Ký ức về một người thầy
(QT) - Đã 55 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in người thầy thời trường kỳ kháng chiến đầu tiên của mình. Hồi tưởng và suy ngẫm về thầy, tôi càng kính phục sự đức độ, gương mẫu, tận tụy hết lòng vì học trò thân yêu, vì sự nghiệp “trồng người” của thầy trong những năm tháng cam go, gian khổ ấy. Hồi ấy, gia đình tôi ở vùng tạm chiếm của thực dân Pháp nên mấy năm đầu đi học tôi phải học ở “trường địch”. Các anh chị tôi giác ngộ cách mạng từ rất sớm, đều thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến cho nên không muốn tôi phải học ở trường địch vì sợ bị tiêm nhiễm tư tưởng nô lệ, thực dân. Thế là tôi mới hơn 10 tuổi đã được đưa ra vùng chiến khu tỉnh Quảng Trị để học dưới mái trường dân chủ cộng hòa vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.
 |
Trường chúng tôi lúc đó là những lán nhà tranh vách nứa, một nửa chìm xuống đất, được rừng cây che phủ. Thầy cũng như trò, mỗi người khi đi học đều mang theo ngoài sách vở còn có ba lô quần áo, túi thuốc cứu thương, một “ruột tượng” gạo quấn quanh thắt lưng, một vành lá ngụy trang che kín toàn thân (mà lá thì lúc nào cũng phải tươi xanh) phòng khi có máy bay địch, y hệt như bộ đội hành quân thời đó. Nhưng ấn tượng đầu tiên khiến tôi nhớ suốt đời là người thầy của lớp chúng tôi. Thầy luôn mang kính trắng, có khuôn mặt hiền từ, phong thái dịu dàng, ân cần, luôn tỏ thiện cảm với mọi người, nhất là với học trò mình. Tôi không dám hỏi tên thầy, chỉ được nghe các bạn giới thiệu: thầy Lê Tự Do. Chợt trong tôi xuất hiện một ý nghĩ khá ngây thơ: “Mình ra vùng tự do để học trường của chế độ mới thì được học thầy Tự Do. Thích thật!”. Do tôi bé nhất lớp, lại vừa mới thoát ra từ trường của chế độ thực dân, của ngụy quyền bù nhìn nên được thầy và các bạn trong lớp chú ý đặc biệt. Họ muốn giúp tôi mau tiếp thu được nền giáo dục của chế độ mới. Tôi ý thức được là phải chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn tiếp thu những điều mới mẻ đó. Do vậy, tôi được các bạn cảm tình, đặc biệt là thầy giáo tin yêu. Một hôm, có lẽ để “sát hạch” tôi về ý thức giác ngộ, thầy hỏi tôi ngay trong buổi học một số câu hỏi đại loại như: “Vì sao nhân dân phải đóng thuế nông nghiệp cho Chính phủ Cụ Hồ?”, “Thiếu nhi có thể làm được những gì để góp phần cho kháng chiến?”, “Các em làm gì để giúp đỡ bộ đội đang đóng quân nơi mình ở?”...Thấy tôi trả lời khá trôi chảy nên thầy giáo càng quý. Hồi ấy, cũng như những cán bộ thoát ly đi kháng chiến, thầy giáo không có lương bổng gì. Mỗi tháng thầy được cấp 40kg thóc, mỗi năm chỉ được 4-5 mét vải đen (cũng còn tùy thuộc vào từng “kho” của các địa phương). Thầy giáo cũng phải ở trọ (nếu gia đình còn ở vùng địch tạm chiếm), tự xay thóc giã gạo. Giờ nghỉ thầy cũng phải cùng dân chăn nuôi, tăng gia sản xuất, đi câu, kiếm củi, cày ruộng... Thầy và trò cùng ở nhờ nhà dân nên chúng tôi thường qua lại thăm nhau, vượt rừng lội suối 3-4 cây số là chuyện thường ngày. Những lần bị giặc tới càn quét, thầy trò cùng chạy vào rừng hái quả, đào củ, ăn đói, nằm sương cũng là thường xuyên. Những lúc đó thầy trò có dịp tâm sự cởi mở với nhau nên chúng tôi được biết rõ hơn về thầy mình. Sau khi đi bộ đội chiến đấu 2 năm, do mắt kém và bị bệnh thấp khớp nên thầy được chuyển qua làm việc ở Văn phòng Huyện ủy Hải Lăng. Đến năm 1948, thầy được cử đi học để dạy các lớp cấp 1. Và thầy đã trở thành người giáo viên nhân dân từ đó. Sau ngày hòa bình lập lại (7/1954), tôi theo các anh chị tập kết ra Bắc, được Nhà nước nuôi dạy ăn học thành người. Thầy tôi cũng tập kết ra Bắc nhưng ở sát giới tuyến tạm thời. Sau mấy khóa học bồi dưỡng thêm về chuyên môn, thầy tôi dạy học ở trường cấp 2 xã Vĩnh Sơn, một xã phía Tây Nam huyện Vĩnh Linh và nằm sát bờ Bắc sông Bến Hải. Do tận tụy với việc “trồng người”, thầy tôi được học sinh quý mến, đồng nghiệp tin yêu và bầu làm Chủ tịch Công đoàn nhiều khóa liền. Từ ngày Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại thì Vĩnh Linh, Quảng Bình là nơi chịu mưa bom bão đạn thảm khốc nhất. Tuy nhiên các cô giáo, thầy giáo không quản ngại gian nguy, vẫn ngày đêm bám trường, bám học sinh, duy trì thường xuyên công việc dạy học cho con em người lao động. Từ phía nam sông Bến Hải, địch không ngừng bắn phá, ném bom ác liệt ngày đêm. Thầy trò cùng nhân dân ngày đêm đào những hệ thống đường hầm sâu, rộng, liên hoàn nối nhau. Dưới đó các thầy, cô giáo vẫn ngày đêm dạy học. Có lẽ trên trái đất này chưa nơi nào có những lớp học đặc biệt như thế. Mỗi lớp chia ra nhiều cụm, mỗi cụm chỉ khoảng 7-10 trò. Vậy là mỗi lần lên lớp, thầy cô phải đi hàng chục cây số cho một buổi dạy học và số giờ lên lớp phải tăng lên 4, 5 lần. Thầy tôi là một trong những giáo viên chịu khó, chịu khổ nhất trong những năm tháng này, được nhân dân và học sinh yêu thương, đùm bọc. Suốt 3 năm lăn lộn với nghề ở nơi này, thầy tôi gầy và mất sức nhiều, nhưng không nản chí.
 |
Mầm xuân. Ảnh: MINH HOÀN |
Từ năm 1968, Mỹ leo thang chiến tranh, dùng B52 rải thảm Vĩnh Linh, Quảng Bình và nhiều nơi khác một cách thường xuyên liên tục. Nhằm đảm bảo tính mạng và sự học của con em, Trung ương quyết định “Kế hoạch K8” cho thầy, trò Vĩnh Linh chuyển ra Nam Hà học tập. Tại đây, thầy tôi vẫn tiếp tục tận tụy với công việc của người giáo viên nhân dân. Thầy được nhà trường phân công làm chủ nhiệm một lớp có nhiều con em giáo dân. Nhờ sự ân cần dạy dỗ, sự công bằng chuẩn mực trong đối xử với học sinh, sự khuyên nhủ tận tình mà thầy tôi đã hòa giải được những xích mích giữa các em học sinh, nhất là chú trọng sự đoàn kết lương giáo mà lớp của thầy được xếp loại tiên tiến trong học tập và rèn luyện tu dưỡng. Trong một số lớp còn nhiều học sinh kém về học lực, thầy tự nguyện dạy thêm vào những ngày nghỉ lễ và chủ nhật (tất nhiên là hoàn toàn khác hẳn với việc dạy thêm- học thêm để có thù lao như hiện nay!). Thầy đã về tận một số gia đình có con em yếu kém của địa phương trường đóng quân để giúp đỡ con em họ tiến kịp với bạn bè trong lớp. Để ghi nhận công lao của thầy, Sở Giáo dục Nam Hà đã tặng thầy danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” của ngành 5 năm liền và lá cờ “Ba giỏi” của Phòng Giáo dục huyện Thanh Liêm. Sau ngày thống nhất đất nước, thầy tôi trở lại quê nhà, làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. Đây là xã hai lần được phong tặng Anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Phải làm sao cho con em xã nhà tiếp tục nối bước truyền thống anh hùng của ông cha để xây dựng, tiến lên no ấm, giàu đẹp như bao ngày mong ước...? Làm sao để thế hệ trẻ ngày nay lớn lên có được đầy đủ đức- trí- thể- mỹ, đáp ứng lòng mong mỏi của cha ông?”... là những điều thầy tôi luôn luôn trăn trở. Và thầy đã góp phần xứng đáng vào việc giáo dục, dạy dỗ con em ở quê hương mình trên cương vị người đứng đầu một ngôi trường THCS của xã. Đặc biệt, thầy tôi rất quan tâm giúp đỡ những thầy giáo trẻ được phân công về dạy học ở trường. Ngoài sự giúp đỡ về chuyên môn, phương pháp sư phạm, thầy còn tận tình giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ trong tu dưỡng đạo đức, nhất là sự mẫu mực của người thầy trước học trò. Trước lúc nghỉ hưu, thầy tôi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Từ ngày nghỉ hưu, thầy tôi vẫn bận rộn với công việc giáo dục của xã. Thầy đóng góp xây dựng cho các trường của xã, nhất là động viên, khích lệ học sinh trong xã hăng say học tập. Thầy tham mưu cho chính quyền xã thông qua Hội Khuyến học ở địa phương, các cán bộ xã phụ trách về văn hóa- giáo dục thường tìm đến người “cố vấn” cao tuổi nhưng đầy nhiệt huyết này khi có những vấn đề cấp thiết và nan giải về công việc “trồng người”. Trong xã có nhiều gia đình còn quá khó khăn về kinh tế không muốn cho con em mình tiếp tục học để phụ giúp gia đình, một số con em chơi bời lêu lổng, mắc phải một số tệ nạn xã hội... Thầy tôi không quản tuổi già sức yếu, tự mình tìm đến để tìm hiểu sự tình, thuyết phục, tìm giải pháp thiết thực để con em được tiếp tục theo học, nhận ra những lỗi lầm mà tu dưỡng, sửa chữa để trở thành học trò ngoan... Hơn nửa thế kỷ hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà, ngày nay hầu hết người dân Hải Thượng đều biết cái tên thân thương và quý mến của thầy giáo tôi, thầy Lê Tự Do. XUÂN HỮU