Định hướng về công tác quản lý biển, đảo trên địa bàn tỉnh
(QT) - Mục tiêu của quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo là nhằm phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu và đảm bảo đa lợi ích giữa nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng trong quá trình khai thác sử dụng hệ thống tài nguyên và môi trường biển, đảo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó phải triển khai tốt công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo ở địa phương. Quảng Trị có bờ biển dài 75 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 9.000 km 2 , ngư trường đánh bắt rộng lớn, giàu hải sản có giá trị kinh tế. Trữ lượng hải sản của vùng biển Quảng Trị khoảng 60.000 tấn, khả năng khai thác hàng năm khoảng 17.000 tấn. Diện tích bãi bồi ven sông trên 4.000 ha, đặc biệt vùng ven biển có khoảng 1.000 ha mặt nước và một số diện tích đất bị nhiễm mặn, đất cát có khả năng chuyển đổi để phát triển nuôi trồng thủy sản các loại.
 |
Một góc đảo Cồn Cỏ |
Vùng ven bờ tỉnh Quảng Trị có 2 cửa sông, một số vũng kín gió thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu biển và xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền như khu vực Cửa Việt, Cửa Tùng. Dọc bờ biển có nhiều bãi tắm, cảnh quan đẹp, có các di tích lịch sử cách mạng đã được đưa vào khai thác du lịch như địa đạo Vịnh Mốc, bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Triệu Lăng…Toàn tỉnh có 4 huyện ven biển là Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và 1 huyện đảo Cồn Cỏ cách bờ khoảng 28 km. Tổng diện tích các huyện ven biển là 1.869,878 km 2 , chiếm 39,45% diện tích toàn tỉnh, với dân số 339.228 người, chiếm 55,78% dân số toàn tỉnh. Riêng huyện đảo Cồn Cỏ, có diện tích 2,308 km 2 , dân số 412 người. Có 12 xã giáp biển, 4 xã cửa lạch với tổng diện tích 180,52 km 2 , dân số 56.419 người. Vùng biển, đảo tỉnh Quảng Trị đã đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cũng là nơi có sự tham gia quản lý, khai thác của nhiều ngành, lĩnh vực với khoảng 20 sở, ban, ngành, địa phương và dịch vụ đang trực tiếp quản lý, khai thác về lĩnh vực biển, đảo ở mức độ khác nhau. Mặc dù là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về biển, đảo nhưng xét về tổng thể việc khai thác tiềm năng biển, đảo để phát triển kinh tế ở Quảng Trị vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương. Do đó, muốn phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, bền vững, cần chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triền kinh tế biển với đảm bảo an ninh- quốc phòng, an ninh trên biển với bảo đảm an sinh xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Về mặt quản lý, tài nguyên biển và ven biển là hệ thống tài nguyên (trong đó có hệ sinh thái) có tính chia sẻ, chứa đựng yếu tố không gian và luôn là đối tượng sử dụng của nhiều ngành. Tuy nhiên, trên thực tế biển và hải đảo ở nước ta nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng chủ yếu đang được quản lý theo ngành và thiếu các công cụ quản lý liên ngành, liên vùng trong khai thác, sử dụng và phát triển biển, đảo; thiếu tính tổng thể và toàn diện trong các phương án phát triển, thiếu bền vững, do đó nguồn tài nguyên nhanh chóng cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành, giữa nhà nước và người dân ngày một phức tạp hơn. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 09/2007/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 4, BCHTƯ Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ tập trung chỉ đạo đó là từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển, đảo. Ngày 3/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên-Môi trường, giao chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Ngày 26/8/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Ở địa phương, theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2008 của liên bộ Bộ Tài nguyên-Môi trường- Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về Tài nguyên- Môi trường thuộc UBND các cấp, là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý tổng hợp về biển và hải đảo. Thông tư liên tịch số 26/2010/ TTLT-BTNMT-BNV ngày 5/11/2010 của Bộ TN-MT và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên vàMôi trường. Đối với tỉnh Quảng Trị, Phòng biển, đảo và Khí tượng thủy văn thuộc Sở Tài nguyên- Môi trường có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Quyết định số 6/2009/QĐ- UBND ngày 10/4/2009 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TN&MT và Quyết định số 1105/QĐ-STNMT ngày 8/8/2011 của Sở TN&MT về ban hành quy chế làm việc của Sở TN&MT - là phòng chuyên môn tham mưu trực tiếp công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Theo đó, chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là sự quản lý về mặt hành chính nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm điều hoà, phối hợp tốt giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc tham gia vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng và khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển một cách phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Như vậy, về bản chất quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo không thay thế sự quản lý các ngành mà đóng vai trò điều chỉnh và kết nối các hành vi phát triển (khai thác, sử dụng) của các ngành, lĩnh vực, địa phương, người hưởng lợi từ biển, đảo. Đồng chí Nguyễn Trường Khoa- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết: “Công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo đang trong quá trình sắp xếp, định hình thành một hệ thống quản lý nhà nước; bước đầu có sự phân công ngành tài nguyên và môi trường đóng vai trò quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo, bảo đảm thống nhất về các mục tiêu chiến lược; các cơ quan khác chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc chức năng. Hiện nay tỉnh Quảng Trị đã thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường tham mưu cho công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Bước đầu xây dựng khung chương trình quản lý nhà nước về biển, đảo; thu thập dữ liệu về biển, đảo trong và ngoài tỉnh làm cơ sở dữ liệu biển, đảo của địa phương; triển khai chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo trên địa bàn như tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương thế giới; tổ chức tuyên truyền về Luật biển Việt Nam năm 2012; tổ chức tập huấn công tác quản lý tổng hợp vùng bờ…” Định hướng về công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất biển, đảo trong thời gian tới là nắm vững tiềm năng tài nguyên và môi trường biển theo vùng kinh tế, sinh thái ở địa phương, trên cơ sở đó xây dựng và quản lý tốt cơ sở dữ liệu biển và hải đảo nhằm hỗ trợ cho việc hoạch định kế hoạch/quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý nhà nước về biển, đảo của địa phương. Tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về biển và xây dựng các chính sách pháp luật bổ sung trong thẩm quyền của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo trong nhân dân địa phương; phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển trong địa bàn địa phương quản lý, phấn đấu làm giàu từ biển. Phát triển kinh tế biển và vùng ven biển hiệu quả và bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên không tái tạo và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên biển không tái tạo. Định kỳ kiểm kê để nắm vững và kiểm soát được tình hình sử dụng biển và hải đảo đến năm 2020 ở địa phương trên cơ sở bảo đảm an toàn sinh thái và an sinh xã hội, đặc biệt đối với các cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo. Quy hoạch và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch sử dụng không gian vùng bờ và biển, đảo bao gồm các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Thực hiện tốt Chương trình hành động số 35-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW Hội nghị lần thứ 4, BCHTƯ Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm thực hiện mục tiêu “Vươn ra biển, làm giàu từ biển” gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo của tỉnh. Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN