Cập nhật:  GMT+7

Một trái tim nặng nghĩa tình người (*)

(QT) - Hoàng Tấn Trung lại là người có tâm hồn dễ rung động. Mọi sự bon chen, tranh giành, tự quảng bá ầm ĩ hình như xa lạ đối với anh. Anh luôn tự làm chủ trong cuộc sống: “ Vừa đủ hạnh phúc mà thôi/Để cho lòng bạn thảnh thơi ngọt ngào.../Vừa đủ vật chất tinh thần/ Để cho cuộc sống thêm phần an vui ”(Vừa đủ). Anh nhìn cuộc sống bằng con mắt đôn hậu nên bất kỳ việc gì, cảnh gì cũng gợi mở cho anh những miền cảm xúc yêu thương. Trên nẻo đường thơ của Hoàng Tấn Trung, mảnh đất làng quê – nơi kí thác và lưu giữ vững bền nhất những ký ức tuổi thơ và nơi cuối cùng quay về trong nỗi niềm đồng vọng luyến thương về ông bà, cha mẹ, những người nông dân chân chất, những cảnh sắc quê hương mộc mạc, thuần phác… Những con người và cảnh vật ấy đã đi vào máu thịt và được anh chưng thành thơ. Hoàng Tấn Trung có những bài thơ hay về làng quê – làng Câu Nhi. Cái tinh tường ở anh, khi miêu tả cảnh vật và cuộc sống con người ở chốn quê, anh không sa vào kể lể, chi tiết, mà chỉ chấm phá, dựng cảnh tạo không gian mang đậm hồn quê Quảng Trị: “ Làng trong tôi là con chuồn chồn ớt/Đậu rào tre chỏng đít lên trời/Con dế mèn nỉ non vệ cỏ/Lũ trẻ làng rình bắt về chơi ”( Làng trong tôi ). Một chút cảnh vật nhưng vẫn gợi được không khí thanh bình, yên ả nơi chốn quê.

Ảnh minh họa. (nguồn Internet)
Bức tranh làng quê trong thơ Hoàng Tấn Trung không miêu tả cụ thể nhưng anh lại thấm thía đời sống làng quê, nhất là những làng quê miền Trung vẫn còn nhọc nhằn, vất vả. Vì thế, anh viết rất chân thực về đời sống nơi chốn quê, khiến bạn đọc phải ngợi nghĩ, cảm kích và khơi gợi nhiều ở thế giới nội tâm, ở lẽ đời, tình người: “ Làng trong tôi là ngày công hợp tác/Mấy lạng lúa de không đủ ấm lòng/Con trâu gầy run run trong gió/Thương dân mình áo rách long đong ”( Làng trong tôi ). Kí ức tuổi thơ trong anh thật khó quên! Xa quê, anh thầm mơ một ngày trở lại, để được “truy lĩnh” những năm tháng tuổi thơ. Anh nhớ quay quắt đến nỗi: “ Làng trong tôi là tháng năm xa cách/Về thăm quê tay bắt mặt mừng/ Hạnh phúc reo trong từng ánh mắt/Cội nguồn ơi, lòng cứ rưng rưng ”( Làng trong tôi ). Qua thơ Hoàng Tấn Trung, ta lại nhớ Tết quê: “ Thuở nào tóc mẹ còn xanh/Chiều ba mươi tết bánh chưng, bánh tày/Sáng mồng một mẹ dắt tay/ Đường về quê ngoại bay bay mưa hồng ”. Hay: “ Đường đi cỏ mọc bời bời/Cánh cò trắng muốt chân trời tuổi thơ/Bông mưng rụng đỏ mặt hồ/Nhớ con cá lẹp ngày xưa mẹ dành ”( Con về quê ngoại ). Thiên nhiên ấy đã góp phần tạo thêm sắc màu cho thơ viết về đề tài làng quê của Hoàng Tấn Trung. Qua thi ca, anh đã nói lên được ước vọng sâu xa của những con người nơi chốn quê về một cuộc sống tốt đẹp hơn, với cảnh vật, thiên nhiên tươi thắm. Với anh, làng quê miền Trung luôn phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường của thiên nhiên: “ Cơn ác mộng tràn về sau mấy ngày mưa tầm tã/Làng xóm ngập chìm trong biển nước mênh mông/Ôi cơn lũ kinh hoàng-trận hồng thuỷ miền Trung ”... “ Có những bà mẹ già nước mắt lưng tròng/Môi bầm tím, đôi tay run cầm cập.../Có những em thơ mất cha mất mẹ/Đầu trần chân đất áo mong manh.../ Có người thiếu phụ bị mất con/Khóc mãi, hình như lệ chẳng còn.../Có những em thơ trở về nhà cũ/Tìm chi trên đống gạch vụn bên thềm? ”( Cơn lũ quê tôi ). Với trái tim yêu quê hương, cùng với tâm hồn nhạy cảm, anh đã vẽ nên bức tranh làng quê xinh đẹp nhưng cũng lắm nỗi gian truân. Làng quê trong thơ Hoàng Tấn Trung là làng quê của tình người, tình thuỷ chung son sắt, nồng đượm. Và chốn quê mãi là nơi nương náu, là chốn tìm về, là sự đùm bọc, tái tạo sức sống của mỗi con người trong cộng đồng làng xã. Hình ảnh cha mẹ in đậm trong thơ anh với những câu thơ giản dị, đáng yêu, nhưng lại xót lòng bạn đọc: “ Thương mẹ nghèo thân cò lặn lội/Thương cha gầy đốn củi đầu truông ”(Đất nước yêu thương). Lời thơ kể chân thực, cụ thể, nhưng ẩn sau những con chữ là nỗi vất vả, gian lao của cha mẹ. Đó cũng chính là sự thương cảm của một người con đang hướng về cha mẹ, vì thế người thơ luôn ghi tạc: “Ơn cha, ơn mẹ sinh thành”(Ơn). Bà ngoại cũng là đề tài khá xúc động trong thơ Hoàng Tấn Trung. Kính dâng bà ngoại mình, Hoàng Tấn Trung đã dành những ngôn từ trang trọng, chứa đựng tình cảm sâu xa: “ Con về quê ngoại mẹ ơi!/Thăm ông bà ngoại tận nơi ngoại nằm ”. Thấu hiểu những lo toan đã khắc sâu thời gian trên khuôn mặt ngoại, anh bày tỏ lòng biết ơn: “ Ngoại ôm con cháu vào lòng/Ngoại rằng, gắng học-ngoan,chăm,ngoại mừng/Con nghe lời ngoại rưng rưng/Từ trong hương khói mông lung hiện về ”(Con về quê ngoại). Thơ Hoàng Tấn Trung có khả năng đặt ra những vấn đề có sức lay động mạnh trong một bài thơ bình dị: “ Những lá thư mang tình thương vời vợi.../Hẹn ngày về tan khói lửa chiến chinh/Niềm hạnh phúc cầm tay nhau ngày cưới ”. ( Những lá thư trong lòng Thành Cổ ). Đó là những lá thư của người yêu, người vợ trẻ gửi đến người lính mang nặng lời thề sắc son, thuỷ chung. Thế nhưng, như một lời tiên tri dự cảm, những người lính vì độc lập, tự do đã mãi mãi không trở về: “ Có lá thư như lời tiên tri dự cảm/Cháy bỏng yêu thương của người lính không về/Vì độc lập-tự do son sắt lời thề/ Họ nằm xuống trên chiến trường Thành Cổ ”. Nhiều bài thơ hay của Hoàng Tấn Trung do hình ảnh, cấu tứ chân thật, lấy chất liệu từ hiện thực người thơ, có lúc từ hư cấu nhưng lại mang tính phổ quát, và không hề cũ vì gắn với những chi tiết xúc động. “Có em sống giữa cuộc đời”, “Tình yêu gửi cuộc đời cát bụi”, “Người dâng”, “Tên em vầng trăng khuyết”, “Tình yêu không có tuổi”, “Tình lỡ”... là những bài thơ tình như thế. Thơ tình của anh được khơi dậy từ những tháng năm của một thời hoa mộng, và kéo dài ra trên mọi nẻo tình yêu cho đến lúc “mùa xuân chín” vẫn chưa chịu lùi: “ Bởi đam mê nên quá nửa đời người/Vẫn thấy mình hồn nhiên như con trẻ/Em biết đấy, tình yêu không có tuổi/Nên tôi làm ngọn gió...lang thang ”. Nếu đối chiếu với phạm trù thời gian, nó không hề đối lập, mà luôn rọi soi để làm giàu cảm giác và vun đắp thêm cho người thơ dám thổ lộ sự bồng bột, khờ dại: “ Tôi vụng về đi gõ cửa trái tim/Bỗng vụng dại như ngày xưa vụng dại/Hai nửa vầng trăng để lòng thêm tê tái/ Biết nói sao hoa nguyệt quý nở rồi! ”( Tình yêu không có tuổi ). Và có lúc người thơ “một đời bụi bặm gió mưa”cũng để trái tim “lạc lối” chỉ một ánh mắt, nụ cười: “ Một đời bụi bặm gió mưa/ Trái tim lạc lối lạ chưa-giữa đường/Em nhìn chi để tơ vương/Cây si thả sợi rễ buồn xuống ao !”( Trái tim lạc lối ). Và cuối cùng người thơ nhận ra “Em đã đi quá nửa cuộc tình duyên”. Thế nhưng, dù ở “cõi xa xăm” ấy, người thơ vẫn “ Tôi chắp tay khấn trời cao vời vợi/Xin đốt lò nhen lại mối tình xưa ”( Yêu người yêu cũ ). Tình yêu trong thơ Hoàng Tấn Trung luôn khát khao, bỏng cháy, thao thức, thường trực nhưng cũng lắm trái ngang. Nếu nói một nét mới mang tính tiêu biểu cho thơ Hoàng Tấn Trung gần đây, tôi cho rằng anh đang cố gắng thể hiện tâm trạng mình qua loại thơ mỗi bài ba câu (thơ haicu). Tuy nhiên, giọng Hoàng Tấn Trung mềm mỏng, nên anh chưa sâu sắc và gai góc để gặt hái nhiều hơn ở thể thơ này như “Vết thương lòng”, “Chim lạc và mặt trống đồng”, “Non mai sông Hãn”, “Vườn xanh”... Thơ Hoàng Tấn Trung như những bông hoa cúc chi. Tuy nhỏ bé, nhưng nó lại có vẻ đẹp màu sắc và hương vị riêng, có đời sống riêng, không dễ gì lẫn được. Đến hôm nay anh vẫn lặng lẽ gặt hái, và những câu chữ trong thơ của anh vẫn lặng lẽ khiêm nhường như những tế bào của con người anh. Phải chăng, đó là dòng nhựa còn tươi trẻ, cuộn chảy trong tâm hồn Hoàng Tấn Trung. BÙI NHƯ HẢI (*) Thơ Hoàng Tấn Trung



