Cập nhật: Thứ 7, 19/05/2018 | 06:42 GMT+7

Kinh tế tập thể phát huy hiệu quả

(QT) - Những năm qua, nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất, cải thiện thu nhập, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhiều địa phương ở huyện Gio Linh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể thông qua các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT). Qua tổng kết, trong năm 2017, các mô hình kinh tế tập thể đều phát huy hiệu quả cao.

Người dân xã Gio Mỹ gặt lúa trên cánh đồng lớn

HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại tổng hợp Kinh Môn (HTX Kinh Môn), xã Trung Sơn có tổng số 376 hộ với 1.500 nhân khẩu. HTX có vốn điều lệ 147 triệu đồng, quỹ phát triển sản xuất hơn 300 triệu đồng, vốn hoạt động gần 1,7 tỷ đồng. HTX có quy mô 150 ha lúa, 45 ha đất vườn và thổ cư, 230 ha rừng tràm, 32 ha rừng thông và 200 ha cao su (150 ha đã cho khai thác). Trong đó, 32 ha rừng thông là do HTX quản lý và khai thác, còn lại thuộc về hộ gia đình thành viên. Anh Lê Hữu Quang, Giám đốc HTX Kinh Môn cho biết, hoạt động của HTX gồm có các dịch vụ sản xuất như dịch vụ thủy nông, bảo vệ sản xuất và bảo vệ thực vật, tu sửa kênh mương, đường sá, cung ứng vật tư nông nghiệp; dịch vụ kinh doanh như đấu thầu xây dựng cơ bản các công trình kênh mương, đường bê tông nông thôn, tín dụng nội bộ (với dư nợ từ 400-500 triệu đồng), dịch vụ khai thác nhựa thông. Mới đây, HTX Kinh Môn thành lập nhóm quản lý rừng theo tiêu chuẩn phát triển rừng bền vững FSC. “Mặc dù được thành lập từ rất sớm (năm 1969) và trải qua nhiều thời kỳ phát triển, đổi thay nhưng phải đến những năm 1998 thì HTX Kinh Môn mới bước đầu hoạt động có hiệu quả. Năm 2015, sau khi chuyển đổi theo Luật hợp tác xã năm 2012, HTX Kinh Môn phát triển theo hướng dịch vụ nông nghiệp thì hiệu quả rõ rệt, phát triển đa dạng, toàn diện hơn và đời sống người dân cũng có nhiều khởi sắc hơn. Từ năm 2016 đến nay, doanh thu của HTX không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2016, doanh thu đạt 1,5 tỷ, lợi nhuận 131 triệu. Năm 2017, doanh thu đạt 1,7 tỷ, lợi nhuận 158 triệu đồng. Bên cạnh đó, để người dân phát triển đa dạng ngành nghề, thời gian qua, HTX tích cực phối hợp với ngành chức năng mở các lớp dạy nghề như làm nấm sò và nấm linh chi. Đến nay, một số hộ đã triển khai làm nấm theo hình thức gia trại nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình”, anh Quang nói.

Xã Gio Mỹ có tổng diện tích tự nhiên 2.976 ha (trong đó đất nông nghiệp 1.580 ha), là một trong những địa phương có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả và nổi bật trong huyện Gio Linh. Bà Lê Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay Gio Mỹ có 6 HTX đều đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012. Trong đó, 3 HTX hoạt động có hiệu quả là HTX Dịch vụ tổng hợp Cẩm Phổ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Khê và HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị. “Trong 3 HTX này, HTX Phước Thị được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất về sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua. Để giúp người dân an tâm làm ăn, phát triển kinh tế, những năm gần đây, HTX Phước Thị đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, ký kết hợp đồng cung cấp thủy lợi phục vụ sản xuất, vật tư về bảo vệ thực vật và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Đặc biệt, trong năm 2017, HTX Phước Thị liên kết với Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam) trồng lúa hữu cơ để cung ứng ra thị trường và bước đầu đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị, cho biết: HTX có diện tích tự nhiên 250 ha, độc canh cây lúa với diện tích 155 ha, diện tích còn lại là hồ nuôi cá nước ngọt. Dân số của HTX gồm có 151 hộ với 700 nhân khẩu. Thời gian qua, HTX không ngừng chú trọng đến việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và các phương thức canh tác mới vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như mô hình cánh đồng sản xuất thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu (CSA) trên diện tích 64 ha. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao rõ rệt với phương thức gieo lúa sạ hàng, năng suất lúa đạt 56 tạ/ha (sản xuất theo cách thức truyền thống chỉ đạt 50 tạ/ ha); mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện tích 20 ha; mô hình trồng lúa cực ngắn để vượt lũ với diện tích 5 ha; mô hình làm giống khảo nghiệm cho Trung tâm giống Quảng Trị với 2 ha… Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình trồng lúa hữu cơ ở HTX Phước thị đạt hiệu quả rất cao và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Mô hình này được triển khai từ vụ hè - thu năm 2017 trên diện tích 20 ha ở thôn Phước Thị với 70 hộ dân tham gia. Với mô hình này, người dân trồng lúa hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh của Nhà máy phân bón Ong Biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng giống lúa RVT của Trại giống Trung ương. Cuối mùa vụ, nông sản được Công ty Đại Nam bao tiêu thu mua ngay tại ruộng nên người dân càng yên tâm, phấn khởi. Giá lúa được bán 7.800 đồng/kg. Sau khi trừ đi tiền phân bón và tiền giống thì với 1 sào lúa hữu cơ, người nông dân thu lãi gần 1,5 triệu đồng. Trong khi trồng lúa vô cơ truyền thống chỉ lãi khoảng 1 triệu đồng/sào.

