Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS
(QT) - “Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014. Với chủ đề này, mục tiêu của Việt Nam là truyền thông vận động thay đổi hành vi nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS giúp họ hòa nhập cộng đồng, sống có ích. Đồng thời, để hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả Chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS, chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) phát động nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) cho giai đoạn 2011-2015 là “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
.jpg) |
Học sinh Trường THPT Lao Bảo tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS - Ảnh: K.S |
Về tình hình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS tại Hội thảo Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS vào tháng 9/2014 đã phát biểu: “HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn dịch tập trung, việc lây nhiễm có xu hướng giảm, nhưng giảm chưa sâu, chưa bền vững. Số lũy tích HIV và mắc AIDS vẫn tiếp tục tăng cao. Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến 31/8/2014, Việt Nam có 223.130 người nhiễm HIV được báo cáo. Đây chỉ là số người nhiễm HIV được phát hiện và xác nhận. Trong thực tế, con số có thể lớn hơn. Năm 2013 có 28 bệnh truyền nhiễm gây tử vong 262 ca, trong khi riêng HIV/AIDS đã gây ra 2.299 ca tử vong, mỗi tháng Việt Nam có thêm 1.000 ca nhiễm mới”. Ở Quảng Trị, tính đến ngày 15/11/2014, lũy tích có 279 người nhiễm HIV, 143 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 69 người tử vong do AIDS, số người nhiễm HIV hiện còn sống là 210. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện thêm 13 trường hợp mới (bằng đến tháng 12/ 2013), trong đó có 7 phụ nữ, 2 bà mẹ mang thai, 3 phụ nữ bán dâm, 1 người nghiện chích ma tuý. Người nhiễm phát hiện chủ yếu tập trung vào độ tuổi từ 25 đến 35; nghề nghiệp hầu hết là lao động tự do. HIV đã có mặt ở tất cả các vùng miền nhưng đang có xu hướng tăng lên ở vùng nông thôn; lây qua quan hệ tình dục không an toàn vẫn là đường lây truyền chính tại Quảng Trị. HIV/AIDS, một căn bệnh đã được phát hiện trong nhiều thập kỷ qua (từ 1981 tại Mỹ) dù không mới nhưng vẫn luôn nóng bỏng, cấp bách bởi số lượng người nhiễm tăng lên từng ngày, từng giờ; độ tuổi nhiễm càng ngày càng trẻ; các yếu tố lây nhiễm HIV/ AIDS đang biến đổi phức tạp, khó kiểm soát với việc xuất hiện các yếu tố lây nhiễm mới như sử dụng ma túy tổng hợp, mại dâm nam, tình dục đồng giới nam... Đặc biệt là sự kỳ thị, phân biệt của xã hội với người nhiễm HIV/AIDS xảy ra từ trong gia đình đến ngoài cộng đồng xã hội, từ các cơ sở tư nhân đến các cơ sở của nhà nước bởi nhận thức của cộng đồng, xã hội về căn bệnh này chưa thấu đáo. Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã để lại hậu quả khá nặng nề cho bản thân người nhiễm, gia đình người nhiễm và cả xã hội. Kỳ thị và phân biệt đối xử đã gây khó khăn cho người nhiễm trong việc làm, tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ xét nghiệm HIV; khó khăn trong việc học hành và hoà nhập cộng đồng. Càng bị kỳ thị, người nhiễm HIV/AIDS càng cố tình che giấu tình trạng bệnh tật. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho sự lây lan HIV âm thầm trong cộng đồng càng cao. Mặt khác, sự kỳ thị và phân biệt đối xử cũng làm cản trở sự tham gia của người nhiễm vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014 với chủ đề “Chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động sôi nổi phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương trong tỉnh. Với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Thực hiện kế hoạch của tỉnh, từ ngày 11-13/11/2014, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Trị đã tổ chức lớp tập huấn các kiến thức cơ bản về phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ các tiểu ban phòng chống HIV/AIDS cấp tỉnh và một số cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS. Lớp tập huấn nhằm