Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”
(QT) - Chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” đã đi qua chặng đường 10 năm, khẳng định một thương hiệu du lịch mới được các hãng lữ hành trong nước và quốc tế quan tâm và hưởng ứng.
 |
Thành Cổ Quảng Trị thu hút khách tham quan, thăm lại chiến trường xưa |
Không phải đợi đến tháng 7/2005, khi UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch chỉ đạo tổ chức Hội thảo quốc gia Du lịch Quảng Trị “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, cái tên Quảng Trị mới được biết đến nhiều trong lòng du khách gần xa. Trước đó, đã có rất nhiều những chuyến hành hương về thăm chiến trường xưa của những người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Từ năm 2005, các công ty du lịch, trung tâm lữ hành của Quảng Trị đã xây dựng chương trình, tổ chức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong cả nước để quảng bá và thực hiện chương trình du lịch hoài niệm. Các đơn vị quân đội, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, đoàn viên đến tham quan, tưởng niệm và tri ân tại các di tích chiến tranh cách mạng ở Quảng Trị. Những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử như địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương - đôi bờ sông Bến Hải, hàng rào điện tử Mc.Namara, Bến Tắt - Khe Hó, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thành Cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, đảo Cồn Cỏ, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và các NTLSQG Trường Sơn, Đường 9... chính là tiền đề và cơ sở hình thành nên loại hình du lịch hết sức độc đáo, du lịch hoài niệm - du lịch tưởng nhớ về đồng đội và chiến trường xưa. Nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng của du lịch, đặc biệt là du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, tỉnh Quảng Trị đã tập trung tổchức khai thác. Tỉnh đã có những định hướng phát triển mạnh loại hình du lịch này, xác định bước đi phù hợp trong từng giai đoạn cả trước mắt và lâu dài; tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát một cách cơ bản, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích tiêu biểu, xây dựng, quảng bá thương hiệu loại hình du lịch hoài niệm. Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp triển khai sử dụng vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả và chủ động thực hiện các giải pháp huy động thêm nguồn lực xã hội hóa. Ưu tiên đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích quốc gia quan trọng của tỉnh như: Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Khu Chính phủ CMLTCHMNVN, Sân bay Tà Cơn, Nhà đày Lao Bảo, Cầu Treo - Bến Tắt và 16 di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu khác. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, nhiều ngành tích cực huy động được hàng trăm tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân, của các tổ chức kinh tế- xã hội trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp... để hỗ trợ đầu tư, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa, xây dựng tượng đài, đền tưởng niệm, các công trình đền ơn đáp nghĩa. Cơ sở hạ tầng du lịch như hệ thống dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển và dịch vụ khác phục vụ du lịch được đầu tư tăng cường. Tổng số vốn ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội có tác động đến phát triển du lịch trong 10 năm từ 2005 - 2015 lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch khoảng 500 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn huy động được, tỉnh đã chỉ đạo quản lý sử dụng có hiệu quả để tập trung đầu tư các dự án, các hạng mục công trình như: đường du lịch từ Cửa Tùng đến địa đạo Vịnh Mốc; đường quốc phòng dân sinh dọc biển Cửa Việt - Cửa Tùng; cầu Cửa Tùng, Cửa Việt; đường Hồ Chí Minh huyền thoại (đoạn Khe Sanh - Sa Trầm - Tà Long); nâng cấp đường về nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và xây dựng công viên Lê Duẩn; xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, khu du lịch ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, Rú Lịnh, đảo Cồn Cỏ... Mục tiêu là nhằm tập trung phát triển tiềm năng thế mạnh về ba loại hình du lịch hoài niệm, du lịch biển đảo và du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây. Với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng để phát triển du lịch, từ 2005 -2015, tổng lượng khách đến Quảng Trị theo chương trình du lịch hoài niệm đạt hơn 8 triệu lượt; trong đó các doanh nghiệp du lịch, lữ hành ở Quảng Trị tổ chức được 4,58 triệu lượt, với doanh thu xã hội đạt 1.840 tỷ đồng. Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng đón và phục vụ 1,8 triệu lượt khách, nguồn thu từ bán vé tham quan và nguồn công đức đạt gần 35 tỷ đồng; các nghĩa trang và Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ 27/7 đón phục vụ khoảng 3 triệu lượt. Thông qua việc triển khai chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã bồi dưỡng và nâng cao nhận thức truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc ta cho cán bộvà nhân dân; tạo dựng môi trường giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Phát triển du lịch hoài niệm còn có ý nghĩa to lớn thu hút cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giữgìn giá trị quý báu của hệ thống các di tích chiến tranh cách mạng và khai thác những giá trị đó qua hoạt động du lịch để phát triển kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, để loại hình du lịch này phát huy tích cực giá trị khai thác trong thời gian tới, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, các địa phương để tiếp tục thực hiện mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền di sản văn hóa vật thể. Các cấp, các ngành cần chú trọng công tác quy hoạch, nghiên cứu tái tạo không gian du lịch, tổ chức xây dựng các sản phẩm du lịch hoài niệm hấp dẫn để đem lại hiệu ứng tích cực, có khả năng thu hút khách, tạo khả năng cạnh tranh, liên kết, hợp tác với sản phẩm du lịch trong khu vực. Thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức để quảng bá, thu hút nguồn khách, xây dựng chương trình du lịch bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng thị trường và đối tượng khách có nhiều tiềm năng, trước hết là khách cựu chiến binh, thân nhân, các tổ chức, đoàn thể, học sinh, sinh viên… các thị trường trọng điểm như các tỉnh khu vực Bắc miền Trung, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các nước Mỹ, Tây Âu, các nước trên Hành lang kinh tếĐông - Tây. Bài, ảnh: THANH TRÚC