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nghìn năm Thăng Long - Việt Nam bay lên trên HTV9

Nghìn năm Thăng Long - Việt Nam bay lên trên HTV9
2010-10-03 10:16:37

(TTO) - Ca khúc Kim liên nam trấn Thăng Long của tác giả Đặng Nhất Mai do ca sĩ Thanh Thúy và Lương Chí Cường thể hiện sẽ mở màn chương trình ca nhạc đặc biệt do HTV tổ chức...

1.000 góc nhìn về Hà Nội

1.000 góc nhìn về Hà Nội
2010-10-03 10:16:21

(TTO) - Chiều 2-10, tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu) đã diễn ra lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm cuộc thi ảnh có chủ đề “1.000 góc nhìn về Hà Nội”.

Mực chảy từ tim...

Mực chảy từ tim...
2010-10-03 10:16:08

(TTO) - Nhà văn Hoàng Quốc Hải ra tận đầu ngõ đón khách. Nhìn ông gầy yếu quá! Hình như ông đã rút hết sinh lực để viết trường thiên tiểu thuyết tái hiện lịch sử bi hùng của...

Thái Như Ngọc mơ màng ngắm cá vàng

Thái Như Ngọc mơ màng ngắm cá vàng
2010-10-03 10:15:32

(VnExpress) - Á hậu Trang sức 2007 khoe nét mặt yêu kiều bên những chú cá đủ màu sắc đang tung tăng bơi lội. Cách trang điểm liên tục thay đổi của cô khiến những bức ảnh trở...

CĐV hào hứng với 4 ngôi sao quần vợt tại TP HCM

CĐV hào hứng với 4 ngôi sao quần vợt tại TP HCM
2010-10-02 08:14:54

(VnExpress) - Tối thứ sáu hơn 3000 người tại Nhà thi đấu Phú Thọ liên tục vỗ tay tán thưởng những pha đánh đẹp, đẳng cấp của 4 ngôi sao quần vợt. Mardy Fish (Mỹ, vị trí 19 thế...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết