Cập nhật: Thứ 2, 16/07/2012 | 10:08 GMT+7

Hợp tác để phát triển du lịch trên hành lang kinh tế Đông – Tây

(QT) - Với tiềm năng du lịch sẵn có cùng lợi thế là tỉnh đầu cầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây, Quảng Trị là đầu mối, điểm giao lưu, kết nối giữa 3 sản phẩm du lịch quan trọng, đó là: Du lịch Hành lang kinh tế Đông -Tây, Con đường Di sản, Con đường huyền thoại. Những năm gần đây, Quảng Trị đã hình thành thêm các chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Một ngày ăn cơm 3 nước”, du lịch Caravan và các chương trình du lịch tiêu biểu khác...bước đầu tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước. Hành lang kinh tế Đông- Tây hơn 10 năm qua mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương thành viên, trong đó hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã đem lại những kết quả khả quan. Các tỉnh trên hành lang quyết tâm cùng nhau biến hành lang Đông- Tây trở thành hành lang kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ mang sắc thái độc đáo và hiệu quả. Đây là khu vực đa sắc tộc, có các nền văn hóa đa dạng, phong phú, có nhiều danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng được quốc tế công nhận. Việc khai thác có hiệu quả tuyến du lịch qua Hành lang kinh tế Đông- Tây không những đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mà còn góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, lợi ích cho ngành du lịch của các địa phương trên tuyến hành lang, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương.

Đoàn nghệ thuật tỉnh Savanakhet (Lào) biểu diễn tại Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á, Quảng Trị - 2007

Ở các tỉnh thuộc Vương quốc Thái Lan nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây đều có các di tích lịch sử gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh của người bản địa từ lâu được đưa vào khai thác tại các tuor, tuyến du lịch và đã đem lại những thành công bước đầu trong việc quảng bá hình ảnh khu vực vùng đông bắc Thái Lan đến với bạn bè gần xa. Đặc biệt, để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, Danh nhân Văn hóa Thế giới, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trên khu đất rộng hơn 10.000 m 2 tại làng Ban May, thuộc tỉnh Nakhon Phanom. Nơi đây có gian tưởng niệm để bà con Việt kiều dâng hương viếng Bác trong dịp lễ, tết. Nhà di tích mô phỏng khắc họa thời kỳ Bác đến Thái Lan hoạt động và sống ở đây năm 1928 – 1929 và đầu năm 1930. Bên cạnh đó, phục dựng khung cảnh thiên nhiên như cây khế, cây dừa Bác đã trồng, tạo không gian để nhớ lại hình ảnh ngôi nhà Bác từng sống và làm việc. Tháng 7/1928, để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Thời gian ở đây, mọi người gọi thân mật Bác là Thầu Chín (tức là Ông già Chín). Những ngày tháng ở làng Nọng Ôn, Thầu Chín đã được bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan đùm bọc. Năm 2002, chính quyền Thái Lan và Hội người Việt tỉnh Udon Thani đã phục hồi, xây dựng và phát triển nơi đây thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu, học tập lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc xây dựng Khu tưởng niệm đáp ứng mong mỏi của bà con người Việt, những tình cảm, sự ngưỡng mộ của cộng đồng người Thái đối với Bác Hồ kính yêu và với dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những địa chỉ “Theo chân Bác” của du khách Việt Nam khi có dịp đi qua vùng đông bắc Thái Lan. Đối với Savanakhet, thành phố lớn thứ hai nước Lào sau thủ đô Viên Chăn cho đến thời điểm này vẫn giữ được một không gian bình yên gợi nhớ những năm đầu của thế kỷ 20 với những dãy phố cổ kính. Nơi đây còn có tháp Ing Hang, nhà đá Huan Hine, đền Phone, bảo tàng khủng long, thư viện cổ Hortai Pitok lưu giữ bản thảo viết tay những bài ca truyền thống của các bộ tộc Lào trên tấm lá cọ. Đặc biệt, chỉ cần qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo không xa, du khách đã có thể tham quan Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 75.000 m 2 tại Bản Đông, huyện Sêpôn, nơi tuyến đường số 9 đi qua. Công trình giúp nhân dân hai nước hiểu rõ hơn tình đoàn kết chiến đấu Lào-Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất của mỗi nước. Ngày 28/5/2012, tại thành phố Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ủy ban Chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) đã tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ trưng bày “Bảo tàng truyền thống liên minh chiến đấu Lào - Việt trong chiến thắng Đường 9- Nam Lào”. Theo văn bản thỏa thuận, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ tỉnh Savannakhet dự án trưng bày các hiện vật về truyền thống đấu tranh của 2 dân tộc, cùng với các loại vũ khí, khí tài mà quân và dân hai nước đã sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến dịch Đường 9 - Nam Lào cũng như các chiến lợi phẩm thu được qua chiến dịch. Các hiện vật trên sẽ được trưng bày tại Bảo tàng truyền thống liên minh chiến đấu Lào - Việt trong chiến thắng Đường 9- Nam Lào. Thông qua việc hỗ trợ trưng bày các hiện vật tại Bảo tàng liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào càng thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em trong đấu tranh cũng như trong hòa bình xây dựng quê hương, đất nước. Gần đây, Ban thực hiện dự án phát triển du lịch Mê kông tỉnh Quảng Trị, Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh và đại diện các cơ quan chức năng cấp tỉnh phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Savanakhet, huyện Sê Pôn (CHDCND Lào) và các doanh nghiệp lữ hành tỉnh Quảng Trị tổ chức chuyến khảo sát thực địa để xây dựng và đưa vào khai thác tour du lịch đến Bản Đông thuộc huyện Sê Pôn cho du khách trong và ngoài nước có nhu cầu tham quan và hoài niệm chiến trường xưa tại một địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971, ghi đậm chiến công của liên minh quân giải phóng Việt – Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung vì độc lập dân tộc của mỗi nước. Nơi đây có các địa danh nổi tiếng như cầu treo Hữu Nghị trên sông Sê Pôn, tuyến đường Hồ Chí Minh trên đất bạn Lào do Bộ đội Trường Sơn xây dựng dài hơn 1.500 m được ngành du lịch tỉnh bạn bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trong tương lai gần, việc mở tuor du lịch sang Bản Đông sẽ được triển khai. Những năm qua, Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á là bước khởi động tích cực cho vấn đề khai thác du lịch tiểu vùng sông Mê kông, thu hút một lượng khách đông đảo đến Quảng Trị và tạo thành đầu mối đưa khách đến các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung. Cùng với thông điệp của Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á, Lễ Tri ân tháng 7, Lễ hội Đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ vào 18 giờ các đêm 14 (âm lịch) hàng tháng trong năm tại Nhà hành lễ và Bến thả hoa bên sông Thạch Hãn cũng đang dần trở thành một mỹ tục tốt đẹp, một hoạt động tri ân thiêng liêng, thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham dự. Trong chương trình Lễ hội văn hóa du lịch Nhịp cầu xuyên Á- Quảng Trị 2012, sự hợp tác để phát triển du lịch trên Hành lang kinh tế Đông-Tây được nâng lên một tầm cao mới, đi vào thực chất hơn. Bên cạnh Liên hoan nghệ thuật do các địa phương trong nước và các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc biểu diễn tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt nhằm quảng bá tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực này, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á cũng sẽ diễn ra hết sức sôi động. Những hoạt động chính là Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tư thương mại – du lịch năm 2012 với chủ đề “Quảng Trị - Hội nhập và Phát triển”, dự kiến thu hút từ 400- 450 gian hàng đến từ các tỉnh, thành phố trong nước và các nước Lào, Thái Lan; Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác phát triển kinh tế - du lịch tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây”; Hội nghị thường niên hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh: Mukdahan – Savanakhet – Quảng Trị mở rộng thêm một số địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây. Bên cạnh đó, các tour du lịch Hành lang kinh tế Đông – Tây; Du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội; Du lịch sinh thái biển và văn hóa tâm linh; chương trình Famtip và các hoạt động thể thao du lịch khác cũng sẽ diễn ra trong toàn bộ thời gian lễ hội. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Để phát triển du lịch một cách bền vững cần có sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương. Thực tế quá trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị, Savanakhet và Mukdahan về phát triển du lịch cho thấy cần thiết tiếp tục phối hợp về chính sách, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư và thúc đẩy du lịch phát triển. Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Caravan du lịch năm 2023: Sắc màu và dấu ấn
22:25 30/12/2023

Trung tuần tháng 9/2023, tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình Caravan du lịch năm 2023 với chủ đề “Sắc màu Quảng Trị” và Hội thảo Kết nối du lịch Quảng Trị ...

Khởi sắc Tà Rụt

Khởi sắc Tà Rụt
10:45 tối qua

QTO - Mặc dù là địa phương ở vùng núi, phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng những năm gần đây, bức tranh KT-XH ở xã Tà Rụt, huyện...

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững
10:35 tối qua

QTO - Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, hình ảnh người phụ nữ không chỉ gắn liền với gian bếp, thửa...

Tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu

Tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu
04:57 11/07/2012

(QT) - Hiện nay gần 22.000 ha lúa hè thu đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Thời tiết khá thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển, song cũng là điều kiện thuận lợi cho...

Phát triển kinh tế nông thôn ở Vĩnh Thủy

Phát triển kinh tế nông thôn ở Vĩnh Thủy
04:01 10/07/2012

(QT) - Chúng tôi trở lại Vĩnh Thủy vào những ngày mà Đảng bộ và nhân dân địa phương này đang nô nức trong niềm vui lớn khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động...

POWERED BY
Việt Long