Cập nhật: Thứ 4, 18/11/2009 | 13:30 GMT+7

Khát vọng vùng Lìa

(QT) - Dấu vết của trận lũ quét lịch sử cuối tháng 9 vẫn còn hằn nguyên trên suốt chặng đường dài từ ngã ba đường 9 vào các xã vùng Lìa. Đây đó trên từng bản làng vẫn còn những căn nhà dựng tạm, vẹo vọ, xếch xác. Tuyến giao thông độc đạo vào Lìa đã bị băm nát, nhiều chỗ nước lũ xói thành hố sâu. Những chuyến xe hàng nặng nhọc lê lết trên con đường đã không còn nguyên hình hài, thế nhưng nó vẫn phải oằn mình để đưa chuối, đưa sắn của bà con đến những nơi cần đến.

Thu hoạch sắn cao sản ở xã A Xing (Hướng Hóa)
Có thể nói rằng, khát vọng đánh thức tiềm năng vùng Lìa trong những năm qua là không thiếu, đồng thời với việc tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng Lìa đã được triển khai với những ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên dự án mía đường, dự án phát triển cây cao su, cây ăn quả ở vùng Lìa những năm đó đều không mang lại kết quả như nhiều người mong muốn. Nguyên nhân thất bại thì có nhiều nhưng điều dễ dàng nhìn thấy được đó là sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí, thiếu sự điều tra nghiên cứu một cách cặn kẽ tập quán canh tác, các điều kiện tự nhiên - xã hội cụ thể để có những bước đi đúng đắn, phù hợp lòng dân. Thật khó có thể thống kê một cách đầy đủ những hậu quả do cách làm nóng vội để lại nhưng không khó nhìn thấy nhiều cơ hội đã lần lượt qua đi và người dân vùng Lìa vẫn phải sống trong tình trạng đói nghèo dai dẳng. Trở lại vùng Lìa vào những ngày này, khi con người và mảnh đất nơi đây vừa gượng dậy sau một mùa bão lũ khắc nghiệt. Vùng Lìa có một sức sống kỳ lạ. Sức sống ấy được bật dậy ngay từ trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Với hai mùa mưa nắng, thiên nhiên gần như lấy đi tất cả những gì mà nó mang lại và rồi luồn lách trong sự vần vũ ấy của tự nhiên, con người vùng Lìa đã vượt qua và tồn tại với bao nỗi vất vả nhọc nhằn. Như để bù lại những thiệt thòi của con người đang sinh sống trên mảnh đất này, tạo hoá đã mang lại cho họ nguồn đất đai phì nhiêu hiếm có. Vẫn là cây sắn, cây lương thực chủ lực của đồng bào vùng cao nhưng sắn ở vùng Lìa thì chẳng nơi nào sánh được, nó dễ trồng như cây cỏ trong rừng nhưng lượng tinh bột và độ dẻo ngon thì không thể có ở bất cứ nơi nào. Điều lý tưởng là mùa thu hoạch lại đúng vào mùa khô, chỉ cần thái mỏng vứt ra rẫy là sau một ngày đã khô nỏ. Từ bao đời nay, người Vân Kiều, Pa Cô vùng Lìa sống được là nhờ cây sắn, nhưng sống được một cách “tử tế” và không ít người đã thoát nghèo, giàu lên nhờ cây sắn thì chỉ bắt đầu từ khi nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị đi vào hoạt động. Với công suất 150 tấn tinh bột/ngày, nhà máy này đã ngốn một lượng sắn không nhỏ của bà con vùng Lìa. Từ chỉ vài trăm héc ta đến nay người dân vùng Lìa đã trồng gần 4000 ha để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Sắn không chỉ xoá đói giảm nghèo mà đã giúp hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc ít người nơi đây trở nên giàu có. Mỗi gia đình ở đây chỉ cần trồng từ 2 đến 3 ha sắn giống mới là đã thu về mỗi năm từ 50 đến 60 triệu đồng, có lẽ với nguồn thu này nhiều năm trước nằm mơ cũng không nghĩ tới. Bây giờ ở vùng Lìa vấn đề thời sự nhất mà người dân bàn tới đó là đất đai, nếu như trước đây nhiều người băn khoăn vì tình trạng đất đai hoang hoá thì giờ đây việc thiếu đất sản xuất không còn là chuyện xa xôi. Sắn đã mang lại cho hàng ngàn gia đình vùng Lìa cuộc sống no đủ, khá giả nhưng không thể cứ độc canh cây sắn, bốn năm trở lại đây huyện Hướng Hoá đã nghĩ đến chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng canh tác nông nghiệp bền vững. Được sự hỗ trợ từ dự án đầu tư mô hình bố trí lại dân cư vùng biên giới, khai thác vùng gò đồi của Chính phủ và dự án đa dạng hoá nông nghiệp, từ năm 2005 cây cao su đã được đưa vào trồng lại tại A Dơi. Phải nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên cây cao su được đưa vào vùng Lìa. Cách đây hơn 10 năm, Công ty cao su Quảng Trị đã mạnh dạn chọn vùng Lìa làm điểm phát triển cây cao su trong ý đồ chiến lược phát triển cây cao su đầy tham vọng ở vùng biên giới và vươn sang nước bạn Lào. Tuy nhiên do giá cao su biến động bất lợi cùng với cách làm thiếu thận trọng, vội vàng, cây cao su đã lỗi hẹn với vùng Lìa. Cho đến nay những cây cao su còn lại ở vùng Lìa đã trở thành “cổ thụ” nhưng sự giàu có từ cây cao su mang lại cho người dân nơi đây vẫn đang còn là ẩn số. Hiện nay tại 6 thôn của xã A Dơi cây cao su đang được đưa vào trồng với gần 330 ha, ngay dưới vườn cao su, người dân địa phương đang tận dụng đất để xen canh cây sắn rất có hiệu quả, mỗi héc ta cây cao su khi cây chưa khép tán nếu trồng xen sắn mỗi năm cũng thu được trên 20 triệu đồng. Bên cạnh cây cao su, cây sắn cao sản, cây cà phê đang là cây trồng có nhiều triển vọng tốt đẹp ở vùng Lìa. Với dự án phát triển cây cà phê của Công ty cà phê - dịch vụ đường 9 tại Ba Tầng, hơn 300 ha cà phê catimor trồng tại đây đã cho sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chất lượng cà phê catimor ở vùng Lìa mà cụ thể là ở Pa Tầng không hề thua kém cà phê ở Khe Sanh và vùng Tây Nguyên, năng suất bình quân xấp xỉ 10 tấn/ha. Từ việc trồng cà phê theo hợp đồng của công ty, nhiều hộ gia đình ở đây đã giàu lên sau mấy vụ cà phê trúng mùa, trúng giá, đã có một số hộ gia đình đồng bào Vân Kiều mạnh dạn tích luỹ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng mới cây cà phê vì theo họ nếu không nhanh chóng thay đổi phương thức canh tác lạc hậu thì không thể nào xoá đói giảm nghèo được. Chị Nguyễn Thị Lộc, Phó Bí thư Huyện uỷ Hướng Hóa cho biết, sắp tới đây không chỉ Ba Tầng mà một số xã ở vùng Lìa có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cũng sẽ được đưa cây cà phê vào canh tác, và chỉ có cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung đầu tư thâm canh, thay đổi phương thức canh tác mới khai thác một cách hiệu quả tiềm năng đất đai vùng Lìa. Theo đánh giá sơ bộ của huyện Hướng Hoá, hiện nay vùng Lìa có trên 50.000 ha đất chưa được khai thác phù hợp, đó là chưa nói vẫn còn không ít diện tích đang bị hoang hoá do chưa có đường giao thông thuận lợi. Và cũng trên vùng đất giàu tiềm năng này vẫn còn khoảng hơn 1/3 trong số hơn 12.000 người dân các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô đang sống trong tình trạng đói nghèo. Việc từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây trồng vật nuôi phù hợp vào sản xuất thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đang mở ra nhiều triển vọng cũng như cơ hội lớn cho người dân nơi đây. Tuy nhiên để khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh vùng Lìa nếu chỉ tập trung vào các giải pháp phát triển kinh tế thì chưa đủ nếu như bên cạnh đó không tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Việc thực hiện chương trình di dãn dân, tái cơ cấu lao động dân cư tại vùng Lìa trong những năm qua là một hướng đi đúng đắn và có tác dụng nhiều mặt. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu như chỉ chú trọng mục tiêu kinh tế mà thiếu quan tâm các vấn đề xã hội. Hiện nay kinh tế vùng Lìa đã có bước phát triển đáng ghi nhận nhưng điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân đang là vấn đề đáng quan tâm, đó là tình trạng dịch vụ y tế yếu kém, thị trường tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, các nhu cầu cuộc sống chưa được đáp ứng. Vấn đề giáo dục cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ xóa mù, hàng năm vẫn còn nhiều học sinh vùng Lìa phải nghỉ học, phải tìm cách mưu sinh bằng chính cách làm ăn lạc hậu mà cha ông họ để lại… Bài và ảnh: Hoàng Đức.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

“Quả ngọt” từ trồng rừng gỗ lớn

“Quả ngọt” từ trồng rừng gỗ lớn
1 giờ trước

QTO - Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC là giải pháp căn cơ được tỉnh Quảng Trị triển khai nhằm tăng giá trị nguồn thu, bảo vệ môi trường sinh...

Cao vằng - “Vàng đen” xứ Cùa

Cao vằng - “Vàng đen” xứ Cùa
05:50 16/11/2009

(NNVN) - Bao đời nay, người Việt đã biết dùng lá vằng nấu thành thứ nước uống tốt cho sức khỏe, gọi là chè vằng. Gần đây, bà con ở Định Sơn, xã Cam Nghĩa thuộc xứ Cùa (huyện...

Vĩnh Thái chuyển mình

Vĩnh Thái chuyển mình
03:41 16/11/2009

(QT) - Về xã miền biển Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trong những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự chuyển mình của vùng biển bãi ngang nơi đây. Vĩnh Thái...

POWERED BY
Việt Long