Ông Giang còn cho biết thêm rằng, vụ hè - thu 2017, doanh thu từ 20 ha lúa hữu cơ đạt 700 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí thì người dân lãi ròng 410 triệu đồng. Hiện tại, vụ Đông - Xuân 2017-2018, HTX Phước Thị tiếp tục trồng lúa hữu cơ trên diện tích 20 ha và phát triển thêm 20 ha cá nước ngọt. Ngoài Công ty Đại Nam, HTX Phước Thị còn liên kết thêm với Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị để đảm bảo việc phát triển sản xuất cho người dân. Theo kế hoạch, sắp tới, HTX Phước Thị phát triển diện tích canh tác lúa hữu cơ lên 50 ha.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh thông tin, thống kê đến cuối năm 2017, toàn huyện có tổng số 25 HTX nông nghiệp. Trong đó, có 1 HTX thành lập mới là HTX Nuôi thủy sản Cát Sơn (xã Trung Giang). Đa số các HTX nông nghiệp đã đảm nhận thực hiện các dịch vụ sản xuất mà từng hộ xã viên không thể làm được hoặc làm không có hiệu quả, như tổ chức sản xuất, cung ứng giống, dịch vụ thủy nông, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ phân bón; làm khâu nối chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật từ công tác khuyến nông - khuyến lâm, khuyến công của nhà nước… “Gần 100% HTX dịch vụ nông nghiệp đã thực hiện được dịch vụ thu hoạch lúa, trên 60% HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ phân bón có hiệu quả. Một số HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, điển hình như HTX Phước Thị (Gio Mỹ). Nhiều HTX có doanh thu tăng từ 1,5 - 2 lần (như HTX Kinh Môn, HTX Phước Thị, HTX Quang Thượng), ước tổng doanh thu năm 2017 trên 11 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để phát triển hơn nữa kinh tế tập thể thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Từ đó, giúp người dân trên địa bàn yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Nghi cho biết thêm.

Trần Tuyền



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới
8 giờ trước

QTO - Thực hiện phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn đồng hành, chung sức với...

Mùa vàng trên cát trắng

Mùa vàng trên cát trắng
23:52 16/05/2018

(QT) - Lúa được trồng trên cát trắng, lại có năng suất cao, một điều tưởng như khó xảy ra nhưng đang là sự thật ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong.

Nhà đẹp ở làng biển

Nhà đẹp ở làng biển
00:56 16/05/2018

(QT) - Trở về nhà nghỉ ngơi sau nhiều ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, ông Hoàng Tuấn (50 tuổi) ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh không giấu được niềm tự hào...

Thị trường hàng điện lạnh bắt đầu “nóng”

Thị trường hàng điện lạnh bắt đầu “nóng”
00:41 16/05/2018

(QT) - Mặc dù chỉ mới bước vào đầu mùa hè nhưng nhu cầu về các mặt hàng điện lạnh, làm mát của người tiêu dùng đang tăng mạnh. Ở nhiều cơ sở kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh...

Thời tiết

20°C - 29°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 20°C - 30°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 21°C - 27°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long