Cập nhật: Thứ 4, 20/08/2008 | 08:37 GMT+7

Đẩy mạnh xây dựng nhà công vụ cho giáo viên

Một trong những vấn đề mà nhiều giáo viên lo lắng khi được phân công đến công tác ở các xã miền núi, vùng sâu đó không chỉ là điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mà còn có nỗi lo thiếu chỗ ở, điều kiện sinh hoạt không được đảm bảo. Thực tế đó cho thấy việc xây dựng nhà ở, nhà công vụ cho giáo viên là một nhu cầu bức xúc, nhất là đối với các xã vùng biên giới, miền núi, miền biển - những nơi mà hầu hết giáo viên từ các địa phương khác đến công tác. Nhận thức được vấn đề này, từ nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã triển khai đề án làm nhà công vụ cho giáo viên, mỗi năm ngân sách của tỉnh chi từ 1-2 tỉ đồng cho công tác này. Ngoài ngân sách Nhà nước, còn có sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các chương trình, dự án cũng đã góp phần xây thêm nhiều nhà ở cho giáo viên. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn tỉnh có khoảng 300 phòng ở, nhà công vụ cho giáo viên.

Học sinh trường tiểu học Hải Lâm chuẩn bị vào năm học mới
Tuy đã có nhiều cố gắng, song thực tế là ở các địa phương, các trường học còn thiếu rất nhiều nhà ở cho giáo viên. Ông Hồ Xuân Phúc, Trường phòng GD-ĐT huyện Hướng Hoá cho rằng nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên vẫn còn rất bức xúc, không chỉ ở các bản lẻ, vùng sâu mà ngay cả các xã vùng kinh tế mới dọc Đường 9 cũng thiếu. Do thiếu phòng ở nên có trường 6-7 giáo viên cùng sống, sinh hoạt trong một phòng chật chội, có nơi giáo viên phải ngủ trên sạp, ngủ ở lớp học; cũng có giáo viên phải dành đồng lương ít ỏi của mình để thuê nhà trọ. Theo khảo sát của ngành Giáo dục Hướng Hoá, nhu cầu nhà công vụ cần xây dựng từ nay đến năm 2012 là 281 nhà. Ở huyện Đakrông, ông Mai Huy Phương, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: Trong những năm qua nhờ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước nên đã xây dựng được hơn 181 phòng ở cho giáo viên. Riêng trong năm học 2007-2008 huyện đã xây dựng 26 phòng với tổng kinh phí 1 tỉ 250 triệu đồng, tuy vậy nhà công vụ cũng đang thiếu trầm trọng, một số nơi giáo viên phải ở chung phòng, hoặc giáo viên của nhiều trường ở ghép trong một phòng công vụ...Điều đó ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống, công tác chuyên môn của các thầy, cô giáo. Không chỉ ở Hướng Hoá, Đakrông mà nhiều địa phương khác cũng đang thiếu nhà ở cho giáo viên như huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh; một số trường THPT cũng có nhu cầu nhà ở cho giáo viên nội trú. Điều đáng phấn khởi là gần đây việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên không chỉ là trách nhiệm của tỉnh, huyện mà Trung ương cũng đã có sự hỗ trợ thoả đáng. Bộ GD-ĐT đã đưa việc xây dựng phòng học và nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên vào danh mục để đầu tư. Trong năm 2008 tỉnh Quảng Trị được phân bổ hơn 107 tỉ đồng để xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng nhà ở cho giáo viên nội trú. Mới đây tỉnh cũng đã phê duyệt đề án “Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh giai đoạn 2008-2012”, với mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2012 sẽ xây dựng 1.100 nhà công vụ giáo viên, trước mắt trong năm 2008 xây dựng 279 nhà công vụ . Trong đó huyện Hướng Hoá xây dựng 65 nhà, Đakrông 55, Gio Linh 23, Triệu Phong 53, Hải Lăng 17, khối các trường học, đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT 44. Được biết diện tích xây dựng mỗi phòng là 24 m2, trị giá xây dựng mỗi phòng công vụ bình quân 60 triệu đồng. Như vậy, với sự hỗ trợ thoả đáng từ ngân sách Trung ương, trong những năm tới nhà công vụ cho giáo viên sẽ được xây dựng nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu ổn định nơi ăn chốn ở của các thầy, cô giáo khi đến công tác ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bài, ảnh: NB


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

30 phút dập tắt đám cháy

30 phút dập tắt đám cháy
01:37 18/08/2008

Vào lúc 11 giờ 30 ngày 13/8/2008, tại vùng đất cỏ giáp ranh giữa khu phố 1, thị trấn Gio Linh với thôn Tân Lịch (xã Gio Bình) và dãy cao su Nông trường Dốc Miếu xuất hiện một...

POWERED BY
Việt Long