Màu xanh trên đất lửa
(QT) - Ai đi đất nước trăm miền Nhớ về mảnh đất Cồn Tiên anh hùng Gio Sơn trải rộng một vùng Mỗi bước đi nhớ chiến công năm nào… Câu thơ trên đã thôi thúc tôi trở lại Cồn Tiên, trở lại với miền đất mà hơn 40 năm trước vào mùa xuân năm 1972, quân và dân ta đã đồng loạt “Tổng tấn công và nổi dậy” quét sạch đồn bốt Mỹ, ngụy ở mặt trận bắc Quảng Trị để giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh và Cam Lộ. Ôm vào lòng cả quá khứ và hiện tại của mảnh đất này, tôi bắt gặp hình ảnh của Gio Linh, của Hải Thái trong bề bộn lo toan cho bước đường đi tới, bước đường khai thác thế mạnh tiềm năng để phát triển và hội nhập.
 |
Chăm sóc vườn cao su - Ảnh: PV |
Cách căn cứ Cồn Tiên (cũ) 1,5 km, dân cư Hải Thái sống đan xen với công nhân nông trường Cồn Tiên và có thể nói, người lao động ở đây vừa là công nhân, vừa nông dân, một mô hình tiêu biểu của “liên minh công nông” trong thời kỳ đổi mới. Tiếp chuyện chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hải Thái Hoàng Đoán, một người lúc nào cũng tất bật với công việc, nhưng lại rất cởi mở, cho biết: Vùng này trước đây thuộc xã Gio Sơn- là vùng “đất chết” trong tuyến hàng rào điện tử Mắcnamara. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giãn dân để xây dựng kinh tế mới, bà con một số xã của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả của huyện Gio Linh... đã hội tụ về đây chung sức chung lòng phục hóa, khai hoang xây dựng cuộc sống mới ngay trên đổ nát, hoang tàn và cái tên Hải Thái cũng được ra đời từ đó. Trải qua gần bốn mươi năm xây dựng và phát triển, vùng đất lửa giờ đây đã trù phú xanh tươi, nhịp sống đã trở lại với bàn tay lao động. Đứng trên cao điểm 158 mét so với mặt biển, hay còn gọi là cụm cứ điểm Cồn Tiên (cũ), nhìn bao quát toàn cảnh làng quê trong màu xanh no ấm, tôi nghe vang vọng trong âm thanh sự chuyển mình đi tới của mảnh đất lịch sử đã góp phần làm tròn sứ mệnh “tiền đồn của Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến” trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trở lại Gio Linh, trở lại Hải Thái trong những ngày Đảng bộ và nhân dân xã nhà đang sôi nổi với nhiều phong trào thi đua học tập, lao động sản xuất để “mừng Đảng, mừng xuân”, tôi càng thấy rõ hơn sự khởi sắc của một miền quê đang từng ngày đổi mới khi mà tiến trình dân chủ hóa đã về tận cơ sở. Gần bốn mươi năm sau cuộc hành trình gian khổ trên vùng đất mới, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Thái vẫn hiên ngang đi những bước đi vững chắc trên con đường đổi mới. Vất vả, thiếu thốn và khốn khó mọi bề, nhưng Hải Thái vẫn không chùn bước mà ngược lại, càng gian khổ khó khăn thì càng vững vàng và lạc quan, vẫn kiên gan vượt qua tất cả để làm nên một cuộc phục sinh nhọc nhằn và cao cả, đã tạo ra một bước nhảy vọt về chất trong phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh, đã tạo dựng được những mô hình sản xuất kinh doanh mới, có hiệu quả. Anh Võ Viết Dũng, Trưởng thôn 4 và là một trong những “triệu phú” của huyện Gio Linh, bộc bạch: “Bước đầu mới ra riêng lập nghiệp tôi gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể trong việc tín chấp vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật... nên cũng dần vượt qua”. Từ hai bàn tay trắng nhưng nhờ ý chí vươn lên và cần cù chịu khó cùng với sự giúp đỡ có hiệu quả của tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương, giờ đây Võ Viết Dũng đã có trong tay một cơ ngơi đáng mơ ước, đó là 4,5 ha cao su tiểu điền đã đưa vào khai thác, 180 con lợn mỗi năm xuất chuồng trên 30 tấn thịt và một cửa hàng tạp hóa cùng với đại lý thu mua mủ cao su... mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý nên mặc dù thời tiết có năm, có vụ không thuận, thị trường chưa thật ổn định, đầu vào của vật tư nông nghiệp cũng như đầu ra của sản phẩm có lúc, có nơi vẫn còn ách tắc... nhưng kinh tế của xã Hải Thái vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện, đó chính là nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân Hải Thái trong phong trào vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới. Cũng từ phong trào này mà Hải Thái đã xóa hết hộ đói; tăng 25% hộ giàu và hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 11,7%. Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng nhiều năm qua xã Hải Thái vẫn chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tương đối đồng bộ, đã trở thành một trong những xã khá về xây dựng nông thôn mới của huyện Gio Linh. Là một xã thuần nông nên Hải Thái rất chú trọng đến hiệu quả của cây trồng và vật nuôi. Chính vì thế mà trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội nhiệm kỳ 2010- 2015, Hải Thái vẫn chú trọng hai mục tiêu chính, đó là: Đầu tư thâm canh có chiều sâu để tăng năng suất và sản lượng các loại cây lương thực; cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế vùng gò đồi theo mô hình kinh tế trang trại. Cùng với việc đầu tư có chiều sâu cho cây lúa; con lợn, đàn trâu bò là mở rộng diện tích cây hồ tiêu; cây cao su tiểu điền và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác, đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, dịch vụ... để phát triển kinh tế toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Thành công của mô hình kinh tế trang trại ở Hải Thái không chỉ tạo ra nhiều “triệu phú chân đất”, mà còn khơi dậy phong trào lập nghiệp làm giàu ngay trên quê hương, xóa đi quan niệm: “Muốn làm giàu thì phải về thị xã, thành phố”. Tuy nhiên, để mô hình trang trại sản xuất ngày càng có hiệu quả về kinh tế và xã hội, thiết nghĩ các ngành chức năng cần thống nhất quy định tiêu chí trang trại, trên cơ sở đó để có những chính sách thích hợp về vốn, về hạn điền, về tiêu thụ sản phẩm; quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các chủ trang trại đi vào sản xuất kinh doanh những cây trồng, vật nuôi nằm trong chương trình kinh tế của địa phương nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, có như vậy kinh tế trang trại mới thực sự phát huy hiệu quả cả về kinh tế và xã hội. Đi trong vườn cao su tiểu điền đang mùa thay lá, tôi thầm nghĩ: Đưa cây cao su vào thâm canh trên miền tây Gio Linh không chỉ mang ý nghĩa kinh tế thương mại đơn thuần, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong quá trình cải tạo hệ môi trường sinh thái sau chiến tranh, bố trí lại dân cư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Và cùng với sự phát triển của cây cao su thì các công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm xá, giao thông, điện nước cũng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Dẫu là bước đầu và chưa lớn, nhưng có thể khẳng định, phát triển kinh tế trang trại và cây cao su tiểu điền là giải pháp kinh tế -xã hội đang chiếm ưu thế ở Quảng Trị nói chung và Hải Thái nói riêng. Bởi thực tế sau hơn 20 năm cây cao su đứng vững và phát triển ở đây đã tạo việc làm ổn định cũng như nâng cao đời sống cho hàng nghìn lao động, đã hình thành những cụm dân cư, những khu kinh tế liên hoàn đáp ứng mọi nhu cầu về văn hóa- xã hội, an ninh- quốc phòng và về sinh thái đã phủ lại được màu xanh trên đất lửa năm xưa. PHAN SÁU