối hợp, làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp xã hội... trở thành một làn gió mới tạo được những thay đổi có tính bứt phá cho các sinh hoạt, hoạt động đoàn ở cơ sở bấy lâu nay vốn rất khô cứng, đơn điệu và nhàm chán. Sinh hoạt kỹ năng không chỉ giúp cho các cuộc hội họp đó trở nên sôi động, trẻ trung mà còn trở thành một hoạt động giải trí lôi cuốn, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các bạn trẻ nông thôn. Một số đơn vị cũng đã có nhiều cách làm hay để đổi mới từ cách thức chỉ đạo của Đoàn, khẳng định rõ nét phương châm hướng mạnh về cơ sở. Tiêu biểu như trong hai năm 2013 - 2014, BTV Huyện đoàn Hải Lăng đã triển khai chương trình “Tháng sinh hoạt chi đoàn điểm tại địa bàn dân cư” đồng loạt tại 20 xã, thị trấn do chính các đồng chí ủy viên BTV Huyện đoàn phụ trách cụm trực tiếp triển khai sinh hoạt. Buổi sinh hoạt chi đoàn bắt đầu bằng các bài hát tập thể vui nhộn và phần đánh giá ngắn gọn những kết quả trong tháng qua, kế hoạch tháng tới, thông tin về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, các thông tin về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách vay vốn. Phần sinh hoạt nhóm được chia thành nhiều đội chơi và các đội chơi tự thảo luận, từ đó đưa ra các ý kiến của mình với các vấn đề như: thuốc lá đối với sức khỏe con người, sử dụng điện thoại như thế nào được gọi là văn minh... Buổi sinh hoạt khép lại với phần sinh hoạt kỹ năng bằng các điệu nhảy dân vũ quốc tế, dân vũ Việt Nam đầy hứng khởi. Với “Tháng sinh hoạt chi đoàn điểm tại địa bàn dân cư”, chất lượng sinh hoạt chi đoàn đã có những bước chuyển biến tích cực và hiện 85% chi đoàn nông thôn tại đây sinh hoạt đúng định kỳ theo điều lệ. Đồng chí Trần Hữu Bắc, Bí thư Huyện đoàn Hải Lăng, cho biết, phát huy những kết quả trên, sắp tới BTV Huyện đoàn sẽ triển khai chương trình “60 ngày làm việc tại cơ sở”. Theo đó các đồng chí ủy viên thường vụ và cán bộ cơ quan Huyện đoàn mỗi năm sẽ có ít nhất 60 ngày làm việc tại cơ sở, trong đó 2/3 quỹ thời gian sẽ dành để tham gia các cuộc họp, sinh hoạt, hoạt động của 2 đơn vị xã đoàn được phân công phụ trách. Các phiên đi cơ sở của cán bộ theo chương trình này không đơn thuần chỉ là đến dự để nắm tình hình mà tham gia trực tiếp vào việc xây dựng các chủ trương, kế hoạch công tác, thậm chí tham gia cùng với cán bộ cơ sở để tổ chức các hoạt động. Đây là một hình thức “bán luân chuyển cán bộ”, vừa giúp hỗ trợ nhân lực cho các xã đoàn, vừa bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Huyện đoàn qua thực tiễn ở cơ sở. Khi đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở đoàn địa bàn dân cư, hầu hết lãnh đạo cấp ủy, cán bộ đoàn cơ sở, đoàn viên thanh niên ở địa bàn dân cư đều có chung nhận định: Sự năng động, quyết tâm vượt khó của các “thủ lĩnh thanh niên” là một trong những yếu tố then chốt. Cùng với đó, vai trò của cấp ủy cơ sở ở khu phố, thôn, bản rất quan trọng, nếu ở đâu cấp ủy cơ sở quan tâm cùng với sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ đoàn thì hoạt động đoàn ở khu dân cư đó có hiệu quả, thanh niên tham gia hoạt động đoàn đông đảo và sôi nổi. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên để đoàn viên thanh niên yên tâm gắn bó, tham gia hoạt động đoàn; hỗ trợ các cơ sở đoàn đảm nhận các công trình gây quỹ để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động. Cán bộ đoàn cấp trên cần đến với thực tế hoạt động của chi đoàn cơ sở để cùng sinh hoạt, cùng thấy những khó khăn của cơ sở, từ đó có sự điều chỉnh trong việc thiết kế, chỉ đạo tổ chức các hoạt động cho sát hợp với thực tiễn. Nếu có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ các yếu tố trên sẽ góp phần thay đổi “hình chóp ngược” đang diễn ra ở nhiều đơn vị đoàn hiện nay là cấp trên thì nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi, thiết thực, càng xuống cấp dưới thì càng “teo tóp”, từ đó củng cố, xây dựng tổ chức đoàn ở địa bàn dân cư ngày càng vững mạnh. Bài, ảnh: TRẦN THU



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

26 năm gắn bó với công tác phòng chống bệnh lao

26 năm gắn bó với công tác phòng chống bệnh lao
01:06 23/03/2015

(QT) - Ở trong ngành, mọi người biết đến ông không chỉ vì ông là Giám đốc của Bệnh viện Lao và bệnh phổi; là người có cái tên nghe rất thú vị: Bác sĩ Trương Huyền Trường mà còn...

Thời tiết

23°C - 31°C
Có mây, không mưa
  • 22°C - 29°C
    Có mây, không mưa
  • 23°C - 30°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long