Cập nhật:  GMT+7

ĐBQH Hà Sỹ Đồng góp ý Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay 28/5, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng góp ý Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc hội ngày 28/5 - Ảnh: TT

Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã bày tỏ sự thống nhất với các nội dung của dự thảo luật.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và thích ứng với những yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch hiện hành, nhiều địa phương, bộ, ngành đã gặp không ít vướng mắc do các quy định còn chưa rõ ràng, thiếu tính liên kết giữa các loại quy hoạch, hoặc chưa có cơ chế xử lý hiệu quả khi phát sinh xung đột giữa các quy hoạch cùng cấp hoặc khác cấp.

Đại biểu đánh giá cao các điểm mới tích cực trong dự thảo như việc cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch, làm rõ vai trò của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phát huy hiệu quả khi triển khai, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện.

Cụ thể, về khái niệm và vai trò của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, dù dự thảo đã đưa ra định nghĩa và nguyên tắc phù hợp, đại biểu cho rằng vẫn cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, cũng như mối quan hệ cụ thể giữa loại quy hoạch này với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Trong thực tiễn, loại quy hoạch này thường phát sinh xung đột với quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch hạ tầng, do đó việc quy định rõ cơ chế xử lý mâu thuẫn, cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh là điều rất quan trọng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến quy trình xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Việc dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ là người quyết định trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch ngành quốc gia là hợp lý, song cần bổ sung quy trình rõ ràng, minh bạch với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và hội đồng chuyên gia độc lập.

Điều này sẽ giúp Thủ tướng có đủ căn cứ khi đưa ra quyết định cuối cùng, đồng thời tránh được tình trạng quá tải trách nhiệm điều hành.

Về thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch, đề nghị cân nhắc lại để bảo đảm tính độc lập, khách quan và chuyên môn hóa, nhất là đối với quy hoạch tỉnh. Việc giao Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng cần được xem xét lại trên cơ sở phù hợp với chức năng chuyên ngành. Nếu vẫn giữ nguyên như trong dự thảo, đề nghị cần có thêm cơ chế kiểm tra, giám sát, phản biện độc lập để nâng cao chất lượng và hạn chế xung đột lợi ích trong quá trình thẩm định quy hoạch.

Đại biểu cũng đặc biệt lưu ý về các nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với việc sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức lại chính quyền địa phương. Đây là điểm mới cần thiết và đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, cần bổ sung thêm các yêu cầu về việc lấy ý kiến người dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp – những đối tượng trực tiếp bị tác động – để quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn và tạo sự đồng thuận khi triển khai.

Việc thay đổi vai trò của Bộ Tài chính từ cơ quan phối hợp sang cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về quy hoạch, cũng như việc đổi tên một số bộ, đây là những thay đổi mang tính hệ thống, không chỉ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch mà còn tác động đến tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Vì vậy, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về tác động, đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện rõ ràng để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng khẳng định Luật Quy hoạch là một trong những đạo luật then chốt để thể chế hóa các chiến lược phát triển và điều phối không gian quốc gia một cách hiệu quả. Đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý từ đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan để chỉnh lý dự thảo theo hướng cụ thể, rõ ràng và phù hợp hơn với thực tiễn.

Trường Sơn – Thanh Tuân

Tin liên quan:

Trường Sơn – Thanh Tuân

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long