trang bị một số kiến thức cơ bản về phòng chống HIV/AIDS để các học viên có thể thực hiện thông tin, truyền thông tại địa phương, đơn vị mình. Ngoài các nội dung trên, lớp còn dành nhiều thời gian thảo luận về các biểu hiện phân biệt kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong các môi trường sinh hoạt khác nhau như trường học, cơ sở y tế, cộng đồng dân cư... và phân tích nguyên nhân của nó, đồng thời đưa ra các giải pháp xử lý. Trong thời gian tập huấn, các học viên còn được tổ chức giao lưu với những người nhiễm HIV/AIDS, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để thấu hiểu, cảm thông, góp phần vào việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với lãnh đạo huyện Hướng Hóa tổ chức mít tinh và diễu hành vào sáng ngày 22/11/2014, thu hút hàng trăm người tham gia, đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ít người đối với đại dịch này. Ngày 26/11/2014, Đoàn Thanh niên Trường Trung cấp y tế Quảng Trị đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức ngày hội truyền thông. Qua hoạt động này, thế hệ trẻ của trường nhận thức rõ hơn về nguy cơ lây nhiễm của HIV/ AIDS, từ đó xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, văn minh và trách nhiệm đối với xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị cũng đã tích cực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS như UBMTTQVN tỉnh thăm và tặng quà gia đình có người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, MTTQ các xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động truyền thông kêu gọi chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS trên hệ thống truyền thanh. Các đơn vị là thành viên Ban chỉ đạo đã treo băng rôn tuyên truyền trên các trục đường chính, cung cấp tờ rơi, bơm kim tiêm sạch... tại các bến xe tàu và khách sạn… Có thể nói rằng, việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2014 đã được Sở Y tế, các cơ quan thường trực phòng chống HIV/AIDS, các sở, ban, ngành, địa phương hưởng ứng tích cực. Hy vọng với những hoạt động thiết thực đó sẽ góp phần giúp những người không may bị nhiễm HIV/AIDS tự tin, hòa nhập cộng đồng, sống có ích và chủ động tham gia vào việc ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, bên cạnh sự kỳ thị và phân biệt đối xử của người khác thì tự kỳ thị của chính người nhiễm HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân làm cho khoảng cách của họ ngày càng xa với những người xung quanh. Vì vậy, muốn giảm kỳ thị, bản thân người bệnh phải thoát khỏi sự mặc cảm để tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và phòng chống HIV/AIDS. Một khi sự có mặt của người nhiễm HIV trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng trở nên quen thuộc và gần gũi, mọi người sẽ hiểu và xem họ như những người bình thường khác. Nếu không, người khác sẽ nghĩ về người nhiễm HIV như một cái gì đó xa lạ và đáng sợ. Chung quy lại, nếu muốn mọi người không phân biệt đối xử, bản thân người nhiễm HIV phải coi mình là người bình thường. Đã đến lúc người nhiễm HIV cần phải suy nghĩ để chủ động đối mặt và thực hiện phương châm: “Tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự công khai danh tính”. “Đừng hỏi rằng bạn sống thêm được bao lâu, hãy nói rằng bạn tiếp tục sống như thế nào?” Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới” và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, tôn giáo đều có trách nhiệm tham gia phòng chống HIV/AIDS. Đây là nội dung quan trọng giúp người nhiễm HIV định hướng cho cuộc sống của mình, nỗ lực vượt qua chính mình và vượt qua mọi sự kỳ thị. Mọi người hãy cảm thông, chia sẻ với những người có HIV, tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tích cực khuyến khích mọi người thay đổi quan điểm về người nhiễm HIV nhằm làm giảm sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90, nghĩa là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định mà Việt Nam đã cam kết với Liên hiệp quốc, hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. MAI ANH- THANH TỊNH