Cập nhật: Thứ 2, 18/08/2008 | 10:18 GMT+7

Giám sát chương trình 134, 135 và hoạt động dạy học ở các trường dân tộc nội trú

Trong 3 ngày từ 14 đến 16/8/2008, Hội đồng Dân tộc Quốc hội khoá XII do đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn đã có đợt giám sát tình hình thực hiện chương trình 134, 135 giai đoạn II và tình hình tổ chức hoạt động của các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Tham gia làm việc với đoàn, về phía tỉnh có các đồng chí Nguyễn Đức Chính, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các ngành: Ban Dân tộc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục- Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các địa phương, trường học mà đoàn đến làm việc.

Đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Thành Dũng
Tại Hướng Hoá, lãnh đạo huyện cho biết, đến nay, chương trình 134 và 135 giai đoạn II bước đầu đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi, đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 43,2% thì đến cuối năm 2007 chỉ còn 25,2%. Việc đầu tư khai hoang hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Trong quá trình thực hiện, huyện đã vận dụng lồng ghép nhiều chương trình, dự án nên đạt hiệu quả cao. Hiện nay, 100% xã có đường ô tô về đến trung tâm xã, đường liên thôn liên bản từng bước được đáp ứng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng dọc tuyến biên giới. Trường học được đầu tư xây dựng khang trang, thiết bị dạy học từng bước được đáp ứng, bước đầu đảm bảo chất lượng dạy và học cũng như tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Tại Đakarông, lãnh đạo huyện cho biết, đến nay, sau gần 3 năm thực hiện chương trình này tuy còn gặp nhiều kho khăn do địa hình đồi núi cao, quỹ đất ít nhưng bước đầu vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Toàn huyện đã xây dựng được 15 công trình, trong đó 3 công trình cấp điện sinh hoạt, 11 công trình giao thông nông thôn và 1 công trình cấp nước sinh hoạt đã tháo gỡ những khó khăn cho nhân dân nơi đây rất lớn. Căn cứ mục tiêu của chương trình và tình hình thực tế của địa phương, huyện đã phân bổ nguồn vốn về các xã đúng trọng tâm, trọng điểm phát huy hiệu quả. Cùng với việc phân bổ vốn, huyện cũng đã hỗ trợ cán bộ chuyên môn các phòng, ban chức năng giúp xã hoàn thành tốt vai trò của một chủ đầu tư. Tuy nhiên, riêng hỗ trợ công cụ sản xuất cho người dân còn nhiều bất cập. Đó là, việc bố trí đầu tư hàng chục chiếc máy cày cầm tay, hàng chục máy xay xát lúa cho các thôn không có ruộng nước cũng không có lúa để xay xát nên không phát huy hiệu quả, gây lãng phí của Nhà nước. Sau khi khảo sát tình hình thực tế ở xã A Dơi (Hướng Hoá), A Bung (Đakarông) và làm việc với lãnh đạo 2 huyện này cũng như các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Chính cùng lãnh đạo một số ngành liên quan đã báo cáo kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình, tình hình tổ chức hoạt động của các trường dân tộc nội trú và làm rõ những vấn đề mà Đoàn quan tâm. Riêng đối với chương trình 135 giai đoạn 2, trên địa bàn tỉnh có 27 xã thụ hưởng, trong đó Hướng Hoá 13 xã, Đakarông 10 xã, Gio Linh 2 xã và Vĩnh Linh 2, gần 11.000 hộ nằm trong chương trình với tổng kinh phí hơn 85.194,0 triệu đồng (kinh phí đã giao trong 3 năm 2006-2008). Qua 2 năm thực hiện, nhờ làm tốt công tác quản lý, phân bổ nguồn vốn cũng như kiểm tra, giám sát chặt chẽ...nên kết quả thực hiện bước đầu đáng khích lệ. Tỷ lê hộ nghèo các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn giảm từ 74,47% năm 2006 xuống còn 48,8% vào đầu năm 2008 (theo chuẩn mới). Tỷ lệ hộ dùng nước sạch, điện sinh hoạt, trẻ em đến trường... đạt cao. Tình hình chính trị, xã hội, an ninh- quốc phòng được giữ vững. Nhờ đó, 7 tháng đầu năm 2008, đã có 7 xã ra khỏi chương trình 135. Công tác đào tạo con em là người đồng bào dân tộc được chú trọng nên chất lượng ngày càng được nâng cao. Hiện có hơn 1.100 em đang theo học các trường nội trú trong tỉnh, trong đó THPT 293 em. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn gặp nhiều khó khăn như văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm nên khi triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, nhất là đối vơi dự án hỗ trợ sản xuất. Công tác giải ngân cấp phát vốn mặc dù chỉ tiêu phân bổ kế hoạch hàng năm vào tháng 12 năm trước nhưng công tác thông báo hạng mục đầu tư, tư vấn, khảo sát thiết kế dự toán - kỹ thuật, phê duyệt thẩm định đầu tư kéo dài dẫn đến triển khai thi công vào cuối năm gặp thời tiết không thuận lợi... Qua đó, UBND tỉnh đề nghị Trung ương thông báo vốn sớm để địa phương thực hiện. Trung ương cần có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường đến hộ gia đình. Phân cấp cho UBND các tỉnh về quyết định cơ cấu vốn đầu tư hỗ trợ trong dự án phát triển sản xuất để việc thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương đó. Trung ương cần có văn bản hướng dẫn kịp thời, nội dung đơn giản, phù hợp dễ thực hiện như đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học, dự án đào tạo cán bộ xã, thôn. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Giàng A Chu đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện tốt mục tiêu của chương trình và hoạt động dạy - học của các trường dân tộc nội trú. So với nhiều địa phương khác trong cả nước đang thụ hưởng chương trình này, Quảng Trị đã có không ít kết quả vượt cao hơn. Đó là, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh, đời sống của đồng bào dân tộc từng bước được nâng cao, xoá dần khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược. Tuy nhiên, để thực hiện đảm bảo tốt và về đích sớm mục tiêu mà chương trình đề ra, tỉnh cần rà soát lại các chương trình dự án để có kế hoạch lồng ghép thích hợp trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, tỉnh cần đánh giá một cách chính xác những việc đã làm và kế hoạch sắp triển khai để có cách làm và bước đi phù hợp hơn, tránh đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, dài trải vốn gây thất thoát và không hiệu quả. Chú trọng đến công tác khai hoang để tạo quỹ đất sản xuất hỗ trợ cho hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất. Trong quá trình phân cấp chủ đầu tư, tỉnh, huyện cần đặt phương châm của dự án là, xã có công trình, do đó yêu cầu phân cấp cho xã làm chủ đầu tư lên hàng đầu. Do năng lực quản lý, giám sát của cán bộ một số xã còn hạn chế nên tỉnh, huyện, các ngành có kế hoạch tăng cường cán bộ kỹ thuật giúp xã làm tốt vai trò của một chủ đầu tư. Đối với công tác duy tu bảo dưỡng công trình đã đưa vào sử dụng, mặc dù chương trình không bố trí nguồn kinh phí này nhưng các địa phương xem xét có kế hoạch bố trí để thực hiện. Đối với công tác đào tạo con em và cán bộ là người dân tộc nội trú, ngành giáo dục cần chú trọng đến chất lượng. Đặc biệt yếu tố đầu vào (tuyển sinh) một mặt đảm bảo chất lượng, mặt khác phân bổ vùng miền, ưu tiên địa phương vùng sâu vùng xa nhất, địa phương đang thiếu cán bộ. Tăng cường công tác quản lý nội trú, gắn với tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ... Đội ngũ giáo viên ngoài đạt chuẩn phải có tâm huyết với nghề, tâm huyết với học sinh, nắm bắt tốt tâm lý của các em và phong tục tập quán của các dân tộc. Không chỉ tăng cường đào tạo nguồn cán bộ xã mà phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ đang đảm nhận công việc. Nguyễn Vinh


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Vĩnh Linh: Sẵn sàng cho năm học mới 2008-2009

Vĩnh Linh: Sẵn sàng cho năm học mới 2008-2009
01:28 18/08/2008

Huyện Vĩnh Linh đã hoàn tất mọi công việc chuẩn bị và đang sẵn sàng bước vào năm học mới 2008-2009.  Toàn huyện hiện có 68 trường học (24 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 16...

Thời tiết

28°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 29°C - 35°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long