Cập nhật: Thứ 5, 29/12/2022 | 05:35 GMT+7

Góp phần lan tỏa tầm quan trọng của dạy nghề, học nghề

QTO - Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Quảng Trị tổ chức cuộc thi viết về GDNN tỉnh. Sau hơn 1 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 50 tác phẩm dự thi ở thể loại báo điện tử, chấm và lựa chọn ra 22 tác phẩm để trao 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C và 10 giải khuyến khích.

Góp phần lan tỏa tầm quan trọng của dạy nghề, học nghềMột số tác phẩm tham gia cuộc thi về giáo dục nghề nghiệp đăng trên báo Quảng Trị -Ảnh: H.N

GDNN không những trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học, mà còn tạo ra lực lượng quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Thời gian qua, GDNN ở Quảng Trị đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, thông tin về GDNN chưa đến với đông đảo các bậc phụ huynh, học sinh; nhiều trường nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh; doanh nghiệp chưa tham gia hiệu quả trong GDNN…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều người chưa coi trọng việc học nghề, cho rằng học đại học là con đường duy nhất để tạo dựng tương lai. Bên cạnh đó, công tác truyền thông chưa được chú trọng đẩy mạnh, chưa nêu bật được ý nghĩa thiết thực, vai trò quan trọng của GDNN trong đời sống xã hội.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác truyền thông về GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Quảng Trị triển khai cuộc thi viết về GDNN tỉnh. Tuy được phát động trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên, biên tập viên Báo Quảng Trị, cộng tác viên và cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN trong tỉnh.

Các tác phẩm dự thi đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, GDNN. Nhiều tác phẩm thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong tìm kiếm đề tài và cách thức thể hiện.

Các tác phẩm dự thi lần này đã nêu bật được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của GDNN trong các lĩnh vực phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội bền vững của địa phương; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; GDNN gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như hoạt động đào tạo nghề trong các nhà trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Một số tác phẩm đã tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình, xuất sắc trong công tác GDNN; tôn vinh người có kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp, những người thầy “không bục giảng”, tận tụy với công tác dạy nghề, truyền nghề cho học viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Thời gian qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã áp dụng linh hoạt và đa dạng phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động và năng lực tư duy, sáng tạo của người học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo được triển khai ở hầu hết các cơ sở GDNN như ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác quản lý đào tạo (từ khâu quản lý công tác tuyển sinh; xây dựng, quản lý kế hoạch đào tạo; quản lý kết quả đào tạo; quản lý văn bằng tốt nghiệp...).

Phản ánh về công tác này, tác phẩm “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức” (loạt 3 bài của tác giả Minh Đức) đã khẳng định: nhờ triển khai các hoạt động đào tạo trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học và công tác kiểm tra, đánh giá của các cơ sở GDNN nên hiệu quả công tác quản lý của các cơ sở GDNN ngày càng được nâng lên.

Hiệu quả rõ nét từ hoạt động này mang lại là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, tác phẩm cũng đã đề cập đến sự quan tâm của các cơ sở GDNN trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng như đánh thức khả năng sáng tạo và áp dụng chuyển đổi số theo vị trí việc làm.

Nhiều cán bộ, giáo viên chủ động trang bị các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết và các đề tài, sáng kiến khoa học đưa công nghệ số vào quản lý, giảng dạy mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh kết quả đạt được, tác phẩm cũng đã nêu lên những khó khăn gặp phải trong quá trình chuyển đổi số của các cơ sở GDNN, từ đó đề xuất giải pháp để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Bàn về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong hoạt động GDNN, tác phẩm “Nối bền chặt sợi dây liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp” (loạt 2 bài của tác giả Lâm Thanh) đã khẳng định: gắn kết chặt chẽ giữa GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động là 1 trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá mà Thủ tướng Chính phủ xác định trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021.

Xét ở nhiều góc độ, sự liên kết này không chỉ có ý nghĩa với người học mà còn với nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. Tác phẩm phản ánh khá toàn diện về mối quan hệ này tại Quảng Trị trong những năm qua, tuy mới hình thành nhưng mang lại kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Trong xu thế hiện nay, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là mối liên kết chặt chẽ không thể thiếu trong GDNN. Nhà trường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường.

Trong quá trình tham gia, doanh nghiệp sẽ góp ý cho nhà trường về chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn công việc của doanh nghiệp. Nhà trường giảm chi phí đào tạo, chi phí nguyên vật liệu, máy móc, hoàn thiện chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Mối tương quan này tạo ra môi trường thuận lợi cho người học, nhà trường đảm bảo đầu ra cho sinh viên, doanh nghiệp chủ động được nguồn cung lao động. Để tạo được sợi dây liên kết này, tác phẩm đã đặt ra vấn đề cần phải có sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.

Với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan và tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống thông qua công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Nhiều mô hình hay đã được ghi nhận trong loạt bài 2 kỳ của tác giả Tây Long: “Mở lối cho người khuyết tật”. Không phụ sự quan tâm, hỗ trợ, thời gian qua, nhiều người khuyết tật trong tỉnh đã vươn lên, học nghề và làm nghề để có cuộc sống ổn định hơn. Không những thế, họ còn chung tay hỗ trợ nhiều người đồng cảnh; đóng góp cho sự phát triển KT-XH địa phương, doanh nghiệp; lan tỏa nguồn năng lượng tích cực…Việc nhân rộng những điển hình như thế cần được chú trọng.

Với thông điệp: “Giáo dục nghề nghiệp - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, nhiều mô hình hay, nhiều tấm gương tốt được thể hiện qua các bài viết tham gia cuộc thi như: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (loạt 2 bài của tác giả Trúc Phương); “Những người thầy không bục giảng” (tác giả Trần Tuyền); “Học nghề mô hình 9+: Thực học, thực hành, thực nghiệp” (nhóm tác giả Hà Trang - Thanh Trúc); “Từ học nghề đến thành công: Người trẻ cần được tiếp sức” (loạt 2 bài của tác giả Thu Thảo)...

Các bài dự thi được ban tổ chức đăng tải trên báo Quảng Trị điện tử và nhận được nhiều lượt tương tác, theo dõi, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả với những phản hồi tích cực. Trong gần 50 tác phẩm dự thi có 8 loạt bài từ 2-3 kỳ, thể hiện sự đầu tư về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Tất cả các tác phẩm dự thi đều thể hiện sự tâm huyết đối với công tác GDNN trên địa bàn tỉnh. Tuy lần đầu được tổ chức và thời gian phát động ngắn nhưng thành công mà cuộc thi viết về GDNN tỉnh mang lại đó là góp phần lan tỏa ý nghĩa thiết thực, tầm quan trọng của công tác dạy nghề - học nghề trên địa bàn tỉnh.

Hoài Nam


Hoài Nam

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Ước mong có một cây cầu

Ước mong có một cây cầu
22:50 25/12/2022

QTO - Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Pa Kô của bản Trại Cá, Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đakrông) hằng ngày phải dùng săm xe ô tô bơm đầy hơi vượt sông...

Thời tiết

18°C - 23°C
Nhiều mây, không mưa
  • 17°C - 23°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 23°C
    Có mây, có mưa rào
POWERED BY
Việt Long