Cập nhật:  GMT+7

“Dân vận khéo” trong tiếp nhận, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

* Đồng chí HOÀNG ĐỨC THẮNG, TUV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Quảng Trị Việc tiếp xúc cử tri để lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh đến các kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND), kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết; đồng thời giám sát việc giải quyết các kiến nghị ấy là một trong những chức năng, nhiệm vụ của đại biểu HĐND. Trong những năm qua, đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh đã thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ này và ngày càng thể hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo cử tri , nhất là cử tri nơi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND. Những tâm tư, nguyện vọng của cử tri cơ bản được các đại biểu HĐND tập hợp, thông qua tổ đại biểu được phản ánh đến các kỳ họp HĐND. Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân các cấp đã điều hành,chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Tại các kỳ họp HĐND, UBND đều có báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong thực tế, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được quan tâm giải quyết, tạo niềm tin, phấn khởi của cử tri vào vai trò đại biểu HĐND và sự điều hành, quản lý của chính quyền các cấp trong tỉnh.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh - Ảnh: THÀNH DŨNG

Mỗi kỳ tiếp xúc với đại biểu HĐND, hoặc mỗi kỳ họp HĐND, bên cạnh sự quan tâm của cử tri đối với tình hình kinh tế - xã hội địa phương, các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, các quyết sách mà HĐND đề ra liên quan đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đến đời sống nhân dân; thì cử tri dành sự quan tâm đặc biệt rằng: Các kiến nghị của nhân dân được đại biểu HĐND tiếp nhận, phản ánh như thế nào? Chính quyền, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, giải quyết ra sao? Và phần lớn thời gian các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND đều dành cho việc phản ánh, đề đạt ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo, giải trình của các vị đại biểu HĐND trước các vấn đề mà cử tri quan tâm. Trong các cuộc tiếp xúc đó, đại biểu HĐND không chỉ là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng nhân dân để lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân, mà đại biểu HĐND vừa phải đứng về phía chính quyền, các cơ quan chức năng của nhà nước để trả lời, giải trình, giải thích các vấn đề cử tri nêu ra, kể cả trả lời việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân đã nêu ở các kỳ tiếp xúc cử tri trước đó. Nhân dân luôn đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào đại biểu dân cử trong việc tiếp nhận, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và kết quả giải quyết ý kiến, mong muốn ấy. Đó là đòi hỏi chính đáng và đó cũng là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND và HĐND các cấp. Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri có thể xem là thước đo hiệu quả, hiệu lực hoạt động của đại biểu HĐND và HĐND với tư cách đại diện cho quyền lực của nhân dân địa phương cũng như thể hiện năng lực “dân vận khéo” và uy tín của mỗi đại biểu HĐND trước cử tri. Trong thực tế, thông qua hoạt động của mình, đại biểu HĐND đã tiếp nhận phản ánh cơ bản đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến kỳ họp HĐND và một bộ phận ý kiến, kiến nghị của nhân dân đã được các cấp, các ngành từng bước giải quyết đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân. Thông qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền các cấp và do đó tin tưởng hơn với chế độ tốt đẹp của chúng ta. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân thì nhiều, song việc giải quyết không thể “một sớm, một chiều”, nhất là những ý kiến, kiến nghị về cơ chế chính sách, những nhu cầu cần phải có nguồn lực vật chất, có thời gian mới thực hiện được. Những loại ý kiến như vậy cũng mong cử tri chia sẻ, thông cảm chờ đợi. Điều đáng nói là có những ý kiến cử tri nêu ra trong khả năng có thể xem xét, giải quyết nhưng chưa được các cấp chính quyền, các ngành chức năng có trách nhiệm tiếp thu giải quyết đầy đủ và kịp thời hoặc giải quyết còn đối phó, không thoả đáng, chậm, kéo dài. Có những ý kiến nêu trong kỳ họp trước, nhưng đến các kỳ họp sau không báo cáo kết quả đã được xem xét giải quyết như thế nào; có ý kiến cử tri đề nghị nhiều lần song không được giải quyết để kéo dài. Điều đó làm cho nhân dân bức xúc, đại biểu HĐND không có thông tin, cơ sở để trả lời nhân dân thoả đáng trong mỗi kỳ tiếp xúc cử tri. Lâu dần, sẽ gây mất niềm tin của nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cũng như uy tín của mỗi đại biểu HĐND. Đó cũng là nguyên nhân một số nơi cử tri không mấy mặn mà, hào hứng, phấn khởi, tin tưởng khi đến tiếp xúc với đại biểu HĐND; cá biệt có nơi thưa vắng nhân dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Để thực hiệc tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thực hiện quyền năng do luật định, thiết nghĩ mỗi đại biểu HĐND và HĐND các cấp cần thực hiện tốt những vấn đề sau đây: Trước hết, đại biểu HĐND các cấp do nhân dân bầu ra là cầu nối nhân dân với chính quyền, bản thân họ “là người của dân”, gần gũi nhân dân và là lực lượng làm công tác dân vận thiết thực, hiệu quả theo phương châm “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” như lời Bác Hồ dạy. Vì vậy, mỗi đại biểu HĐND cần ý thức đầy đủ trách nhiệm về việc tiếp nhận, phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị ấy của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Trong các kỳ họp HĐND cần dành thời gian thoả đáng cho việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân và tổng hợp, phân tích, phân loại ý kiến, kiến nghị không chỉ theo nhóm các lĩnh vực, mà cần xác định: Ý kiến, kiến nghị nào cấp thiết, có khả năng giải quyết thì phân công giải quyết ngay, không chờ đợi, đùn đẩy trách nhiệm. Ý kiến, kiến nghị liên quan đến địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực nào thì giao nhiệm vụ cho địa phương, đơn vị, ngành đó xem xét, giải quyết có thời hạn hoàn thành báo cáo kết quả cho đại biểu HĐND và nhân dân rõ. Ý kiến, kiến nghị chung liên quan đến các địa phương thì thông qua tổ đại biểu HĐND đắc cử tại địa bàn để tiếp xúc, báo cáo với cử tri rõ. Đồng thời, thông qua các kênh thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng thông báo rộng rãi cho nhân dân biết. Ý kiến nào cần phải có thời gian, điều kiện mới giải quyết được; ý kiến nào vượt quá thẩm quyền của HĐND, trách nhiệm của địa phương thì tập hợp báo cáo lên trên xem xét và báo cáo cho cử tri rõ, an tâm, chờ đợi. Hai là, cần rà soát các ý kiến, kiến nghị cử tri tại các kỳ họp trước đến nay chưa giải quyết, hoặc giải quyết chưa dứt điểm còn tồn đọng kéo dài nhân dân bức xúc, kiến nghị nhiều lần để tập trung chỉ đạo giải quyết không để nhân dân chờ đợi quá lâu, gây mất tin tưởng vào HĐND và chính quyền các cấp. Tại các kỳ họp HĐND cần dành thời gian cần thiết cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và bố trí truyền hình trực tiếp để nhân dân được biết. Trước mỗi kỳ tiếp xúc cử tri cần cung cấp cho đại biểu HĐND kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị (kể cả thông tin về phương hướng giải quyết nếu chưa giải quyết được) để đại biểu HĐND báo cáo với cử tri. Xem việc báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri là nội dung bắt buộc trong chương trình hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND. Ba là, Thường trực HĐND các cấp cần lựa chọn một số nội dung kiến nghị quan trọng, cấp bách, phức tạp, kéo dài nhân dân quan tâm bức xúc để đưa vào chương trình làm việc định kỳ nội dung giám sát việc giải quyết; thông qua đó để đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Tổ chức thường kỳ các cuộc đối thoại giữa nhân dân và các ngành chức năng, các cấp chính quyền về việc giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị tại địa bàn dân cư, nhất là những nội dung nhân dân bức xúc, kéo dài. Tăng cường giao trách nhiệm cho các tổ đại biểu HĐND trực tiếp giám sát việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhân dân tại địa bàn đắc cử, nâng cao trách nhiệm, vai trò giám sát của mỗi đại biểu HĐND trong giám sát việc giải quyết kiến nghị của nhân dân. Làm được những vấn đề trên đây sẽ tạo ra mối liên hệ mật thiết, trách nhiệm của đại biểu HĐND và HĐND, của các cấp, các ngành với cử tri, đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và do đó, nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào Đảng, chính quyền, vào hiệu quả hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND, góp phần tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Và đây cũng chính là cách thức thiết thực đưa Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới vào thực tiễn cuộc sống, là nội dung, phương thức “dân vận khéo” của mỗi đại biểu HĐND và HĐND, của các cấp chính quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khúc tráng ca Bộ đội Trường Sơn

Khúc tráng ca Bộ đội Trường Sơn
2024-05-17 06:19:00

QTO - Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn là lực lượng hiệp đồng quy mô lớn bao gồm nhiều binh chủng làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường, đảm bảo tuyến giao thông...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết