{title}
{publish}
{head}
Hướng đến Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Trị lần thứ IV năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị có các văn bản chỉ đạo, giao Báo Quảng Trị chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cuộc thi viết trên báo Quảng Trị về chủ đề: “Những tấm gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị”. Cuộc thi diễn ra từ tháng 6 đến hết tháng 10/2024.
Những tác phẩm dự thi đăng trên báo Quảng Trị - Ảnh: Đ.T
Hiện thực sống động của vùng đồng bào DTTS Quảng Trị là đề tài hấp dẫn của báo chí
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu có căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”. Câu nói đó của Bác Hồ không chỉ là lời khẳng định tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta, mà còn là tình cảm bao la mà Bác Hồ dành cho đồng bào các DTTS Việt Nam, trong đó có đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị.
Vùng miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 314.000 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 44 xã, thị trấn, trong đó có 31 xã là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thuộc địa bàn hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã, bản ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ.
Người DTTS tỉnh Quảng Trị rất vinh dự được mang họ Hồ của Bác. Đồng bào DTTS nơi đây có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đặc trưng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và những vùng đồng bào DTTS sinh sống có sông núi hữu tình, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cảnh quan tươi đẹp....
Trong sự nghiệp đổi mới, việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng khối đại đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS và miền núi là chủ trương lớn, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng.
Điều đó được thể hiện qua nhiều chính sách đã ban hành, các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn; cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Nhờ vậy những năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt.
Để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, còn có sự đóng góp không nhỏ của chính những tập thể, cá nhân vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần làm cho những miền quê, bản làng thêm khởi sắc, người dân ngày càng ấm no hơn.
Ở vùng DTTS, miền núi, biên giới, người có uy tín, già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng, giáo viên cắm bản, những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở... đều có vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Nói một cách hình tượng, đây chính là lực lượng đặc biệt, là cầu nối gắn kết giữa ý Đảng với lòng dân và là trung tâm của khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư. Vậy nên, hiện thực sống động của vùng đồng bào DTTS, miền núi Quảng Trị luôn là nguồn đề tài phong phú, hấp dẫn để báo chí khai thác, phản ánh, tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo đội ngũ những người làm báo chuyên và không chuyên tích cực tham gia. Sau 5 tháng phát động cuộc thi, đã có gần 40 tác phẩm viết về 50 gương điển hình tiên tiến được đăng tải trên báo in và báo điện tử, trang facebook của Báo Quảng Trị. Tác phẩm dự thi được thể hiện ở một số thể loại báo chí thu hút sự quan tâm của bạn đọc như phóng sự, ghi chép...
Nhìn chung chất lượng tác phẩm dự giải khá cao. Các tác giả đã có sự đầu tư nghiêm túc trong nghiên cứu, tìm kiếm đề tài, đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh, vùng biên giới để tiếp cận nhân vật, các tổ chức, cá nhân trong vùng để nắm bắt thông tin liên quan, cần thiết, nên bài viết sinh động, hấp dẫn người đọc.
Nội dung các tác phẩm đều tập trung thông tin, tuyên truyền về tập thể, cá nhân là những tấm gương điển hình, tiêu biểu, có sức lan tỏa trong cộng đồng về những mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao trong lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện và vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết...trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị.
Vừa bám sát chủ đề, nhiều tác phẩm đã có cách tiếp cận mới, hấp dẫn, thuyết phục
Một hướng tiếp cận khá rõ trong các tác phẩm dự thi lần này đó là tập trung tuyên dương những bậc già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, họ thực sự là những “cây cao bóng cả” của người dân, có những đóng góp quan trọng với bản làng. Về chủ đề này có các tác phẩm như: “Để đổi mới bản làng, “đất vàng” cũng hiến”; hay “Hiến “tấc vàng” để bản làng phát triển” của tác giả Nguyễn Hà Trang, Lê Đức Việt, đã nêu gương sáng của ông Hồ Vai, thôn Làng Vây, xã Tân Long và ông Hồ Văn Tỉu ở thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Hai ông đã hiến hàng trăm mét đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Tác phẩm “Hồ Văn Mắt - “Điểm tựa” của bản làng” của tác giả Lê Thanh Trúc viết về anh Hồ Văn Mắt, Bí thư Chi bộ thôn Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông luôn nỗ lực bảo vệ đường biên, cột mốc tuyến biên giới Việt - Lào, được vinh danh trong chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức vào tháng 6/2024 tại Hà Nội...
Về những tấm gương cống hiến hết mình cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc, nổi bật có các tác phẩm “Người bác sĩ Pa Kô tận tâm với dân bản” của tác giả Kô Kăn Sương với lời mở đầu súc tích: “Thầy thuốc như mẹ hiền” - lời dạy của Bác Hồ kính yêu luôn được bác sĩ người Pa Kô Trần Văn Thiện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Vao, huyện Đakrông khắc sâu trong tâm suốt gần ba mươi năm gắn bó với nghề y của mình. Ở vùng đặc biệt khó khăn này, mỗi việc làm của bác sĩ Thiện đều chạm vào trái tim của những ai tiếp xúc với ông. Đó là sự gần gũi, ân cần, chu đáo, thương yêu người bệnh và người nhà bệnh nhân như anh em ruột thịt, tận tâm, tận hiến với Nhân dân...Tấm gương của bác sĩ Thiện đã góp phần lan tỏa phong trào thi đua trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ở rẻo cao Quảng Trị.
Tác phẩm “Góp sức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều” của tác giả Nguyễn Trang giới thiệu đến người đọc một nhân vật đặc biệt: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, thầy giáo Hồ Quang Tuyến luôn đau đáu trước thực tế ngôn ngữ dân tộc mình là tiếng Bru - Vân Kiều có nguy cơ mai một dần. Vì thế, thầy đã miệt mài học tập, nghiên cứu và biên soạn nhiều tài liệu quý về ngôn ngữ này. Ngoài ra, thầy Tuyến còn tận tâm giảng dạy tiếng Bru - Vân Kiều cho thế hệ tương lai với tâm niệm góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết và văn hóa của dân tộc mình.
Đặc biệt, phát huy truyền thống “đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân”, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, không ngừng vun đắp, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết quân dân.
Trong đó nổi bật có những cán bộ, chiến sĩ biên phòng tích cực tham gia các phong trào, chương trình, mô hình, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tác phẩm “Người lính “quân hàm xanh” tự hào mang họ Bác Hồ” của tác giả Lê Trường nêu những việc làm bình dị mà cao quý của Đại úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Tầng và Thượng úy Hồ Văn Thủ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Hai anh luôn nỗ lực mang lại cuộc sống bình yên, no ấm cho đồng bào mình. Đại úy Hồ Văn Hữu đã mở 7 lớp học và trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ cho hàng trăm người dân vùng biên giới Việt - Lào ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi; vận động trẻ em đến trường; gần gũi, chăm sóc các “Con nuôi đồn biên phòng” do đơn vị nhận nuôi. Thượng úy Hồ Văn Thủ là người khởi xướng mô hình “Dê giống khởi nghiệp”, nhân rộng mô hình lợn bản giống cho dân, cùng với chỉ huy đồn triển khai các hoạt động an sinh thiết thực như: xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “Ổ bánh mì nơi biên giới”, “Tay kéo biên phòng”, “Tiết học biên giới”; đầu tư 2 hệ thống điện chiếu sáng “Ánh sáng vùng biên”; trao tặng hàng chục “Mái ấm biên cương”; duy trì mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” gần 4 năm nay tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2...
Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm tập trung đề tài là vấn đề đang được dư luận quan tâm như công tác giải phóng mặt bằng. Qua tác phẩm “Bước qua lời nguyền “rừng ma” để nhường đất xây đường cao tốc”, của tác giả Nguyễn Đặng Hạnh Phúc cho thấy, với lối tư duy mộc mạc, bà con Vân Kiều ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường, huyện Gio Linh nghĩ rằng, cao tốc đi thẳng, lại không có chân nên nó không biết tránh, còn mình có chân thì mình tránh nó ra, từ đó bà con ở đây chấp nhận từ bỏ một tập tục cố hữu bao đời để nhường đất “rừng ma” cho nhà nước xây dựng cao tốc Bắc - Nam; đặc biệt hơn nữa khi công tác giải phóng mặt bằng đang gặp ách tắc thì có 2 hộ dân trên tuyến cao tốc đi qua đã sẵn sàng giao diện tích nhà và đất của mình cho nhà nước làm đường khi chưa được áp giá, nhận tiền bồi thường.
Những cá nhân nỗ lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi được thể hiện qua tác phẩm: “Hồ Văn Hư và ước mơ về một hợp tác xã bò nơi miền biên giới” của tác giả Tùng Hoa. Tác phẩm là câu chuyện kể về anh Hồ Văn Hư, ở bản A La, xã A Ngo, huyện Đakrông nhận 1 con bò giống lai sind doTập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trao tặng cho hộ nghèo, nay đã sinh ra 13 con; anh đã vận động đổi đất giữa các hộ để có vùng đất lớn hơn trồng cỏ nuôi bò, nhiều hộ làm theo và đã phát triển được đàn bò.
Anh Hồ Văn Hư còn mong muốn một ngày gần đây sẽ thành lập hợp tác xã nuôi bò. Việc làm này cho thấy, không chỉ ở vùng đồng bằng, mà ở miền núi, đồng bào DTTS hiện đã biết dồn điền đổi thửa, tạo cánh đồng mẫu lớn để phát triển kinh tế. Đây là sự chuyển biến về nhận thức trong định hướng làm ăn, rất đáng được ghi nhận. Trong tác phẩm “Những người “đi trước” ở Vĩnh Ô”, tác giả Trần Tuyền đã giới thiệu hai tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình và có nhiều đóng góp đối với xã hội, đó là anh Hồ Văn Tốt, Bí thư chi bộ, người có uy tín, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thôn Cây Tăm và chị Hồ Thị Hiếu, Trưởng thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh.
Trong tác phẩm “Ngọn đuốc sáng ở thôn Xung Phong”, tác giả Nguyễn Minh Đức cho biết, người dân thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh ví già làng Hồ Phay như ngọn đuốc sáng, bởi những việc làm của ông luôn được xem là mẫu mực và đáng tin cậy. Ông tuyên truyền, vận động bà con chăm lo sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ nhiều hủ tục; là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế. Đồng bào DTTS nơi miền Tây Vĩnh Linh đã theo “ngọn đuốc” đó để học tập, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống...
Ông Nguyễn Tý, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi chủ đề: “Những tấm gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị” nhận định: “Qua những tác phẩm của những người tham gia cuộc thi đã phát hiện, tôn vinh và góp phần làm lấp lánh thêm nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc, hay những đóng góp để xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cuộc thi đã đáp ứng được yêu cầu đề ra và thành công tốt đẹp. Ban giám khảo đã làm việc nghiêm túc, khách quan, lựa chọn 13 tác phẩm báo chí của 13 tác giả để UBND tỉnh quyết định trao giải, trong đó có 1 giải A, 3 giải B, 4 giải C, 5 giải Khuyến khích. Cuộc thi còn mở ra một chiến dịch truyền thông rộng rãi để thiết thực chào mừng, góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Trị lần thứ IV năm 2024.
Đặc biệt, thông qua cuộc thi, những gương điển hình, tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị càng được lan tỏa, nhân rộng, để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn”...
Đan Tâm
QTO - Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng thực hiện khẩn trương, quyết liệt. Để quá trình sắp xếp này...
QTO - Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất...
QTO - Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác tuần tra, bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự khu...
QTO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 điều động, bổ nhiệm ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân...
QTO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm triển khai các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT). Các cấp ủy, chính quyền, tổ...
QTO - Năm 2024, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Trị đã lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do...
QTO - Sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong phong trào có ý nghĩa kinh tế và nhân văn sâu sắc
QTO - Nhằm lan tỏa, lưu giữ những hình ảnh đẹp về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc trong...
QTO - Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, trải qua 94 năm 18/11 (1930 - 2024) ra đời và phát triển, với nhiều tên gọi...
QTO - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp đặc biệt nhằm tôn vinh tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân, đồng thời khơi dậy lòng tự...
QTO - Hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam 22/12 (1944 - 2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD)...
QTO - Những năm qua, công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động (NLĐ) của các cấp công đoàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả đáng...