Hướng Hoá giảm nghèo nhờ đa dạng hoá cây trồng
(QT) - Huyện miền núi Hướng Hoá (Quảng Trị) kéo dài trên một địa bàn rộng lớn, từ Nam ra Bắc hơn 100 km với 7 tiểu vùng khí hậu khác nhau và tương ứng với mỗi vùng khí hậu ấy là sự đa dạng sinh học và phù hợp cho mỗi loại cây trồng đặc thù. Nắm bắt thực tế đó, những năm qua người dân sinh sống trên vùng đất này đã tận dụng lợi thế tự nhiên đặc hữu để phát triển sản xuất, bằng chứng sinh động là sự hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đa dạng, hiệu quả và phù hợp với đặc thù khí hậu của từng vùng. Nếu như vài chục năm trước thị trấn Khe Sanh lâu nay đựơc coi là “vương quốc” của cây cà phê mít thì giờ đây địa vị đó đã không còn tồn tại nữa bởi vì cách đây hơn 20 năm, Công ty hồ tiêu Tân Lâm và Công ty dịch vụ cà phê đường 9 đã đưa cây cà phê catimor về thay thế rất có hiệu quả trên vùng đất Tà Cơn, Khe Sanh, vươn ra tận Hướng Tân, Hướng Phùng và vào sâu tận Pa Tầng vùng Lìa.
 |
CCB Hồ Trung Xanh ở bản Cheng, Hướng Phùng, giàu lên nhờ phát triển cây cà phê và làm vườn đồi. |
Hiện toàn huyện Hướng Hoá có trên 4.000 ha cà phê thì trong số đó chủ yếu là cà phê catimor, mỗi năm cho thu hoạch từ 30.000 đến 50.000 tấn quả tươi, với giá bình quân 7.000 đồng/ kg như hiện nay nguồn lợi từ cây cà phê đã mang về cho người dân Hướng Hoá là không nhỏ. Đây được xem là một loại cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi vùng cao này, bởi lẽ cà phê catimor là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như vốn liếng lớn, thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, chỉ sau 3 năm trồng nếu đầu tư tốt là đã cho thu hoạch. Tuy nhiên điều mà người trồng cà phê lo lắng nhất không phải là vốn liếng, kỹ thuật mà biến động thất thường của giá cả. Nhiều năm trước giá cà phê trên thị trường giảm sút nghiêm trọng, người trồng cà phê bị lỗ nặng dẫn đến nhiều vườn cây bị bỏ bê, không được chăm sóc chu đáo, đến khi giá lên thì mọi chuyện đã muộn. Ông Nguyễn Hữu Xảo, một hộ gia đình kinh tế mới ở Hướng Phú, Hướng Phùng cho rằng, cà phê là cây của người nghèo, cây của cộng đồng, từ người có kinh nghiệm canh tác đến đồng bào dân tộc ít người trình độ thâm canh không cao vẫn trồng cà phê rất có hiệu quả, điều đó nói lên rằng đây là cây rất dễ trồng, đặc biệt ở vùng phía bắc Hướng Hoá, những nơi có độ dốc không quá 30%. Theo đánh giá của khách hàng, chất lượng cà phê Hướng Hoá rất cao, rất được khách hàng ưa chuộng nhưng hiện tại so với nhiều địa phương khác, giá bán của cà phê Hướng Hoá vẫn thấp hơn nhiều do sản phẩm chưa được quảng bá, xây dựng thương hiệu. Xác định cây cà phê là loại cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế -xã hội địa phương phát triển, nhiều năm qua huyện Hướng Hoá đã có nhiều động thái tác động hỗ trợ xây dựng vùng chuyên canh, hỗ trợ người trồng cà phê ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản sạch. Việc tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm ngay tại địa bàn đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển vùng nguyên liệu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tuy nhiên với một vùng giàu tiềm năng lợi thế để phát triển cây cà phê như Hướng Hoá thì những việc làm vừa qua vẫn còn rất khiêm tốn nếu như không nói là chưa có một chiến lược dài hơi cho việc phát triển vùng cây công nghiệp này. Có thể nói, cây cà phê từ bao đời nay vẫn chung thuỷ với người dân Hướng Hoá, ngày xưa đã từng có một thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng thì giờ đây trong thời buổi hội nhập không lý gì một sản phẩm có uy tín như cà phê Hướng Hoá lại ít được thị trường biết đến vì khi xuất khẩu phải mang tên một thương hiệu khác. Cũng cần phải nói rằng, cây cà phê là “cứu tinh” của không ít hộ gia đình nơi đây, đã có nhiều câu chuyện về những đại gia buôn lậu một thời lừng lẫy, khi khánh kiệt được cây cà phê vực dậy, còn chuyện các hộ đồng bào dân tộc ít người, hộ đồng bào kinh tế mới giàu lên nhờ cây cà phê thì nhiều vô kể. Nếu vùng Khe Sanh và bắc Hướng Hoá nổi tiếng với cây cà phê catimor thì vùng nam huyện và Lao Bảo lại phong phú với nhiều loại cây trồng đã góp phần giúp người dân xoá đói giảm nghèo như sắn, chuối, xoài và mới đây đã chứng kiến sự có mặt của cây cao su rất nhiều triển vọng ở A Dơi. Nhưng trước hết phải kể đến cây sắn nguyên liệu ở vùng Lìa. Với vùng đất mênh mông và khí hậu đặc thù, vùng Lìa gồm 7 xã xưa nay vẫn được xem là vùng “rốn sắn”. Nếu như trước đây cây sắn được xem là cây lương thực chống đói cho đồng bào vùng cao thì giờ đây với sự ra đời của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hoá, vị thế của cây sắn vùng Lìa đã nâng