Khe Sanh, khúc tráng ca 45 năm trước (Kỳ 2)
(QT) - Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (Quảng Trị) 9/7 (1968- 2013), Tòa soạn trích đăng một số nội dung trong cuốn sách "Đường 9, Khe Sanh - 1968" của tác giả Phương Minh. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản năm 2005. Tựa mỗi phần trong bài do Tòa soạn đặt. >>> Khe Sanh, khúc tráng ca 45 năm trước (Kỳ 1) Tà Cơn, “địa ngục trần gian” đối với quân Mỹ Ngược thời gian, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954, Hướng Hóa cùng với tỉnh Quảng Trị trở thành vùng địa đầu của miền Nam tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vùng giải phóng Hạ Lào. Xác định Hướng Hóa là cửa ngõ hành lang chiến lược của cả nước, có con đường số 9 là huyết mạch giao thông, Mỹ - ngụy đã tập trung ở đây một lực lượng quân sự khá lớn, cùng với bộ máy ngụy quyền hòng biến mảnh đất này thành vành đai trắng, ngăn chặn lực lượng cách mạng từ miền Bắc vào hoặc từ Lào sang. Mỹ đã xây dựng hàng rào điện tử McNamara chạy suốt chiều dài huyện Hướng Hóa, ném bom, rải chất độc hóa học hủy diệt cây cối, sự sống con người trên mảnh đất này. Đế quốc Mỹ cố lập một “tuyến lửa” dọc đường 9 nhằm ngăn cách hậu phương với tiền tuyến của ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, quân dân Hướng Hóa đã đoàn kết một lòng cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị tiến công, biến đường 9 thành mồ chôn giặc Mỹ xâm lược.
 |
Chiến trường Khe Sanh năm 1968 là nỗi khiếp đảm với nhiều lính Mỹ - Ảnh: TL |
Trở lại với tình hình chiến trường Khe Sanh, từ ngày 20/1/1968 đến ngày 7/2/1968, sau khi tiêu diệt một số cứ điểm ở phía tây, mở thông đường số 9, bộ đội thiết giáp của quân giải phóng lần đầu tiên ra trận phối hợp với bộ binh tiêu diệt cứ điểm Làng Vây. Quân chủ lực của ta chuyển sang vây hãm quân Mỹ ở cụm cứ điểm Tà Cơn. Dưới mưa bom bão đạn, bộ đội ta kiên cường xây dựng trận địa tiến công, vây lấn. Quân Mỹ không thể làm giản được vòng vây vì quân ta đã vào tận hàng rào, súng bộ binh và rốc két của ta đã bắn thẳng vào lính Mỹ, bắn vào cả xe tăng và máy bay đậu trên sân bay Tà Cơn. Toàn bộ quân đồn trú của Mỹ phải chui rúc dưới hầm, không khác gì tình cảnh của quân Pháp ở Điên Biên Phủ năm 1954. Tà Cơn trở thành “địa ngục trần gian” đối với quân Mỹ. Máy bay vận tải C130 đến tiếp tế và tải thương 140 lần, nhưng chỉ có 40 lần liều chết hạ được cánh sau khi đã có máy bay và pháo dội bom, bắn phá dữ dội. Để giảm bớt thiệt hại, quân Mỹ phải cho máy bay thả dù, nhưng kết quả rất hạn chế, vì phần lớn rơi vào trận địa của ta. Đến tháng 4/1968, khi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân tạm lắng xuống, Bộ chỉ huy Mỹ mới sử dụng sư đoàn kỵ binh không vận số 1 và ba tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn quân ngụy Sài Gòn mở liền hai cuộc hành quân ‘Ngựa bay” và “Lam Sơn 270” giải tỏa cho Khe Sanh. Để yểm trợ cho lính Mỹ và quân đội Sài Gòn phản kích, máy bay chiến thuật Mỹ ném bom chỉ cách Tà Cơn có 400 m, còn máy bay chiến lược B52 thì phong tỏa vòng ngoài từ 2 đến 3 km. Những trận giao tranh ác liệt giữa quân ta và quân địch diễn ra ở khu vực các điểm cao 471, 400, 542, 479, động Ché Riên, Làng Khoai...Mỹ - ngụy bị ta đánh thiệt hại nặng, nhưng dựa vào sự chi viện hỏa lực dồi dào, quân của chúng đã chiếm được một số vị trí có lợi. Vòng vây Tà Cơn của ta bị lỏng, địch thay được quân. Lúc này hình thái phòng ngự Khe Sanh của địch vẫn lấy Tà Cơn làm trung tâm. Địch tăng thêm hai trung đoàn lính thủy đánh bộ, hai tiểu đoàn kỵ binh bay Mỹ, chiếm đóng một số cao điểm quan trọng như 689, 552, 471, Cù Bốc, Làng Khoai. Nhưng toàn bộ hướng tây Tà Cơn địch không chiếm được vị trí khống chế nào. Trước tình hình này, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tích cực tiến công, khôi phục lại thế trận vây hãm Tà Cơn, buộc địch phải đưa lực lượng ra đối phó với ta, tạo điều kiện cho Trị - Thiên tiếp tục tấn công và nổi dậy đợt hai. Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 được tăng cường cho Mặt trận đường 9 - Khe Sanh. Khi có thêm lực lượng, bộ đội ta chiếm lại Làng Cát, động Ché Riên, Cù Bốc, đẩy quân địch ở Tà Cơn vào thế hoàn toàn bị cô lập, có nguy cơ bị tiêu diệt. Bộ chỉ huy Mỹ buộc phải tung Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ vào mặt trận Khe Sanh. Ngày 1/6/1968, Sư đoàn 3 Mỹ mở cuộc hành quân mang tên Xcốtlen đánh ra khu vực Từ Ri, Tà Quan, Húc Cốc Giang, Pa Trang, hòng kéo lực lượng ta đang bao vây Tà Cơn ra đối phó. Nhưng ngay từ đầu cuộc hành quân, địch bị quân ta đánh thiệt hại một tiểu đoàn. Đồng thời quân ta tiến công tiêu diệt một loạt các vị trí án ngữ tây Tà Cơn và dọc đường 9, cắt đứt đường bộ, khống chế đường không. Tà Cơn hoàn toàn bị cô lập, có nguy cơ bị quân ta tiêu diệt. Trước tình hình nguy khốn của lực lượng đồn trú Tà Cơn, địch chấm dứt cuộc hành quân Xcốtlen để về giữ đường 9 khu nam Tà Cơn, đưa 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ về giữ các cứ điểm Đông Hà, Cửa Việt đang bị quân ta uy hiếp. Địch có nguy cơ rút khỏi Tà Cơn. Quân ta tăng cường các cuộc tiến công trên toàn tuyến đường 9, đặc biệt là Tà Cơn. Thấy không thể trụ nổi, ngày 26-6-1968, Westmoreland ra lệnh rút bỏ Khe Sanh, nhưng đã bị quân giải phóng đánh mạnh, nên 11 ngày sau khi có lệnh rút lui, quân Mỹ sống sót mới chạy khỏi Tà Cơn. Ngày 15/7/1968 toàn bộ sĩ quan, binh lính Mỹ - ngụy rút khỏi Khe Sanh. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, bằng hướng tiến công và nghi binh chiến lược, quân giải phóng đã kéo được hầu hết các tiểu đoàn, lữ đoàn thuộc các sư đoàn sừng sỏ: Sư đoàn 1, sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ, sư đoàn kỵ binh bay, sư đoàn American ra đường 9 - Khe Sanh là nơi quân Mỹ gặp khó khăn về địa hình núi non hiểm trở, tiếp tế hậu cần xa (huy động cả đường bộ, đường không, đường thủy nhiều lúc vẫn thiếu). Và, điều quan trọng là đã phải đưa một bộ phận quân Mỹ ra chiến trường này để bị vô hiệu hóa, như báo chí Mỹ nhận xét là “cá voi bị mắc nạn”. Quân chủ lực của ta đã tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô tương đối lớn, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự vững chắc của quân đội Mỹ, bao vây cô lập cụm cứ điểm Tà Cơn trong thời gian dài, buộc Mỹ phải đưa sư đoàn lính thủy đánh bộ và sau này cả sư đoàn kỵ binh không vận lên vùng rừng núi theo ý định của ta. Kítxingơ cho rằng Hà Nội đã chơi “trò đấu bò”, lừa “con bò tót” Mỹ ra vòng ngoài rồi dùng lực lượng quân sự bất thần đánh ập toàn bộ đô thị bên trong, làm cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ không kịp trở tay. Quân và dân Mặt trận Khe Sanh đã đánh bại cuộc hành quân “Ngựa bay” của sư đoàn kỵ binh không vận Mỹ và chiến đoàn 3 quân dù ngụy. Cuối cùng quân Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh. Điều cam kết của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân với Tổng thống Hoa Kỳ trở thành trò cười. Đài BBC ngày 30/6/1968 bình luận: “Việc triệt thoái Khe Sanh không phải đơn giản bỏ rơi một yếu điểm, mà là bỏ rơi một ảo tưởng và một chính sách. Tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ dựng lên đã tan ra tro như những pháo đài xi măng cốt sắt ở Khe Sanh”. Còn Báo Quân đội nhân dân Việt Nam có bài bình luận “Chiến thắng Khe Sanh lừng danh đất nước” “Chiến thắng Khe Sanh lừng danh đất nước” Trong lúc những bộ óc ở Lầu Năm góc đang tập trung điều hành chiến tranh ở Khe Sanh thì quân ta lại mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng loạt đánh địch trên hầu hết các đô thị miền Nam. Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ về thời gian, về hướng tấn công chủ yếu, về phương pháp tấn công. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Tác giả Maicơn Máclia trong cuốn “Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày” đã viết: “Các trận đánh trong Tết Mậu Thân làm người ta có cảm tưởng rằng Khe Sanh có vẻ như là cuộc bao vây để đấy. Nếu vậy thì Bắc Việt Nam là bậc thầy trong việc nghi binh”. “Khe Sanh trở thành trận đánh được bàn cãi nhiều nhất trong cuộc chiến tranh này”.
 |
Cán bộ, nhân dân thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa - Ảnh: HƯNG THƠ |
Hơn 170 ngày đêm tiến công và vây hãm kiên cường, quân và dân ta đã cắm lá cờ chiến thắng lên trung tâm căn cứ Tà Cơn và quận lỵ Khe Sanh. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 tên địch, bắn rơi, bắn cháy 197 máy bay, phá hủy 78 xe và 46 khẩu pháo. Ta đã thu hút được một lực lượng lớn quân Mỹ-ngụy, lúc cao nhất lên đến 12 vạn tên gồm 32 tiểu đoàn, trong đó có 26 tiểu đoàn Mỹ, chiếm 1/4 số tiểu đoàn quân chiến đấu của Mỹ ở miền Nam, kìm chân và tiêu diệt chúng để phối hợp với chiến trường toàn miền Nam. Cuộc chiến đấu ở Khe Sanh là sự thử thách phi thường về ý chí quyết tâm, về tài trí và sức mạnh giữa Quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ và đồng bào các dân tộc Hướng Hóa với đội quân chính quy, hiện đại Mỹ, mà kết quả là Mỹ phải chịu thua, rút chạy hỗn loạn khỏi Khe Sanh, làm cho “cả thế giới như chứng kiến một câu chuyện thần kỳ”. “Quân giải phóng miền Nam vây hãm một lực lượng lớn quân Mỹ ở Khe Sanh ròng rã 170 ngày đêm và cuối cùng đã thắng. Cuộc chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào ta ở Khe Sanh là cuộc chiến đấu có một không hai, tượng trưng cho thế mạnh, lực mạnh của cách mạng miền Nam đang xốc tới” (Xã luận báo Nhân dân, số ra ngày 27/6/1968). Thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam, cùng với thắng lợi của cuộc chiến đấu ở Mặt trận Đường 9- Khe Sanh làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt đánh phá miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tướng Westmoreland đã phải ngậm ngùi thú nhận: “Họ đã đạt được mục tiêu làm cho phía Mỹ phải đơn thương xuống thang, ngừng ném bom, đình chỉ việc tăng quân và làm hỏng một chiến lược đánh mạnh và trong quá trình đó làm cho người Mỹ phải đến bàn hội nghị”. Tác động của chiến thắng Khe Sanh rất lớn, làm cho “Uy tín nước Mỹ suy sụp. Mỹ rốt cuộc bị mất thể diện”. Với thắng lợi ở Mặt trận Đường 9- Khe Sanh, quân và dân ta đã làm nên một sự tích phi thường là đánh bại một lực lượng đồn trú tinh nhuệ, hiện đại đông hơn mình gấp nhiều lần, điều đó chứng tỏ sức mạnh, tài nghệ và ý chí của quân và dân ta là vô địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của miền Nam từ đầu xuân đến nay”. Chiến thắng này chứng minh thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược đúng đắn sáng tạo của Đảng ta trong việc đấu trí, đấu lực với Mỹ trong cuộc chiến tranh; trong đó thể hiện nổi bật trí tuệ, tài thao lược Việt Nam đã vượt lên trên đối phương, là nguyên nhân hàng đầu của thắng lợi. Thắng lợi này còn chứng minh lòng quả cảm, trí thông minh, dám chấp nhận hy sinh gian khổ, sự cống hiến rất đáng tự hào cho cuộc kháng chiến vĩ đại của Đảng bộ, chính quyền, quân dân tỉnh Quảng Trị nói chung, của Đảng bộ, chính quyền, quân dân huyện Hướng Hóa nói riêng. Nó đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương, là bài học quý báu cho quân và dân Quảng Trị trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Khe Sanh - Hướng Hóa 45 năm sau (*) Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, trong chặng đường hơn 4 thập kỷ ấy, Khe Sanh nói riêng và Hướng Hóa nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện Hướng Hóa đã có nhiều đổi thay. Trên mảnh đất một thời diễn ra cuộc chiến tranh tàn khốc, dày đặc đạn bom, chất độc hóa học của Mỹ hôm nay cuộc sống đã hồi sinh. Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế (GDP) của huyện đến nay đạt 8,55% (năm 2012). Bây giờ đến Khe Sanh- Hướng Hóa là bắt gặp màu xanh bạt ngàn của rừng trồng, bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, sắn, mấy năm gần đây phát triển thêm diện tích cao su tiểu điền, khai hoang thêm ruộng lúa nhờ xây dựng được hệ thống thủy lợi nhỏ... Và nơi chiến trường Khe Sanh một thời lửa đạn bây giờ hình hài của một phố núi đang hiện ra. Hơn 40 năm trước, nhà thơ Ngô Kha, một nhà thơ tranh đấu trong lòng đô thị miền Nam trong những ngày xuống đường chống các cuộc hành quân của Mỹ - ngụy lên chiến trường Đường 9 - Khe Sanh đã dự cảm: “Ta sẽ thấy và nhất định thấy Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo Một thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây”... (Trường ca Hòa bình) Bây giờ du khách đến đây đã thấy một phố núi Khe Sanh, huyện lỵ của Hướng Hóa đang trên đường phát triển, một thị trấn Lao Bảo có Khu thương mại đặc biệt với hàng chục doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tấp nập đầu tư vào đây. Theo đó nhiều sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao có nhãn mác “Madein Việt Nam” có xuất xứ từ Lao Bảo đã đến với nhiều vùng miền trong cả nước. Từ hoang tàn đổ nát, từ lau sậy của đồi núi hoang vu, các thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo đã ngập tràn ánh điện, nhiều nhà cao tầng được mọc lên, người khắp nơi đổ về làm ăn làm cho “miền đất quả vàng” này lúc nào cũng tấp nập, rộn rã, tươi vui. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể. Con đường 9 - “con đường không vui” một thời của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được nâng cấp trở thành con đường xuyên Á trên Hành lang kinh tế Đông Tây trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Các dân tộc người Vân Kiều, Pa Kô, Kinh anh em ngày trước đã chung lưng đấu cật, nay lại sát cánh bên nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, giữ gìn an ninh biên giới trong tình hữu nghị với nước bạn Lào anh em, cùng phấn đấu xây dựng cho một sự thịnh vượng chung. Bản sắc văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn được giữ gìn, phát huy, làm phong phú thêm đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc sống trên dãi đất này. Hướng Hóa còn có đường Hồ Chí Minh chạy dọc theo dãy Trường Sơn nối tỉnh Quảng Bình với huyện lỵ Khe Sanh, nối về đến Đakrông. Một công trình công nghiệp có tầm cỡ nằm bên cạnh di tích Sân bay Tà Cơn và đồi Động Tri, đó là công trình Thủy điện Quảng Trị với công suất 64 MW, được đầu tư với nguồn vốn 2.100 tỷ đồng, đã hoàn thành cuối năm 2007, điện lượng phát bình quân mỗi năm đạt gần 300 triệu kWh, tăng 35% so với năng lực thiết kế; tính đến năm 2012, nhà máy thủy điện phát vào hệ thống điện quốc gia 1,5 tỷ kWh điện, ứng với doanh thu qui đổi hơn 1.600 tỷ đồng. Thủy điện Quảng Trị ngoài bổ sung lên lưới điện quốc gia còn góp phần xuất khẩu điện, cung cấp điện năng và thắp sáng cho cả những bản làng của nước bạn Lào anh em. Từ đây, dòng nước mát cũng chảy xuôi tắm mát cho những cánh đồng của đồng bằng Quảng Trị, môi trường môi sinh theo đó đã tốt hơn, nâng cao chất lượng sống của con người. Khe Sanh, Hướng Hóa còn là điểm đến của du khách thập phương với những di tích được xếp hạng quốc gia như Nhà đày Lao Bảo, Sân bay Tà Cơn, ngoài ra còn có nhiều địa danh đang được khảo sát, tôn tạo lại như căn cứ Làng Vây, đồi Cù Bốc, đồi Động Tri... Trên bước đường đi lên, mặc dù chưa hết những khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hướng Hóa vẫn quyết tâm thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ mà đại hội đảng các cấp đã đề ra, quyết tâm “xây dựng Hướng Hóa thành một huyện kiểu mẫu ở miền núi” như lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm mảnh đất Hướng Hóa anh hùng. PHƯƠNG MINH (*) Một vài chi tiết trong phần này tác giả đã cập nhật số liệu mới nên có phần khác số liệu đã in trong cuốn sách “Đường 9, Khe Sanh - 1968”, NXB Thuận Hóa xuất bản năm 2005.