Cập nhật: Thứ 5, 06/09/2012 | 19:36 GMT+7

Lê Hồng Phong – Tấm gương người cộng sản bất tử

(QT) - Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, sau khi học xong sơ học yếu lược Lê Hồng Phong lên thành phố Vinh làm thư ký cho một hiệu buôn rồi làm thợ ở nhà máy Diêm Bến Thủy. Tại đây, đồng chí bắt đầu tham gia phong trào đấu tranh của công nhân và vì thế nên bị đuổi việc. Cuối năm 1923, cùng với Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong xuất dương qua Thái Lan rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc) tìm đường cứu nước, cứu dân. Đầu năm 1924, đồng chí tham gia vào Tâm Tâm xã và hăng hái hoạt động để phát triển tổ chức này. Tháng 6/1925, khi Hội Việt Nam thanh niên cách mạng được thành lập ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong là một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên gia nhập, được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách và trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác -Lênin. Sau đó, theo sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong được nhận vào học ở Trường Sĩ quan Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Tháng 2/1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 10/1926, đồng chí được cử sang Liên Xô để học lý luận quân sự không quân, rồi Trường đào tạo phi công quân sự. Trong 3 năm (1928-1931) theo học tại Trường đại học Phương Đông, đồng chí đã hoàn thành chương trình học tập và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Đầu năm 1932, đồng chí về nước gây dựng cơ sở cách mạng và đến tháng 6/1932 cho công bố Chương trình hành động của Đảng do đồng chí tham gia khởi thảo và đã được Quốc tế cộng sản thông qua. Chương trình hành động khẳng định đường lối đấu tranh cách mạng do Đảng đề ra là đúng đắn nhằm củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, khôi phục phong trào cách mạng. Tháng 3/1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (có chức năng như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời) được chính thức thành lập do Lê Hồng Phong làm Bí thư đã nhận định tình hình, đề ra chủ trương mới và chuẩn bị cho đại hội lần thứ nhất của Đảng. Giữa lúc đó, đồng chí được mời tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế cộng sản. Tại đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong đọc bản tham luận quan trọng nói về phong trào cách mạng Đông Dương. Cũng tại đại hội này, Đảng ta được công nhận là chi bộ chính thức của Quốc tế cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong là một trong sáu đại biểu thuộc các nước thuộc địa được bầu làm uỷ viên chính thức (trong số 46 uỷ viên của Quốc tế cộng sản). Từ ngày 27 đến 31/3/1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đã phân tích tình hình của Đảng, phong trào cách mạng trong nước và đề ra nhiệm vụ trước mắt là củng cố Đảng, tập hợp hơn nữa quần chúng và chống chiến tranh đế quốc. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 13 uỷ viên chính thức. Đồng chí Lê Hồng Phong mặc dù đang đi dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản nhưng vẫn được Đại hội bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 7/1936, với cương vị Uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cùng với Trung ương triệu tập và chủ trì hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị đã quyết định chuyển hướng mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, xác định rõ mục tiêu trực tiếp là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi dân chủ, dân sinh và hoà bình. Theo đề nghị của đồng chí Lê Hồng Phong, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, đặt tiền đề cho cao trào đấu tranh dân chủ diễn ra trong cả nước thời gian sau đó. Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động tại Sài Gòn trực tiếp cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Lúc này, trên cương vị uỷ viên Thường vụ Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương quyết định chuyển Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận Dân chủ nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, tranh thủ mọi lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi dân sinh, dân chủ và chống phát xít. Ngày 22/6/1938, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt. Sau khi hết hạn tù 6 tháng, chúng buộc Lê Hồng Phong phải về Nghệ An để chúng theo dõi giám sát. Mặc dù bị quản thúc, theo dõi nghiêm ngặt nhưng đồng chí Lê Hồng Phong vẫn dành thời gian viết báo bí mật gửi cho các tờ báo của Đảng thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người cách mạng kiên trung. Chính vì thế, thực dân Pháp rất sợ người lãnh tụ cộng sản này. Chính vì vậy, mặc dù đang trong thời gian quản thúc nhưng chúng vẫn tiến hành bắt và giải đồng chí Lê Hồng Phong về giam giữ tại Sài Gòn. Biết Lê Hồng Phong là một nhân vật quan trọng của Đảng ta và Quốc tế cộng sản, mặc dù chưa tìm ra chứng cứ, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn man rợ để hành hạ dã man đồng chí. Ngày 6/9/1942, ở tuổi 40, đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh trong ngục tù thực dân ở Côn Đảo. Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Và cho đến phút cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hình tượng người cộng sản Lê Hồng Phong thản nhiên ăn “bát cơm chan máu” với quyết tâm “còn sống còn chiến đấu” trước đòn roi man rợ của kẻ thù và lời nhắn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng” mãi mãi không phai mờ trong mọi thế hệ người Việt Nam ! Noi gương đồng chí Lê Hồng Phong, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện tăng cường đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi hoàn toàn. NGUYỄN TRÍ ÁNH



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Diệt phỉ Vàng Pao, bảo vệ dân Lào

Diệt phỉ Vàng Pao, bảo vệ dân Lào
06:10 05/09/2012

(QT) - Sau lời đề nghị chân thành của chúng tôi, cựu chiến binh Phan Thanh Linh, nguyên là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Lào hồi tưởng lại những sự kiện khó quên, những...

Tết Độc lập ở đôi bờ Hiền Lương

Tết Độc lập ở đôi bờ Hiền Lương
05:16 01/09/2012

(QT) - Mồng 2 tháng 9, khắp nơi trong cả nước chung vui kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam, nên ai ai cũng vui vẻ, được nghỉ ngơi và thăm hỏi...

Thời tiết

27°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 26°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long