Cập nhật:  GMT+7

Cần gắn bảo tồn, quản lý với khai thác bền vững hàu răng cưa

Tuy có tên khoa học hẳn hoi nhưng ngư dân địa phương thường gọi hàu răng cưa là “hàu vua”, ý chỉ chất lượng hàng đầu, dùng để chế biến thành món ăn ngon tiếp đãi những người quan trọng. Có lẽ vì thế mà loài hàu này được tìm kiếm, khai thác nhiều tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Trong bối cảnh ấy, việc bảo tồn, quản lý gắn với khai thác bền vững hàu răng cưa rất cần thiết.

Cần gắn bảo tồn, quản lý với khai thác bền vững hàu răng cưa

Ngư dân đảo Cồn Cỏ khai thác hàu răng cưa - Ảnh: BQLKBT

Đặc sản của đảo

Đối với nhiều du khách, tới đảo Cồn Cỏ mà chưa được thưởng thức món hàu răng cưa là xem như chưa đến. Hàu răng cưa có tên khoa học là Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758. Tuy nhiên, ngư dân địa phương thường gọi loài này là “hàu vua”. Đây được đánh giá là loài hàu khi chế biến có vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, được nhiều người muốn được một lần thưởng thức.

Xuất phát từ nhu cầu của du khách, việc khai thác hàu răng cưa ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ diễn ra khá phổ biến. Thông thường, ngư dân khai thác loài hàu này trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm. Khu vực khai thác chính là phân khu dịch vụ - hành chính thuộc Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Để khai thác hàu răng cưa, người dân thường dùng thuyền nan, thuyền composite nhỏ, có gắn máy dầu diesel công suất 8 - 12 CV để tiếp cận vùng biển loài này thường sinh sống. Hàu răng cưa thường được khai thác bằng tay hoặc sử dụng các công cụ như: búa nhỏ, xà beng, dao lặn...

Cần gắn bảo tồn, quản lý với khai thác bền vững hàu răng cưa

Hàu răng cưa được khai thác ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có kích thước lớn, giá trị kinh tế cao - Ảnh: T.L

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, hàu răng cưa thường được khai thác chủ yếu để phục vụ nhu cầu ẩm thực tại đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, một tỉ lệ nhỏ loại hàu này được vận chuyển vào đất liền tiêu thụ theo hình thức làm quà tặng. Trong năm 2023, sản lượng hàu răng cưa được khai thác là khoảng 8.000 cá thể, ước khoảng 16 tấn. Mỗi cá thể hàu được ngư dân khai thác bán cho các nhà hàng trên đảo với giá dao động từ 25 - 45 ngàn đồng/cá thể sống. Sau khi thu mua của ngư dân, các cơ sở kinh doanh chế biến và bán phục vụ du khách với giá 70 - 100 ngàn/ cá thể hàu, chiếm hơn 50% giá đặt suất ăn của du khách.

Đưa hàu răng cưa vào chuyên đề nghiên cứu

Lãnh đạo Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết, trong các loài phân bổ ở khu bảo tồn, hàu răng cưa mang tính đặc trưng cao, có giá trị kinh tế. Loài động vật nhuyễn thể này thuộc lớp thân mềm, có hai mảnh vỏ, kích thước cơ thể lớn. Thịt hàu rất giàu chất dinh dưỡng. Ước tính hàm lượng protein trong cơ thịt của hàu chiếm tỉ lệ 67,8-89,6%. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người tìm mua để thưởng thức dẫu biết giá thành khá cao.

Từ năm 2017 đến nay, hàu răng cưa được khai thác nhiều để chế biến các món ăn phục vụ khách du lịch đến đảo Cồn Cỏ. Nhu cầu tiêu thụ loài hàu này ngày càng cao, vì thế địa bàn khai thác hàu răng cưa ngày càng được ngư dân mở rộng. Điều này đã và đang tạo ra sức ép lớn cho công tác quản lý, bảo vệ loài này. Nếu không có những biện pháp quản lý kịp thời, hàu răng cưa có thể dần trở nên khan hiếm, thậm chí là bị tận diệt.

Trước thực tế ấy, việc xây dựng giải pháp quản lý, khai thác bền vững hàu răng cưa ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, điều đáng nói là đến nay, các khảo sát, nghiên cứu về loài hàu răng cưa ở khu bảo tồn, đặc biệt là về hiện trạng khai thác và phân bố rất ít ỏi. Vì thế, các cấp, ngành liên quan gặp khó khăn trong việc đánh giá hiện trạng nguồn lợi về mật độ, trữ lượng, sản lượng khai thác, sự phân bổ... hàu răng cưa. Từ đây, các giải pháp quản lý khó có thể được đưa ra phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Cần gắn bảo tồn, quản lý với khai thác bền vững hàu răng cưa

Cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ kiểm tra thực trạng hàu răng cưa,san hô và các loại sinh vật dưới đáy biển - Ảnh: BQLKBT

Nhận thức rõ điều đó, từ tháng 1/2023, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ Trần Khương Cảnh và các cộng sự đã thực hiện chuyên đề nghiên cứu về hàu răng cưa. Nghiên cứu tập trung đánh giá sự phân bố và hiện trạng khai thác của loài hàu này. Qua đó, các thành viên nhận thấy, mật độ hàu răng cưa phân bố ở vùng biển thuộc Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ quản lý khá cao, trung bình đạt 0,13 cá thể/m2. Hàu răng cưa khai thác ở vùng biển thuộc Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có khối lượng trung bình khoảng 1,94 kg/cá thể và chiều dài trung bình khoảng 16,7 cm. Trong mỗi phân khu chức năng, mật độ phân bố của hàu răng cưa có xu hướng tăng theo độ sâu. Đá và san hô là hai loại nền đáy phù hợp với hàu răng cưa. Ước tính số lượng cá thể hàu răng cưa có chiều dài vỏ từ 5 cm trở lên phân bố trong các phân khu chức năng của Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tại thời điểm tháng 7/2023 là trên 5 triệu cá thể.

Cần thành lập tổ đồng quản lý và khai thác hàu răng cưa

Là người trực tiếp thực hiện chuyên đề trên, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ Trần Khương Cảnh nhận định, hiện tại so với trữ lượng ước tính, việc khai thác hàu răng cưa phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách khi đến Cồn Cỏ vẫn đang ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, gần đây, số lượng ngư dân khai thác loại hàu này để đưa vào đất liền tiêu thụ có xu hướng gia tăng. Điều này nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó dễ nhận thấy nhất là làm giảm nguồn lợi hàu răng cưa ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và giảm tính đặc trưng vốn có của loài này tại đảo.

Để giải quyết thực trạng trên, theo ông Cảnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị liên quan là hết sức cần thiết. Trong đó, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và UBND huyện đảo Cồn Cỏ cần có sự phối hợp tốt để gắn bảo tồn, quản lý với khai thác bền vững hàu răng cưa. Việc thành lập tổ đồng quản lý và khai thác loài hàu này có thể xem là một trong những giải pháp quan trọng.

Tham gia tổ, các thành viên sẽ được tạo điều kiện khai thác hàu phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách du lịch ngay tại đảo. Tuy nhiên, họ phải cam kết tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các quy định về số lượng hàu răng cưa được khai thác tối đa/năm; khu vực được phép khai thác; mùa vụ khai thác; ngư cụ và cách thức khai thác...

Các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần thống nhất quan điểm hạn chế tối đa việc khai thác để đưa hàu răng cưa vào đất liền tiêu thụ vì việc này vô hình trung làm giảm nhanh nguồn lợi cũng như giảm tính đặc trưng vốn có của đảo Cồn Cỏ.

Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, tin rằng những quy định cụ thể trên sẽ giúp hàu răng cưa sinh trưởng, phát triển một cách bền vững tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học loài và nguồn gen quý hiếm. Từ đây, hàu răng cưa sẽ được khai thác hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực du lịch tại huyện đảo Cồn Cỏ.

Tây Long

Tin liên quan:
  • Cần gắn bảo tồn, quản lý với khai thác bền vững hàu răng cưa
    Bảo tồn loài hàu răng cưa khổng lồ tại đảo Cồn Cỏ

    Hàu răng cưa khổng lồ là một trong những sản phẩm hải sản đặc trưng của đảo Cồn Cỏ. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển du lịch, lượng du khách đến với đảo Cồn Cỏ ngày càng nhiều dẫn đến tốc độ khai thác hàu răng cưa khổng lồ quá nhanh và không có sự kiểm soát. Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo thu nhập cho người dân sinh sống trên đảo, Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã triển khai đề tài Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai ...

  • Cần gắn bảo tồn, quản lý với khai thác bền vững hàu răng cưa
    Cận cảnh loài hàu răng cưa khổng lồ hút khách ở Cồn Cỏ

    Nhiều người nói rằng du khách đến đảo Cồn Cỏ mà chưa thưởng thức hàu răng cưa khổng lồ là xem như chưa đến nơi này.


Tây Long

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long