Cập nhật: Thứ 4, 04/05/2016 | 06:57 GMT+7

Đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp

(QT) - Ngày 29/4/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp năm 2016 có chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi đối thoại. Tại đầu cầu Quảng Trị có các đồng chí: Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Dũng, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; lãnh đạo các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Quảng Trị. Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị vừa trực tuyến vừa trực tiếp để lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị tại đầu cầu Quảng Trị

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%). Việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế, nhất là một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể kể trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng là điều không bình thường. Từ đó đưa ra 11 nhóm kiến nghị chính, bao gồm các kiến nghị liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục đăng ký kinh doanh; thuế, hải quan; đất đai; xây dựng; giải phóng mặt bằng; tài nguyên môi trường; vốn và tiếp cận vốn; giao thông vận tải; phí và lệ phí; thanh, kiểm tra của các cơ quan hành chính; lao động, việc làm và tiền lương. Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp. Chính phủ cần ban hành nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần; phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Trong đó, cần có những giải pháp mang tính chính sách, hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Thực hiện công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để mọi người dân, doanh nghiệp biết và tuân thủ. Cũng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã trao đổi nhiều ý kiến về cơ chế, chính sách, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh và đề nghị với Chính phủ một số nội dung mà doanh nghiệp quan tâm. Tập trung vào việc giảm thuế, lãi suất cấp vốn, đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong thủ tục, ứng dụng khoa học công nghệ trong dịch vụ công và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực; có giải pháp bảo vệ thị phần, doanh nghiệp bán lẻ trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo thuận lợi trong cấp giấy phép lao động trong sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương chia sẻ những khó khăn hiện tại, đồng thời cam kết mạnh mẽ về những giải pháp thực hiện trong thời gian tới trên tinh thần coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp mọi thành phần phát triển; đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; ổn định mức lãi suất, tỷ giá; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp… Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xã hội Việt Nam có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, cần nhìn nhận thực chất và thẳng thắn thừa nhận môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, một số tồn tại nổi bật như: các luật và văn bản hướng dẫn luật ban hành còn chậm, các thông tư hướng dẫn không rõ ràng; chưa có giải pháp tạo đột phá khuyến khích doanh nghiệp phát triển; sức cạnh tranh của doanh nghiệp có chiều hướng giảm do các thể chế, thủ tục; khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược hội nhập của mình cũng như xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Nhà nước cũng đảm bảo sự ổn định lâu dài của các chính sách, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo môi trường an ninh, an toàn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Các quyết định của nhà nước tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần chính phủ kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập, cần có chính sách hỗ trợ phát triển riêng. Các doanh nghiệp có tính rủi ro lớn, hoạt động công ích, tham gia nhiệm vụ quốc phòng - an ninh cũng cần có cơ chế quản lý phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ sẽ ngăn chặn có hiệu quả việc “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, trừ các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý. Nhà nước cũng sẽ giảm dần tiến tới loại bỏ các loại phí, lệ phí bất hợp lý; giải quyết triệt để những vướng mắc, phát sinh liên quan đến thủ tục đầu tư. Trong chương trình hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết với VCCI về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý, sau hội nghị, tất cả các địa phương trong cả nước đều phải triển khai ký kết và thực hiện nội dung quan trọng này. Tin, ảnh: LÊ MINH



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tuổi trẻ Quảng Trị xung kích trở lại với biển

Tuổi trẻ Quảng Trị xung kích trở lại với biển
23:57 03/05/2016

(QT) - Nhằm chủ động và kịp thời chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân và các hộ kinh doanh thủy sản, ngày 1/5/2016, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động các cấp bộ Đoàn và đoàn...

Thời tiết

27°C - 37°C
Ít mây, trời nắng nóng gay gắt
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 26°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long