Cập nhật: Thứ 7, 11/08/2018 | 07:20 GMT+7

Để chính sách phát huy tốt hiệu quả

(QT) - Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII được tổ chức gần đây, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh vì sao tỉnh đã có chính sách, quy định về sử dụng gạch không nung trong xây dựng nhưng trên thực tế có không ít công trình sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước lại không sử dụng loại vật liệu xây dựng này, phải chăng chất lượng của gạch không nung chưa đảm bảo? Trả lời câu hỏi này, giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận chất lượng của gạch không nung trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển vật liệu xây không nung, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ - UBND ngày 23/10/2013 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn đến năm 2020 nhằm thực hiện mục tiêu chính là từng bước thay thế gạch đất sét nung, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp. Kế hoạch quy định các công trình xây dựng đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải sử dụng gạch không nung theo lộ trình: Tại thành phố Đông Hà phải sử dụng 50% gạch không nung từ ngày 1/12/2013 và sử dụng 100% kể từ năm 2014; các địa phương còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% gạch không nung kể từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%… Quy định là như thế và để đón đầu chính sách, một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung với tổng công suất khoảng 100 triệu viên/năm vào thời điểm cuối năm 2016, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng vật liệu này theo lộ trình. Vậy nhưng trên thực tế việc sử dụng gạch không nung chưa được nhiều chủ đầu tư công trình quan tâm, thậm chí khi xây dựng trụ sở làm việc của mình, có cơ quan cấp tỉnh cũng “quên” luôn quy định này. Hỏi lý do, nhiều chủ đầu tư đã “lỡ” dùng gạch không nung thì than vãn rằng công trình thường hay xảy ra hiện tượng nứt tường, tách tường, thấm tường...Chủ đầu tư chưa sử dụng thì nghi ngại về chất lượng, không mặn mà trong việc chọn loại vật liệu này. Trong khi đó, gạch không nung hầu như vắng bóng ở các công trình xây dựng không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước. Điều này khiến các nhà máy sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh luôn ở trong tình trạng hoạt động cầm chừng, chưa có nhà máy nào đạt quá 40% công suất thiết kế.

Trái ngược với tình cảnh này là sản xuất gạch nung tuynen của các nhà máy trên địa bàn tỉnh đều vượt công suất thiết kế. Chủ đầu tư quay lưng hoặc không tự giác sử dụng gạch không nung có nguyên nhân là các nhà sản xuất chưa quan tâm đến việc công bố, tuyên truyền về chất lượng và tính năng của sản phẩm, thực hiện chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu thụ sản phẩm; một số nhà sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm kém chất lượng; không có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật. Công tác quản lý, giám sát chủ đầu tư trong thực hiện các quy định của UBND tỉnh về sử dụng gạch không nung của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời…Những vấn đề này cùng với trả lời của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng về kiểm soát chất lượng của gạch không nung đã lý giải đầy đủ nguyên nhân vì sao một chính sách mang nhiều ý nghĩa trong lĩnh vực này đã không phát huy đầy đủ hiệu quả.

Việc ban hành chính sách là để giải quyết vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã xác định; chính sách không chỉ đề ra mục tiêu và các giải pháp với công cụ hành động thực hiện nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề trong đời sống xã hội mà còn giải quyết mối quan hệ giữa các bên tham gia chính sách. Vấn đề này trong nhiều năm qua đã được tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt, qua đó tạo ra nhiều cơ chế, huy động được nhiều nguồn lực cũng như sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên vẫn còn đó một số chính sách chưa phù hợp, khó áp dụng trong thực tế, lãng phí hoặc gây khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện và hệ quả tất yếu là những chính sách này không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể tạo ra dư luận tiêu cực trong xã hội.

Để chính sách phát huy tốt hiệu quả thì việc xây dựng chính sách phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và công tác quản lý, điều hành của chính quyền. Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, triển khai thực hiện chính sách phải là những người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực, kiến thức chuyên môn; luôn bám sát thực tiễn, sự vận động và xu thế phát triển của xã hội. Đề cao tính kịp thời, phối hợp đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát về tiến độ, hiệu quả thực hiện.

Huy Nam



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Phát huy hiệu quả Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”
22:50 24/07/2023

Trong những năm qua, tại Quảng Trị, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát huy hiệu quả với nhiều hoạt động ý nghĩa, trở thành phong trào được người dân trên địa bàn ...

Từ cây dứa, nghĩ về tái cơ cấu nông nghiệp

Từ cây dứa, nghĩ về tái cơ cấu nông nghiệp
22:43 27/07/2018

(QT) - Mô hình liên kết trồng dứa nguyên liệu lần đầu tiên được triển khai với tổng diện tích khoảng 140 ha trên vùng gò đồi, vùng cát ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh,...

Thời tiết

24°C - 30°C
Có mây, có mưa rào và dông
  • 25°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 34°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long