Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên: “Vẽ đường” cho “hươu” chạy an toàn
(QT) - Dọn phòng con gái, chị Lan tần ngần khi bắt gặp cuốn sổ có bìa màu vàng rất đẹp nằm dưới gối con, nửa muốn mở ra xem, nửa lại sợ con gái giận khi biết mẹ tò mò vào chuyện riêng của nó. Con gái chị là sinh viên năm hai của một trường đại học, tranh thủ mấy ngày nghỉ cuối tuần về thăm ba mẹ. Khi quay lại trường, chắc vội vàng nên con bé mới để quên cuốn nhật ký, vật bất ly thân của nó. Cuối cùng, chị Lan cũng mang cuốn sổ về phòng mình. Vừa đọc, chị vừa tủm tỉm cười, con gái chị quả thật trẻ con. Nhật ký của nó tràn ngập nỗi nhớ ba mẹ, các em, thỉnh thoảng lại giận hờn bạn nào đấy trong lớp vì “rõ ràng sức học của bạn ấy thua mình mà điểm thì đôi khi lại hơn mình”. Chị Lan định gấp cuốn sổ lại để đi soạn bài, nhưng những trang cuối của cuốn nhật ký khiến chị chú ý. Con gái chị đang kể câu chuyện của một đứa bạn thân bị mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến học hành sa sút và sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng. Rõ ràng, con gái chị rất xót xa cho bạn và nó luôn lặp đi lặp lại câu hỏi: “Sống thử có hấp dẫn hay không mà bạn mình, và rất nhiều những người khác xung quanh mình đều chọn lựa? Mình thực sự băn khoăn, hỏi bạn, bạn nói dĩ nhiên đó là giải pháp tốt để lựa chọn một người bạn đời ưng ý trước khi tiến đến hôn nhân.
 |
Học sinh cần được trang bị những kiến thức về giới tính ngay từ trong nhà trường. |
Hỏi mẹ, người mình gần gũi nhất thì mình lại không dám, mình sợ mẹ mắng vì không chịu tập trung vào việc học…”. Chị Lan lặng người. Quả thực lâu nay, vấn đề mà chị quan tâm nhất ở con là kết quả học tập, còn những chuyện khác chị hầu như không đả động tới. Chị vẫn có suy nghĩ cổ hũ rằng, nếu mình nói ra những điều đó, con gái sẽ bận tâm và xao nhãng việc học. Nhưng đọc những dòng tâm sự của con, chị thấy suy nghĩ của mình hoàn toàn sai lầm. Con gái chị đã lớn, và nó cần được giáo dục những kiến thức về giới tính để tự bảo vệ mình. Chị Lan xin nghỉ dạy, thu xếp hành lý vào thành phố thăm con. Nơi con gái chị ở là khu nhà trọ khá sạch sẽ. Thấy mẹ vào thăm đột xuất, con gái chị rất vui. Cô bé ở một mình, phòng ốc ngăn nắp, gọn gàng. Buổi tối, chị ngỏ ý muốn đi dạo một vòng quanh khu nhà trọ thì con gái ngập ngừng bảo: “Mẹ mới vào, đi đường mệt nên tranh thủ nghỉ sớm, hôm khác đi cũng chẳng sao?”. Chiều ý con, nhưng chị cũng ngầm quan sát các phòng xung quanh. Rất nhiều phòng có cả con trai, con gái ở chung và chỉ hơn 7 giờ tối nhưng các phòng đó đều đóng cửa. Chị thắc mắc, không lẽ các cô các cậu sinh viên đi ngủ sớm, không hề ôn bài vở gì sao? Con gái học xong, sà vào lòng mẹ như hồi còn nhỏ. Nó huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện lớp, chuyện trường đến chuyện bà chủ nhà lúc nào cũng nói sa sả nhưng vô cùng tốt bụng, cả những bạn ở cùng nó trong khu nhà trọ…Nghe con gái nhắc đến chuyện ở khu nhà trọ, chị Lan liền đem thắc mắc của mình ra hỏi. Cô bé ngập ngừng khá lâu rồi nói: “Các bạn ấy đều có người yêu, họ sống chung với nhau đấy mẹ ạ, các bạn con bảo như thế là sống thử đấy.” “Con thấy việc sống chung đó có tốt không, nhất là trong lứa tuổi của các con?”