lên một tầm cao mới, cây sắn không còn là cây lương thực thông thường mà đã trở thành cây công nghiệp rất có giá trị. Với diện tích trên 4.000 ha, mỗi năm vùng Lìa cung cấp cho nhà máy chế biến tinh bột sắn hàng trăm ngàn tấn sắn nguyên liệu và mang về giá trị hàng hoá trên 100 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đồng bào Vân kiều, Pa kô đã giàu lên nhờ cây sắn như hộ Ắm Vang ở A Xing, Ắm Lý ở A Túc, Kôn Vinh, Pả Hên ở A Dơi, Pả Dỏ ở xã Thanh… Đây là những hộ gia đình có từ 5 đến 7 ha sắn, mỗi năm cung cấp cho nhà máy trên 200 tấn sắn nguyên liệu. So với nhiều loại cây trồng khác thì cây sắn là cây dễ trồng phù hợp với tập quán canh tác và trình độ thâm canh của đồng bào vùng cao, được sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp trong việc khai hoang đất đai cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tập huấn kỹ thuật thâm canh, diện tích vùng sắn nguyên liệu ở vùng Lìa đang ngày càng được mở rộng. Anh Nguyễn Văn Dũng, Quyền Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết, đồng thời với việc phát triển diện tích sắn nguyên liệu, được sự hỗ trợ của dự án đa dạng hoá nông nghiệp, A Dơi đang từng bước đưa cây cao su vào trồng với diện tích ban đầu trên 400 ha và đang tiếp tục mở rộng thêm khoảng 300 ha trong thời gian tới. Anh cho biết thêm, cây sắn nếu độc canh sẽ không có lợi cho đất đai vì thế việc luân canh, xen canh là giải pháp để vùng Lìa phát triển bền vững. Vì vậy những năm gần đây bên cạnh việc đầu tư phát triển cây cao su ở A Dơi, cây cà phê ở Pa Tầng nhiều xã vùng Lìa đã đầu tư phát triển cây lạc, cây ăn quả rất có hiệu quả. Các hộ đồng bào dân tộc ít người ở đây đã thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách linh hoạt. Ở xã Thuận, quá trình đa dạng hoá cây trồng bắt đầu từ việc các hộ gia đình đồng bào miền xuôi lên lập nghiệp ở vùng đất mới này, học theo bà con miền xuôi, đồng bào miền núi cũng đã đưa cây sắn lên “tầm” cây công nghiệp, rồi chuối, xoài, dứa, hồ tiêu, cà phê đã trở thành hàng hoá mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống no đủ. Chỉ riêng cây xoài, một loại cây khá phù hợp với điều kiện khí hậu vùng biên giới này mỗi năm cũng mang về cho người dân hàng trăm triệu đồng, cây xoài đã khẳng định được lợi thế của nó trên những vườn đồi vườn rừng, chỉ tiếc một điều do ít được quan tâm nghiên cứu, nâng cấp cải tạo nên cây xoài ở Hướng Hoá hầu hết đã thoái hoá, lai tạp do đó năng suất, chất lượng, sản lượng đều rất thấp không thể cạnh tranh được trên thị trường. Nhiều người cho rằng cây xoài là một cây có thế mạnh ở vùng Lao Bảo, Lìa và thực tế đã khẳng định tính thích nghi của nó. Điều thú vị là vụ thu hoạch xoài ở đây lại trái vụ với các tỉnh phía nam do đó nếu tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn thì việc mở rộng diện tích để biến cây xoài thành cây hàng hoá là rất triển vọng. Bên cạnh cây xoài thì chuối cũng là một cây chủ lực góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhiều gia đình vùng Tân Thành, Tân Long, xã Thuận, xã Thanh và thị trấn Lao Bảo. Với diện tích gần 300 ha tập trung ở chân đèo Lao Bảo, hàng chục năm qua cây chuối đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập không nhỏ, chuối không những xoá đói giảm nghèo mà đã góp phần làm giàu cho không ít nông hộ ở đây. Vì lẽ đó đã có nhiều hộ trước đây chuyên nghề buôn lậu nay đã chuyển sang lập trang trại trồng chuối và đang trở thành triệu phú. Quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng đa dạng hoá cây trồng ở Hướng Hoá không phải là một sự vội vàng, áp đặt theo ý chí chủ quan của con người mà là một quá trình chọn lọc thận trọng và không kém nhọc nhằn. Việc khẳng định thế mạnh ba vùng, vùng cà phê phía Bắc, vùng sắn nguyên liệu phía Nam và vùng cây ăn quả ở Lao Bảo là kết quả của nhiều năm tìm tòi, trăn trở để tìm ra hướng đi phù hợp. Thực tế đã chứng minh sự đúng đắn của việc quy hoạch này bằng chính hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Là một huyện miền núi có trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, với 15 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, nhưng những năm qua bằng sự vươn lên từ việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm mũi nhọn, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, Hướng Hoá là huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh nhất tỉnh, bình quân giảm 5%/năm. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn dưới 15%, riêng đối với 13 xã đặc biệt khó khăn tỷ lệ đói nghèo cũng giảm đáng kể, từ 72,27% năm 2006, xuống còn gần 30% như hiện nay. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC