Khánh thành các công trình tưởng niệm anh hùng liệt sĩ
(QT) - Hôm qua 27/7/2015, tại xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), Huyện đoàn, Hội LHPN, Hội CCB, Phòng GD&ĐT huyện, UBND xã Vĩnh Thái và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị phối hợp tổ chức Lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ và khánh thành công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
.jpg) |
Cắt băng khánh thành công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ - Ảnh: M.Đ |
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20/7/1954, lấy vĩ tuyến 17 sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền; đảo Cồn Cỏ thuộc khu phi quân sự nên không có lực lượng vũ trang đồn trú. Từ sự kiện “Vịnh Bắc bộ” ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu mở màn leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, qua đó thực hiện âm mưu đánh chiếm đảo Cồn Cỏ. Với âm mưu đó, Mỹ liên tục huy động mọi lực lượng, phương tiện tối tân ngày đêm bắn phá đảo, chia cắt đất liền với đảo, ngăn cản tiếp tế lương thực, đạn dược, tiến tới cô lập hoàn toàn đảo. Khu vực Vĩnh Linh được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp “mở đường máu” chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Đến cuối tháng 2/1965, tình hình đảo Cồn Cỏ hết sức nguy cấp, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh ra nghị quyết hạ quyết tâm: “Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu”, “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn”... Nhiều chiếc thuyền vận chuyển vũ khí, khí tài, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật liệu xây dựng công sự trận địa… của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng), Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái đã anh dũng vươn khơi để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Đã có rất nhiều chiến sĩ, người dân anh dũng hi sinh, nằm lại vĩnh viễn dưới lòng biển cả, góp phần cùng Cồn Cỏ chiến thắng vẻ vang, 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng 2 câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. Tháng 3/2015, Huyện đoàn Vĩnh Linh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong, ngoài huyện tổ chức vận động quyên góp và tiến hành khởi công xây dựng công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đến nay, công trình đã hoàn thành theo đúng thiết kế ở giai đoạn 1 với hạng mục chính là tượng đài trung tâm với hình tượng chủ đạo là 2 cánh buồm huyền thoại trên chiếc thuyền nan năm xưa đã đi vào lịch sử, mũi thuyền rẽ sóng ra khơi, với hai câu khẩu hiệu: “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn- Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu”. Tổng kinh phí xây dựng công trình trị giá hơn 300 triệu đồng, từ sự đóng góp của đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, hội viên cựu chiến binh và các đơn vị ở Vĩnh Linh cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong, ngoài tỉnh. Công trình trở thành nhân chứng lịch sử, biểu tượng đẹp về tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với công lao to lớn, sự hi sinh xương máu của thế hệ cha anh; là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống và tình cảm cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, Huyện đoàn và các đơn vị phối hợp tổ chức cùng các nhà tài trợ, cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ đã đặt vòng hoa, dâng hương và cắt băng khánh thành công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; đồng thời trao tặng 57 suất quà, trị giá 33,5 triệu đồng cho thân nhân các liệt sĩ tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ tại các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch và thị trấn Cửa Tùng. * Trước đó, ngày 26/7/2015, bên bờ sông Ô Lâu, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Ban liên lạc Mặt trận Quảng Trị 1972 tại Hà Nội, Cựu chiến binh Sư đoàn 304- Quân đoàn 2 tổ chức Lễ khánh thành quần thể Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và bến thả hoa trên sông Ô Lâu, tuyến phòng phủ sông Mỹ Chánh 1972. Tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh là một trong những tuyến phòng thủ đặc biệt quan trọng của Mỹ- ngụy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng tỉnh Quảng Trị, quân đội ta tiến công giải phóng Thừa Thiên-Huế. Để ngăn chặn cuộc tiến công của bộ đội giải phóng, địch đã đưa lực lượng dự bị của Quân khu 1 và tổng dự bị chiến lược ra tổ chức tuyến phòng thủ mới ở Nam sông Mỹ Chánh và Tây đường 12. Bước vào chiến dịch, pháo của các Sư đoàn 308, 304, 324 của ta đã trút bão lửa xuống hệ thống phòng thủ trên Quốc lộ 1 do sư đoàn lính dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ ngụy đảm nhiệm. Cuộc tiến công đã làm tiêu hao lực lượng lớn của địch, nhưng hàng ngàn chiến sĩ, bộ đội ta cũng đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Quần thể Đài tưởng niệm và bến thả hoa sông Ô Lâu được xây dựng ngay tại tuyến phòng thủ Mỹ Chánh với số tiền đầu tư hơn 12 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 5.000 m2, gồm Đài tưởng niệm, Nhà bia tưởng niệm, quần thể sân và bến thả hoa sông Ô Lâu. Toàn bộ số tiền được huy động từ nguồn xã hội hóa. Giai đoạn 1 của Dự án đã hoàn thành trên 5 tỉ đồng. * Cùng ngày UBND xã Cam Thủy tổ chức khánh thành Nhà bia chứng tích bến Đập Đá. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ; cán bộ chiến sĩ từng hoạt động, tham gia chiến đấu trên địa bàn xã; thân nhân liệt sĩ hi sinh tại bến Đập Đá và gần 500 người dân các xã Cam Thủy, Cam Hiếu, huyện Cam Lộ đã đến dự.
.jpg) |
Cắt băng khánh thành công trình Nhà bia bến Đập Đá - Ảnh: MT |
Công trình Nhà bia chứng tích bến Đập Đá khởi công ngày 26/3/2015 với tổng kính phí hơn 400 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử, nhằm giáo dục cho các thế hệ về truyền thống chiến đấu bất khuất của quân và nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Ngày xưa làng Thạch Đâu, Lâm Lang, xã Cam Thủy nằm ở địa thế gấp khúc của con sông Hiếu nên chịu sạt lở rất nhanh trong mùa mưa lũ. Học theo cách người Chàm, dân làng cử người khỏe mạnh gánh đá ong từ các nơi về, giã nhỏ vỏ hàu trộn với đường bánh và mật ong rừng nguyên chất làm vữa để xây dựng một con đập ngăn dài quá nửa sông nhằm giảm bớt sức nước từ thượng nguồn đổ về, hạn chế nhiễm mặn từ biển lên. Từ đó Đập Đá trở thành tuyến giao thông thuận tiện nối liền hai bờ. Trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến Đập Đá trở thành một nút giao thông quan trọng nằm trong tuyến đường giao liên nối liền Bắc Nam ngay trong hậu cứ của địch, chở che hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ bí mật qua lại hoạt động. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, du kích, giao liên, cơ sở cách mạng ngã xuống để bảo vệ cán bộ, bảo vệ bến an toàn. Buổi lễ diễn ra xúc động với các hoạt động dâng hương tri ân sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ tại bến Đập Đá. Tại buổi lễ, Đoàn Thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh đã tặng 5 triệu đồng và 5 phần quà cho các đối tượng gia đình thân nhân liệt sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn. Sau lễ khánh thành, đêm 26/7/2015, UBND xã Cam Thủy và UBND xã Cam Hiếu phối hợp tổ chức thả hơn 2.000 hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên bến Đập Đá. M.Đ- H.N.K- M.T