. “Con không biết, nhưng con thấy có nhiều bạn ủng hộ lối sống đó lắm”. Đêm đó, chị Lan vẫn chưa nói gì nhiều với con. Những ngày sau, chị lặng lẽ quan sát lối sống của các cô, các cậu sinh viên “góp gạo thổi cơm chung”. Là một người mẹ, chị cảm thấy đau lòng. Các em đều là sinh viên năm 2, năm 3, non nớt và đáng yêu như con gái chị. Vậy mà đã sớm chấp nhận lối sống thử, không hề nghĩ đến hệ lụy sau này. Cuộc sống của các em, nhất là các em nữ, nếu không có những giờ phút lên giảng đường thì chẳng khác nào một người vợ gồng vai lo toan gánh nặng gia đình. Không biết nơi quê nhà, các bậc làm cha, làm mẹ có biết con mình đang đánh đổi tương lai bằng một quan niệm sống sai lầm không? Chị Lan có người bạn thân làm ở một Bệnh viện phụ sản lớn. Mỗi lần gặp, cô luôn trăn trở trước tình trạng trẻ vị thành niên vào bệnh viện nạo phá thai ngày càng tăng. Có cô bé, lần đầu vào viện để giải quyết hậu quả, sợ đến nỗi chân bước không vững. Được chị khuyên bảo, cô bé hứa lần sau sẽ không dại dột như thế nữa. Nhưng lần sau, tình cờ bạn chị lại thấy cô bé vào viện, lần này, bước chân của cô bé bớt run hơn. Đau lòng hơn, có những em quan hệ với người nghiện ma túy, khi vào viện, được bác sĩ tư vấn nên đi xét nghiệm HIV đã bị hoảng loạn tinh thần. Trước đó, các em hoặc quá chủ quan, hoặc quá tin tưởng vào người mình yêu đã không áp dụng một biện pháp nào khi quan hệ tình dục. Chính sự thiếu hiểu biết đó khiến rất nhiều người bị lây nhiễm HIV và một số bệnh qua đường tình dục khác. Theo bạn chị, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân cơ bản vẫn là giới trẻ chưa được giáo dục giới tính một cách bài bản. Lâu nay, các bậc phụ huynh vẫn cố tình né tránh về vấn đề này vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Chương trình giáo dục giới tính trong các chương trình học cũng ít được đề cập tới. Thực tế, cuộc sống ngày một thay đổi kéo theo những đổi thay về tâm sinh lý của con trẻ mà cha mẹ không thể theo kịp. Vấn đề đặt ra là phải trang bị cho con những kiến thức cần thiết để chúng có quyết định và hành vi đúng đắn. Tranh thủ những ngày thăm con, chị Lan đã thẳng thắn trao đổi với con về những chuyện tế nhị mà lâu nay chị cố tình không nói đến. Con gái thấy mẹ thoải mái nên cũng chẳng giấu diếm về những suy nghĩ của mình. Lâu nay, thấy bạn bè xung quanh nhiều người cổ vũ cho lối sống thử, con gái chị có lúc thấy hoài nghi. Bản thân cô bé chưa có người yêu, nên chưa hình dung được cuộc sống đó là như thế nào nhưng đôi khi cũng cảm thấy lung lay vì thấy nhiều người chọn lựa cách sống đó. Giờ nghe mẹ nói, cô mới biết về vô số những hệ lụy, rắc rối mà sống thử đem lại. Trở về nhà, chị Lan vẫn chưa hết bần thần trong người. Chị đã chuyển chỗ ở cho con đến một môi trường tốt hơn, đã kịp nói cho con về những điều cần nói…Nhưng còn một điều khiến chị nặng lòng, đó là biết bao đứa trẻ khác đang cần được trang bị những kiến thức tuy đơn giản nhưng vô cùng cần thiết đối với cuộc sống của chúng? Có biết bao người cha, người mẹ thẳng thắn trao đổi với con về vấn đề giới tính? Bản thân chị là một giáo viên, nhưng chưa bao giờ chị đưa ra vấn đề đó trước học sinh của mình, cũng chỉ vì tư tưởng sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng nếu “vẽ đường” mà “hươu” chạy an toàn thì cũng nên làm. Thực tế cho thấy, giáo dục giới tính vào độ tuổi của con gái chị là hơi muộn. Cần phải trang bị những kiến thức về giới tính từ khi trẻ còn vị thành niên vì đây là một giai đoạn phát triển rất nhanh về thể chất, tâm sinh lý và tinh thần. Nhiều thói quen người lớn xuất phát từ những thói quen dung nhập trong giai đoạn vị thành niên như hành vi tình dục, rượu chè, ma túy...Rất nhiều em do không có những kiến thức cơ bản về giới tính đã phải đối mặt với nguy cơ có thai ngoài ý muốn, AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là giáo dục như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Điều cần thiết theo chị Lan đó là phải có sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đồng thời cần có những chương trình huấn luyện cho các đối tượng trên về các vấn đề liên quan đến tình dục ở trẻ vị thành niên, cách giao tiếp cởi mở, chân thành, tôn trọng và có hiệu quả đối với trẻ. Bải, ảnh: HOÀI NAM