Cập nhật:  GMT+7

Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, bền vững

Bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Trị phải giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 lao động nhưng chỉ có từ 6.500 - 7.000 người lao động tìm kiếm được việc làm trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc phát triển thị trường lao động rất cần thiết, nhằm giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, ổn định đời sống và người sử dụng lao động tuyển dụng được lao động phù hợp với vị trí công việc.

Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, bền vững

Người lao động được tư vấn, hỗ trợ đăng ký tìm việc làm -Ảnh: M.T

Từ đầu năm đến nay, số lao động tỉnh Quảng Trị được cung ứng, giới thiệu việc làm trong nước là 2.470 người, đạt 117% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, số lao động tìm được việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm 668 người; các hoạt động thường xuyên 1.360 người và giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp 442 người.

Có được kết quả trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp phù hợp để tổ chức giới thiệu, cung ứng lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Trung tâm đã ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc liên lạc, mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động cũng như tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động đăng ký tìm việc làm. Từ đó kết nối việc làm giữa người lao động với các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục tăng cường làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong tỉnh và ngoài tỉnh để khai thác, thu thập nguồn cầu lao động; nắm bắt nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng và ký thỏa thuận hoặc hợp đồng cung ứng lao động, giới thiệu học nghề cho người lao động. Trung tâm chú trọng gắn hiệu quả công tác thông tin thị trường lao động với kết quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước, ngoài nước.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung, phương thức truyền tải, phổ biến thông tin thị trường đến với người lao động; phát huy hiệu quả sử dụng của ứng dụng Google driver trong việc thu thập thông tin cung - cầu lao động xây dựng “Kho dữ liệu thông tin thị trường lao động về việc làm trong nước; xuất khẩu lao động, du học, học nghề; giải quyết việc làm nghề giúp việc gia đình” làm cơ sở phục vụ công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm. Hình thành chuỗi hoạt động liên kết, gắn kết giữa công tác thông tin thị trường lao động với các công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm, học nghề và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Ngọc Hà cho biết: nhằm mở rộng thị trường lao động, trung tâm thường xuyên liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để kết nối thị trường lao động cũng như phối hợp tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm online.

Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch thành lập và tổ chức hoạt động Nhóm “Những nhà quản lý nhân sự của doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị”. Nhóm hoạt động từ tháng 3/2023 đến nay với sự tham gia của hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời những thông tin kết nối cung - cầu lao động giữa các đơn vị, doanh nghiệp với trung tâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động trên địa bàn vẫn gặp không ít thách thức. Do điều kiện KT-XH của tỉnh còn khó khăn, thị trường lao động nhỏ lẻ, các doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ nên số lượng, tỉ lệ lao động được giới thiệu, kết nối việc làm sau đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, do ngành nghề đào tạo chưa phong phú, đa dạng; thời gian đào tạo ngắn nên kỹ năng thực hành, tay nghề của người lao động còn một số hạn chế nhất định...

Để xây dựng và phát triển thị trường lao động tỉnh Quảng Trị, thời gian tới cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động để triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách phù hợp. Định hướng thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế và thúc đẩy tạo việc làm bền vững. Việc nắm bắt nhu cầu của người lao động, người sử dụng lao động rất cần thiết để phát triển thị trường đúng hướng, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính sách việc làm của địa phương trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường; đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao và việc làm cho người lao động đặc thù, ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân có thể làm việc tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Đổi mới hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo các kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới. Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy.

Rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng và vùng kinh tế trọng điểm. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thực hiện chính sách ưu đãi trong học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ. Đồng thời, tỉnh cần bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Chính sách chăm lo, tạo việc làm cho người lao động là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Hiện Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH) đang nghiên cứu, xây dựng mô hình dự báo cung - cầu lao động phù hợp để cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết đến từng địa phương.

Nếu thành công, mô hình này sẽ giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm; doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh. Do vậy, người lao động cũng cần chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu thị trường để mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho bản thân.

Minh Thảo

Tin liên quan:

Minh Thảo

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hệ lụy từ nuôi tôm tự phát

Hệ lụy từ nuôi tôm tự phát
2023-08-20 06:28:00

QTO - Việc nuôi tôm tự phát trong khu dân cư, đồng ruộng đã làm phát sinh nhiều hệ lụy. Thực tế này cần được chính quyền các địa phương, cơ quan chức...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết