Cập nhật:  GMT+7

Đông Hà 40 năm xây dựng và phát triển

* Thạc sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Đông Hà (Quảng Trị)

Đông Hà là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội của tỉnh Quảng Trị, là địa bàn chiến lược quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với diện tích 7.225,4 ha, dân số trên 83 vạn người, Đông Hà có địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, là địa bàn động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nằm trên ngã ba của các trục giao thông trọng yếu: Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt nối hai miền Nam- Bắc và Quốc lộ 9 nối liền các nước trong khu vực qua hành lang Đông Tây, Đông Hà được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là đô thị động lực trên tuyến hành lang Đông Tây. Quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển, nhất là 40 năm sau ngày giải phóng, Đông Hà được nhìn nhận như là một điểm tựa lịch sử để vươn tới tương lai tươi sáng trên con đường hội nhập và phát triển. Vào những năm đầu thế kỷ hai mươi, khi đất nước đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ, Đông Hà - địa danh sớm được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng cách mạng vô sản, là chiếc nôi của phong trào yêu nước và phong trào Cộng sản tại Quảng Trị. Chính nơi đây, một trong những chi bộ cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị đã ra đời để tiến tới thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị vào tháng 4/1930. Từ đó, dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, nhân dân Đông Hà cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, phá bỏ xích xiềng nô lệ, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến tay sai, xây dựng chính quyền cách mạng, chính quyền của nhân dân. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đông Hà quyết tâm đem tinh thần và lực lượng tham gia kháng chiến. Chín năm kháng chiến trường kỳ, bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Sông Bến Hải trở thành nỗi đau chia cắt, Đông Hà nằm trong vùng tạm chiếm của Mỹ - nguỵ. Dù trong những điều kiện đen tối, khốc liệt nhất, dù trong sự kìm kẹp, khống chế nghiêm ngặt nhất, Đảng vẫn luôn bám chặt và toả sáng giữa lòng dân. Cùng với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, ngọn lửa cách mạng không bao giờ bị dập tắt, người dân Đông Hà vẫn một lòng một dạ đi theo Đảng, luôn hướng về cách mạng, kiên trì đấu tranh và tin tưởng vào ngày thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân - Hè năm 1972, quán triệt chủ trương Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương “quyết định chọn chiến trường Trị Thiên làm hướng tiến công chủ yếu của chiến lược năm 1972”, Thường vụ Quân uỷ Trung ương nhấn mạnh “việc mở chiến dịch Trị Thiên là nhằm tiêu diệt phần lớn quân địch và mở vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, đưa cuộc chiến tranh tiến lên một bước” và chủ trương của Tỉnh uỷ Quảng Trị, quân và dân Đông Hà đã cùng quân, dân trên khắp chiến trường Trị - Thiên, các sư đoàn chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam giáng những đòn sấm sét vào đầu quân xâm lược. Đúng 15h ngày 28/4/1972, Đông Hà đã hoàn toàn giải phóng. Đông Hà được giải phóng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trở thành hậu cứ trực tiếp của cuộc chiến đấu kiên cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị và là hậu phương của chiến trường miền Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới, mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, nhân dân Đông Hà tự hào đã đóng góp một phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Có được thắng lợi vinh quang, nhân dân Đông Hà phải chịu những tổn thất, hy sinh: Hàng ngàn người con ưu tú của Đông Hà đã ngã xuống trên các chiến trường; hàng nghìn người mẹ, người chị phải chịu cảnh goá bụa, đơn côi; hàng trăm, hàng ngàn đồng chí, đồng bào suốt đời phải mang thương tật vì bom đạn, chất độc của kẻ thù…

Thế hệ trẻ Đông Hà hát mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh -Ảnh: TD

Chiến công và máu xương của đồng chí, đồng bào đã hoà vào sông, suối, ruộng đồng, cây cỏ và làm cho cuộc sống hôm nay đâm chồi, nảy lộc. Sự hy sinh lớn lao của những người con bất khuất, trung kiên đã tô thắm thêm màu cờ cách mạng, làm rạng ngời truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đảng bộ và nhân dân Đông Hà mãi mãi tri ân sâu sắc công lao các thế hệ đi trước đã vì Đông Hà mà chiến đấu, hy sinh máu xương và tuổi xuân của mình. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Đông Hà trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho thị xã (nay là thành phố) Đông Hà; 6 tập thể và 6 cá nhân được nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND, 56 bà mẹ được phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng nghìn tập thể và cá nhân được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Bước ra từ cuộc chiến tranh, Đông Hà bắt tay xây dựng quê hương từ trong hoang tàn đổ nát, mất mát, hy sinh lớn lao, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Song với truyền thống cách mạng, với quyết tâm và ý chí vượt qua khó khăn chồng chất, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đông Hà đã đoàn kết một lòng, giữ vững ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tháo gỡ vướng mắc, trở lực của cơ chế quản lý cũ, thúc đẩy kinh tế - xã hội liên tục phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng Đông Hà ngày càng đổi mới. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ một thị trấn quân quản, Đông Hà trở thành tỉnh lỵ sau ngày tỉnh Quảng Trị được tái lập (tháng 7/1989), Đông Hà vinh dự được giữ vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; là trung tâm thương mại dịch vụ với quy mô cấp vùng và khu vực, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và giao thông liên vùng, là một trong những trọng điểm công nghiệp, trung tâm khoa học - kỹ thuật, văn hoá - xã hội của tỉnh, là đô thị đầu cầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Sau 4 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại 3 (vào năm 2005), Đông Hà nỗ lực xây dựng đô thị và ngày 11/8/2009, Đông Hà trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Khát vọng về một thành phố tương lai đã trở thành hiện thực, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, đồng thời là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những nỗ lực xây dựng, phát triển đô thị theo hướng bền vững. Thành phố Đông Hà luôn duy trì được nhịp độ phát triển kinh tế khá, bình quân hàng năm giai đoạn 2006 – 2011 đạt 15%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tỷ trọng các ngành dịch vụ - công nghiệp và xây dựng - nông nghiệp năm 2011 đạt 66,6 - 30,5 - 2,9 %; tổng giá trị gia tăng sản xuất (VA GDP) của thành phố chiếm 44% toàn tỉnh; đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn 72% trong tổng số giá trị gia tăng (VA) của ngành trên toàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư và nâng cấp, năm 2011 tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 1.070 tỷ đồng, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc; thu ngân sách tăng khá, bình quân hàng năm tăng 16,5%/năm. Văn hoá- xã hội chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng khá, năm 2011 đạt trên 31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy lợi thế trong từng ngành, từng vùng kinh tế gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị ngày càng được quan tâm chỉ đạo. Thành phố đã tập trung công tác xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Hàng năm thành phố chọn chủ đề để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến nay, đã hoàn thành xây dựng đề cương điều chỉnh quy hoạch chung thành phố giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với các nguồn vốn đầu tư của tỉnh và Trung ương, thành phố đã làm tốt việc huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; công tác vận động đầu tư dự án từ nguồn ODA được triển khai tích cực, bước đầu đạt kết quả; đã hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án thu gom và xử lý rác thải thành phố Đông Hà từ nguồn WB, dự án phát triển đô thị dọc hành lang kinh tế Đông – Tây, trong đó có tiểu hợp phần bổ sung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà, tầm nhìn đến năm 2050 do tư vấn quốc tế đảm nhận; thoả thuận đầu tư từ Tập đoàn phát triển nhà đô thị Việt Nam đầu tư khu đô thị Bắc sông Hiếu, khu dân cư Bắc Nguyễn Huệ đã, đang và sẽ tạo thêm nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thành phố. Cùng với quyết tâm phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững, thành phố chú trọng chăm lo phát triển văn hoá – xã hội một cách toàn diện, cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Quy mô, chất lượng giáo dục-đào tạo phát triển nhanh, vững chắc và ngày càng được khẳng định. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường, từng bước được kiên cố hóa, cao tầng hóa. Đến nay, có 24/40 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao được tổ chức sôi nổi, đa dạng, phong phú, thiết thực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được chú trọng và ngày càng phát triển sâu rộng. Đã có 88,2% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, 96,4% khu phố được công nhận khu dân cư tiên tiến, 82,3% cơ quan, trường học được công nhận đơn vị văn hóa. Các thiết chế văn hóa đang được quan tâm đầu tư, đã có 7/9 phường có thiết chế văn hóa, 67 khu phố có nhà văn hóa, trong đó 34 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm. An sinh xã hội luôn tiếp tục được chăm lo, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 8,08%. Công tác quốc phòng- an ninh không ngừng được tăng cường, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân kết thành thế trận lòng dân vững chắc được cổ vũ và phát huy trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những nhân tố quyết định thành công của công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong 40 năm qua là sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước, được kết tinh trong sức mạnh của các cấp uỷ, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ thành phố đến 9 phường và 85 tổ chức cơ sở đảng, với trên 5.500 đảng viên. Đông Hà luôn chăm lo công tác xây dựng đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tích cực đổi mới hoạt động của các cấp chính quyền đô thị theo hướng gọn nhẹ phù hợp với cơ chế mới, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước được nâng lên; hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt kết quả tích cực. Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau 25 năm đổi mới, nhân dân Đông Hà đã vượt qua những khó khăn, thử thách; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Thành tựu có ý nghĩa quan trọng mà Đông Hà đạt được trước hết nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; là sự sáng tạo trong việc cụ thể hoá các nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tế địa bàn thành phố; là việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chung tay xây dựng thành phố; là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè trong tỉnh, cả nước và quốc tế. Để ghi nhận những thành tựu to lớn đã đạt được, năm 2004, lực lượng vũ trang Đông Hà vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Đông Hà được Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2009. Đặc biệt, sau 40 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba cho nhân dân và cán bộ thành phố Đông Hà. Đây là những phần thưởng cao quý, là niềm động viên khích lệ to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố để tiếp tục phấn đấu vươn lên. Phát huy kết quả đạt được, sau 40 năm giải phóng, với tinh thần chủ động, sáng tạo, với quyết tâm vượt qua khó khăn, hạn chế, yếu kém, Đông Hà đang tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã xác định là: Khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của thành phố, phát huy nội lực, chú trọng ngoại lực để phát triển toàn diện kinh tế xã hội. Chú trọng chất lượng tăng trưởng; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ giữ vai trò chủ đạo, công nghiệp giữ vai trò động lực, phát triển nền nông nghiệp đô thị hiện đại. Đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, phát triển không gian đô thị, tìm kiếm, huy động nguồn lực để đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiếp tục rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố, bố trí không gian cảnh quan kiến trúc theo mô hình “thành phố bên sông Hiếu”, “đô thị nhà vườn”, lấy sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển không gian đô thị, có sự kết nối với đô thị lân cận. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy dân chủ trong đảng, trong xã hội, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ. Trước mắt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Với niềm tin lớn vào thành công trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, với ý chí quyết tâm và bằng những hành động cụ thể, thiết thực, tin tưởng chắc chắn Đông Hà sẽ phát triển vững chắc với nhiều thành tựu lớn hơn nữa trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học của tỉnh, là thành phố động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, xứng đáng là một đô thị anh hùng của quê hương Quảng Trị anh hùng.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khúc tráng ca Bộ đội Trường Sơn

Khúc tráng ca Bộ đội Trường Sơn
2024-05-17 06:19:00

QTO - Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn là lực lượng hiệp đồng quy mô lớn bao gồm nhiều binh chủng làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường, đảm bảo tuyến giao thông...

Hồi sinh nơi ngã ba đường 9 anh hùng

Hồi sinh nơi ngã ba đường 9 anh hùng
2012-04-26 12:32:19

* NGUYỄN MINH KỲ, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đông Hà là vị trí tiền đồn để Mỹ - ngụy thiết lập căn cứ chỉ huy,...

Vững niềm tin vào thành phố thân yêu

Vững niềm tin vào thành phố thân yêu
2012-04-26 12:32:00

(QT) - Trong căn nhà nhỏ nằm nép mình trên con đường nhộn nhịp xe cộ buổi tan tầm, tôi gặp lại Anh hùng LLVTND Nguyễn Chí Phi. 40 năm kể từ ngày Đông Hà (Quảng Trị) giải phóng,...

Quê hương biết mấy tự hào

Quê hương biết mấy tự hào
2012-04-25 11:27:36

* VĨNH QUANG, nguyên Bí thư Huyện ủy Triệu Phong (Quảng Trị) Sinh năm 1928 tại xã Triệu Phước (Triệu Phong, Quảng Trị), năm 17 tuổi, tôi tình nguyện vào đội du kích xã Triệu...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết