Cập nhật:  GMT+7

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Sáng 18-1, tại xã Tân Thái (Đại Từ), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu tưởng niệm những đồng chí lãnh tụ trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và các giảng viên, học viên đã mất của Trường.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh...

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được đầu tư với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Công trình do Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, công trình được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo gồm 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu; các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ...).

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tặng quà cho các hộ nghèo tại xã Tân Thái (Đại Từ).

Phát biểu tại Lễ khởi công, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: Việc tu bổ, tôn tạo Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao.

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của báo chí cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc năm xưa, phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu hoàn thành công trình kịp thời phục vụ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2025) và 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/2024)...

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 900 suất quà ủng hộ Quỹ vì người nghèo huyện Đại Từ.

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng quà cho các hộ nghèo tại xã Tân Thái (Đại Từ).

Nhân dịp này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trao tặng 900 suất quà (với tổng trị giá 500 triệu đồng) ủng hộ Quỹ vì người nghèo huyện Đại Từ để chăm lo đời sống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng 10 suất quà cho các hộ nghèo tại xã Tân Thái.

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khởi công công trình.

Khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu nghe giới thiệu về phối cảnh công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn, ác liệt, nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh bí mật tổ chức Trường dạy làm báo kháng chiến mang tên chí sĩ yêu nước, nhà báo lớn Huỳnh Thúc Kháng, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ.

Ngày 4/4/1949, Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên chính thức được khai giảng với 42 học viên đến từ các báo Trung ương, quân đội, các ngành, đoàn thể liên khu, ngành thông tin của cả nước. Đây là khóa học đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và là duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Mặc dù chỉ đào tạo được một khóa nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có một ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tất cả 42 học viên đầu tiên đã trở thành một trung đội xung kích trên mặt trận báo chí. Họ đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, như: Hữu Mai, Bành Bảo, Trần Kiên, Mai Cương...

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tại địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng Bia di tích để ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.

Năm 2019, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.

Nguyên Ngọc - Mạnh Hùng (Báo Thái Nguyên)


Nguyên Ngọc - Mạnh Hùng (Báo Thái Nguyên)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long