Gặp “người muôn năm cũ”
(QT Xuân) - Bên gốc phố nhỏ, tôi tình cờ gặp ông, một nhà Nho giữa thời hiện đại và câu thơ quá vãng ngày nào bỗng ngân vang: “ Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua ”. Ông đồ ấy là Đinh Văn Thống (60 tuổi), ở khu phố 6, phường 2, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Nặng lòng với chữ Nho Chiều cuối năm, gốc phố nhỏ nơi ông Thống sinh sống như hối hả, tấp nập hơn bởi dòng người đợi chờ được xin câu đối đón xuân. Căn phòng khách gia đình ông chỉ rộng chừng 20m 2 nhưng đã làm cho người xem choáng ngợp, ấn tượng, bởi hàng chục bức thư pháp, câu đối, những bức tranh cổ. Tất cả đều được viết bằng những nét chữ tinh xảo trên những tấm lũa, giấy đỏ và thậm chí được khắc bằng gỗ. Nhấp chén rượu xuân ấm áp trong tiết trời se lạnh, ông Thống kể về duyên nghiệp đến với chữ Nho của mình. “Tôi đam mê chữ Nho từ tấm bé nên khi lớn lên tôi rất nặng lòng với thứ ngôn ngữ tuyệt diệu này. Nó đơn âm nhưng đa nghĩa và giàu cung bậc cảm xúc. Nó ẩn chứa trong đó cái nét đẹp thời vàng son và cả giá trị chân - thiện - mỹ của người Việt ta”.
 |
Ông đồ Thống viết chữ ngày xuân |
Ông Thống sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại làng An Dạ, xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong). Ông nội vốn là nhà Nho, cha là thầy giáo nên ông sớm được tiếp xúc với việc học chữ. Bên cạnh chữ Quốc ngữ, ông rất mê chữ Nho nên được gia đình khuyến khích theo đuổi. “Năm lên 7 tuổi, tôi đã bắt đầu nói được chữ Nho đến 10 tuổi thì đã biết đọc và tự mài mực, cầm bút cọ viết những nét chữ đầu tiên”, ông Thống kể lại. Khi hiểu được ý nghĩa của chữ Nho khá rành mạch, sâu sắc, ông Thống bắt đầu làm thơ Đường luật, tứ tuyệt gửi các tạp chí và sớm được biết đến với bút hiệu Trúc Sơn. Và cũng nhờ những bài thơ đăng trên các tạp chí ấy, ông đã quen và kết nghĩa phu thê với người con gái đất Quảng Nam Huỳnh Thị Ngọc Hà. “Ngày ấy, tôi mê tài làm thơ và khâm phục sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo chữ Nho của ông đồ Thống nên nguyện kết duyên trăm năm rồi rời xứ Quảng ra đây lập nghiệp cùng chồng”, bà Huỳnh Thị Ngọc Hà kể lại. Giữ cương vị giám đốc xí nghiệp gỗ trong 15 năm liền, đến năm 1992, ông Thống quyết định nhường lại vị trí cho một người khác để theo đuổi niềm đam mê chữ Nho. Nhiều người bảo ông dại, lại có người thấy nể phục ông vì dám dứt bỏ cơm áo, gạo tiền để theo đuổi niềm đam mê. Kể từ ngày rời bỏ chức vụ giám đốc, ông dành hết thời gian cho việc học và nghiên cứu chữ Nho. Ông kể rằng: “Tôi mê mẫn chữ Nho nhiều khi quên cả ăn, cả ngủ. Bất kể ngày hay đêm hễ lúc phát hiện ra cái mới, cái hay của một ngôn từ nào đó là tôi lại bật dậy ghi chép, nghiên cứu”. Năm 1992, ông Thống mở cơ sở điêu khắc chuyên sản xuất nội thất thờ cúng, làm các bức hoành phi, long vị, điêu khắc chữ Nho, viết thư pháp để thỏa chí đam mê. Chữ Nho của ông được biết đến bởi sự tinh xảo và cái hồn lẫn triết lý nhân sinh thổi vào trong từng đường nét. Hơn 30 năm qua, ông không thể nhớ hết là đã viết bao nhiêu câu đối cảnh, chữ thư pháp cho người dân nhưng cứ mỗi lần cho chữ là mỗi lần ông thấy hạnh phúc lạ thường. Ông thường viết những câu đối hay, những bức chữ Nho thờ cúng cho các gia đình, đình làng vào các dịp lễ tết hay khánh thành một công trình văn hóa. Và cứ thế, người yêu chữ Nho luôn tìm đến ông đồ Thống để xin chữ, nhất là mỗi độ xuân về… “Cõng” chữ Nho giúp đời Từ lúc trót mang duyên nợ với chữ Nho, ông Thống đã nguyện sẽ đem tất cả những gì mình biết để giúp người, làm đẹp cho đời. “Tôi là người hoài cổ, thích cái hay, cái đẹp của chữ Nho và từng ao ước được đem cái hay, cái đẹp ấy để hiến dâng, ban tặng cho cuộc đời. Đồng thời muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc”, ông Thống nói. Ngày nay, nhu cầu tìm về gốc gác, cội nguồn và sở thích trang trí chữ Nho trong mỗi gia đình bắt đầu tăng thì người thông thạo chữ Nho như ông thấy vui đến lạ. Ông đã có điều kiện để thực hiện tâm nguyện của mình. “Ngày trước, ông cha ta để lại các gia phả bằng chữ Nho nên con cháu sau này không đọc được. Giúp họ tìm được nguồn gốc, thứ bậc của mình là điều mà người yêu chữ Nho như tôi luôn ao ước”, ông Thống cho biết. Biết ông hay chữ, nhiều người đã tìm đến ông để nhờ dịch thuật các gia phả, phù điêu mà tổ tiên để lại. Mỗi lần có người đến tìm là ông lại khăn gói lên đường mà chẳng nề hà đến công sá. Có khi dịch xong, ông chỉ nhận lời mời bữa cơm, ít tiền chi phí đi lại chứ chẳng so đo vấn đề tiền bạc. Ông đã giúp cho nhiều gia đình, ngôi làng tìm lại được gốc tích và sắp xếp thứ tự tên tuổi tổ tiên thông qua việc dịch gia phả. Một số dòng họ đã được ông dịch gia phả như: dòng họ Lê ở xã Triệu Độ (Triệu Phong); dòng họ Nguyễn Tất ở làng Đại An Khê (Hải Lăng); dòng họ Trần Hữu, Trần Văn ở xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh); họ Phạm ở Lập Thạch, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà. Việc dịch gia phả dòng họ luôn tốn nhiều thời gian và tra cứu rất nhiều sách thế nhưng ông luôn tận tâm vì xem đó là việc trọng, việc hiếu của một đời người. “Việc dịch các cuốn gia phả có khi mất cả tháng ròng mới xong nhưng tôi thấy vui khi mình đã giúp ích được cho nhiều người tìm ra gốc tích, nguồn cội”, ông Thống tâm sự. Tiếng lành đồn xa, nhiều người có gốc gác tận xứ Thanh, xứ Nghệ cũng tìm đến ông để nhờ dịch gia phả. Trong quá trình chu du giúp người, ông cứ nhớ mãi kỷ niệm: “Làng Xuân Hòa ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh là một ngôi làng có từ lâu đời, nhưng người dân trong làng không hề biết làng mình có gốc tích, tên tuổi trước kia như thế nào. Qua những tài liệu bằng chữ Nho còn sót lại và những tài liệu cũ thu thập được, tôi đã giúp cho họ biết được làng Xuân Hòa ngày nay chính là tiền thân của làng Thì Thái, sau đổi tên thành Thới Hòa và đến nay mới có cái tên là Xuân Hòa. Thấy họ vui mừng tôi cũng vui lây”, ông Thống cho hay. Ông Thống luôn được các họ tộc, làng tìm đến để xin câu đối, thậm chí du khách nước ngoài cũng đặt chân đến đây để xin chữ. Có những du khách từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tìm đến ông chỉ để được mục sở thị cách mài mực, viết chữ và muốn xin một vài câu đối bằng chữ Nho mang về nước làm kỷ niệm. Ông Thống còn được biết đến là “thầy đồ” chuyên hướng dẫn sinh viên thực tập. “Trong 3 năm liên tiếp, các sinh viên ngành Hán Nôm (K26, 27, 28) của Trường Đại học Khoa học Huế đều về đây xin tôi thực tập. Tôi thấy rất vui, vì thế hệ trẻ vẫn còn nặng lòng với nét đẹp truyền thống của dân tộc. Vì thế, có bao nhiêu vốn liếng chữ Nho, tôi đều truyền đạt lại cho các cháu”, ông nói trong vui mừng. Nghĩ đến một mai này nét đẹp văn hóa đó sẽ bị mai một và mất đi nên ông đồ Thống đã mở lớp dạy chữ Nho. Được ông kèm cặp, dạy dỗ nên giờ đây nhiều bạn trẻ có thể viết câu đối, thư pháp tặng nhau mỗi độ xuân về. Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN